Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện nay.
Đặt vấn đề
Khoa học xã hội và nhân văn là lĩnh vực khoa học nghiên cứu những quy luật về xã hội và con người gắn với điện kiện lịch sử, kinh tế - xã hội cụ thể. Cùng với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn có vị trí quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. Tuy nhiên, ở nước ta những năm gần đây xuất hiện hiện tượng chưa khai thác và phát huy hết vị trí, vai trò, giá trị của khoa học xã hội nhân văn. Hiện tượng cắt xén, rút ngắn thời gian học tập các môn khoa học lý luận chính trị ở các trường cao đẳng, đại học; ý thức học tập các môn khoa học này học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế… Điều đó làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục tư tưởng, chính trị cho người học. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nghề trong giới trẻ hiện nay cũng không mặn mà với khoa học xã hội nhân văn. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây hậu quả khó lường tới chất lượng giáo dục khoa học xã hội và nhân văn cho thế hệ người Việt Nam.
Nội dung
1. Khái quát chung về khoa học xã hội và nhân văn
Khoa học xã hội và nhân văn là khoa học về con người trong các mối quan hệ nhân tạo với thế giới, với xã hội, với chính mình. Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân văn đều có chung đặc điểm chung là tìm ra quy luật của đối tượng phản ảnh thông qua các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật… Khác với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn có những đặc điểm riêng như tính chủ quan trong nghiên cứu, chú trọng đặc thù cá nhân, lịch sử, dân tộc, tính vùng miền và tính định hướng tư tưởng (quan điểm chính trị, quan điểm giai cấp…); tính trừu tượng và khái quát của khoa học xã hội và nhân văn.
Khoa học xã hội và nhân văn bao gồm nhiều môn học như: Văn học, Sử học, Dân tộc học, Xã hội học, Văn hóa học, Nhân học, Công tác xã hội, Chính trị học, Tôn giáo học, Quốc tế học; Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Logic học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Ch Minh; Tâm lý học, Pháp luật học… vừa nghiên cứu về xã hội, con người cùng các giá trị văn hóa, tư tưởng nhằm giáo dục và hoàn thiện nhân cách, tư tưởng, quan điểm sống cho con người, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong nước, khu vực và thế giới. Tri thức khoa học xã hội và nhân văn là loại hình tri thức khách quan về xã hội, nghiên cứu các quy luật vận hành, phát triển của các lĩnh vực xã hội riêng biệt và cả toàn thể xã hội, các quy luật khách quan của vận động xã hội; cùng những giá trị về văn hóa và con người theo những chuẩn mực xã hội nhất định.
2. Yêu cầu phải phát huy vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện nay
Thực tế cho thấy, nếu đề cao khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, xem nhẹ giáo dục tri thức của khoa học xã hội và nhân văn sẽ tạo ra những con người thực dụng, coi trọng hiện vật, xem nhẹ tình nghĩa và đạo lý, ảnh hưởng tới sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội.
Xuất phát từ mục tiêu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam hiện nay. Để đạt được mục tiêu về con người mới xã hội chủ nghĩa thì việc giáo dục khoa học xã hội và nhân văn là việc làm có ý nghĩa quan trọng và cần thiết.
Phát huy vai trò của khoa học xã hội và nhân văn còn xuất phát từ thực tế của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, nhân dân và thế hệ thanh thiếu niên ở Việt Nam hiện nay như tham nhũng, trộm cắp, lừa đảo, hàng giả, trốn thuế, bạo lực học đường, bất hiếu… vấn nạn xã hội diễn ra từ trong gia đình, nhà trường đến các tổ chức, cộng đồng xã hội.
Xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế, sự phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đem lại nhiều cơ hội và thách thức cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh điều kiện để phát triển đất nước, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức như sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận người dân; sự lu mờ, phai nhạt giá trị truyền thống, bản sắc của dân tộc, sự lai căng về lối sống, văn hóa…điều đó gây ra hệ lụy nghiêm trọng đối với ổn định và phát triển đất nước. Vì thế, cần phải tăng cường giáo dục khoa học xã hội và nhân văn cho người học.
