Phương pháp thiết kế và xây dựng nội dung nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nghiên cứu viên, các giảng viên nói riêng và các nhà khoa học nói chung. Trong nghiên cứu khoa học, việc xác định vấn đề nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu là cơ sở quan trọng để triển khai nghiên cứu một cách khoa học, hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực và đạt được mục tiêu đề ra. Đây là quá trình tìm hiểu, làm rõ những vấn đề có tính cấp thiết trong thực tiễn dựa trên cơ sở khoa học và mối quan hệ logic về thông tin nhằm đưa ra những giải pháp để cải thiện vấn đề theo hướng tích cực. Một công trình khoa học có ý nghĩa cần tạo ra được kết quả vừa có sự đóng góp về lý luận, về khoa học, vừa có tính ứng dụng cụ thể trong thực tiễn, giúp cải thiện các vấn đề nghiên cứu trong thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nội dung của bài viết tập trung vào phân tích phương pháp thiết kế và xây dựng nội dung nghiên cứu theo hướng vừa đảm bảo tính khoa học, vừa đảm bảo tính ứng dụng trong thực tiễn. Theo đó, một sản phẩm nghiên cứu ứng dụng có chất lượng cần tập trung làm rõ những nội dung căn bản sau:
1. Luận giải các nội dung để xác định rõ vấn đề nghiên cứu và thiết kế nghiên cứu
Trước hết, cần xác định cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu: Việc xây dựng kế hoạch cho việc lựa chọn các nguồn lực và các dạng thông tin cần thiết để trả lời các câu hỏi nghiên cứu là rất quan trọng. Điều này được thể hiện trên một khung phác hoạ nội dung và mối quan hệ giữa các bước nghiên cứu và các biến nghiên cứu. Để bắt đầu một thiết kế nghiên cứu theo hướng ứng dụng, việc phát hiện vấn đề bất cập trong thực tiễn để xác định nghiên cứu. Để xác định được vấn đề nghiên cứu, việc tìm kiếm cách tiếp vấn vấn đề là rất quan trọng.
Tiếp theo, triển khai phương thức tìm kiếm và xác định vấn đề nghiên cứu. Trong thực tế, có rất nhiều cách để một nhà khoa học có thể tìm kiếm và xác định vấn đề nghiên cứu. Tuy nhiên, để vấn đề nghiên cứu được xác định đúng và trúng, người làm nghiên cứu khoa học cần dựa trên đầy đủ những phương diện để tìm kiếm và xác định vấn đề, như hình 1 dưới đây:
Hình 1. Căn cứ xác định vấn đề nghiên cứu. |
Trên cơ sở đánh giá vấn đề cần nghiên cứu ở cả 3 phương diện (cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn), người làm nghiên cứu cần xác định những nội dung căn bản làm cơ sở để khẳng định vấn đề nghiên cứu, bao gồm:
Thứ nhất, phát hiện vấn đề và bất cập trong thực tiễn, việc xác định chính xác những vấn đề, bất cập, hạn chế trong thực tiễn là cơ sở quan trọng để chúng ta tìm kiếm và khẳng định nội dung cần nghiên cứu. Vì chỉ khi là vấn đề mà thực tiễn đang đòi hỏi, đang cần có lời giải đáp thì kết quả nghiên cứu mới thực sự khẳng định và phát huy được giá trị trong thực tiễn.
Thứ hai, sau khi xác định rõ những bất cập trong thực tiễn, nhà nghiên cứu cần tìm kiếm cơ sở lý thuyết cho vấn đề nghiên cứu dự định. Việc xác định cơ sở lý thuyết, căn cứ khoa học sẽ giúp những lập luận trong giải thuyết nghiên cứu và thiết kế nghiên cứu sẽ chắc chắn hơn. Đây cũng là cơ sở để các tác giả khẳng định và bảo vệ nghiên cứu trước các nhà khoa học đánh giá nghiên cứu.
