Vận dụng mô hình CFB trong giảng dạy học phần Quan hệ chính trị quốc tế cho sinh viên chuyên ngành Chính trị học
1. Mở đầu
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và công nghệ đã làm thay đổi toàn diện nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Những phương thức giáo dục phi truyền thống ra đời, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục lấy con người làm trung tâm. Để phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội trong bối cảnh bùng nổ khoa học công nghệ, nhất thiết phải đổi mới quá trình giáo dục theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của người học, trong đó nhấn mạnh đến sự chuyển đổi từ cách dạy học truyền thống sang một phương thức mới theo tiếp cận công nghệ hiện đại với các mô hình dạy học phi truyền thống.
Áp dụng phương pháp dạy học Blended Learning vào trong quá trình chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, Trường Đại học Vinh đã triển khai mô hình CFB (Connections between the Flipped Classroom model and Blended Learning). Đây là mô hình dạy học hỗn hợp giữa mô hình Lớp học đảo ngược và mô hình Học tập kết hợp (Nguyễn, 2020). Nhu cầu học tập của người học ngày càng đa dạng, khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi người học cũng khác nhau. Bên cạnh đó, với sự phổ biến của các thiết bị di động, thiết bị thông minh và internet, học tập kết hợp đang được quan tâm rất nhiều trong dạy học hiện nay. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư lớp học số, khả năng sử dụng các giải pháp công nghệ số của giảng viên và người học là những rào cản lớn để triển khai. Vì vậy, lựa chọn mô hình dạy học kết hợp phù hợp với cơ sở đào tạo sẽ đem lại hiệu quả cao trong sử dụng. Hiện nay, mô hình CFB đang được nghiên cứu ứng dụng ở Trường Đại học Vinh vì tính linh hoạt và dễ triển khai nói chung và trong việc giảng dạy các môn chuyên ngành Chính trị học nói riêng.
Bài viết này trình bày kết quả nghiên cứu về mô hình CFB và quá trình áp dụng mô hình này vào việc đề xuất phân nhiệm mức độ năng lực giảng dạy, phương pháp tổ chức dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá tương ứng với chuẩn đầu ra cho học phần Quan hệ chính trị quốc tế.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. So sánh mô hình truyền thống và mô hình CFB
Mô hình CFB (Connections between the Flipped Classroom model and Blended Learning) là mô hình dạy học hỗn hợp giữa mô hình Lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) và mô hình Học tập kết hợp (Blended Learning) với nguyên lý chuyển dịch từ lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm.
Học tập kết hợp (Blended Learning) có nguồn gốc từ học tập trực tuyến và đại diện cho một sự thay đổi cơ bản trong việc dạy học để tối ưu hóa cho từng người học mà cách thức dạy học truyền thống không thể làm được. Học tập kết hợp có ba hình thức: (i) Học tập trực tuyến - Trong học tập kết hợp, người học tham gia ít nhất một học phần của khóa học thông qua học trực tuyến và người học chủ động lựa chọn thời gian, địa điểm và cách thức học tập phù hợp; (ii) Học tập trên lớp - Người học cũng phải tham gia ít nhất một học phần của khóa học trong lớp theo sự hướng dẫn của giảng viên; (iii) Học tập tích hợp: Người học cũng có thể chọn một học phần hoặc môn học của khóa học để học tập theo hình thức kết hợp giữa học tập trực tuyến với trên lớp (Garrison & Kanuka, 2004).
Liên quan đến mô hình Flipped Classroom, công trình “From sage on the stage to guide on the side” (Từ nhà thông thái trên các tượng đài thành người đồng hành bên cạnh bạn) dù chưa đưa ra được khái niệm flipped classroom nhưng đã là sự thúc đẩy và cách tân cho phép dành không gian lớp học vào các hoạt động học tập tích cực (King, 1993). Công trình nghiên cứu “Đảo ngược lớp học - cánh cửa dẫn đến sự sáng tạo môi trường học tập trọn vẹn” giới thiệu các nghiên cứu về việc áp dụng mô hình lớp học đảo ngược tại các trường cao đẳng (Lage, Platt & Treglia, 2000). Đặc biệt, người có đóng góp lớn trong việc phổ biến mô hình Flipped Classroom là Salman Khan. Vào năm 2004, Khan đã ghi hình bài giảng của mình để dạy học cho em họ sống ở một bang khác. Năm 2007, hai giáo viên hóa học trường THPT Woodland là Park Jonathan Bergmann và Aaron Sams đã ghi hình những bài giảng của mình đề hướng dẫn cho những học sinh không thể đến lớp tham gia học trực tiếp một cách đầy đủ để các em có thể theo kịp chương trình.
