Vấn đề xây dựng văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nay
Từ thực tiễn vận động và phát triển của văn hóa (cả phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn) hiện nay, những thành tố của văn hóa không chỉ giản đơn là văn học, nghệ thuật, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể… Văn hóa, hiểu theo nghĩa rộng, là sự thể hiện và thực hiện những sức mạnh, sức sáng tạo của con người trong toàn bộ các lĩnh vực hoạt động của đời sống kinh tế-xã hội. Do thể hiện và thực hiện những sức mạnh, sự sáng tạo của con người mà văn hóa giữ vai trò nền tảng tinh thần của xã hội và là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Xét cho cùng, mọi sự phát triển đều do con người quyết định mà văn hóa thể hiện trình độ vun trồng ngày càng cao, càng toàn diện, làm cho con người và xã hội ngày càng phát triển, tiến bộ.
1. Khái niệm về văn hóa công sở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Đó là sự khái quát sâu sắc chức năng căn bản, giá trị nổi bật và sức mạnh to lớn của văn hoá. Dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, văn hoá vật thể hay văn hoá phi vật thể, thì văn hoá - với ý nghĩa là những giá trị sáng tạo của con người, đều là nguồn lực nội sinh vô tận, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến con đường phát triển của một quốc gia. Trong đó, thành tố có ảnh hưởng sâu rộng, mạnh mẽ đến hướng đi của một dân tộc chính là văn hoá chính trị, mà nòng cốt là văn hoá lãnh đạo, quản lý.
Kế thừa và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội; đặc biệt coi trọng nâng cao văn hoá lãnh đạo và quản lý”[1]. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của hoạt động công vụ vừa phụ thuộc vào phương thức quản lý, vừa phụ thuộc vào các chủ thể quản lý. Vì thế, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi công vụ, cần phải nâng cao văn hoá của cả phương thức thực thi công vụ lẫn nhân cách của các chủ thể thực thi công vụ.
Tìm hiểu khái niệm văn hoá công sở, có thể nhận thấy, cách tiếp cận về văn hoá công sở của các nghiên cứu đề cập đến nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau của vấn đề này. Các nghiên cứu cố gắng luận giải những yếu tố cốt lõi của văn hoá công sở và tác động của văn hoá công vụ đến sự vận hành của khu vực công, của các cơ quan công quyền mà trực tiếp là hệ thống hành chính nhà nước. Văn hóa công sở là hệ thống những giá trị niềm tin, sự mong đợi của các thành viên trong tổ chức, tác động qua lại với các cơ cấu chính thức và tạo nên những chuẩn mực hành động về truyền thống và cách thức làm việc của tổ chức mà mọi người trong đó đều tuân theo. Văn hóa công sở là kết quả của phương thức thể hiện qua ứng xử, giao tiếp, trang phục… giữa các nhân viên, người lao động, người lãnh đạo trong hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Văn hóa công sở đặt ra để con người đáp ứng theo những quy định, tiêu chí hay các nhu cầu của tổ chức về cách giao tiếp, tác phong quy định, giờ giấc, thói quen…để môi trường công sở trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, mọi người làm việc sẽ thỏa mái và có sự tôn trọng, vui vẻ.
Văn hoá công sở là một khái niệm kép, nó được cấu thành từ hai khái niệm “văn hoá” và “công sở”. Nhưng văn hoá công sở không phải là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là văn hóa ở trong công sở hay công sở có tính văn hoá. Nó là sự thẩm thấu, tổng hòa của văn hoá vào công sở, là công vụ có tính văn hoá. Văn hoá công sở chính là tinh thần nhân văn trong xử lý các quan hệ giữa cơ quan công quyền với tổ chức, công dân nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội vì mục tiêu phục vụ nhân dân.
