Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đại
Trong thời đại Cách mạng Công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ các ứng dụng ngân hàng cho phép chúng ta gửi séc bằng hình ảnh đến các trợ lý ảo như Siri, Bixby trên thiết bị di động của Apple hay Samsung… Khắp nơi, truyền thông rầm rộ đưa tin về những tác động to lớn mà AI đem đến cho kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vẫn luôn tồn tại hai quan điểm đối lập khi đánh giá về tác động của AI. Phe ủng hộ cho rằng AI sẽ đem lại những bước đi thần tốc đối với sự phát triển của thế giới, trong khi đó bên còn lại với đại diện là những “ông trùm” của làng công nghệ như Elon Musk… lại lo ngại AI chính là mối đe doạ kinh hoàng mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỉ này.
Mỗi ngày qua đi, AI vẫn tiếp tục phát triển một cách nhanh chóng, là lĩnh vực được các cường quốc đầu tư mạnh mẽ và cũng là vấn đề thu hút giới nghiên cứu khắp nơi trên thế giới. Từ những góc nhìn khác nhau, người ta hi vọng vào tiềm năng to lớn của AI nhưng cũng không ngừng lo ngại những nguy cơ tiêu cực mà AI mang lại. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng khung pháp lý và các quy định hiện hành đã đủ và kịp thời để điều chỉnh sự phát triển của trí tuệ nhân tạo hay chưa? Dù là phe ủng hộ hay phản đối thì cũng đều có chung mong muốn các đạo luật liên quan đến AI sớm được xây dựng nhằm có các biện pháp bảo vệ con người trước khi quá muộn.
- Khái niệm trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) - trước hết, được định nghĩa là “trí tuệ phát sinh bởi máy móc, đối lập với trí tuệ tự nhiên phát sinh bởi con người và các loài vật”. Theo đó khái niệm trí tuệ nhân tạo được áp dụng khi máy móc bắt chước được các chức năng lý trí gắn với trí tuệ con người.
Bên cạnh đó trong cuốn sách nổi tiếng "Trí tuệ nhân tạo: Hướng tiếp cận mới nhất" (Artificial Intelligence: A Modern Approach) tái bản lần 3 của hai tác giả Stuart Russel và Peter Norvig có tổng hợp một số định nghĩa khác nhau về AI như sau:
“Trí tuệ nhân tạo là nỗ lực thú vị nhằm khiến suy nghĩ của máy tính có thêm nhận thức, tư duy.
Trí tuệ nhân tạo là những hành động của máy móc gắn liền với tư duy của con người, ví dụ như ra quyết định hay giải quyết vấn đề.
Trí tuệ nhân tạo là nghiên cứu về năng lực trí tuệ vận hành vào các mô hình tính toán.
Trí tuệ nhân tạo là nghiên cứu để máy tính có khả năng nhận thức, nhận định và hành động.
Trí tuệ nhân tạo là nghệ thuật tạo ra các cỗ máy có thể thực hiện những chức năng yêu cầu trí tuệ khi thực hiện bởi con người.
Trí tuệ nhân tạo là nghiên cứu cách khiến máy tính làm được điều mà ở thời điểm hiện tại con người vẫn đang làm tốt hơn.”
Tóm lại, trí tuệ nhân tạo là sự "tư duy" của máy móc, trong đó các thiết bị sẽ bắt chước cách tư duy tự nhiên của con người để giải quyết các vấn đề. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, AI là một trong những yếu tố then chốt. Từ khái niệm tưởng chừng xa xôi, trí tuệ nhân tạo từng bước đi vào đời sống, hiện thực hóa giấc mơ về những loại máy móc có khả năng tư duy như con người.
- Tác động hai mặt của trí tuệ nhân tạo
- Tác động tích cực
Trí tuệ nhân tạo đang mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống con người mà nhiều chục năm về trước chúng ta không thể tưởng tượng.
Trong lĩnh vực an ninh, cảnh sát Anh đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển công cụ đánh giá khả năng phạm tội của nghi phạm. Theo TechCrunch, trong các thử nghiệm, AI cho ra kết quả chính xác trên 88%. Ngoài ra cảnh sát còn xây dựng chương trình phân tích hiện trường vụ án và phân tích hồ sơ.
