Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về tới sân bay Nội Bài vào đêm 28/6, kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân.
"Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các nhận thức chung của Tổng Bí thư hai nước, nhất là Tuyên bố chung tháng 11/2022 về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước", theo đánh giá của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam
Bộ trưởng Sơn nêu kết quả quan trọng của chuyến thăm trên 4 khía cạnh.
Thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở quan trọng để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới.
Ông cho biết trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài.
Cũng theo ông Sơn, trong các cuộc gặp, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam.
Thứ hai, sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng, đó là hai bên đã đạt nhiều nhận thức chung quan trọng, nhất trí nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kết nối giao thông, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ, hạ tầng cửa khẩu...
"Phía Trung Quốc khẳng định sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản, tăng thêm hạn ngạch cho hàng hóa Việt Nam quá cảnh bằng đường sắt Trung Quốc đi nước thứ ba, mở rộng đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào những lĩnh vực phù hợp với nhu cầu của Việt Nam", Bộ trưởng Ngoại giao thông tin.
Thứ ba, chuyến thăm của Thủ tướng đã giúp tăng sự hiểu biết hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội cho việc phát triển quan hệ hai nước.
Thứ tư, theo Bộ trưởng Ngoại giao, chuyến thăm có nhiều hoạt động phong phú, kết quả đạt được rất thực chất.
Bên cạnh các hoạt động chính thức, Thủ tướng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, đi khảo sát Khu mới Hùng An - đô thị kiểu mẫu mới nhất về cải cách mở cửa và đổi mới sáng tạo của Trung Quốc tại tỉnh Hà Bắc….
"Các doanh nghiệp đều đánh giá cao môi trường và triển vọng đầu tư của Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới", ông Sơn nói.
Thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh
Bên cạnh hoạt động thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới Thiên Tân (Hội nghị WEF Thiên Tân).
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết Thủ tướng đã có lịch trình làm việc dày đặc trong gần 24 tiếng tại Thiên Tân, gồm tham dự và phát biểu nhiều phiên họp quan trọng, trao đổi hiệu quả, cởi mở với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và tập đoàn hàng đầu thế giới.
Thông tin về kết quả sự kiện này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã chia sẻ nhiều quan điểm, định hướng, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Sáu "cơn gió ngược", cũng là sáu nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm kinh tế toàn cầu và sáu định hướng giải pháp mà Thủ tướng đưa ra đã được lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hết sức chia sẻ.
"Thông điệp của Thủ tướng về ba yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế được đánh giá cao và trở thành định hướng thống nhất cao tại Hội nghị WEF năm nay", theo lời Bộ trưởng Sơn.
Ông cũng nêu rõ sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã góp phần thúc đẩy thực chất quan hệ giữa Việt Nam và WEF. Việc hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giai đoạn 2023-2026, tập trung vào những lĩnh vực khả thi như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, chuyển đổi số… đã tạo nền tảng để tăng cường quan hệ hai bên trong giai đoạn mới.
Cũng theo Bộ trưởng Ngoại giao, sự tham gia của Việt Nam tại hội nghị đã góp phần truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu về những thành tựu, tiềm năng, thế mạnh và định hướng phát triển của Việt Nam nhằm tăng cường niềm tin, đẩy mạnh đầu tư.
"Điều đáng mừng, tại tất cả cuộc trao đổi, Việt Nam luôn được giới thiệu là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao, một nền kinh tế năng động, đổi mới với quy mô và tiềm năng ngày càng lớn mạnh", Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh.
Ông đúc kết sự tham gia lần đầu tiên của Thủ tướng tại sự kiện này đã tạo dấu ấn tốt với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế về vị thế của Việt Nam, tăng cường thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.