Sự hình thành cục diện địa chính trị mới tại Đông Á và vai trò của nước Nga
Nghiên cứu địa chính trị đã trở thành việc làm thường xuyên trong giới khoa học. Dường như địa chính trị được đề cập thường xuyên hơn so với các khái niệm được chấp nhận trước đây như "chính sách đối ngoại ", "quan hệ quốc tế", "tình hình quốc tế." Trong khi đó, bản chất của học thuyết địa chính trị là tình trạng địa lý xác định lợi ích dân tộc và chính sách của các quốc gia. Song hiện tại, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng thông tin, kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư, công nghệ mới.. lại gắn bó mật thiết với nhau tại tất cả các châu lục. Trung Quốc lại có kim ngạch thương mại với Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ lớn hơn nhiều so với nước Nga, nước mà Trung Quốc có 5000 km đường biên giới chung. Còn về an ninh, các xung đột cục bộ, đương nhiên vẫn luôn gắn với địa lý. Nhưng nếu xem xét các mối đe dọa của một cuộc chiến tranh lớn, chưa kể đến hạt nhân thì địa lý ở đây hầu như không đóng một vai trò nào hết. Các phương tiện chiến lược, tên lửa liên lục địa không nhận ra bất kỳ địa chính trị nào.
Những năm gần đây, tình hình quốc tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra quá trình biến đổi sâu sắc. Những yếu tố quan trọng dẫn đến sự thay đổi này là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự nổi lên của một loạt quốc gia đang phát triển khác, ví như sự hồi sinh sức mạnh của Nga, nỗ lực mạnh mẽ của Nhật Bản để trở thành một quốc gia "bình thường" không bị bất kỳ hạn chế nào trong lĩnh vực quân sự. Tất cả điều này đang diễn ra trong bối cảnh vị thế của Mỹ trong khu vực suy yếu đáng kể, bất chấp tuyên bố chính sách "trở lại" châu Á -Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bài viết sẽ đề cập đến những thay đổi về địa chính trị trong hệ thống quan hệ quốc tế tại khu vực Đông Á những năm gần đây.
1. Những thay đổi kiến tạo trong hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, thay cho hệ thống quốc tế với trung tâm chi phối quyền lực là Mỹ, một trật tự thế giới mới đa cực hay đúng hơn là đa trung tâm và đa dạng đang được hình thành. Trong thế giới này, mặc dù Mỹ vẫn duy trì được vị thế quan trọng, và trong một lĩnh vực nào đó có vị thế hàng đầu, nhưng đã không giữ được sự vượt trội rõ ràng như họ từng nắm giữ trong suốt những năm 1990.
Điều này được thể hiện qua sự thất bại trong các kế hoạch thiết lập sự thống trị của Mỹ tại Afghanistan, Iran, Libya, cũng như cuộc khủng hoảng mới phát sinh trong quan hệ quốc tế liên quan đến sự thống nhất Crimea vào nước Nga và những sự kiện ở Đông Ukraine. Cuộc khủng hoảng đã chứng minh rằng, Mỹ đã bất lực, không thể đối phó được với mong muốn mang tính quy luật của các quốc gia mới nổi, đó là khẳng định quan điểm chiến lược của mình về một trật tự thế giới mới khác với quan điểm của Mỹ, một thế giới công bằng hơn, dân chủ hơn và sự lựa chọn phát triển nội bộ của họ.
Một trật tự thế giới mới đang hình thành với rất nhiều khó khăn sẽ không phải là trật tự thế giới đơn cực hay lưỡng cực hoặc thậm chí là đa cực, mà là một trật tự thế giới đa dạng. Sự khác biệt chính so với thế giới đa cực là ở chỗ các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau ở mức cao chưa từng có, phức tạp hơn và phong phú hơn so với ở châu Âu vào thế kỷ XX. Trật tự này đem lại cơ hội tuyệt vời cho các nước trong khu vực sử dụng những đặc thù riêng của mình. Lợi thế, chủ nghĩa thực dụng hình thành nên các liên minh quốc gia khác nhau về lợi ích nhưng không dẫn đến sự hỗn loạn như một số chính trị gia Mỹ từng khẳng định, mà ngược lại mở ra những cơ hội hợp tác và cùng phát triển.