Trong khi đó, cảnh sát thành phố Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc) sử dụng kính đặc biệt có phần mềm nhận diện khuôn mặt để phát hiện tội phạm bị truy nã tại nhà ga tàu hỏa có lưu lượng người cao. Nhờ công cụ trên, cảnh sát đã phát hiện bảy tội phạm gây tai nạn rồi bỏ chạy, tội phạm buôn bán người cùng 26 trường hợp lừa đảo chỉ sau vài ngày triển khai.
Ở mảng kinh tế - tài chính, công ty khởi nghiệp Sentient Technologies dành hơn 10 năm phát triển chương trình phân tích nhằm dự báo xu hướng của thị trường. Các "ông lớn" như quỹ đầu tư Bridgewater cũng chi rất nhiều tiền để phát triển AI nhằm thay thế cho mạng máy tính quản lý giao dịch từ thập niên 90.
Phanh tự động là một ứng dụng AI giúp cứu sống nhiều sinh mạng. Ước tính 90% tai nạn đường bộ là do lỗi của con người, nhưng tỷ lệ này có thể giảm bớt nhờ xe tự lái. Theo Elon Musk, CEO của hãng xe điện Tesla, xe tự lái không chỉ an toàn hơn mà còn cho phép thay thế con người trong các dịch vụ vận chuyển, vận tải.
Không chỉ gợi ý chính xác các món đồ mà người dùng có nhu cầu khi mua sắm trực tuyến, AI còn được "ông trùm" bán lẻ Amazon đưa vào cửa hàng của mình nhằm thay thế con người. Thông qua hàng loạt camera, cảm biến và chương trình điều khiển, khách hàng bước vào cửa hàng Amazon Go chỉ việc chọn món đồ mình muốn và đi ra. Không có thu ngân, không cần máy tính tiền bởi AI tự động nhận biết hàng hóa đã mua rồi trừ tiền vào tài khoản ngân hàng.
Trong lĩnh vực y học, robot tự động khâu chỉ thông minh (STAR) ở Đại học Johns Hopkins, Mỹ, thể hiện năng lực phẫu thuật khi khâu thành công ruột lợn với độ chuẩn xác cao hơn các bác sĩ. STAR bao gồm một cánh tay robot trang bị dụng cụ khâu vết thương cùng với hệ thống chụp ảnh 3D và cảm biến cận hồng ngoại theo dõi đường đánh dấu huỳnh quang dọc theo mép mô do các nhà nghiên cứu vạch ra.
AI còn được áp dụng trong công tác chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ phát hiện ung thư. "Thông thường, một bác sĩ X-quang mất từ 10 tới 30 phút để đánh giá một bản chụp cắt lớp vi tính khi sàng lọc các khối u bướu gây ung thư, trong khi đó trí tuệ nhân tạo chỉ cần vài giây" (Wang Rui, Phó Chủ tịch Công ty kỹ thuật y học Huiying (Trung Quốc)
Chương trình trí tuệ nhân tạo AlphaZero do công ty DeepMind thuộc Google tạo ra có thể tự học cách chơi cờ trong vài giờ. Hệ thống chơi đi chơi lại hàng tỷ ván cờ, học hỏi các quy luật và phân tích chiến lược. AlphaZero được đánh giá là "kiện tướng" trong thế giới cờ AI sau khi đánh bại AlphaGo - chương trình từng thằng nhiều tuyển thủ và kiện tướng.
Tháng 7/2018, các nhà nghiên cứu ở IBM Research Australia, Đại học Toronto và Đại học Melbourne thiết kế chương trình AI có thể sáng tác thơ như Shakespeare. Hơn 2.600 bài thơ lấy từ cơ sở dữ liệu được nhập vào hệ thống, sau đó AI cho ra sản phẩm tự sáng tác. Khi so sánh bài thơ của máy móc với thơ
Shakespeare, nhiều độc giả không thể tìm ra sự khác biệt. AI còn tham gia vào làm báo, sáng tác nhạc hay hội họa, những lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo cao.
