Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở tỉnh Nghệ An
MỞ ĐẦU
Đào tạo lý luận chính trị là quá trình truyền thụ, tiếp thụ hệ thống tri thức lý luận chính trị; củng cố thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao tầm nhìn, tư duy, phương pháp, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và vận dụng thực tiễn cho đội ngũ cán bộ. Đào tạo lý luận chính trị gồm 3 cấp: sơ cấp, trung cấp, cao cấp [1]. Theo quy định về phân cấp đào tạo lý luận chính trị hiện nay, Trung tâm Chính trị cấp huyện đào tạo sơ cấp; Trường chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo cao cấp.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã khẳng định: “Công tác giáo dục lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên có nhiều đổi mới về chương trình, nội dung, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu quả” [3; tr.45]. Mặc dầu còn không ít khó khăn, những năm vừa qua, công tác đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên tỉnh Nghệ An đã đạt nhiều kết quả đáng được ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng được nâng lên, trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
NỘI DUNG
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên, trong đó đặc biệt chú ý đến đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Ban Thường vụ đã ban hành: Quyết định số 2392-QĐ/TU, ngày 30/5/2012 về ban hành Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012-2020; Kế hoạch số 69-KH/TU, ngày 30/01/2013 về thực hiện chương trình sơ cấp lý luận chính trị; Quy định số 4288-QĐ/TU, ngày 8/7/2013 về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An; Kế hoạch số 94-KH/TU, ngày 29/7/2013 về xây dựng nội dung và thực hiện chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp năm 2013-2015; Kế hoạch số 81-KH/TU, ngày 20/7/2017 về học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị bắt buộc; Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 21/8/2017 về tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quy định số 2651-QĐ/TU ngày 12/02/2019 về nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nghệ An; Đề án số 35- ĐA/TU ngày 16/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và trung tâm chính trị cấp huyện giai đoạn 2020-2025…
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 225-KH/TU, ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nghệ An năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, gắn với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Quyết định số 1659/QĐ-TTg, ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án chương trình mục tiêu quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ công chức, viên chức, giai đoạn 2019-2030; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
Trước sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, mạnh mẽ của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong những năm qua đã từng bước bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chương trình sơ cấp lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được 21/21 Trung tâm Chính trị triển khai thường xuyên. Từ năm 2008-2018, có 13.670 lớp với 1.520.840 lượt cán bộ, đảng viên và các hội viên đoàn thể quần chúng được bồi dưỡng lý luận chính trị [3] tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện.
Được phân cấp đào tạo trung cấp lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh có nhiều cố gắng đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo lý luận chính trị nhằm bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của tình hình mới. Tính từ năm 2012-2020, có 14.772 người học trung cấp lý luận chính trị (vượt 5,12% kế hoạch). Chất lượng học tập lý luận chính trị của học viên từng bước được nâng cao, đáp ứng yêu cầu về lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Trong năm 2021, Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp và đào tạo, bồi dưỡng được 108 lớp với 7.155 học viên hệ trung cấp lý luận chính trị. Trong đó, có 1.459 học viên đạt loại giỏi (chiếm 20,4%); có 5.402 học viên đạt loại khá (chiếm 75,5%); và 294 học viên đạt loại trung bình (chiếm 4,1%) [5].
Ngoài loại hình đào tạo trung cấp LLCT, Trường Chính trị tỉnh phối hợp đào tạo cao cấp lý luận chính trị. Tính từ năm 2012-2020, có 2.161 người học cao cấp lý luận chính trị (vượt 3,4% kế hoạch). Đáp ứng yêu cầu đặt ra ngày càng cao của đội ngũ cán bộ, công chức, các loại hình bồi dưỡng như: chuyên viên; chuyên viên chính; lãnh đạo, quản lý cấp phòng; kỹ năng soạn thảo văn bản; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đối tượng 3, đối tượng 4; bồi dưỡng 08 chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở theo Đề án số 18-ĐA/TU. Đặc biệt, thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU [5], có 6.934 cán bộ cấp xã (bí thư, phó bí thư đảng ủy; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND; cấp trưởng, cấp phó các tổ chức chính trị - xã hội); có 5.047 công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác với khoảng 100 lớp trong năm 2021 và năm 2022.
Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ngày càng chặt chẽ, từng bước khoa học hoá công tác quản lý đào tạo. Công tác quản lý sĩ số học viên học trên lớp gồm quản lý sĩ số học viên từng môn học, sĩ số từng ngày học, từng buổi học luôn được coi trọng đảm bảo duy trì nề nếp, thái độ, ý thức học tập của học viên. Ngoài ra, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên luôn được tiến hành một cách khách quan, khoa học để nhận định đúng giá trị kiến thức, khả năng tư duy, vận dụng thực tiễn của học viên sau một thời gian học tập. Chất lượng đầu vào được đảm bảo thông qua việc xét cử và chiêu sinh đào tạo trung cấp lý luận chính trị đúng đối tượng, tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên hiện nay cũng có một số hạn chế nhất định, đó là: “việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một bộ phận đảng viên chưa nắm vững được chủ trương, đường lối của Đảng. Việc học tập lý luận chính trị tuy có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu” [2; tr.172]. Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX cũng đã chỉ rõ: “Việc học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước có lúc, có nơi còn hình thức; triển khai xây dựng một số chương trình, kế hoạch, đề án thực hiện chỉ thị, nghị quyết còn chậm, chất lượng, hiệu quả thấp” [4; tr.60]. Trong thời gian tới, để tăng cường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở Nghệ An, cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, chú trọng nhận thức đúng mục tiêu, yêu cầu và tầm quan trọng của học lý luận chính trị trong bối cảnh đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35-CT/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Quán triệt quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Quán triệt quy định của Trung ương về chức năng đào tạo trung cấp lý luận chính trị của Trường Chính trị cấp tỉnh [1] để thống nhất về quản lý, đảm bảo đúng định hướng và mục tiêu của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Hai là, nâng cao ý thức trách nhiệm của cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan cử cán bộ, đảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Sự quan tâm này thể hiện ở sự quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, hướng dẫn của Tỉnh uỷ để tạo sự thống nhất cao, sự nhận thức đúng về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở nghị quyết, quy định, quyết định của cấp trên, các cấp uỷ đảng đã xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, đề án, kế hoạch tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Đặc biệt, quán triệt thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX: “Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: 100% có trình độ đại học, cao đẳng và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác” [4; tr.77]. Cần xây dựng quy hoạch cán bộ, đảng viên học tập nâng cao trình độ hàng năm, trong đó có tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; lựa chọn, xét cử cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng LLCT đúng đối tượng, tiêu chuẩn mà vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị. Bên cạnh đó, cấp uỷ đảng, thủ trưởng cơ quan cần quan tâm, tạo mọi điều kiện, bố trí người đảm đương công việc thay thế nếu đi học tập trung, hỗ trợ về kinh phí (nếu có) để người học yên tâm học. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Cần kiên quyết gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với xây dựng kế hoạch đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tiêu chuẩn chức danh của từng giai đoạn; cử, chọn cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đúng đối tượng, thiết thực, tránh tràn lan, gây tốn kém lãng phí.
Ba là, luôn quan tâm đội ngũ làm công tác tư tưởng của Đảng và đội ngũ chuyên trách đảm nhận công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh và các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; có kế hoạch đào tạo, đào tạo gắn với sử dụng; thường xuyên đánh giá, rà soát, kiểm tra, xác nhận chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ, giảng viên. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị cho đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Giảng viên là người trực tiếp và chủ yếu giảng dạy, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho người học. Họ là những người trực tiếp tham gia nghiên cứu bổ sung và phát triển lý luận chính trị, làm sáng rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trên con đường xây dựng xã hội mới.
Cùng với nhiệm vụ cung cấp tri thức, giảng viên phải xây dựng niềm tin của học viên đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong hoạt động giáo dục, tuyên truyền, một trong những nhân tố chủ yếu nhất là làm cho nhận thức biến thành niềm tin để làm cho mọi người đồng ý với một quan điểm nhất định và bảo vệ quan điểm đó, đồng thời có hành động đúng, phù hợp. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức và tài năng, am tường lý luận sâu sắc, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, có năng lực sư phạm tốt, phương pháp truyền đạt hấp dẫn, cuốn hút sẽ góp phần khắc phục bệnh lười học, ngại học lý luận chính trị tron một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay
Bốn là, Nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị.
Để tham gia bồi dưỡng, đào tạo lý luận chính trị mang lại chất lượng, hiệu quả thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc học tập lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Ý thức tự rèn luyện của mỗi cá nhân là phương pháp quan trọng để bổ sung và hoàn thiện về lý luận chính trị, về năng lực và kinh nghiệm công tác, đáp ứng sự vận động và phát triển của cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu lý luận chính trị. Thường xuyên học tập, trau đồi phẩm chất đạo đức chính trị, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hằng ngày, gắn những tri thức thu được vào thực tiễn cuộc sống, vào nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị, tránh lý luận suông. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn chủ động đấu tranh, phê phán với các quan điểm sai trái, thù địch để làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam.
Xác định việc học lý luận chính trị là trách nhiệm và quyền lợi của bản thân, xây dựng kế hoạch cá nhân phù hợp để tập trung cho việc học nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu của nhiệm vụ công tác. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, xác định học tập lý luận chính trị là vinh dự, nghĩa vụ nên phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài, chịu khó nghiên cứu tài liệu, giáo trình và liên hệ với công tác của bản thân trong mỗi bài giảng lý luận chính trị.
KẾT LUẬN
Cán bộ, đảng viên là đội ngũ kế tục sự nghiệp cách mạng, đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Thực tiễn đặt ra yêu cầu đòi hỏi người cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực không ngừng để đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Một trong những cách thức để hoàn thành nhiệm vụ đó là nâng cao trình độ về lý luận chính trị thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị vừa là trách nhiệm, yêu cầu và cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện và phấn đấu, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, “hừa hồng, vừa chuyên”, vững vàng về bản lĩnh chính trị, có nhân cách sống cao đẹp, có khát vọng cống hiến để phát huy những thành quả cách mạng, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Ban Chấp hành Trung ương (2022), Quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị, số 57-QĐ/TW, ngày 8 tháng 2 năm 2022,
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[3]. Ngô Công Mạnh (2019), Không ngừng đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị ở trung tâm chính trị cấp huyện, truy cập ngày 22/9/2022 tại: https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/khong-ngung-doi-moi-cong-tac-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-o-trung-tam-chinh-tri-cap-huyen/405534-488093-268664
[4]. Tỉnh uỷ Nghệ An (2020), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
[5]. Tỉnh uỷ Nghệ An (2021), Kết luận của Ban thường vụ tỉnh uỷ về kết quả thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2020, số 104-KL/TU ngày 16/8/2021.
[6]. Tỉnh uỷ Nghệ An, (2021), Đề án xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2023, số 05-ĐA/TU, ngày 11/10/2021.
TS. Trần Thị Thúy
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024