Ngay cả các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã đề cập đến sự kết thúc cận kề của trật tự thế giới xuất hiện sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Báo cáo dự báo (thứ năm) về xu hướng và viễn cảnh phát triển của thế giới của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (DNI) năm 2012-2013 đã đưa ra dự báo về phát triển của hệ thống toàn cầu đến năm 2030(1). Đó là qua 15-20 năm nữa, các quốc gia lớn nhất, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác, sẽ không đủ khả năng phát huy ảnh hưởng của mình trên khắp toàn cầu. Không một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Mỹ, về nguyên tắc, có thể trở thành một thế lực bá quyền. “Pax Americana” hay kỷ nguyên độc quyền thống trị của Mỹ trong chính trị thế giới, bắt đầu từ sự sụp đổ của Liên Xô, sẽ vĩnh viễn đi vào quá khứ. Các trung tâm quyền lực mới, trước đây chưa hề đóng một vai trò quan trọng nào đang xuất hiện và mạnh lên trên trường quốc tế. Giai đoạn toàn cầu hóa hiện tại đã dẫn đến các tình huống không thể đoán định trước. Đó là do sự tăng trưởng bùng nổ của lực lượng sản xuất tại các khu vực mà hàng thế kỷ trước đây vẫn còn lạc hậu, thuộc giai đoạn phát triển tiền công nghiệp. Các nước đang phát triển trước kia là các nhà cung cấp nguyên vật liệu và lao động giá rẻ, hiện nay đã trở thành công xưởng của thế giới và là người tiêu dùng chủ yếu các nguồn tài nguyên năng lượng và thực phẩm. Sự phân công lao động trước đây giữa chính quốc phương Tây và các thuộc địa cũ đã lùi xa vào quá khứ. Ý tưởng về một thế giới đa cực đã hiện thực hoá dưới hình thức của nhiều trung tâm quyền lực kinh tế.
Dưới ảnh hưởng của toàn cầu hóa, xu hướng nổi bật trong quan hệ quốc tế là hội nhập khu vực hoặc sự kích hoạt của các quá trình hội nhập tại các khu vực khác nhau của thế giới. Mặc dù chúng xảy ra chủ yếu ở cấp độ khu vực, nhưng tự thân hiện tượng này lại mang tính toàn cầu và đang trở thành một yếu tố ngày càng quan trọng trong phát triển của thế giới. Trên thế giới, gần như không còn quốc gia nào không là thành viên của ít nhất một hoặc nhiều tổ chức khu vực. Toàn cầu hóa và khu vực hóa là những xu hướng có quan hệ với nhau, bổ sung cho nhau nhưng đồng thời lại mâu thuẫn với nhau. Khu vực hóa tạo điều kiện để các nước phát triển tham gia vào toàn cầu hóa một cách nhẹ nhàng, không cảm thấy quá nhiều áp lực từ các công ty đa quốc gia hùng mạnh. Khu vực hóa đem lại nhiều lựa chọn hơn để các nước đang phát triển tránh được những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Một trong những ví dụ thành công nhất về hội nhập khu vực của các nhóm liên kết khu vực bên ngoài châu Âu trong vòng nửa thế kỷ qua là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN.
2. Sự chuyển dịch trung tâm kinh tế và chính trị thế giới sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Các xu hướng chính trong phát triển của thế giới đương đại là sự chuyển dịch chưa từng có trong lịch sử trung tâm kinh tế và chính trị thế giới sang khu vực phía Đông của “châu Á mới”. Báo cáo nêu trên của cơ quan an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, đến năm 2030, châu Á sẽ trở thành thủ lĩnh trên trường quốc tế. Do đó, kỷ nguyên trỗi dậy lịch sử của phương Tây sẽ kết thúc. Khi đó về tác động toàn cầu, dựa vào mức độ GDP, dân số, quy mô chi phí quân sự, đầu tư công nghệ, châu Á sẽ vượt qua Bắc Mỹ và châu Âu, còn Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu, vượt qua cả Hoa Kỳ(2).