Thứ ba, tổng kết lý thuyết và thực tiễn hiện có, đây là bước quan trọng để một lần nữa khẳng định những kết quả đã có trong thực tế, tìm kiếm những khoảng trống nghiên cứu, xác định chắc chắn vấn đề nghiên cứu có thực sự góp phần hoàn thiện khoảng trống nghiên cứu hay không. Thậm chí, có thể xác định thêm vấn đề từ việc phát hiện khoảng trống nghiên cứu.Nghiên cứu xây dựng cơ sở lý luận này: bước này nhằm dự liệu những nội dung, những đóng góp mới cả về lý luận và thực tiễn mà nghiên cứu này dự kiến mang lại. Rà soát và đưa ra dự báo về mức độ phù hợp và khả năng những lý thuyết mới có thể bù lấp khoảng trống nghiên cứu đã tìm ra. Thậm chí, một nghiên cứu tiềm năng còn có khả năng gợi mở ra những nghiên cứu mới ở những giai đoạn tiếp theo hoặc những khía cạnh có liên quan.
Thứ tư, xây dựng giả thuyết nghiên cứu. Giả thuyết nghiên cứu là bước quan trọng mà mỗi nghiên cứu cần tập trung làm rõ. Điểm mấu chốt của một giả thuyết nghiên cứu là cần giả định và khẳng định được bản chất của vấn đề nghiên cứu. Giả định vấn đề nghiên cứu được xác định ở trên nếu có và được áp dụng, thì sẽ đem đến những hệ quả, kết quả, hoặc giải quyết được những vấn đề bất cập như thế nào đã xác định ở trên, ưu điểm vượt trội mang lại là gì.
Thứ năm, xác định mục tiêu của đề tài nghiên cứu. Đó là sự khẳng định về mức độ ứng dụng của nghiên cứu và những giá trị cần đạt được trong thực tiễn. Mục tiêu nghiên cứu cần được tiếp cận dưới góc độ các yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn đặt ra, người xây dựng nghiên cứu cần chỉ rõ mức độ đạt được theo hướng có thể đo lường, lượng hóa được kết quả nghiên cứu và mức độ ứng dụng để giải quyết những bất cập trong thực tiễn. Mục tiêu nghiên cứu cụ thể, rõ ràng là cơ sở để thiết kế các nội dung khác của nghiên cứu. Việc xác định đúng mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của đề tài nghiên cứu là việc quan trọng để xác định và triển khai nội dung nghiên cứu một cách đúng hướng và hiệu quả, đạt được kết quả nghiên cứu như mong muốn, giải quyết được những vấn đề trong thực tiễn đặt ra.
Mục tiêu nghiên cứu cần được xác định cụ thể theo 03 nhóm sau:
Nhóm 1 - Mục tiêu xây dựng các nội dung lý thuyết, lý luận. Nghiên cứu cần xác định rõ lượng lý thuyết kế thừa (bao gồm cả những nội dung được dịch từ công trình nước ngoài), tỷ lệ lý thuyết thực hiện viết mới, tỷ lệ lý thuyết phát triển lên từ lý thuyết đã có.
Nhóm 2 - Mục tiêu xây dựng, đánh giá các vấn đề về thực trạng nghiên cứu. Ở nội dung này, người nghiên cứu cần dự liệu về phạm vi, mức độ đánh giá sao cho phù hợp với quy mô, tính chất của nghiên cứu.
Nhóm 3 - Mục tiêu xây dựng các giải pháp và dự kiến mức độ tác động vào thực tiễn cũng như dự kiến mức độ giải quyết vấn đề thực tiễn trong phạm vi của nghiên cứu.
Thứ sáu, xác định đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu. Trong thiết kế nghiên cứu, xác định chính xác đối tượng là phạm vi nghiên cứu là rất quan trọng để xác định nội dung, cân đối nguồn lực và khả năng triển khai nghiên cứu sao cho hiệu quả. Việc xác định đối tượng nghiên cứu cần bám sát tên, nội dung nhiệm vụ nghiên cứu.
