Quyền làm chủ của Nhân dân - thực tiễn tại Nghệ An và những vấn đề đặt ra
MỞ ĐẦU
Nghệ An là tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ có diện tích tự nhiên rộng nhất nước với 16.493,7 km2, có đường biên giới dài 468 km và 82 km bờ biển. Tỉnh Nghệ An có 21 huyện, thành phố, thị xã với 460 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), trong đó 150 xã loại 1, 283 xã loại 2, 27 xã loại 3; 3.803 khối, xóm, bản.
Dân số toàn tỉnh trên 3,3 triệu người, đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 14,76% (Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, tộc người Đan Lai...). Đồng bào theo tôn giáo hợp pháp có khoảng 390.000 tín đồ (Công giáo khoảng 290.000 tín đồ, Phật giáo khoảng 100.000 tín đồ).
Trong những năm qua, nội dung phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quả4n lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo và nhân dân đồng tình thực hiện.
Tỉnh ủy Nghệ An đã tổ chức quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, trong đó tập trung vào nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bằng nội dung “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp” với những quy chế, quy định, quy trình cụ thể; quy định rõ hơn Đảng phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân về những quyết định của mình; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó đi sâu vào nội dung “tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh”; “Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân...”, những chủ trương lớn về quyền con người, gắn quyền con người với sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, gắn quyền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân. Vấn đề phát huy quyền làm chủ của Nhân dân được xác định rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhiệm kỳ 2015 - 2020 [5] và nhiệm kỳ 2020 - 2025 [6].
NỘI DUNG
1. Một số vấn đề lý luận về quyền làm chủ của nhân dân và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
Tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò, vị trí, lực lượng, sức mạnh to lớn của nhân dân, là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân”. Người nhấn mạnh: “Nước ta là một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân vì dân là chủ”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là chủ”. Toàn bộ quyền lực nhà nước đều bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân, nhằm phụng sự lợi ích của nhân dân, thừa hành ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đây là tư tưởng nền tảng mà Đảng ta hướng tới, đồng thời là cách thức thực hiện mục tiêu, con đường đi lên CNXH ở nước ta.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, căn cứ vào tình hình thực tiễn và quan điểm mở rộng dân chủ, Đảng ta đã bổ sung 02 khâu trong phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [7; tr.73].
Như vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã bổ sung nội dung “dân giám sát”, "dân thụ hưởng” vào nội dung phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây là sự phát triển tư duy lý luận, hoàn thiện chủ trương của Đảng về dân chủ [7, tr.71]. Sự phát triển, hoàn thiện đó có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong xây dựng và phát huy nguồn lực con người, là động lực, yếu tố sống còn, có ý nghĩa quyết định đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” [8]. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Dân biết” là nhân dân hiểu và nắm rõ được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến cuộc sống nhân dân, vận mệnh đất nước, dân tộc. Nhân dân nắm, biết để bàn bạc, đóng góp ý kiến, hoạch định, góp phần bảo đảm khi được ban hành, thực hiện trong đời sống, đem lại kết quả tốt. Nhân dân biết, nắm rõ, hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, tạo cơ sở để thống nhất, đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết tổ chức, thực hiện đạt kết quả cao trong cuộc sống. Nhân dân hiểu rõ mục đích cuối của chủ trương, chính sách, pháp luật là phục vụ lợi ích của chính nhân dân, thành quả của chủ trương, chính sách, pháp luật mang lại do nhân dân thụ hưởng, tạo ra xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Để nhân dân “biết” phải sử dụng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục.
“Dân bàn” là nhân dân được thảo luận, bàn bạc, ý kiến, góp ý với Đảng và Nhà nước, để việc hoạch định, thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật được thực hiện một cách chính xác, phù hợp, hiệu quả. Nhân dân bàn bạc, thống nhất cách thức, biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả vào thực tiễn công việc, mang lại lợi ích cho nhân dân, đất nước. Khi nhân dân góp ý kiến đúng, xác đáng phải trân trọng, tiếp thu, hoàn thiện cho tốt hơn; khi nhân dân góp ý kiến chưa xác đáng, chưa phù hợp phải giải thích, tuyên truyền, thuyết phục để nhân dân hiểu, nắm rõ chủ trương, chính sách, pháp luật và những lợi ích đem lại. Để nhân dân “bàn” phải có cơ chế, cách thức tổ chức phù hợp.