Từ những lý do trên, có thể khẳng định rằng, việc giáo dục khoa học xã hội và nhân văn là hết sức cần thiết trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay, góp phần quan trọng vào xây dựng và phát triển đất nước hòa bình, ổn định.
3. Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Thứ nhất, khoa học xã hội và nhân văn góp phần giáo dục thế giới quan, phương pháp luận định hướng nhận thức, hành vi cho con người Việt Nam
Tri thức khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong giáo dục cho con người thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng nhằm định hướng nhận thức và hành vi của mỗi người. Được trang bị thế giới quan duy vật biện chứng sẽ giúp con người Việt Nam có tri thức khoa học và niềm tin tích cực để khắc phục những hạn chế duy tâm, siêu hình trong nhận thức; qua đó, giúp họ có cái nhìn đa chiều, khách quan, toàn diện, nắm bắt được khuynh hướng phát triển tiến lên của sự vật, hiện tượng.
Khi mỗi người dân Việt Nam được trang bị tri thức về khoa học xã hội và nhân văn sẽ giúp họ có cái nhìn hệ thống, logic, chỉnh thế, trong sự vận động, biến đổi không ngừng với tư duy linh hoạt, mềm dẻo để nâng cao khả năng giải thích và cải tạo thế giới. Để có khả năng này, việc trang bị tri thức khoa học Mác – Lênin là hết sức quan trọng và cần thiết trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện nay; tạo nên những con người sống có niềm tin, có trách nhiệm và ý thức chia sẻ với cộng đồng.
Thứ hai, khoa học xã hội và nhân văn góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam
Xây dựng và phát triển nhân cách của con người Việt Nam vừa thể hiện đặc điểm, vừa là thế mạnh của khoa học xã hội và nhân văn. Nhân cách của con người không tự nhiên sinh ra, mà nó được hình thành và phát triển thông qua quá trình giáo dục và tự giáo dục lâu dài với những nội dung, chương trình đảm bảo tính khoa học, vừa sức, phù hợp với tâm, sinh lý của từng lứa tuổi. Nhân cách được hình thành dần dần trong quá trình con người tham gia vào các mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội. Đó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Sự tiếp thu, tích lũy và nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sống và làm việc cho bản thân là phương tiện để con người vươn tới sự hoàn thiện nhân cách.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nhân cách con người ở nước ta hiện nay, khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng trong giáo dục nâng cao nhận thức về các chuẩn mực đạo đức, văn hóa của dân tộc cho con người, giúp họ biết cái đúng, cái sai, chân thực, giả dối; qua đó, mỗi cá nhân có hành vi ứng xử ứng xử văn hóa, đem lại giá trị cho mỗi người và xã hội loài người. Để đạt được điều đó, các khoa học như Văn học, Sử học, Văn hóa học, Triết học, Đạo đức học, Tâm lý học, Pháp luật học… đã trang bị cho con người những giá trị, khuôn mẫu, chuẩn mực đạo đức, pháp luật để điều chỉnh hành vi sống, cách cư xử có văn hóa, phù hợp với yêu cầu xã hội. Bên cạnh đó, khoa học xã hội và nhân văn còn có vai trò quan trọng trong giáo dục giá trị chân, thiện, mĩ cho mỗi con người như sự thẳng thắn, trung thực, lòng tốt, tình thương yêu con người và luôn khát vọng vươn tới và trân trọng cái đẹp. Để đạt được điều này, cần phát huy vai trò của Triết học, Văn học, Nghệ thuật học… Được trang bị những kiến thức về sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học… sẽ giúp cho con người Việt Nam có tri thức, hiểu biết về lịch sử, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, giúp cho mỗi cá nhân sẽ hình thành và phát triển lòng biết ơn, niềm tự hào trọng quá khứ dựng nước, giữ nước, chiến đấu anh hùng, bất khuất của ông cha ta, để từ đó sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc… Thực tế chứng minh rằng, nếu quay lưng lại lịch sử, đoạn tuyệt với quá khứ, sẽ đẩy con người vào lối sống vô cảm, thiếu trách nhiệm với Tổ quốc, mất đi nghị lực và ý chí phấn đấu, vươn lên để hoàn thiện và phát triển bản thân… Để có nhân cách hoàn thiện, bên cạnh giáo dục của các khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn thỉ bản thân mỗi người phải có ý thức tự giáo dục, có khát vọng vươn tới giá trị chân, thiện, mỹ…
