Khái niệm và đặc trưng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh
MỞ ĐẦU
Văn hóa chính trị (VHCT) là một bộ phận, một biểu hiện đặc biệt của văn hóa nhân loại và văn hóa của quốc gia - dân tộc. Ở Việt Nam, VHCT ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước. VHCT của mỗi quốc gia được nhìn nhận là một cấu trúc phức tạp bao gồm đa dạng tri thức về các lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội; sự định hướng tư tưởng, tình cảm, niềm tin và thái độ, hành vi chính trị. VHCT của quốc gia, dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ với VHCT của các cá nhân.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là VHCT cá nhân với tính cách là lãnh tụ chính trị của một dân tộc. Do vậy, cấu trúc của VHCT Hồ Chí Minh phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố có tính chỉnh thể về tư tưởng và hành vi chính trị gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp chính trị của Người, biểu hiện qua nhân cách và các di sản chính trị mà Người để lại trong đời sống chính trị hiện thực. Sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Sự nghiệp đó của Người đã góp phần quan trọng để đưa nhân dân lao động Việt Nam lên địa vị người chủ của đất nước và làm chủ vận mệnh của mình là một tiến bộ vượt bậc về văn hóa. VHCT Hồ Chí Minh thuộc phạm trù VHCT mác xít, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong đó, khái niệm và các đặc trưng VHCT Hồ Chí Minh cần được tiếp tục nghiên cứu, phân tích làm cơ sở để đi sâu nghiên cứu và vận dụng trong giai đoạn hiện nay.
NỘI DUNG
1. Khái niệm văn hóa chính trị và văn hóa chính trị Hồ Chí Minh
1.1. Văn hóa chính trị
Ý niệm về văn hóa chính trị đã được xuất hiện manh nha từ thời cổ đại. Platon, nhà triết học cổ đại Hy Lạp định nghĩa: “Chính trị là nghệ thuật cai trị những con người với sự bằng lòng của họ” [10, tr.67]. Cho đến khoảng giữa thế kỷ XX, các nhà khoa học mới nêu ra thuật ngữ văn hóa chính trị (political culture).
Từ cách tiếp cận mác-xit, VHCT được hiểu là một bộ phận, một phương diện của văn hoá trong xã hội có giai cấp. Nó biểu hiện khả năng, năng lực của con người trong việc giác ngộ lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, trong việc tổ chức, hoàn thiện hệ thống tổ chức quyền lực nhằm hiện thực hoá lợi ích giai cấp, hay lợi ích nhân dân phù hợp với mục tiêu chính trị và sự tiến bộ xã hội. VHCT cũng thể hiện khả năng, mức độ điều chỉnh những quan hệ chính trị phù hợp với truyền thống và những chuẩn mực giá trị của cộng đồng. Với cách tiếp cận này, một số tài liệu đã đưa ra khái niệm về văn hoá chính trị như sau: Văn hoá chính trị là trình độ phát triển của con người thể hiện ở sự hiểu biết về chính trị, ở trình độ tổ chức hệ thống quyền lực theo một chuẩn giá trị xã hội nhất định, nhằm điều hoà các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội. Văn hóa chính trị, do vậy, góp phần định hướng mục tiêu hoạt động cho các tổ chức chính trị, cho các phong trào chính trị trong một xã hội nhất định.