“Dân làm” là nhân dân làm việc, thực hiện, hành động chủ trương, nghị chính sách, pháp luật vào thực tiễn cuộc sống, đảm bảo hiệu quả. Nhân dân thực hiện tinh thần làm chủ, vai trò chủ thể thực hiện, triển khai hoạt động, công việc với cách thức, phương pháp, phương tiện, lực lượng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật, việc làm vào đời sống đạt hiệu quả. Trong quá trình đó, cán bộ, đảng viên trước hết làm tốt vai trò là một công dân, với tinh thần là hạt nhân, đi đầu trong tổ chức, triển khai, thực hiện.
“Dân kiểm tra” là việc nhân dân xem xét, đánh giá thực tế thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, việc làm, qua đó phát hiện những sai lệch, thiếu sót, đề xuất, ngăn chặn, xử lý, đưa ra biện pháp điều chỉnh kịp thời, bảo đảm thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra. Mặt khác, qua kiểm tra để khuyến khích, biểu dương những việc làm tốt, mô hình hay. Nhân dân kiểm tra bằng cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện dân cử, nhất là dân chủ ở cơ sở. Để nhân dân kiểm tra được cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp.
“Dân giám sát” là nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá quá trình thực hiện, kết quả thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, công việc thực hiện. Nhân dân theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình có đúng, có tuân thủ đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật không. Giám sát bằng hình thức, phương pháp cụ thể, thường xuyên, theo nội dung công việc, trực tiếp, hoặc gián tiếp.
“Dân thụ hưởng” là nhân dân được nhận, thụ hưởng thành quả, kết quả của quá trình phát triển về đời sống vật chất, tinh thần mà các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mang lại sau quá trình tổ chức, thực hiện. Nhân dân thụ hưởng lợi ích, giá trị dẫn tới xã hội có trật tự, kỷ cương, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; đồng thời nhân dân thấy được mục đích, động lực thực sự, cuối cùng của chủ trương, chính sách, pháp luật mà Đảng, Nhà nước đề ra và tổ chức thực hiện đều vì con người, vì nhân dân, lan toả giá trị tiến bộ, nhân văn, phẩm giá con người, bản chất chất của chế độ xã hội.
2. Thực trạng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở Nghệ An hiện nay
2.1. Những kết quả đạt được
Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là phát huy dân chủ ở cơ sở, đạt kết quả tích cực.
2.1.1. Những nội dung công khai để Nhân dân biết
Cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp ở tỉnh Nghệ An đã tăng cường công khai, phổ biến thông qua các hình thức phù hợp để nhân dân nắm được các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đời sống người dân và các biện pháp thực hiện.
Cấp ủy Đảng ở Nghệ An phổ biến, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và nghị quyết, chỉ thị, báo cáo chuyên đề liên quan đến người dân, công tác quy hoạch, tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; kết quả kiểm tra, giám sát, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm theo quy định.
Các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An phổ biến, công khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; các dự án, công trình, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án sáp nhập thôn, xóm, đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã; điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã; các cơ chế chính sách tạo điều kiện, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; các chính sách an sinh xã hội; các quy định về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến nhân dân và các nội dung liên quan khác.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Nghệ An thực hiện khá tốt vai trò cầu nối, cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân nắm bắt, hiểu rõ các thông tin được phổ biến, cung cấp.
2.1.2. Những nội dung Nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến
Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân; đặc biệt đã tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp nhiều nội dung quan trọng theo đúng quy định.
Cấp ủy Đảng quan tâm lấy ý của nhân dân về dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội Đảng các cấp, các dự thảo nghị quyết chuyên đề của cấp ủy về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy các cấp quản lý...
Các cấp chính quyền ở Nghệ An tạo điều kiện để Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp các nội dung công việc, trọng tâm là các chủ trương, chính sách và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí; việc xây dựng hương ước, quy ước thôn, xóm. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, người dân đã phát huy tốt vai trò chủ thể của mình trong việc bàn bạc và quyết định việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch gắn với tình hình đặc điểm từng địa phương, cơ sở; từ đó đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt vai trò tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị của nhân dân tham gia góp ý các chương trình, đề án, cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
2.1.3. Những nội dung, hình thức Nhân dân giám sát
- Đối với cấp ủy Đảng: Nhân dân thường xuyên theo dõi, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, kết quả thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết đại hội Đảng các cấp; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy; việc thực hiện quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của cấp ủy theo quy định; công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện các chính sách đối với cán bộ; việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với tập thể, cá nhân.