2. Vai trò của văn hóa công sở trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước
Văn hóa nói chung, văn hóa công sở nói riêng là sự kết nối của hệ thống giá trị từ truyền thống đến hiện đại, vừa mang đậm bản sắc của cái riêng, cái “dân tộc” vừa tuân thủ chuẩn mực chung, chuẩn mực của “thời đại”. Trình độ học vấn là điều kiện để mở cửa sổ trí tuệ và tâm hồn con người bước vào nền văn hóa tiên tiến hơn. Từ các phân tích trên, có thể nói văn hoá là nền tảng tinh thần của hoạt động công sở. Nó biểu hiện sức mạnh tiềm tàng và bản lĩnh của các thành viên trong hoạt động công sở dưới các khía cạnh sau:
Một là, văn hóa thể hiện giá trị truyền thống kết nối với giá trị hiện đại và hệ giá trị đặc trưng riêng của hoạt động công sở. Ở các quốc gia phát triển trên thế giới, các thành viên công sở đều ý thức rất rõ: họ đang làm việc vì ai, vì cái gì và tại sao họ lại đạt hiệu quả làm việc cao như vậy. Phần lớn họ có ý thức văn hoá dân tộc rất cao, có nhận thức cao trong sự phát triển đất nước, ý thức về danh dự của nhà nước, về truyền thống của cơ quan công sở, nơi đang làm việc và cống hiến; hơn nữa lương tâm và danh dự, ý thức về sự tồn tại khiến họ ý thức được văn hoá là động lực phát triển của mọi hoạt động trong các công sở hiện nay. Yếu tố dân tộc, hiện đại và hệ giá trị này thấm nhuần trong mỗi thành viên công sở, được chắt lọc, kế thừa và phát triển, phát huy theo quá trình đi lên của công sở, được vật chất hoá trong các cấu trúc thiết chế hành chính và công nghệ hành chính. Đổi mới hoạt động công sở là một thành tựu văn hoá. Thành tựu này giúp cho việc hiện đại hoá nền hành chính nhà nước Việt Nam, giúp cho các cơ quan, công sở nhà nước Việt Nam vươn tới tầm cao mới của sự phát triển hiện đại.
Hai là, vai trò của văn hoá càng được phát huy nếu gắn với trình độ học vấn và trình độ văn minh trong hoạt động của các công sở. Một nền văn minh mới xuất hiện đã thể hiện ở sự hình thành các tiêu chí, chuẩn mực trong hoạt động công sở, quan hệ ứng xử và môi trường chính trị mang đậm màu sắc văn hoá nhân văn, nhân ái và nhân bản, với các giá trị chân, thiện, mỹ. Việc các công sở khuyến khích, thậm chí bao cấp việc học tập cho các thành viên là nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các công sở hiện nay. Một số các quốc gia trên thế giới qui định cán bộ, công chức khi đến công sở phải, mặc đồng phục được coi là trách nhiệm cao, dù không cần một lời tuyên thệ nào. Điều này làm cho mỗi cán bộ, công chức tự khép mình vào kỷ luật và khuôn phép, coi kỷ luật công sở là hòn đá tảng của tinh thần văn hoá dân tộc.
Ba là, vai trò của văn hóa thể hiện là nền tảng mang tính nhân bản của công sở. “Cái “chân” là biểu hiện giá trị của “cái thật” trong hoạt động công sở, đó là: giá trị của cái đúng, của chân lý; giá trị của tri thức khoa học, sự hiểu biết, trí tuệ; giá trị của qui phạm pháp lý, qui phạm đạo đức, hướng về cội nguồn của mỗi cán bộ, công chức. Văn hoá còn có vai trò to lớn trong việc xây dựng một nề nếp làm việc khoa học, kỷ cương và dân chủ. Nó đòi hỏi các thành viên trong công sở phải quan tâm đến hiệu quả công việc chung của công sở, giúp cho mỗi cán bộ, công chức tự nhìn lại, đánh giá mình, chống lại những biểu hiện thiếu văn hoá như: tham ô, móc ngoặc, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, cơ hội… Bên cạnh đó, yếu tố văn hoá còn giúp cho mỗi thành viên trong công sở phải tôn trọng kỷ luật, danh dự của công sở, quan hệ thân ái, đoàn kết, hợp tác vì sự nghiệp chung của công sở.
Bốn là, vai trò của văn hóa thể hiện là nền tảng mang tính nhân ái của công sở. Văn hóa là chiếc nôi nuôi dưỡng giá trị “cái thiện” trong hoạt động công sở với hệ thống giá trị của cái tốt, của lương tâm, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của mỗi cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ, lành mạnh thì không có sự phát triển công sở bền vững. Vận dụng các yếu tố văn hoá trong việc thúc đẩy mọi hoạt động của công sở như có hệ thống khuyến khích thi đua khen thưởng, tạo ra bầu không khí làm việc thoải mái, sẽ kích thích mọi người hăng say làm việc.
Vai trò của văn hoá còn thể hiện sự định hướng giải quyết đúng đắn trong từng thời kỳ mối quan hệ giữa hiện đại hoá công sở với việc thực hiện sự công bằng cho các thành viên trong công sở. Khi văn hoá phát huy tác dụng trong việc phát triển nguồn nhân lực công sở, tức là văn hoá đã tham gia vào quá trình hình thành quan hệ đồng thuận giữa hiện đại hoá công sở với đảm bảo sự công bằng cho các thành viên. Chỉ có như vậy mới phát huy được các biện pháp hành chính trong chống tham nhũng, hối lộ, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi trong công sở.