Trật tự khu vực tại Đông Á được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ II và thay đổi vào đầu những năm 1970, dựa trên hai trụ cột là sự hoà giải giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra năm 1972, và hệ thống các liên minh quân sự song phương do Mỹ đạo diễn ngay từ đầu những năm 1950. Thích ứng với môi trường xung quanh đã đảm bảo cho 30 năm tăng trưởng liên tục của Trung Quốc, quốc gia đã hoàn toàn thay đổi cán cân quyền lực tại Đông Á. Đồng thời, hệ thống các liên minh quân sự do hai nước tạo ra đảm bảo cho Mỹ tự do hàng hải ổn định và làm chủ ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trật tự này có nhiều điểm yếu. Thứ nhất, nó dựa trên lợi ích chung đấu tranh chống lại Liên Xô. Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, quan hệ của Trung Quốc với Mỹ đã bị đe dọa. Trung Quốc đã không còn là một đối tác chiến lược của Mỹ và trở nên “khác” hẳn về ý thức hệ, từ đó nảy sinh các vấn đề cần được giải quyết. Ở một ý nghĩa nào đó, Trung Quốc đã lấp vào chỗ của Liên Xô. Thứ hai, toàn bộ hệ thống các liên minh quân sự của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế Trung Quốc đã xuất hiện vào những năm 1950. Thứ ba, Trung Quốc từ lâu vẫn là một sức mạnh hoàn toàn lục địa, còn Mỹ đã luôn là một cường quốc hải quân. Ngay sau khi Trung Quốc tập trung vươn lên thành một cường quốc lục địa và cường quốc biển thì khó có thể tránh được xung đột lợi ích với Mỹ và các quốc gia ven biển khác trong khu vực.
3. Rủi ro địa chính trị và tiềm năng xung đột ở Đông Á
Cùng với sự chuyển dịch trung tâm phát triển của kinh tế và chính trị thế giới sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương là sự chuyển dịch đến đây cả những mâu thuẫn giữa các đối thủ hàng đầu trong nền chính trị thế giới. Cạnh tranh kinh tế giành giật thị trường, nguồn vốn đầu tư và nguồn lực trở nên gay gắt hơn. Sự cạnh tranh chính trị giành điều kiện phát triển đối ngoại thuận lợi, để đảm bảo an ninh, giành uy tín quốc tế và khả năng ảnh hưởng đến cấu trúc khu vực mới đang hình thành cũng gia tăng.
Tại khu vực vẫn tồn tại hai mối đe dọa an ninh. Trước hết là an ninh truyền thống với các mối đe dọa quân sự, tranh chấp lãnh thổ, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chính các nước Đông Á là những nước phát triển tiềm năng quân sự nhanh nhất. Tổ hợp các mối đe dọa phi truyền thống gồm khủng bố và cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia, thảm họa môi trường và tự nhiên, thảm họa do con người, buôn bán ma túy, di cư bất hợp pháp, các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng.
Vấn đề đoàn kết dân tộc hay thống nhất hai bộ phận của Trung Quốc (Trung Quốc Đại lục và Đài Loan) vẫn là một trong những vấn đề phức tạp nhất của khu vực. Sự lựa chọn các giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Căng thẳng ở eo biển Đài Loan vẫn còn và sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Việc tăng cường sức mạnh của không quân và hải quân của quân đội Trung Quốc sẽ thay đổi toàn bộ tình hình tại eo biển Đài Loan và buộc Mỹ cùng với các đồng minh của họ tại Đài Loan xem xét lại toàn bộ chiến lược quốc phòng của mình.