Ngược lại với mô hình dạy học truyền thống trong đó giảng viên truyền đạt kiến thức cho người học chủ yếu bằng hình thức thuyết giảng và sau đó giao bài tập trên lớp hoặc bài tập về nhà, ở lớp học đảo ngược, giảng viên thực hiện những video về lý thuyết và bài tập cơ bản, chia sẻ qua internet cho các người học xem trước tại nhà (Lê & Bùi, 2017). Giảng viên dành thời gian trên lớp để giải đáp thắc mắc cho người học, làm bài tập khó hay thảo luận sâu hơn về kiến thức và những ứng dụng thực tế. Với mô hình này, sinh viên phát huy khả năng tự học và tính chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết (Le, 2017). Các em có thể tiếp cận video bất kỳ lúc nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần, hiểu kỹ hơn về lý thuyết để sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, thực hành bài tập nâng cao tại giờ học trên lớp. Lớp học đảo ngược cho phép giảng viên dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân học sinh chưa hiểu kỹ bài giảng. Điều này giúp người học tự tin hơn và học tập hiệu quả hơn (Nguyễn, 2014).
2.2. Vận dụng mô hình CFB vào học phần Quan hệ chính trị quốc tế
Quan hệ chính trị quốc tế là học phần bắt buộc đối với sinh viên chuyên ngành Chính trị học. Học phần cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về quan hệ chính trị quốc tế và đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, học phần đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho sinh viên kiến thức lý thuyết và kỹ năng để đảm đương công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế phù hợp.
Về mục tiêu, học phần Quan hệ chính trị quốc tế giúp người học trình bày được kiến thức cơ bản về chính trị quốc tế, quan hệ chính trị quốc tế qua các thời kì và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kì đổi mới; lý giải được những hiện tượng, những quá trình chính trị nảy sinh trong quan hệ chính trị quốc tế và tác động đối với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam; hiểu được các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Anh; thể hiện kỹ năng tư duy hệ thống, kỹ năng nghiên cứu và có khả năng hợp tác đa ngành; phân tích được các vấn đề lí luận và thực tiễn chính trị quốc tế. Từ việc xác định mục tiêu học phần, tác giả xây dựng những chuẩn đầu ra với mức độ năng lực (Bảng 1).
Để đạt được các chuẩn đầu ra nêu trên, tác giả kết hợp các phương pháp dạy học theo mô hình CFB kèm theo phương pháp kiểm tra đánh giá như sau:
Thứ nhất, phương pháp động não (brainstorming): Yêu cầu sinh viên xem bài giảng E-learning trên trang LMS, sau đó vẽ sơ đồ tư duy (mind map) thể hiện nội dung chính của các chương. Sơ đồ gửi lên trang LMS dưới dạng PDF.
Thứ hai, phương pháp truyền thụ, diễn giảng: Giảng viên trình bày kiến thức về quan hệ chính trị quốc tế; đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kì đổi mới. Kết hợp giữa viết bảng và trình chiếu slide. Sau đó, sử dụng phương pháp vấn đáp để kiểm tra mức độ tiếp thu bài trên lớp của sinh viên.
Thứ ba, phương pháp hoạt động nhóm. Giảng viên chia lớp thành 2 nhóm, yêu cầu sinh viên tổ chức hoạt động nhóm. Vì đây là học phần được giảng dạy ở học kỳ 3 và sinh viên đã được hình thành kỹ năng làm việc nhóm qua các học phần trước đó nên đến học phần này có thể thực hành. Giảng viên sẽ chấm điểm căn cứ vào bài thuyết trình trước lớp của từng nhóm và biên bản phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên trong nhóm.
Thứ tư, kết hợp phương pháp tình huống (case study) và tranh luận (debate): Giảng viên nêu một số tình huống chính trị cụ thể để sinh viên tranh luận về vai trò của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác đối ngoại.
Thứ năm, phương pháp dạy học theo dự án. Chuẩn đầu ra thứ năm (Nghiên cứu các vấn đề lí luận và thực tiễn chính trị quốc tế) được thiết kế lồng ghép vào dự án xuyên suốt từ năm 1 đến năm 4 của sinh viên chuyên ngành Chính trị học. Đối với đồ án học phần Quan hệ chính trị quốc tế, sinh viên sẽ lựa chọn các đề tài mang tính liên ngành để thực hiện như: xây dựng một bài bình luận sự kiện chính trị quốc tế (hợp tác với sinh viên ngành Báo chí; điều tra khảo sát về mức độ hiểu biết các sự kiện chính trị trong nước và quốc tế của sinh viên nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn (hợp tác với sinh viên ngành Công tác xã hội)...
Việc áp dụng các phương pháp dạy học và hình thức kiểm tra đánh giá nêu trên cho phép tăng trải nghiệm kiến thức, kỹ năng mức cao (áp dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo) ở lớp. Đối với mức nhận thức thấp (nhớ, hiểu) chủ yếu sinh viên tự học ở nhà.