Năm là, vai trò của văn hóa là nền tảng mang tính nhân văn của công sở. Văn hóa đem lại sức sống mãnh liệt cho công sở, nhu cầu hướng tới “cái đẹp”, sự cảm nhận và thưởng thức cái đẹp giúp cho việc giải phóng con người, giải phóng sức lao động, thủ tiêu mọi sự kìm hãm. M.Gorki gọi mỹ học là đạo đức học của tương lai. Bielinxki (Nga, thế kỷ XIX) nói: “Cảm xúc về cái đẹp là một điều kiện làm nên phẩm giá con người. Phải có nó con người mới có được trí tuệ, phải có nó con người mới cất mình lên tới những tư tưởng tầm cỡ thế giới, mới hiểu được bản chất các hiện tượng trong tính thống nhất của chúng…, phải có nó người ta mới có thể không quỵ ngã dưới sức đè nặng trĩu của cuộc đời và làm nên những chiến công…, thiếu nó, thiếu đi cái cảm xúc ấy thì không có thiên tài, không có tài năng, không có trí thông minh mà chỉ còn lại cái thứ đầu óc tỉnh táo một cách ti tiện cần thiết cho sinh hoạt
Tóm lại, văn hóa công sở với vai trò cơ bản vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của công sở, vì vậy, việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá trong công sở không những là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức trong công việc của mình, ở các vị trí, cương vị khác nhau trong thực thi công vụ.
3. Giải pháp phát triển văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nay
Văn hoá công sở được xem như một giải pháp quan trọng để tạo sự thay đổi hành vi của các cơ quan công quyền, hành vi của công chức trong mối quan hệ hành chính giữa nhà nước và công dân, tổ chức. Đối với Việt Nam, để thúc đẩy cải cách hành chính cần được tiếp cận trên phương diện văn hóa bởi lẽ phát triển văn hóa công sở vẫn là một dư địa quan trọng, chưa thực sự được sử dụng đầy đủ và hiệu quả.
Muốn xây dựng văn hóa công sở, phải chú trọng xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách trong hoạt động công vụ mà trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được giao trọng trách ở các cấp, các ngành. Cần xây dựng hệ giá trị văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam đó là khát vọng cống hiến cho dân tộc, tinh thần yêu nước, nhân ái, sự liêm chính, trung thực, tinh thần trọng chân lý, trọng nhân dân, thượng tôn pháp luật. Cán bộ, công chức ý thức đầy đủ về bổn phận, trách nhiệm của mình trong hoạt động công vụ, trong mối quan hệ với tổ chức, công dân. Nhân danh quyền lực của nhân dân để thực thi công vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức không nên chỉ dừng lại ở bồi dưỡng tri thức công vụ mà còn cần song hành với giáo dục liêm sỉ, lương tâm, danh dự, giáo dục ý thức trách nhiệm đi liền với thực hành đạo đức, lối sống liêm khiết.