Thứ bảy, đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu. Ở phần tổng quan tình hình nghiên cứu, việc xác định những kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu và chỉ ra những vấn đề đã được giải quyết là rất quan trọng. Đây là cơ sở để tránh trùng lắp trùng lắp trong nghiên cứu, tìm kiếm những kết quả nghiên cứu, luận điểm khoa học có thể kế thừa và phát triển, cũng như khẳng định những đóng góp mới của nghiên cứu này. Cần xác định và khẳng định chủ đề nghiên cứu mới, chưa có công trình nghiên cứu đầy đủ và trực tiếp về vấn đề này. Để làm rõ điều đó, cần xác định những công trình đã có của các nhà khoa học trong và ngoài nước ở những khía cạnh cụ thể liên quan đến nội dung nghiên cứu.
Thứ tám, xác định khoảng trống nghiên cứu. Bên cạnh những kết quả nghiên cứu đã có được từ các nhà khoa học, việc xác định khoảng trống nghiên cứu là cơ sở quan trọng để khẳng định giả thuyết nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu, từ đó xây dựng nội dung đề cương nghiên cứu.
Thứ chín, luận giải về những nội dung cần nghiên cứu của đề tài. Trong thiết kế nghiên cứu ứng dụng, việc luận giải những nội dung cần nghiên cứu là rất quan trọng để xác định nội dung cần ứng dụng và khả năng ứng dụng hiệu quả, đạt được tối đa mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, giải quyết được vấn đề trong thực tiễn. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích và đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, làm rõ những công trình nghiên cứu và những nội dung nghiên cứu có liên quan, chỉ ra khoảng trống nghiên cứu cần giải quyết. Từ đó, xác định những nội dung mới trong lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng dụng, triển khai, xem xét những khác biệt về trình độ khoa học công nghệ trong nước và thế giới, những vấn đề đã được giải quyết, cần nêu rõ những vấn đề còn tồn tại, chỉ ra những hạn chế, từ đó nêu được hướng giải quyết mới thông qua luận giải về việc cụ thể hóa mục tiêu đặt ra, luận giải về những nội dung cần thực hiện trong để đạt được mục tiêu nghiên cứu.
Thứ mười, tìm kiếm và liệt kê danh mục các công trình nghiên cứu, tài liệu có liên quan đến đề tài đã trích dẫn khi đánh giá tổng quan. Sau khi luận giải được hướng giải quyết mới và những nội dung cần thực hiện để đạt được mục tiêu nghiên cứu, nhà nghiên cứu cần xác định sơ bộ những quy định hiện hành của pháp luật có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, những công trình nghiên cứu có liên quan để ước lượng về khối lượng thông tin cần thu thập và xử lý trong nghiên cứu. Đây cũng là cơ sở quan trọng góp phần xác định lực lượng tham gia nghiên cứu sau này. Các công trình nghiên cứu cần liệt kê đầy đủ: Tên công trình, tác giả, nơi và năm công bố, chỉ nêu tài liệu đã được trích dẫn để luận giải cho sự cần thiết nghiên cứu đề tài.
Thứ mười một, xây dựng khung thiết kế nghiên cứu và mô tả chi tiết khung thiết kế nghiên cứu. Từ cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu và những nội dung đã được xác định ban đầu như trên, việc xây dựng khung thiết kế nghiên cứu, mô tả chi tiết khung thiết kế nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sẽ sử dụng gắn với từng nội dung nghiên cứu của đề tài là rất quan trọng. Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu cần chỉ ra những công việc của từng nội dung nghiên cứu và triển khai thực nghiệm phù hợp cần thực hiện để giải quyết các vấn đề và tạo ra sản phẩm, kết quả nghiên cứu dự kiến ban đầu, kèm theo nhu cầu về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu, dịch vụ và các nội dung cần thiết khác để phục vụ triển khai nghiên cứu hiệu quả các nội dung, nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu và tối đa hiệu quả nghiên cứu.
