Sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng ta trong việc thực hiện công tác tôn giáo
Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, vấn đề tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, những mặt hạn chế của tôn giáo cần phải được khắc phục. Đây là nguyên tắc, yêu cầu quan trọng nhất trong công tác tôn giáo. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng khoa học chân chính, mới nền tảng tư tưởng chủ đạo và giữ vai trò chỉ đạo công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hai là, tuyệt đối không được sử dụng các biện pháp bạo lực đối với tôn giáo. Nếu vi phạm sẽ đẩy xã hội tới chỗ phân chia đồng bào có đạo, gây tổn hại tới chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, phải không ngừng phát huy những giá trị tốt đẹp, tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trong chế độ xã hội chủ nghĩa; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ba là, không ngừng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cả mối liên hệ giữa đồng bào tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo nào. Đó là yêu cầu hàng đầu để xây dựng đất nước và xã hội nhưng cũng là cách thức để đồng bào tôn giáo hòa nhập với cuộc sống xã hội, qua đó chủ động tham gia xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bốn là, tích cực, chủ động đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề tôn giáo; góp phần nâng cao trình độ kiến thức cho toàn dân.
Năm là, kết hợp nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đồng bào tôn giáo với đấu tranh, phòng, chống những thế lực phản động lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá cách mạng.
Sáu là, giải quyết vấn đề tôn giáo trên lập trường quan điểm lịch sử, tức là phải nhìn nhận vai trò, sự tác động của tôn giáo tới đời sống xã hội trong từng giai đoạn, thời kỳ lịch sử khác nhau cũng khác nhau.
Sự vận dụng của Đảng ta trong thực hiện công tác tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, nước ta có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động với trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự(1) .Ngoài các tôn giáo lớn du nhập từ nước ngoài, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Bà-la-môn,... còn có các tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam,.... Các tôn giáo ở nước ta đều gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực tiễn đó cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, điều đó được thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nguyên nhân là do Đảng ta đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực hiện công tác tôn giáo.
Một là, bổ sung, phát triển quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo trong thời kỳ đổi mới.
Kế thừa, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành những văn bản chỉ đạo quan trọng về công tác tôn giáo, như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa IX về công tác tôn giáo… Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(2). Nhà nước đã thể chế hóa thành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004), Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của các tôn giáo, đồng bào có đạo.
Hai là, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ Đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm hoàn thiện quản lý nhà nước về tôn giáo. Các lễ trọng của các tôn giáo hàng năm, các đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo,... được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, an toàn, với quy mô ngày càng lớn hơn, thu hút đông đảo tín đồ tham gia. Nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng, như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Noel của Công giáo và Tin lành,... Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được xây dựng, tu sửa khang trang; việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển nơi tu hành của các chức sắc tôn giáo cũng được phối hợp tốt hơn.
Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng ổn định theo đúng Hiến chương, Điều lệ tổ chức, bảo đảm tuân thủ pháp luật. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, chấp hành tốt pháp luật, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, trị an, góp phần vào thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước.
Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với các cấp chính quyền dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng và đồng thuận trong giải quyết công việc chung. Chính quyền các cấp luôn tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; hướng dẫn, động viên tín đồ tích cực tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời mở rộng uy tín, ảnh hưởng của tôn giáo mình.
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức trọng thể, thành công ở nước ta thời gian qua được dư luận thế giới đánh giá cao, là minh chứng sinh động về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, tạo ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với bạn bè quốc tế. Điển hình là việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) trong nhiều năm; Hội thảo “Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam (2023); Hội nghị gặp mặt người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam (2021); Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tòa thánh Va-ti-can, hội kiến Giáo hoàng Francis (2023)...
Ba là, các tổ chức, cá nhân ngày càng thực hiện tốt trách nhiệm của tín đồ và nghĩa vụ của công dân.
Các hoạt động tôn giáo từng bước đi vào nề nếp, ổn định theo đúng Hiến chương, Điều lệ đã được phê duyệt, hoạt động đảm bảo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước; các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy. Vì vậy, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong mối quan hệ với Nhà nước cũng theo chiều hướng tích cực thể hiện ở phương châm hành đạo, gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Nhiều thư chung, thông bạch, văn bản của các chức sắc tôn giáo gửi tín đồ khuyến khích tinh thần đoàn kết và tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế… thể hiện lòng yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo đều có ý thức chấp hành pháp luật tốt, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chủ động đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Bốn là, đồng bào tôn giáo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.
Nhiều năm qua, các tôn giáo và đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, đóng góp sức người, sức của chung tay cùng Nhân dân cả nước xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhiều mô hình vận động quần chúng có hiệu quả thiết thực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Các chức sắc, chức việc đã tích cực vận động gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao, đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong khó khăn hoạn nạn, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, xây dựng nếp sống văn hóa. Đặc biệt là vận động giáo dân thực hiện quy định về hoạt động tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; tích cực tham gia phòng, chống ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh làm thất bại các âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy các giá trị đạo đức tôn giáo, đồng bào tôn giáo đã tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo và an sinh xã hội. Công tác an sinh xã hội được thực hiện đa dạng ở nhiều lĩnh vực với nhiều tổ chức và cá nhân tham gia, hoạt động an sinh xã hội của các tôn giáo không chỉ mang lại hiệu quả trong hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất mà cao hơn là về mặt tinh thần. Sự chăm sóc tận tình, thái độ tôn trọng và cảm thông không ranh giới với người bệnh, người nghèo của các nhà tu hành chính là nguồn động viên, khích lệ người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, góp phần làm giảm tải gánh nặng ngân sách nhà nước, đóng góp vào việc phát triển bền vững đất nước.
Tiếp tục vận dụng để nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo hiện nay
Thứ nhất, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đảng và Nhà nước cần thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở các cấp phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, xây dựng đội ngũ người làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ để làm công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vừa làm công tác hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ luật pháp; có chính sách quan tâm, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo một cách phù hợp.
Thứ hai, chủ động nắm bắt các vấn đề nảy sinh trong tín ngưỡng, tôn giáo.
Cần thống nhất nhận thức về công tác tôn giáo và quan điểm giải quyết các vấn đề tôn giáo để chủ động phát hiện, nắm bắt các vấn đề có thể nảy sinh trong công tác tôn giáo để chủ động xử lý, không để ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và quan hệ quốc tế. Nếu có nảy sinh các vụ việc thì cần chủ động xử lý ngay tại cơ sở.
Thứ ba, thực hiện tốt công tác giáo dục, tuyên truyền.
Cần quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác để cộng đồng xã hội nhận thức đúng công tác tôn giáo là của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và quản lý của Nhà nước. Trong công tác tôn giáo, luôn bảo đảm nguyên tắc dựa trên yêu cầu, nhiệm vụ chính trị là chính; vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Thứ tư, chú trọng công tác đối ngoại tôn giáo.
Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, những thuận lợi và thách thức to lớn đang đặt ra đối với sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cần chú trọng công tác đối ngoại tôn giáo (thông qua kênh đối ngoại nhân dân và đối ngoại nhà nước) nhằm phục vụ tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế của Việt Nam./.
---------
(1) Ban Tôn giáo Chính phủ, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, H.2002, tr.12.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.171.
Đỗ Tiến Trường
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024