-
- Tác động tiêu cực
Song song với những thay đổi tích cực mà AI đem lại, các chuyên gia cũng đặt ra lo ngại khi trí tuệ nhân tạo có thể phát triển chệch hướng. Cố giáo sư Stephen Hawking dự đoán AI sớm đạt tới trình độ khiến nó trở thành một dạng sống mới vượt trội hơn con người. Ông đồng thời cảnh báo AI có thể đe dọa sự tồn vong của loài người.[1]
Tỉ phú Elon Musk cũng cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể dẫn đến sự ra đời của một robot độc tài thống trị nhân loại vĩnh viễn. "Ít nhất khi có một kẻ độc tài xấu xa, kẻ đó rồi cũng sẽ chết. Nhưng trí tuệ nhân tạo không chết, nó sẽ sống mãi. Khi đó bạn có một kẻ độc tài bất tử mà chúng ta không bao giờ thoát được"[2], ông nói. "Nếu siêu trí tuệ nhân tạo trở nên thông minh hơn con người, chúng ta có thể mất kiểm soát chúng"[3].
Thứ nhất, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng
Robot thay thế con người trong làm việc thực sự là nỗi lo chung của các nhà phân tích cũng như giới công nhân. Khả năng của AI trong lĩnh vực tự động hóa sẽ khiến rất nhiều việc làm có tính chất lặp đi lặp lại bị thay thế, dẫn tới việc người lao động sẽ trở nên không còn cần thiết.
Alan Bundy, giáo sư tại trường tin học của trường Đại học Edinburgh, nhấn mạnh: "Mất việc làm có lẽ là mối lo lớn nhất"193. Theo ông Bundy, tỷ lệ thất nghiệp cao chính là lý do chính cho sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy trên toàn thế giới. Ông Bundy lấy ví dụ từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với chiến thắng của ông Donald Trump cũng như việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, những người ủng hộ AI khẳng định việc làm mới sẽ được tạo ra nhưng đòi hỏi những kỹ năng cao hơn để phù hợp trong bối cảnh AI được áp dụng phổ biến khắp hành tinh. Theo Công ty Nghiên cứu Gartner dự đoán, AI sẽ tạo ra 2,3 triệu việc làm sau khi lấy đi 1,8 triệu việc làm. Điều đó đồng nghĩa với việc nó tạo ra 500.000 việc làm mới.
Dẫu vậy, nó cũng không làm giảm lo ngại về việc sa thải hàng loạt. Theo nghiên cứu của Oxford, những công việc dễ bị thay thế nhất là nhân viên môi giới, nhân viên ngân hàng, bảo hiểm, kế toán thuế… mặc dù không thể phủ nhận kỹ năng nghề nghiệp rất quan trọng trong lĩnh vực tài chính
Thứ hai, tình trạng bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng
Trí tuệ nhân tạo có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng không công bằng trong xã hội. Khi phân tích bài viết “The Fragment on Machines” của Karl Marx vào năm 1848, Michael R. McBride nhận định rằng K. Marx đã tiên đoán được sự bất bình đẳng sẽ càng trầm trọng hơn trong bối cảnh có sự tham gia của người máy[4]. Thời gian làm việc của người lao động giảm, phần đóng góp của họ vào sản phẩm cũng giảm đi, dẫn tới giá trị mà người lao động được nhận sẽ không thể như trước. Trong khi đó phần giá trị của người máy (nghĩa là phần phân phối cho nhà đầu tư mua người máy) lại liên tục tăng lên. Tiên đoán của K. Marx đã được kiểm chứng trong thời đại ngày nay như Stephen Hawking đã đánh giá xu hướng hiện tại công nghệ thúc đẩy sự bất bình đẳng ngày càng tăng. Tình trạng gia tăng bất bình đẳng như vậy có nguyên nhân từ việc phân chia lợi nhuận, chủ yếu cho đầu tư và cho chủ sở hữu vốn.