Thứ ba, khoa học xã hội và nhân văn đóng góp vào việc xây dựng xã hội hài hòa, phát triển bền vững
Mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay là: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt được mục tiêu đó, vấn đề xây dựng và phát triển con người mới xã hội chủ nghĩa có vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Do đó, khoa học xã hội và nhân văn có vai trò quan trọng giúp cho Đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định đường lối xây dựng xã hội hài hòa, phát triển bền vững. Văn kiện Đại hộ Đảng Toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, con người Việt Nam”[1]. Đảng luôn bám sát vào khoa học lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam. Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị thế giới quan, phương pháp luận quan trọng trong giáo dục tư duy lý luận, phương pháp luận biện chứng; giáo dục tư tưởng cách mạng cho con người. Qua đó, giúp cho con người có năng lực nhận diện và phê phán những quan điểm sai trái, nhằm bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội; cống hiến sức lực và trí tuệ của bản thân vào sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thông qua hệ thống tri thức khoa học xã hội nhân văn giúp cho Đảng cộng sản Việt Nam đề ra những quan điểm cơ bản nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa ổn định và phát triển, bền vững đất nước. Để xây dựng xã hội ổn định (đặc biệt là ổn định chính trị - xã hội) trước hết phải giáo dục tư tưởng, quan điểm chính trị cho mỗi người dân Việt Nam; phải khai thác giá trị của khoa học xã hội và nhân văn nhằm tạo ra những điều kiện quan trọng để phát triển đất nước. Trên cơ sở sự phát triển đó mới có tiền đề thúc đẩy sự ổn định xã hội.
Cùng với khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn có vai trò quan trọng trong trang bị những phẩm chất, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhân cách của con người lao động, góp phần quan trọng vào giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với sự phát triển bền vững. Muốn vậy, phải luôn gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội và đảm bảo môi trường sinh thái nhân văn; giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa cá nhân và cộng đồng. Giáo dục lòng vị tha, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó, khắc phục hạn chế về sự suy thoái về đạo đức, văn hóa, lối sống của con người làm ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của đất nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. Được trang bị tri thức khoa học xã hội và nhân văn sẽ giúp cho mỗi người dân Việt Nam có ý thức trách nhiệm phát huy những giá trị truyền thống, nhân văn, nhân đạo tạo nên sự hài hòa giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần: thương yêu đoàn kết, coi trọng nghĩa tình v.v… Đồng thời, xây dựng và thực hành những hành vi văn hóa, ứng xử văn hóa với tự nhiên, với môi trường kinh tế thông qua giá trị đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh… Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội Toàn quốc lần thứ XII: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”[2].
