Vang mãi “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”
Cách đây 75 năm, ngày 11.6.1948, tại xóm Nà Lọm, xã Phú Đình - Trung tâm của vùng căn cứ địa cách mạng ATK Định Hóa (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm động viên quân và dân ta thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lời kêu gọi đó vang mãi cho đến hôm nay và mai sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (1956). Ảnh: TTXVN
Hiệu triệu truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết
Ngày 27.3.1948, trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc với mục đích: “Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”.
Để Chỉ thị được phổ biến đến toàn quốc, ngày 11.6.1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Được thể hiện xúc tích trong 427 từ, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và trở thành động lực lớn vượt qua mọi hi sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản trong tư tưởng của Người về thi đua.
Đây cũng là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lí luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước.
75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi.
Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và trên cả nước sau đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành.
Các phong trào thi đua: Diệt “giặc đói”, diệt “giặc dốt” và diệt “giặc ngoại xâm”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”,... đã thực sự trở thành động lực mạnh mẽ và hành động cách mạng thiết thực, góp phần đưa các cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa xuân năm 1975.
Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, tránh hình thức lối mòn
Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các phong trào thi đua hướng vào việc giải quyết những nhiệm vụ khó khăn nhất của cả nước và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tổ chức Công đoàn có các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả hoạt động công đoàn”; Hội Nông dân Việt Nam có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”; Hội Phụ nữ Việt Nam có phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”; Đoàn viên, thanh niên có phong trào “Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”; Hội Cựu chiến binh có phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”; Quân đội có phong trào “Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; Công an có phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”… Đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Từ trong phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích, làm lợi cho Nhà nước và xã hội. Nhiều mô hình, giải pháp trong phong trào thi đua được nhân rộng, tác động lan toả trong cả nước, đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua đã xuất hiện những hiện tượng tiêu cực liên quan đến thi đua như “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “thi đua có phát mà không động”, “khen thưởng tràn lan”, “thi đua hình thức”.
Năm nay kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” cũng là dịp để để các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng công tác thi đua khen thưởng để ngăn chặn hiện tượng “chạy thi đua”, “chạy thành tích”…
Đồng thời tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào Thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong đó cần phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần rộng rãi; bảo đảm hài hòa các lợi ích: lợi ích của người lao động; lợi ích của cơ quan, đơn vị, địa phương; lợi ích của xã hội.
ĐẠI TÁ ĐỖ PHÚ THỌ - TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Nguồn: Báo Lao động điện tử.
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Tin tức - Sự kiện15/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công Talkshow “Kỹ năng dẫn chương trình chuyên nghiệp”Tin tức - Sự kiện02/11/2024
- Trường KHXH&NV tự hào đạt Giải Nhì cuộc thi cắm hoa nghệ thuật Chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10Tin tức - Sự kiện20/10/2024
- UBND quận Đống Đa, Hà Nội thi tuyển công chức năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Trường Trung cấp Tây Nguyên tuyển dụng giáo viên Kỹ thuật chế biến món ănTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Báo Hà Nội mới tuyển dụngTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tuyển dụng nhân sự năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Tuyển dụng viên chức tại Phòng Công chứng số II thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024