Thứ ba, sự ảnh hưởng của máy móc đến hành vi và mối quan hệ của con người.
Các robot thông minh nhân tạo đang ngày càng trở nên tốt hơn trong việc mô hình hóa các cuộc trò chuyện và các mối quan hệ của con người. Vào năm 2015, lần đầu tiên một robot có tên là Eugene Goostman đã chiến thắng Thử thách Turing. Trong thử thách này, những người thẩm định đã sử dụng kiểu nhập văn bản để trò chuyện với một thực thể không xác định, sau đó đoán xem họ đã trò chuyện với người hay máy. Kết quả là hơn một nửa số người thẩm định nghĩ rằng họ đã nói chuyện với một con người, tuy nhiên thực tế là họ đã trò chuyện với robot.
Dấu mốc này chỉ là sự khởi đầu của một thời đại mà chúng ta sẽ thường xuyên tương tác với máy móc như thể chúng là con người. Trong khi con người bị hạn chế về sự chú ý và lòng tốt mà họ có thể dành cho người khác, thì các robot nhân tạo có thể chuyển nguồn lực gần như không giới hạn vào việc xây dựng mối quan hệ. Nếu được sử dụng với mục đích đúng đắn, điều này có thể thúc đẩy xã hội hướng tới những điều tốt đẹp hơn và ngược lại.
Thứ tư, nguy cơ cạnh tranh giữa con người và một hệ thống thông minh phức tạp
Điểm kỳ dị công nghệ của AI liên quan tới mối đe dọa tiềm ẩn tới sự tồn vong của loài người. Trí tuệ nhân tạo có thể khiến con người trở thành loài thông minh thứ hai trên trái đất[5]. Để máy thông minh tự trị có thể phản ứng được với các tình huống mới, phần mềm máy thông minh cần có đặc trưng “mã tự cải biên” (self- modified code). Khi lỗi trong mã tự cải biên không kiểm soát được sẽ dẫn tới máy
thông minh ở trình độ cao sẽ không kiểm soát được chính mình, chúng sẽ hành động như “một loài thông minh mới” và với kết nối trí tuệ nhóm thì khả năng trí tuệ của chúng có thể cao hơn con người.
Hơn nữa, tương tự như trong tội phạm mạng, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành công cụ tấn công hoặc mục tiêu tấn công của tội phạm trí tuệ nhân tạo. Khi AI càng thâm nhập vào mọi mặt đời sống của con người, hậu quả của tội phạm này càng trở nên trầm trọng. Stephen Hawking, Elon Musk và hơn 1.000 nhà nghiên cứu AI và người máy đã ký một lá thư đề xuất lệnh cấm chiến tranh trí tuệ nhân tạo, cảnh báo về khả năng phá hủy cuồng bạo khi một ai đó có trong tay “vũ khí tự trị” (“autonomous weaponry”).
- Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo lên đời sống kinh tế, xã hội ở Việt nam hiện nay
Như đã phân tích ở trên, trí tuệ nhân tạo đang là cuộc đua của những gã khổng lồ công nghệ. Nó có tiềm năng giải quyết rất nhiều vấn đề, nên không có gì ngạc nhiên khi những công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới đều xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào những sản phẩm của họ.
Tại Việt Nam, các công ty trong nước cũng đã nhanh chóng "bắt sóng" xu hướng AI của thế giới trong vài năm qua và bước đầu có sản phẩm cụ thể. Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về nguồn vốn và con người, sự đầu tư của những doanh nghiệp Việt cho thấy khát vọng phát triển AI để khẳng định chỗ đứng trong bản đồ công nghệ thế giới. Trên thực tế, người dùng Việt Nam đã biết đến AI từ những ứng dụng “Made in Vietnam” như: Máy ảnh tự nhận diện khuôn mặt, trợ lý ảo trên smartphone, xe tự lái, robot Nano của FPT, Zalo Brain và Zalo Assistant của VNG... Có thể thấy, doanh nghiệp công nghệ Việt trong và ngoài nước đều đang có những bước tiến khả kiến và nhanh nhạy trong lĩnh vực AI.