2.3. Thực tiễn triển khai mô hình CFB trong dạy học học phần Quan hệ chính trị quốc tế ở trường Đại học Vinh
Chúng tôi bắt đầu áp dụng mô hình CFB trong quá trình dạy học học phần Quan hệ chính trị quốc tế cho sinh viên chuyên ngành Chính trị học khóa 58 bắt đầu từ học kì 2 năm học 2019-2020. Trong đó, chúng tôi vừa dạy trực tuyến đồng thời thiết kế bài giảng cho lớp học đảo ngược. Cụ thể, 70% thời lượng tiết học giảng viên sẽ làm việc trực tiếp với sinh viên thông qua phần mềm Zoom (chuyển sang phần mềm MS TEAMS từ năm học 2021-2022) và 30% còn lại sinh viên sẽ nghe giảng, tự nghiên cứu và hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo mô hình lớp học đảo ngược thông qua hệ thống LMS của Trường Đại học Vinh. Lớp học phần này có sỹ số 18 sinh viên và chủ yếu đều ở thành phố, khá phù hợp trong việc áp dụng mô hình CFB.
Dựa đề cương chi tiết học phần theo tiếp cận CDIO đã được Nhà trường phê duyệt, giảng viên thiết kế các slide bài giảng và ghi âm ghi hình kèm theo các bài tập tương tác, nêu rõ nhiệm vụ sinh viên cần chuẩn bị cho giờ học trực tuyến trên phần mềm sau đó gửi lên hệ thống LMS để sinh viên tự nghiên cứu trước. Trong giờ dạy trên các phần mềm Zoom và MS Teams, giảng viên không nhắc lại các nội dung, kiến thức đã giao cho sinh viên tự nghiên cứu mà dành thời gian để phân tích, làm rõ các vấn đề sinh viên chưa hiểu, nhấn mạnh những vấn đề trọng tâm của bài giảng mà sinh viên cần ghi nhớ. Học phần Quan hệ chính trị quốc tế được thiết kế là môn đồ án. Vì vậy, đối với các giờ dạy trực tiếp trên lớp, giảng viên hướng dẫn sinh viên quy trình thực hiện các đề tài dự án đã phân công ngay buổi đầu tiên của học phần, bám sát tiến độ triển khai các bước của sinh viên.
Việc dạy học theo mô hình CFB đối với một số học phần chuyên ngành Chính trị học đã được triển khai 2 năm ở Trường Đại học Vinh. Trong quá trình đó, ngoài những thuận lợi đã được nêu trên, chúng tôi nhận thấy còn những khó khăn cần phải quan tâm tháo gỡ nếu như muốn ứng dụng rộng rãi mô hình này như sau:
Thứ nhất, việc áp dụng mô hình gặp khó khăn do khả năng tiếp cận công nghệ của sinh viên còn hạn chế.
Tại Trường Đại học Vinh, phần lớn sinh viên đến từ các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa là những địa bàn còn khó khăn trong đời sống, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trình độ phát triển kinh tế còn kém. Một số sinh viên đến từ các vùng này không bắt kịp việc sử dụng công nghệ sẽ không theo kịp các bạn cùng lớp. Đặc biệt trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, các em quay trở về nhà và găp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận Internet để tham gia học tập. Đây là rào cản lớn nhất khi mà việc sử dụng thiết bị đầu ra và Internet của sinh viên để xem các bài giảng E-learning trên hệ thống LMS là một trong những điều tiên quyết cần phải làm được khi áp dụng mô hình CFB.
Thứ hai, lệ thuộc nhiều vào khả năng tự học và ý thức tự giác của sinh viên.
Mô hình CFB có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng tự học, ý thức tự giác và mức độ hợp tác tham gia của sinh viên. Nếu bản thân sinh viên không có ý thức chủ động xem trước bài giảng ở nhà thì khi vào lớp sẽ không theo kịp các bạn, ảnh hưởng đến các hoạt động dạy học mà giảng viên đã dự định triển khai.
Thứ ba, gia tăng áp lực đối với giảng viên.
Nguyên lý của việc áp dụng mô hình CFB là giảm tải thời gian đứng lớp trực tiếp và truyền tải kiến thức một cách truyền thống. Tuy nhiên, lượng công việc cho giảng viên lại tỉ lệ thuận với mức độ công nghệ gia tăng trong quá trình giảng dạy. Bởi lẽ, mô hình CFB đòi hỏi sự tích hợp rất cẩn thận để lớp học được duy trì và phát triển. Mặt khác, các nhiệm vụ như thiết kế các bài giảng kèm theo các bài tập có tính tương tác cao, ghi âm, ghi hình, edit và đăng tải các bài giảng đều là những công việc cần thời gian và kỹ năng mà không phải giảng viên nào cũng có chuyên môn trong việc này.