Từ cách tiếp cận hành vi, VHCT chủ yếu được nghiên cứu dựa trên các hoạt động, các quyết định lựa chọn của con người khi họ tham gia vào đời sống chính trị. Nếu hiểu văn hoá là một hệ thống các ý nghĩa và niềm tin, thì VHCT sẽ là hệ thống các ý nghĩa và niềm tin liên quan đến chính trị, nghĩa là liên quan đến quan hệ quyền lực giữa các cá nhân, giữa các nhóm trong một quốc gia, cũng như giữa các quốc gia với nhau. Những người đặt nền móng cho cách nhìn này là các nhà nghiên cứu chính trị học người Mỹ, Gabriel Almond và Sidney Verba, được thể hiện trong tác phẩm Văn hóa công dân (The civic culture) xuất bản năm 1963. G.Almond và S.Verba giới hạn VHCT trong lĩnh vực nhận thức. Coi “văn hóa chính trị là tổng hợp trạng thái tâm lý của cá nhân, thể hiện dưới ba cấp độ: nhận thức, cảm xúc và giá trị. Nói cách khác “văn hóa chính trị” là tổng hợp những quan niệm, chính kiến, cảm xúc và đánh giá có tính bền vững. Trong khi đó, Sidney Verba lại cho rằng: “Văn hoá chính trị là một hệ thống các niềm tin mang tính kinh nghiệm, những biểu tượng chuyển tải các ý nghĩa và các giá trị định hình nên môi trường trong đó các hành động chính trị diễn ra”. Chính môi trường văn hóa này sẽ xác lập các giới hạn đối với hoạt động của hệ thống chính trị bằng cách tạo ra các nguyên tắc, các khuôn khổ cả chính thức và phi chính thức.
Các định nghĩa trên dù sử dụng khá nhiều thuật ngữ tâm lý học, nhưng các nhà nghiên cứu không dừng lại ở phạm vi tâm lý cá nhân. G. Almond và Verba xem VHCT như một hệ thống chính trị được nội tâm hoá trong nhận thức, tình cảm, sự đánh giá của quần chúng. Một số nghiên cứu cho rằng, khi nói đến VHCT có nghĩa là phải nói tới thái độ và niềm tin của người dân với hai vấn đề: (i) Chính quyền nên được điều hành như thế nào; (ii) Nó nên làm những gì. Đằng sau hai vấn đề này là những nguyên tắc liên quan đến giá trị, niềm tin, thái độ cảm xúc của mọi thành viên trong cộng đồng đối với đời sống chính trị.
Từ nhiều cách hiểu khác nhau, từ cách tiếp cận hành vi, các tài liệu đã đưa ra khái niệm VHCT như sau: Văn hóa chính trị là những thái độ, giá trị, niềm tin được cộng đồng chia sẻ có ý nghĩa định hướng hành vi của các cá nhân đối với hệ thống chính trị của mình.
Từ nhiều các định nghĩa, VHCT có thể được hiểu theo các cấp độ khác nhau:
(i) Đó là tâm lý chính trị của một quốc gia, một dân tộc (hay một nhóm người).
(ii) Đó là định hướng của các công dân của một quốc gia đối với chính trị và nhận thức của họ về tính chính đáng và những truyền thống hay thực tiễn chính trị.
(iii) Đó là các giá trị, thái độ của các cá nhân đối với chính trị (bao gồm các vấn đề như: Hệ thống chính trị, chính phủ, các nhà chính trị; phẩm chất của một nhà lãnh đạo quốc gia; mục tiêu của chế độ và cách thức để đạt được mục tiêu...
Theo tác giả Phạm Hồng Tung, gần đây, ở phương Tây có hai cách định nghĩa tiêu biểu về VHCT của giới khoa học chính trị Đức, theo đó cách định nghĩa thứ nhất của Werner J. Patzelt, được đưa ra trong cuốn sách “Nhập môn khoa học chính trị”, xuất bản năm 1992. Tác giả định nghĩa: VHCT là một khái niệm tập hợp dùng để chỉ những giá trị chính trị quan trọng, tri thức, quan niệm và thái độ trong một xã hội; những dạng thức được bộc lộ ra thông qua hoạt động chính trị và tham dự chính trị; những quy tắc công khai hay mặc nhiên được thừa nhận của quá trình chính trị và những cơ sở thường nhật của các hệ thống chính trị. Qua đó cho thấy, VHCT không chỉ là các giá trị của tri thức chính trị, thái độ chính trị mà còn bao gồm những dạng thức của hành vi và sự tham dự chính trị.
1.2. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh
Văn hóa chính trị của mỗi cá nhân là sản phẩm của một nền VHCT, chịu sự chi phối, tác động bởi VHCT của cộng đồng, quốc gia nhưng cũng có vai trò nhất định trong việc bảo tồn, duy trì và phát triển VHCT của cộng đồng, quốc gia đó. Một số cá nhân tiêu biểu như các lãnh tụ chính trị, danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc… thì VHCT của riêng họ không chỉ là sự hội tụ và tỏa sáng của VHCT truyền thống mà còn là nhân tố tác động, góp phần bổ sung, làm chuyển biến VHCT truyền thống của cả một cộng đồng, dân tộc lên một nấc thang mới, bước phát triển mới.
Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu đã công bố, một số công trình đã đưa ra định nghĩa về văn hóa chính trị Hồ Chí Minh như:
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một hệ thống giá trị về tri thức, lý tưởng, niềm tin, phẩm chất, năng lực chính trị… được hình thành trong quá trình hoạt động chính trị của Người; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển văn hóa chính trị Mác - Lênin, sự tích hợp các giá trị văn hóa chính trị truyền thống dân tộc và nhân loại nhằm xây dựng một nền chính trị dân quyền [3, tr.31].
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là phương diện nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm tổng hòa các giá trị về tư tưởng và hành vi chính trị mang tính Chân, Thiện, Mĩ mà Người sáng tạo ra trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người trên lập trường giai cấp công nhân; là sự tích hợp, vận dụng, phát triển các giá trị văn hóa chính trị của dân tộc, nhân loại, và chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam; được biểu hiện ở tư tưởng, hành vi và nhân cách chính trị mang đặc trưng riêng; có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa chính trị của nhân loại [4, tr.33].
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam gắn liền với những hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh đã cho thấy Người luôn có sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chính trị và văn hóa, tạo nên nghệ thuật lãnh đạo Hồ Chí Minh, có sức lôi cuốn mãnh liệt đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nói chung. VHCT Hồ Chí Minh bao gồm các giá trị về tri thức, lý tưởng, niềm tin, phẩm chất, năng lực và hành vi chính trị mang tính chân - thiện - mỹ mà Người sáng tạo ra trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Các định nghĩa nêu trên đã tiếp cận VHCT Hồ Chí Minh ở phạm vi rộng nhất, với tính cách là một chỉnh thể, một đối tượng nghiên cứu độc lập và chỉ ra những nội dung cơ bản của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh. Đó là:
Thứ nhất, VHCT Hồ Chí Minh là một phương diện nhưng là phương diện cơ bản và nổi bật nhất của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm cả giá trị tư tưởng và giá trị hành vi. Đề cập đến VHCT Hồ Chí Minh là đề cập đến tính chỉnh thể và hệ thống của mối quan hệ giữa con người, sự nghiệp cùng những sản phẩm của tư tưởng và hành vi chính trị mà Người sáng tạo ra. Tuy nhiên, những sản phẩm đó phải xuất phát từ thực tại khách quan, có tính phổ quát cao, tính nhân văn và nhằm mang lại cho con người một đời sống chính trị tốt đẹp hơn, phù hợp với xu thế thời đại và tiến bộ xã hội.
Thứ hai, VHCT Hồ Chí Minh mang bản chất của giai cấp công nhân và hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Nghĩa là, bản chất giai cấp công nhân và sự kết hợp chặt chẽ ba sự nghiệp giải phóng nói trên không chỉ là sợi chỉ đỏ xuyên suốt và chỉ đạo mọi tư tưởng và hành động cách mạng Hồ Chí Minh, mà còn là một đặc trưng cơ bản trong văn hóa chính trị của Người.
Thứ ba, cơ sở hình thành, phát triển VHCT Hồ Chí Minh là sự tích hợp, vận dụng và phát triển các giá trị VHCT của dân tộc, nhân loại và chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết vấn đề của thực tiễn chính trị Việt Nam. Nghĩa là, việc hình thành, phát triển của VHCT Hồ Chí Minh có cả cơ sở lý luận và thực tiễn gắn liền với nhân tố chủ quan của Người. Trong đó, cơ sở lý luận là những hạt nhân tích cực, hợp lý của tư tưởng nhân loại và những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin mà Người tiếp thu được thông qua khả năng tự học và thực tiễn hoạt động cách mạng phong phú.