Có thể kể tới Zalo – một ứng dụng rất phổ biến tại Việt Nam cũng đã dấn thân vào lĩnh vực AI với việc thành lập phòng nghiên cứu Zalo AI và xác định hai mũi nhọn nghiên cứu Zalo Brain, Zalo Assistant. Một trong hai sản phẩm nói trên đã dần hoàn thiện và chính thức được công bố. Thành quả của các kỹ sư và nhà khoa học Zalo AI chính là trợ lý ảo Ki-Ki. Sự khác biệt của Ki-Ki với những trí tuệ nhân tạo do các hãng công nghệ trên thế giới phát triển nằm ở khả năng nhận diện khá tốt giọng nói của người Việt. Bên cạnh đó, Ki-Ki cũng trả lời bằng giọng của ba miền gồm Bắc, Trung, Nam khá tự nhiên.
Trên thị trường quốc tế, nhiều ứng dụng về trí tuệ nhân tạo của người Việt cũng gây được tiếng vang. Một trong những startup của người Việt đang được chú ý
là ELSA, ứng dụng luyện phát âm tiếng Anh do Văn Đinh Hồng Vũ sáng lập, lọt top 5 ứng dụng AI toàn cầu và nhận được những khoản rót vốn khổng lồ từ các quỹ đầu tư. Điểm nhấn của ELSA chính là vận dụng AI để nhận diện giọng nói rất chính xác, nhờ đó có thể phân tích giọng đọc của người dùng, chỉ ra những điểm chưa chuẩn trong phát âm, từ đó chỉnh sửa để chuẩn hơn.
Rõ ràng, AI không còn là khái niệm xa lạ với người Việt, dù là doanh nghiệp lâu đời hay những công ty startup đều dành sự quan tâm đặc biệt cho sự phát triển trí tuệ nhân tạo. Không chỉ là các doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã và đang xây dựng một chiến lược về kinh tế 4.0, trong đó, cốt lõi là trí tuệ nhân tạo.
AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. AI mang lại cơ hội để có thể bứt phá vươn lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ nói chung và AI nói riêng chính là kinh tế tri thức mà yếu tố con người đóng vai trò cốt yếu, điều mà chúng ta có thể tận dụng từ tinh thần ham học hỏi với thế mạnh về khoa học cơ bản, cũng như tinh thần sức mạnh dân tộc của người Việt trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam trong giai đoạn này cũng vô cùng lớn.
Thứ nhất, các sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam, dù đã được cải tiến và đổi mới nhiều, song phần lớn vẫn sử dụng những công nghệ cũ, lạc hậu. Việc đổi mới công nghệ so với mặt bằng chung vẫn còn chậm. Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ bị hạn chế khiến cho các sản phẩm khoa học và công nghệ vẫn bị tụt hậu so với thế giới, làm giảm năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực này. Mặt khác việc đổi mới công nghệ không chỉ đơn giản là thay máy cũ bằng máy mới mà còn phải đổi mới cả một hệ thống quản lý cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đi kèm mà những điều này vẫn còn thiếu và yếu. Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam đến 2020 đã đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới được một thế hệ công nghệ. Thực tế, đây là con số quá cao nhưng mặt khác cũng lại được coi là quá thấp đối với khoa học và công nghệ Việt Nam.
Thứ hai, khung hành lang pháp lý, việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách để bảo đảm Luật Khoa học và Công nghệ được triển khai sâu rộng vào cuộc sống, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất quan trọng để phát triển kinh tế vẫn còn nhiều bất cập. Việc ban hành các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư hướng dẫn chậm chạp, khiến cho quá trình thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, đầu tư để phát triển khoa học và khoa học tuy đã có nhiều chuyển biến, được chú trọng nhưng mới chỉ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước - một con số quá thấp so với nhu cầu của hoạt động khoa học và công nghệ. Các nước tiên tiến đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là nghiên cứu các sản phẩm
khoa học ứng dụng luôn đạt từ 3 – 5% ngân sách. Rõ ràng sự chênh lệch về vốn đầu tư cho KH&CN cũng đã là một thách thức lớn cho nền KH&CN Việt Nam.
Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành còn thiếu và yếu, thiếu các trung tâm khoa học lớn; hiệu quả sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và kết quả hoạt động của các khu công nghệ cao còn thấp. Thiếu cơ chế quản lý khoa học nhất là cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài còn nhiều hạn chế. Việc nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ làm công tác khoa học không thể thực hiện trong thời gian ngắn mà đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức cũng là những thách thức không nhỏ cho việc phát triển nền KH&CN nước nhà
Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng “Chính sách Công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Để “khoa học - công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất. Phấn đấu đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới”[6], cần thiết phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý khoa học và công nghệ, nhất là cơ chế tài chính nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học - công nghệ, đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống. Một số giải pháp tổng thể được đưa ra là xác định đúng quy mô thị trường AI Việt Nam hiện thời; tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực AI tài năng; Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ cao phải là hướng ưu tiên trong hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, trong lĩnh vực pháp lý cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các vấn đề chính sách, pháp luật đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, của sự phát triển của trí tuệ nhân taọ. Theo đó, trong bối cảnh này, pháp luật cần tuân thủ các nguyên lý nền tảng của pháp luật hiện đại, tạo hành lang pháp lý thông thoáng nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tiễn đời sống. Cụ thể, cần hoàn thiện pháp luật về khoa học công nghệ, lao động, an sinh xã hội, bảo vệ người tiêu dùng; đảm bảo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Bên
cạnh đó, cũng cần lường trước những nguy cơ của cuộc bùng nổ AI để xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho con người và xã hội.
"Công nghệ tuy có khả năng thay thế một vài kỹ năng và thay đổi nhiều công việc của con người nhưng kỳ thực, cũng chính nó lại tạo ra những công việc mới cho con người. Nó đã giúp cho con người giàu hơn, giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn", GS Jason Furman. Mặc dù khái niệm trí tuệ nhân tạo đã chẳng còn xa lạ với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, tương lai của trí tuệ nhân tạo vẫn là một câu hỏi lớn đối với nhân loại. Chính vì vậy, hiểu về nó cũng như lường trước những nguy cơ tiêu cực mà trí tuệ nhân tạo mang lại để từ đó có những giải pháp căn cơ hạn chế mối đe doạ của AI là điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa./.
[1] https://www.independent.co.uk/life-style/gadgets-and-tech/news/stephen-hawking-artificial-intelligence- fears-ai-will-replace-humans-virus-life-a8034341.h
[2] https://www.sciencealert.com/elon-musk-says-an-update-on-his-brain-computer-interface-is-coming-soon
[3]Alan Bundy, Profesor, The university of Edinburg
[4] https://medium.com/@MichaelMcBride/did-karl-marx-predict-artificial-intelligence-170-years-ago- 4fd7c23505ef. Did Karl Marx Predict Artificial Intelligence 170 Years Ago?
[5] James Barrat. Our Final Invention Artificial Intelligence and the End of the Human Era. Thomas Dunne Books, 2013.
[6] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 20-NQ/TW) về phát triển khoa học và công nghệ
- Bàn về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương trong giai đoạn mớiHội nghị - Hội thảo01/04/2025
- Phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số công tác Đoàn hiện nayNCKH và đối ngoại19/03/2025
- Đào tạo ngành Quản lý nhà nước trong bối cảnh mới ở Việt NamNCKH và đối ngoại13/01/2025
- Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn nghiên cứu khoa họcNCKH và đối ngoại27/12/2024
- Vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại16/12/2024
- Kỷ nguyên số - bối cảnh và cơ hội vươn mình của dân tộc Việt NamNCKH và đối ngoại12/12/2024
- Hội thảo Khoa học Quốc gia: “Khoa học Xã hội và Nhân văn: Đào tạo – Nghiên cứu - Ứng dụng”Hội nghị - Hội thảo01/12/2024
- Phương pháp thiết kế và xây dựng nội dung nghiên cứu khoa họcNCKH và đối ngoại27/11/2024