- Đối với các cấp chính quyền: Thực hiện nghiêm túc việc tạo điều kiện và chịu sự giám sát của Nhân dân với những nội dung đã công khai, những nội dung để nhân dân bàn, quyết định và tham gia ý kiến; nhất là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kế hoạch, tiến độ triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; chất lượng, tiến độ các công trình, dự án triển khai trên địa bàn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân; việc giải quyết các tồn đọng, ý kiến phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân; việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách trên địa bàn, việc thu và quản lý, sử dụng các khoản thu của nhân dân; việc rèn luyện, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, công chức, của đại biểu dân cử.
- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân phát huy ý thức, trách nhiệm trong việc giám sát đối với cấp ủy đảng, chính quyền theo quy định của pháp luật; từng bước phát huy vai trò của tổ chức đại diện thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW [4], Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) [2], Quy định 124-QĐ/TW của Ban bí thư (khóa XII) [1].
Thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân đã giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ trong huy động nội lực của nhân dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh, học sinh trong các trường công lập; công tác tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng; công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các loại hình doanh nghiệp; chất lượng sản phẩm vật tư nông nghiệp trên địa bàn...Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đạt được những kết quả tích cực.
2.1.4. Những kết quả nhân dân thụ hưởng
Tất cả các thành quả mà tỉnh Nghệ An tạo ra, đạt được trong thời gian qua đều để nâng cao đời sống nhân dân, phục vụ nhân dân, vì sự bình yên của nhân dân, tạo thuận lợi cho nhân làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vì hạnh phúc của nhân dân. Thể hiện rõ nhất trong vấn đề nhân dân thụ hưởng đó là kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tất cả các địa phưng về đích Nông thôn mới nhân dân đều khẳng định đó là một cuộc cách mạng làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt nông thôn, nhất là hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; nhân dân vừa là chủ thể trong xây dựng Nông thôn mới vừa là người trực tiếp thụ hưởng thành quả do xây dựng Nông thôn mới mang lại.
2.2. Một số vấn đề tồn tại, hạn chế
Thứ nhất, việc tổ chức quán triệt về các nội dung trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” chưa sâu sắc; một số chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh chưa kịp thời phổ biến đến mỗi người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biển, miền núi cao và các doanh nghiệp.
Thứ hai, một số nơi chính quyền cơ sở nhận thức chưa đầy đủ và chưa thực sự coi trọng việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình chỉ đạo điều hành nên một số nội dung kết quả chưa cao, chưa tạo được sự đồng thuận của nhân dân.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở một số cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa xác định đúng mức vai trò của tổ chức mình trong việc thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy dân chủ ở cơ sở, mặt khác một số nơi chưa được chính quyền quan tâm tạo điều kiện về thông tin, kinh phí để thực hiện, do đó thiếu chủ động sáng tạo trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong hệ thống ngành dọc. Cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí; việc giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở còn có mặt hạn chế.
Thứ tư, ở một số nơi, chính quyền chưa công khai đầy đủ về quy hoạch sản xuất, giao thông, thuỷ lợi, quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình, dự án đầu tư vốn không phải do nhân dân đóng góp; công khai chưa đầy đủ cho dân biết giá cả bồi thường giải phóng mặt bằng, các khoản thu quỹ; một số chương trình, dự án đầu tư chưa được thông tin đầy đủ cho dân biết để tham gia giám sát.
3. Các giải pháp để thực hiện tốt việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ở Nghệ An trong thời gian tới
3.1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết của nhân dân về dân chủ và phát huy dân chủ
Muốn thực hiện quyền làm chủ thì trước tiên nhân dân phải hiểu biết đúng đắn, đầy đủ các quyền tự do dân chủ. Các quyền tự do dân chủ của người dân là quyền được biết những công việc mà chính quyền có trách nhiệm phải công khai, quyền được bàn và quyết định trực tiếp, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề có liên quan đến lợi ích nhân dân, quyền giám sát các công việc của chính quyền… Khi đó người dân sẽ chủ động, tích cực thực thi và sử dụng các quyền dân chủ và đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ; đồng thời rèn luyện phương pháp thực hành dân chủ và có bản lĩnh thực hành dân chủ; nhân dân mới thực hiện quyền làm chủ thực sự, tránh tình trạng dân chủ chung chung, dân chủ hình thức.