Thứ tư, khoa học xã hội và nhân văn góp phần quan trọng trong đào tạo công dân toàn cầu trong bối cảnh hội nhập, trong thời đại công nghệ thông tin và kĩ thuật số
Khoa học xã hội và nhân văn trong bối cảnh hội nhập có vai trò quan trọng trong giáo dục và định hướng cho con người những giá trị, chuẩn mực, trách nhiệm của bản thân để có khả năng hội nhập và phát triển bản thân. Công dân toàn cầu (Global Citizens) là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có thể có một hoặc nhiều quốc tịch. Khi trở thành công dân toàn cầu sẽ giúp cho con người Việt Nam có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhờ lượng kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ được khi sinh sống và làm việc tại nhiều quốc gia và nhiều nền văn hoá khác nhau. Khoa học xã hội và nhân văn không chỉ trang bị tri thức, văn hóa bản sắc về tâm lý, hành vi của dân tộc Việt Nam, mà còn trang bị cho người học những hiểu biết về văn hóa, tâm lý, chuẩn mực hành vi của các quốc gia trên thế giới để có khả năng tham gia hội nhập và hợp tác quốc tế. Vì thế, có thể khẳng định rằng, khoa học xã hội và nhân văn có khả năng gắn kết các cộng đồng dân tộc trong ngôi nhà chung thế giới, tạo nên sức mạnh để cùng nhau giải quyết những vấn đề toàn cầu về môi trường, dịch bệnh, sự cạn kiệt tài nguyên…
Bên cạnh đó, khoa học xã hội và nhân văn còn giáo dục cho con người Việt Nam ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc của con người Việt Nam, tiếp thu giá trị tiên tiến của nhân loại; biết tôn trọng sự khác biệt trong sự đa dạng văn hóa của khu vực và thế giới. Khoa học xã hội và nhân văn còn còn góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Khoa học xã hội và nhân văn còn có vai trò điều chỉnh, định hướng đúng đắn sự phát triển của các lĩnh vực khoa học công nghệ, theo hướng đảm bảo sự hài hòa về lợi ích, sự phát triển nhân văn và bền vững cho nhân loại. Khoa học xã hội và nhân văn có khả năng hóa giải nguy cơ số hóa trái tim, mã hóa tâm hồn, làm giàu về tâm hồn cho con người trong thời đại công nghệ số 4.0.
Kết luận
Khoa học xã hội và nhân văn có vị trí quan trọng song hành với khoa học tự nhiên trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, tạo nên những phẩm chất con người nhằm bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc; giáo dục những quan điểm, lý tưởng, giá trị, chuẩn mực, văn hóa ứng xử cho con người trong các mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình. Vì thế, việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn có ý nghĩa quan trọng to lớn tạo nên sự phát triển ổn định, bền vững đối với xã hội. Để phát huy được vai trò của khoa học xã hội nhân văn ở nước ta hiện nay cần: i) nâng cao nhận thức của Đảng, Nhà nước về khoa học xã hội nhân văn để có chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy vai trò của nó đối với xã hội; ii) các trường đại học nên đối xử bình đẳng khoa học xã hội và nhân văn với các khoa học khác, xóa tư tưởng đề cao hay xem nhẹ môn học; iii) Bộ giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ cở đào tạo đại học, cao đẳng cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng với những người nghiên cứu và giảng dạy khoa học xã hội và nhân văn, cần có chính sách ưu tiên để thu hút được nhiều người có tài, đức vào học ngành khoa học xã hội và nhân văn.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.II, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr.172-173, 234-235.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị Quốc Gia Sự thật, tr,296
Tài liệu tham khảo
[1]. Trần Đức Châm (2015), Một số nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn trong thời kỳ đổi mới, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[2]. Lê Hải Đăng, Nguyễn Thị Thúy Nga (2018), Bộ từ khóa khoa học xã hội và nhân văn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3]. Phạm Xuân Hằng (2000), Khoa học xã hội và nhân văn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 377tr.
[3]. Nguyễn Đức Lộc, Nguyễn Thị Kim Liên (2014), Giáo trình phương pháp đánh giá nhanh với sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu khoa học xã hội, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, Nxb Chính trị Sự thật, Hà Nội.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2015), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - Thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
TS. Trương Thị Phương Thảo
Khoa Chính trị và Báo chí, trường KHXH & NV
- Kỷ nguyên số - bối cảnh và cơ hội vươn mình của dân tộc Việt NamNCKH và đối ngoại12/12/2024
- Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Khoa học Xã hội và Nhân văn: Đào tạo – Nghiên cứu - Ứng dụng”Hội nghị - Hội thảo01/12/2024
- Phương pháp thiết kế và xây dựng nội dung nghiên cứu khoa họcNCKH và đối ngoại27/11/2024
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024