Ngoài ra giảng viên còn cần phải sáng tạo thêm cách thức giới thiệu các hoạt động trong lớp học liên quan đến học phần trong bài giảng E-learning để giúp sinh viên có hứng thú và động lực tham gia chuẩn bị trước khi học. Đó là một áp lực rất lớn, cần nhiều thời gian thích ứng và không ít sự nỗ lực.
Thứ tư, thời gian ngồi trước màn hình nhiều, dễ sao nhãng.
Nếu như mỗi giảng viên đều chuyển đổi phương thức tổ chức lớp học theo mô hình CFB, sinh viên sẽ phải mất rất nhiều thời gian ngồi trước máy tính, điện thoại để xem các bài giảng. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình học tập của sinh viên bởi sinh viên sẽ dễ sa vào việc lạm dụng các thiết bị điện tử, dẫn đến việc sao nhãng trong lớp học, dễ mất thông tin,… (do virus, trộm). Học trên mạng cũng dễ bị gián đoạn tập trung bởi tin báo trên các trang mạng xã hội khi đang học.
Xuất phát từ thực tiễn vận dụng mô hình này trong giảng dạy học phần Quan hệ chính trị quốc tế ở Trường Đại học Vinh, có một số điểm lưu ý khi vận dụng mô hình CFB như sau:
Về phía Nhà trường, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy học trực tuyến và vận hành hệ thống LMS. Thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo trực tuyến để hỗ trợ giảng viên trong việc sản xuất bài giảng E-learning có chất lượng.
Về phía giảng viên, chuẩn bị giáo trình hấp dẫn và lôi cuốn sinh viên. Trong bối cảnh hiện tại, việc tạo ra các giáo trình E-learning bài bản, có khả năng thành công trong việc truyền thụ kiến thức được định hướng là vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, đòi hỏi người giảng viên phải giỏi công nghệ, thường xuyên cập nhật các thách thức mà môi trường lao động đặt ra để tăng tính thực tiễn cho các ý tưởng dự án.
Về phía sinh viên, tham gia lớp học theo mô hình CFB không cho phép sinh viên tiếp nhận kiến thức một cách thụ động. Từ việc chuẩn bị tìm hiểu các vấn đề trước khi đến buổi học đòi hỏi sinh viên phải sử dụng nhiều hoạt động trí não hơn, huy động tổng hợp các kỹ năng như tự học, giao tiếp, làm việc nhóm... Sinh cần tự trang bị những kiến thức mới và chủ động hoàn thành các bài tập cấp thấp ở nhà. Khi lên lớp cần chủ động tham gia thảo luận, trao đổi với giảng viên.
3. Kết luận
Để lựa chọn một mô hình phù hợp cho môi trường đào tạo thì điều quan trọng nhất vẫn là hiểu được người học cần gì và mô hình nào có thể cung cấp cho họ những điều họ muốn. Với sự đa dạng về nhu cầu học tập hiện nay của người học và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, dạy học theo mô hình CFB có thể được xem là giải pháp tối ưu cho việc nâng cao chất lượng dạy học và khả năng đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau của từng cá nhân người học. Các đề xuất trong bài viết nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Chính trị học của Trường Đại học Vinh theo hướng tiếp cận CDIO.
TS. Vũ Thị Phương Lê, TS. Nguyễn Thị Lê Vinh
Khoa Chinh trị và Báo chí, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Vinh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Huy Bằng, 2020. Một số kỹ năng chung trong hoạt động nghề nghiệp của giảng viên. Chuyên đề bồi dưỡng Giảng viên chính tại Trường Đại học Vinh.
[2] Garrison, D.R., Kanuka, H, 2004. Blended learning: uncovering its transformative potential in higher education. Internet and Higher education, The Internet and Higher Education, Số 7(2), tr.95-105.
[3] Alison King, 1993. From Sage on the Stage to Guide on the Side, College Teaching, Vol. 41, Số 1, tr. 30-35.
[4] Maureen J Lage, Glenn Platt, Michael Treglia, 2000. Inverting the Classroom: A Gateway to Creating an Inclusive Learning Environment, The Journal of Economic Education, Số 31(1), tr.30-43
[5] Lê Thị Phượng, Bùi Phương Anh, 2017. Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh, Journal of Education Management. Vol 9, Số 10, tr. 1-8.
[6] Le Duy Cuong, 2017. Application of flipped classroom model in teaching the module of the methodology of teaching mathematics towards the development of self-learning ability for students major in primary education, Journal of Science, Số 12(2017, tr.74-83.
[7] Nguyễn Văn Lợi, 2014. Lớp học nghịch đảo - Mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số 34, tr.56-61.
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024