Quan hệ Trung - Nhật có thể sẽ là nguồn gốc thực sự của cuộc xung đột. Trung Quốc và Nhật Bản là những đấu thủ chính tại Đông Á. Sự căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp quần đảo Điếu Ngư (trong tiếng Trung) Senkaku (trong tiếng Nhật). Cuộc tranh chấp không chỉ liên quan đến các nguồn tài nguyên khoáng sản và các tuyến đường biển, mà còn vì uy tín quốc gia. Tinh thần chống Nhật mạnh mẽ ở Trung Quốc còn gắn liền với ký ức dai dẳng về những tội ác của quân xâm lược Nhật Bản tại Trung Quốc.
Ngoài ra, tình hình Đông Bắc Á còn phức tạp bởi những căng thẳng thường xuyên trên bán đảo Triều Tiên, và mong muốn làm chủ vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Các sự kiện gần đây trong khu vực Đông Nam Á cũng tạo ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Những mâu thuẫn xung quanh tranh chấp lãnh thổ có thể dẫn đến xung đột vũ trang đang tăng lên trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng quyền lực địa chính trị. Quan hệ Trung-Việt trở nên nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng mùa hè năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, sự mất tích của máy bay chở khách Malaysia MH370 ở Ấn Độ Dương chưa được giải quyết, cuộc đảo chính ở Thái Lan, chiến sự chống lại các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở Myanmar, tình trạng bất ổn chính trị tại Campuchia… Tất cả những sự kiện này cùng với nạn cướp biển ở eo biển Malacca, các hoạt động khủng bố của lực lượng ly khai ở miền Nam Thái Lan, Indonesia và Philippines đòi hỏi xem xét lại quan điểm cho rằng khu vực này như là một ốc đảo của hòa bình và ổn định.
Vấn đề chính về an ninh tại Đông Á nói chung vẫn là các tranh chấp lãnh thổ tại biển Hoa Đông và Biển Đông, mà để giải quyết phải cần đến một thời gian dài và ý chí chính trị của tất cả các bên liên quan. Vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo và an toàn hàng hải tại Biển Đông hết sức phức tạp bởi phạm vi mâu thuẫn rộng, với nhiều nước đã tham gia hoặc có khả năng tham gia vào cuộc tranh chấp lãnh thổ này. Hoa Kỳ và Nhật Bản, những nước có lợi ích chiến lược và kinh tế quan trọng trong khu vực đã chủ động can dự vào cuộc tranh chấp này.
Việc gia tăng quân sự tại Biển Đông chắc chắn sẽ dẫn đến các sự cố và xung đột vũ trang với nhiều khả năng phát triển thành xung đột, mà trong điều kiện nhất định, có thể mở rộng cả về thành phần lẫn số lượng tham gia cũng như về không gian bao phủ.
Ở Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam, luật pháp coi các đảo là một bộ phận lãnh thổ quốc gia. Các đảo đã trở thành biểu tượng quốc gia, thậm chí là điều kiện nhất định cho tính chính danh của chính phủ, và phải bảo vệ những hòn đảo “bằng mọi giá”. Điều này làm cho tình hình trở nên phức tạp, khó lường và khó giải quyết.
Một thay đổi lớn trong tình hình địa chính trị tại Đông Á những năm gần đây là việc sử dụng có chọn lọc và từng phần của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS), và đáng lo ngại hơn là sự sẵn sàng sử dụng các lực lượng vũ trang để khẳng định quan điểm của mình. Từ năm 2009, Trung Quốc bắt đầu cho thấy, các lược lượng vũ trang gia tăng mạnh của Trung Quốc đã đủ khả năng áp dụng “quyền lực cứng”, đầu tiên là chống lại Việt Nam và Philippines tại Biển Đông, sau đó là chống lại Nhật Bản tại biển Hoa Đông. Sự leo thang căng thẳng ở cả hai vùng biển đã biến chúng thành các “điểm nóng” của hành tinh.
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024