Thứ tư, sản phẩm của VHCT Hồ Chí Minh là những tư tưởng, hành vi và nhân cách chính trị của Người. Trong đó, tư tưởng chính trị là hệ thống các quan điểm lý luận về quá trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng XHCN. Hành vi chính trị là toàn bộ những ứng xử trong quá trình tương tác với các yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đáp ứng đòi hỏi của cách mạng, phù hợp với xu thế thời đại và nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Nhân cách chính trị Hồ Chí Minh là những phẩm chất về ý chí, nghị lực, phương pháp, phong cách, sự thống nhất giữa nói và làm, cùng những phẩm chất đạo đức cách mạng mà Người đã sáng tạo ra và gương mẫu thực hiện.
Thứ năm, VHCT Hồ Chí Minh có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Nghĩa là, VHCT Hồ Chí Minh vừa có tính dân tộc, vừa có tính nhân loại. Đặc biệt, VHCT Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển trong quá trình giải quyết mâu thuẫn lớn của thời đại đó là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa thực dân với các dân tộc bị áp bức. Mặt khác, VHCT Hồ Chí Minh có giá trị lịch sử và giá trị hiện thực to lớn.
Có thể nói, VHCT Hồ Chí Minh phản ánh mối quan hệ giữa các yếu tố có tính chỉnh thể về tư tưởng và hành vi chính trị gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp chính trị của Người, được biểu hiện qua nhân cách và các di sản chính trị để lại trong đời sống chính trị hiện thực. Những hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, từ học tập, lao động, nhận thức tư tưởng hay ứng xử với các vấn đề chính trị đều hướng vào một lý tưởng cao cả là các dân tộc trên thế giới đều được bình đẳng, đoàn kết và cùng chung sống hòa bình trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng về bản sắc văn hóa; trong xã hội không còn tình trạng áp bức, bóc lột, bất công; con người được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc, có điều kiện phát triển toàn diện và được hưởng mọi thành quả văn hóa do chính con người tạo ra. Do đó, VHCT Hồ Chí Minh định hướng cho đường lối, chủ trương và hoạt động của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quần chúng và con người chính trị Việt Nam.
2. Đặc trưng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc. Việt Nam với chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước là truyền thống quý báu, nổi bật nhất và cũng là đặc sắc của giá trị văn hóa Việt Nam, đặt cơ sở cho văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống mà sau này Hồ Chí Minh đã đúc kết thành một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập, tự do là cái quý nhất ở đời, là giá trị của mọi giá trị, là điều kiện đầu tiên để tồn tại với tư cách là một con người và cao hơn là của một dân tộc. Cũng từ nền tảng VHCT đó mà Hồ Chí Minh trở thành một nhà VHCT yêu chính nghĩa, đấu tranh kiên quyết cho độc lập, tự do dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong hành trình tìm đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, Hồ Chí Minh luôn thể hiện sự quan tâm đến con người, hướng đến giải phóng con người, đấu tranh để con người sống trong độc lập, tự do, bình đẳng và hạnh phúc. Hướng đến những giá trị cao đẹp nhất cho con người. Chính trị trong quan niệm của Hồ Chí Minh là đoàn kết và thanh khiết, là đạo đức và hành động cách mạng vì nước, vì nhân dân, vì con người. Đối với Hồ Chí Minh, chính trị không chỉ là vấn đề quyền lực và cầm quyền mà còn là đạo đức, lối sống, là thái độ và hành vi ứng xử của người lãnh đạo, của người cầm quyền đối với nhân dân, là lòng trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ đảng viên của Đảng và công chức của Nhà nước. Vấn đề cốt yếu của quyền lực chính trị, theo Hồ Chí Minh là biến quyền lực chính trị thành quyền lực nhân dân, là thực thi quyền lực có hiệu quả để phục vụ nhân dân.