Văn hoá công sở Việt Nam gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, bản chất của văn hoá công sở Việt Nam được kết tinh từ lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là đấu tranh và phấn đấu thực hiện những ước mơ, khát vọng của con người Việt Nam. Lịch sử đó đã hình thành nên những giá trị văn hoá công vụ truyền thống Việt Nam. Truyền thống không để lại cho hiện đại những công trình văn hóa vật chất đồ sộ, bởi vì dân tộc ta phải dồn sức liên tục chống giặc ngoại xâm và chống thiên tai, nhưng truyền thống đã để lại cho hiện đại, cho thế hệ hôm nay và mai sau cả một kho tàng văn hóa tinh thần đồ sộ, một văn hóa công sở Việt Nam đặc sắc. Vì vậy, cần phải thể chế hóa, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, giáo dục nâng cao nhận thức để đội ngũ cán bộ, công chức thấm sâu các giá trị cơ bản của văn hóa công vụ Việt Nam. Đó là: 1. Một nền công vụ khoa học, nhân văn, thương dân, dân là gốc; 2. Tư tưởng công vụ đấu tranh cho độc lập và chủ quyền quốc gia, tự do, tự lực, tự cường; 3. Tinh thần tự hào dân tộc, tự tôn nền văn hiến quốc gia, trọng trí tuệ, quy tụ người hiền; 4. Một nền công vụ đạo lý, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý; 5.Vừa đề cao đức trị vừa đề cao pháp trị; hình thành tư tưởng về một nền công vụ pháp quyền; 6. Tư tưởng và hành vi công vụ khoan dung, độ lượng, vị tha; 7. Hòa hợp, hữu nghị, hợp tác vì sự phát triển và tiến bộ. Tất cả những giá trị, phẩm chất và năng lực đó hợp thành một nền công vụ nhân đạo, nhân văn, tất cả vì con người. Đó là những giá trị nền tảng và cũng chính là trình độ, là sức sống có cội nguồn, gốc rễ vững bền và là sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, cần thể chế hóa các giá trị văn hóa công sở, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc ứng xử, hiến chương nghề nghiệp. Đây là những cam kết phục vụ khách hàng tốt. Các cam kết này đưa ra các quy định công khai và rõ ràng về tiêu chuẩn và nghĩa vụ cung cấp dịch vụ của cơ quan, các quyền của công dân trong thụ hưởng dịch vụ. Để bản cam kết có tính khả thi, cần phải kèm theo các hướng dẫn giải thích cụ thể các nguyên tắc, tiêu chuẩn và thủ tục khiếu nại, bồi thường, cũng như tên, địa chỉ của cơ quan và công chức cần liên hệ; đồng thời, cần có ban giám sát có đủ thẩm quyền để xử lý các vi phạm của cam kết. Xây dựng bản cam kết về văn hóa công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thể hiện sự tự ý thức về trách nhiệm của bản thân cơ quan công quyền đối với công dân, tổ chức khi đáp ứng yêu cầu cho họ là điều cần đặc biệt quan tâm và nâng cao. Điều đó có nghĩa là, cơ quan hành chính nhà nước, trực tiếp là cá nhân cán bộ, công chức cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức phải có trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ đó. Cơ chế ràng buộc trách nhiệm, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi chức trách của cơ quan hay từng cán bộ, công chức được giao. Bởi vậy, nó là sự gắn kết không thể tách rời giữa chức năng và nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm, tránh hiện tượng cơ quan đơn phương cung cấp dịch vụ hành chính công và thả lỏng trách nhiệm về hoạt động đó. Họ được trao quyền cung cấp dịch vụ và họ cam kết cung ứng những dịch vụ tốt nhất, chất lượng cao nhất, đem lại sự hài lòng cho người tiếp nhận dịch vụ. Đó là biểu hiện của tinh thần phục vụ và tác phong làm việc chuyên nghiệp.
Xây dựng văn hoá Việt Nam Việt Nam hiện nay thực chất là phát huy tinh thần nhân văn lên tầm cao mới tiên tiến và hiện đại, mà trước hết ở việc xác định mục tiêu, lý tưởng công vụ mà ở đó nhân dân, pháp quyền bao giờ cũng có vị trí trung tâm. Không có văn hóa công vụ nào cao quý hơn khi thực hiện cho được một nguyên tắc, một phương châm hành động “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”, có an dân thì mới đo được kết quả của việc trị quốc. Đó là sự tiếp nối truyền thống của cha ông “dân vi bản” và được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh. Một nền văn hóa công vụ trọng dân, trọng pháp, trọng công lý sẽ là một thứ vốn xã hội của nền công vụ, tạo nên sức mạnh và sức sống bất diệt của nền công vụ Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
2. Huỳnh Văn Thới (chủ biên) (2016), Văn hóa công vụ ở Việt Nam-lý luận và thực tiễn, NXB. Lý luận chính trị, Hà Nội.
[1] Tài liệu Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay
TS. Trương Thị Phương Thảo
Koa Chính trị và Báo chí
- Giới thiệu 2 Ngành Đào tạo trình độ Đại học tại Khoa Luật học - Trường KHXH&NV năm 2025Đào tạo26/03/2025
- Tọa đàm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3Đào tạo25/03/2025
- Chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt NamĐào tạo24/03/2025
- Thư chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 của Bộ trưởng Bộ Y tế gửiĐào tạo24/03/2025
- Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luậtNghiên cứu khoa học24/03/2025
- Pháp luật về trao đổi thông tin thuế xuyên biên giới đối với hoạt động hoạt động thương mại điện tửNghiên cứu khoa học21/03/2025
- Nâng cao công tác Truyền thông chính sách trong chuyển đổi số quốc giaKhoa Chính trị và Báo chí19/03/2025
- Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa họcNghiên cứu khoa học19/03/2025