2. Xác định và luận giải các nội dung nghiên cứu và các hoạt động, nguồn lực triển khai nghiên cứu
Một là, xác định những công việc của từng nội dung nghiên cứu và triển khai thực nghiệm. Trên cơ sở khung thiết kế nghiên cứu, mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, những khoảng trống nghiên cứu đã được xác định, nhà nghiên cứu sẽ làm rõ những công việc cụ thể để đảm bảo tính khả thi của từng nội dung nghiên cứu. Những công việc cụ thể trong từng nội dung nghiên cứu cần hướng đến giải quyết những mục tiêu nghiên cứu cụ thể, có sự lường trước, dự liệu cân đối trong nguồn lực nghiên cứu có khả năng huy động mà tính khả thi khi ứng dụng trong bối cảnh thực tiễn. Từ đó, nhà nghiên cứu xác định thông tin, tính chất đề tài nghiên cứu và dự kiến nguồn lực tham gia.
Hai là, xác định các hoạt động phục vụ nội dung nghiên cứu. Với mỗi thiết kế nghiên cứu, việc xác định các hoạt động có liên quan để triển khai hiệu quả các nội dung nghiên cứu, ví dụ như hội thảo khoa học, tọa đàm, khảo sát, phỏng vấn, lấy ý kiến chuyên gia, những hoạt động kiểm thử, đánh giá… là rất quan trọng để xem xét, giải quyết các vấn đề nghiên cứu, tìm ra những hạn chế của kết quả nghiên cứu và có phương án khắc phục nhằm hoàn thiện kết quả nghiên cứu tốt nhất, trước khi đưa vào ứng dụng.
Ba là, xây dựng phương án thử nghiệm kết quả nghiên cứu và phương án phối hợp với các tổ chức nghiên cứu. Việc xây dựng và đề xuất phương án phối hợp với các tổ chức nghiên cứu là quan trọng để làm rõ tính khả thi, cũng như dự kiến các nguồn lực mà tổ chức phối hợp cần có. Phương án phối hợp cần được trình bày cụ thể với từng tổ chức tham gia phối hợp chính, với những nội dung và công việc đã được xác định ở trên, bao gồm cả các cơ sở sản xuất hoặc những người sử dụng kết quả nghiên cứu; khả năng đóng góp về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng của tổ chức phối hợp.
Bốn là, xây dựng phương án hợp tác quốc tế (nếu có). Với những nghiên cứu có phạm vi, mức độ ảnh hưởng lớn, việc nhìn nhận những vấn đề khó cần xây dựng phương án hợp tác quốc tế trong nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng kết quả nghiên cứu là rất cần thiết. Các phương án hợp tác quốc tế cần trình bày rõ cách thức, nội dung dự kiến phối hợp: tên đối tác nước ngoài; nội dung đã hợp tác đối với đối tác đã có hợp tác từ trước; nội dung cần hợp tác trong khuôn khổ đề tài; hình thức thực hiện; chỉ rõ lý do cần hợp tác và dự kiến kết quả hợp tác, tác động của hợp tác đối với kết quả của đề tài.
Năm là, xây dựng phương án thuê chuyên gia. Căn cứ vào các nội dung cần triển khai và năng lực nhóm nghiên cứu dự kiến để quyết việc cần thiết thuê chuyên gia, chuyên gia trong nước hay ngoài nước. Việc thuê chuyên gia cần luận giải rõ và nội dung thuê chuyên gia không được trùng lặp với các nhiệm vụ của chủ nhiệm, thư ký và các thành viên chính. Nếu có xác định thuê chuyên gia, cần thu thập đủ các thông tin về lĩnh vực chuyên môn, nội dung thực hiện và giải trình lý do cần thuê chuyên gia.