3.2. Nâng cao hiệu quả hoạt động của chế độ thực hành dân chủ trong các cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị
Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Mỗi cơ quan, đơn vị cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong vấn đề thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị mình. Đặc biệt là những nội dung liên quan tới quản lý tài chính, tài sản, thi đua, khen thưởng, chính sách cán bộ…, phải được tập thể cán bộ, công chức, viên chức thảo luận và thông qua. Cơ quan, đơn vị thông qua các cấp công đoàn cơ sở tổ chức quán triệt ý nghĩa, nội dung quy chế dân chủ nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tuyên dương các gương điển hình tiêu biểu trong thực hiện phát huy dân chủ.
Gắn đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng để xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tốt quyền làm chủ của nhân dân, góp phần kiểm soát, giám sát công tác cán bộ.
3.3. Các cấp uỷ chính quyền tỉnh Nghệ An phải quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ
Quần chúng nhân dân có quyền tranh luận, nêu ý kiến của riêng mình và có quyền bảo lưu ý kiến lên cấp lãnh đạo cao nhất. Lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan phải khuyến khích thảo luận, tranh luận những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau để đi đến thống nhất về quan điểm, nhưng khi đã thành nghị quyết, quyết định của tập thể thì tất cả mọi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân phải tôn trọng, thực hiện nghiêm. Quy chế dân chủ theo Pháp lệnh, Nghị định nhằm đảm bảo nhân dân được bàn bạc, thảo luận và quyết định mọi công việc của địa phương, cơ sở, từ những công việc nhỏ, cụ thể đến những vấn đề lớn như xây dựng đường lối, hệ thống pháp luật. Trước khi ban hành chủ trương, Nghị quyết ... các cấp ủy đảng Tỉnh Nghệ An cần tổ chức các đoàn đi khảo sát, đánh giá thực tế các loại hình tổ chức cơ sở đảng ở các địa bàn, vùng, miền khác nhau. Sau khi khảo sát, các cấp uỷ đảng, chính quyền cần đánh giá, tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến góp ý, đề xuất để nâng cao chất lượng các nghị quyết của Đảng; những chủ trương, nghị quyết quan trọng liên quan đến quyền lợi của đông đảo nhân dân thì phải xin ý kiến nhân dân tham gia.
3.4. Tiếp tục xây dựng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp thực sự của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Xây dựng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trên địa bàn Tỉnh Nghệ An trong sạch vững mạnh, vì nhân dân phục vụ, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; công khai, minh bạch; chuyển mạnh từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ dân, kiến tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp. Phát huy cao độ vai trò giám sát bộ máy nhà nước của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, phát huy dân chủ đòi hỏi phải đi liền với việc đề cao trách nhiệm công dân và bảo đảm giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội. Các cấp uỷ đảng cần tuyên truyền, vận động nhân dân không nên tụ tập đông người, khiếu nại vượt cấp gây mất an ninh, trật tự và chống đối người thi hành công vụ trong khi những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo đang được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nếu cá nhân có hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, lợi dụng dân chủ để gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì phải chịu xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
3.5. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần kiểm soát, giám sát quyền lực
Ban Thường vụ Đảng uỷ các cấp cần xây dựng và ban hành kịp thời các nghị quyết để định hướng lãnh đạo cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Các cấp uỷ Đảng phải phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội để kiểm soát, giám sát quyền lực của các cơ quan nhà nước. đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hàng năm và định kỳ, đảng uỷ các cấp phải có đánh giá, rút kinh nghiệm về những nội dung mà nhân dân được bàn, được tham gia quyết định cũng như những nội dung nhân dân được tham gia giám sát; thường xuyên thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với nội dung xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
KẾT LUẬN
Như vậy, việc thực hiện phát huy tốt dân chủ là yếu tố quan trọng tạo đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương; tạo niềm tin trong nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền. Để làm tốt điều đó, đảm bảo việc thực hiện quy chế dân chủ đi vào thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, trong thời gian tới, các cấp uỷ Đảng chính quyền trên địa bàn Tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dân chủ và thực hành dân chủ; đồng thời, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Bí thư (2018), Quy định 124-QĐ/TW ngày 02 tháng 02 năm 2018 Về giám sát Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
[2] Ban Chấp hành Trung ương (2013), Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
[3] Ban Thường vụ Tỉnh ủy (2021), Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/11/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.
[4] Bộ Chính trị (2013), Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 Ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
[5] Đảng bộ tỉnh Nghệ An (2015), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2015 - 2020.
[6] Đảng bộ tỉnh Nghệ An (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Báo Nhân Dân, ngày 17/5/2021.
TS Phan Văn Tuấn
TS Phạm Thị Thúy Hồng
Trường Đại học Vinh
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chíNCKH và đối ngoại20/06/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024