3. Luận giải cách thức xác định sản phẩm khoa học và công nghệ của nghiên cứu
Thứ nhất, cần xác định sản phẩm khoa học và công nghệ chính của đề tài và yêu cầu chất lượng cần đạt đối với sản phẩm chính và sản phẩm thành phần. Đối với mỗi nghiên cứu, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng, việc xác định rõ sản phẩm khoa học và công nghệ là cơ sở cốt lõi để đánh giá kết qủa nghiên cứu, tính hiệu quả và khả thi trong thiết kế nghiên cứu, xem xét chất lượng của nghiên cứu. Sản phẩm khoa học và công nghệ của một nghiên cứu ứng dụng được xác định theo nhiều dạng sản phẩm khác nhau, tựu trung có 3 dạng chính:
Dạng 1 - Công bố khoa học, như bài báo khoa học, sách chuyên khảo và các sản phẩm khác.
Dạng 2 - Nguyên lý ứng dụng; phương pháp; tiêu chuẩn; quy phạm; phần mềm máy tính; bản vẽ thiết kế; quy trình công nghệ; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu; báo cáo phân tích; đề án, quy hoạch; báo cáo nghiên cứu khả thi và các sản phẩm khác của đề tài.
Dạng 3 - Mẫu; sản phẩm; thiết bị, máy móc; dây chuyền công nghệ và các loại khác.
Kết quả nghiên cứu còn được thể hiện ở kết quả tham gia đào tạo sau đại học, cam kết đồng hành với quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sẽ xây dựng nghiên cứu phát triển ít nhất một trong các kết quả nghiên cứu của đề tài để đóng góp vào kết quả nghiên cứu chung.
Các sản phẩm khoa học ở dạng 1 và dạng 2 cần đảm bảo tính mới tối thiểu 70% so với các sản phẩm đã công bố trước đó, đảm bảo tính phù hợp và khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Sản phẩm khoa học ở dạng 3 cần được chấp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo là nền tảng phát triển trong nước, là sản phẩm nghiên cứu của đề tài, sử dụng công nghệ lõi có bản quyền hoặc đã sở hữu.
Thứ hai, xác định khả năng ứng dụng và phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu. Việc xác định khả năng ứng dụng và nhu cầu thị trường ứng dụng ở cả trong nước và ngoài nước là rất quan trọng, điều này giúp cho nhóm nghiên cứu chủ động trong việc xác định các điều kiện cần thiết để có thể đưa sản phẩm vào thực tiễn. Ngoài ra, cần xác định khả năng về ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào nhân rộng sản xuất cho các đơn vị có thẩm quyền hoặc phối hợp phát triển sản phẩm khoa học.
Thứ ba, mô tả phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu. Với mỗi nghiên cứu dụng, việc xác định từ đầu phương thức chuyển giao là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ ứng dụng, xem xét hiệu quả ứng dụng trong quản lý nhà nước và sử dụng ngân sách nhà nước.
Hiện nay có nhiều phương thức chuyển giao, như chuyển giao công nghệ trọn gói; chuyển giao công nghệ có đào tạo; chuyển giao theo hình thức trả dần theo tỷ lệ % của doanh thu; liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hoặc góp vốn với đơn vị phối hợp nghiên cứu hoặc với cơ sở sẽ áp dụng kết quả nghiên cứu theo tỷ lệ đã thỏa thuận để cùng triển khai sản xuất; tự thành lập doanh nghiệp trên cơ sở kết quả nghiên cứu tạo ra… Nhà nghiên cứu độc lập hoặc nhóm nghiên cứu cần có dự liệu về phạm vi, mức độ và nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu, xây dựng kế hoạch triển khai nghiên cứu có sự tham gia phối hợp của đơn vị dự kiến ứng dụng kết quả nghiên cứu./.
Nguồn: Biên tập từ học phần Phương pháp nghiên cứu khoa học chuyên ngành Chính trị học
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chíNCKH và đối ngoại20/06/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024