Kế thừa, phát triển giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã xác định đúng đắn và nhất quán giữa mục tiêu chính trị, đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam. VHCT Hồ Chí Minh là kiểu mẫu của chính trị nhân văn, lấy giá trị con người làm cốt lõi, lấy giải phóng và phát triển con người, phát triển xã hội làm mục tiêu và động lực. Người khẳng định: Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập, tự do cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Hồ Chí Minh trăn trở và bộc bạch mong muốn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” [5, tr.187]. Đó là chính trị, một kiểu chính trị yêu nước, nhân văn Hồ Chí Minh.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng, yêu quý nhân dân, kế thừa sáng tạo và mang bản chất của giai cấp công nhân. Đó là sự kế thừa và phát huy VHCT truyền thống của dân tộc lấy dân làm gốc. Trong xã hội cổ truyền Việt Nam, thành phần cơ bản, đông nhất là nông dân. Nguyễn Trãi từng nói thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như nước. Tiếp nối giá trị ấy, Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân” [7, tr.276].
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là đỉnh cao của VHCT Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, thể hiện ở lòng thương yêu, quý trọng và tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân. Người nói: “Nước lấy dân làm gốc… Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” [6, tr.501-502]. Nói về lực lượng Nhân dân, Hồ Chí Minh khẳng định: trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Nói về lòng dân, Hồ Chí Minh đúc kết: “Ta được lòng dân thì ta không sợ gì cả. Nếu không được lòng dân thì ta không thể làm tốt công tác” [8, tr.142]. Người cho rằng, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức nhân dân là người chủ, địa vị cao nhất là dân, Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, VHCT của chính thể Dân chủ Cộng hòa là phải xây dựng tâm lý độc lập tự lực, tự cường cho dân tộc. Cán bộ, đảng viên phải biết và dám hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. Đảng và Nhà nước phải xây dựng một xã hội mà mọi sự nghiệp gắn với phúc lợi của nhân dân, lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Đặc biệt chế độ Dân chủ Cộng hòa phải hàm chứa một nền chính trị dân quyền.
Không chỉ kế thừa xuất sắc các giá trị VHCT Việt Nam truyền thống, bằng ý chí, nghị lực và khả năng tự học, Hồ Chí Minh còn tiếp xúc, vận dụng sáng tạo tương đối nhiều học thuyết chính trị, các hệ tư tưởng cổ, kim, Đông, Tây trên thế giới. Trong các học thuyết đó thì chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận, nguồn gốc chủ yếu quyết định nhất cho việc hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như văn hóa chính trị của Người. Thực tiễn cho thấy, sau khi tiếp xúc với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, Hồ Chí Minh mới xác định chắc chắn con đường cách mạng cần phải đi; mới chuyển từ lập trường yêu nước truyền thống sang lập trường của giai cấp vô sản và lấy Cách mạng tháng Mười Nga làm tấm gương, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam cho mọi tư tưởng và hành động chính trị của mình. Từ đó, Người đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Bằng năng lực của mình, Hồ Chí Minh đã vượt gộp tất cả để sáng tạo ra những giá trị mới. Do đó, VHCT Hồ Chí Minh không xa lạ với VHCT truyền thống của dân tộc mà lại bổ sung và làm giàu cho VHCT truyền thống.
Một trong những nét đặc trưng của VHCT Hồ Chí Minh là tư tưởng và hành động ứng xử với giai cấp công nhân trong quá trình cách mạng. Vượt lên so với các bậc tiền bối và các nhà chính trị đương thời, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên nhận ra vai trò to lớn và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trên cơ sở kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng và nắm chắc thực tiễn đất nước, cùng với việc đề cao vai trò lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn đề cao giai cấp công nhân với tính cách là động lực chủ yếu của cách mạng. Nội dung biểu hiện rõ nét đặc trưng bản chất giai cấp công nhân trong VHCT Hồ Chí Minh là việc, Người thường xuyên chăm lo củng cố, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng và của Nhà nước. Người yêu cầu, Đảng phải là đảng của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc; nhà nước phải mang bản chất của giai cấp công nhân, do đảng cộng sản lãnh đạo và với chức năng của mình, nhà nước phải hướng tới mục tiêu xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh chú trọng thực hành dân chủ. Hồ Chí Minh là con người của lý tưởng dân chủ, là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ trong ứng xử với nhân dân, cán bộ, đảng viên, cộng đồng xã hội. Người khẳng định: Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Trong VHCT Hồ Chí Minh, ứng xử với cộng đồng, thực hành dân chủ tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc xây dựng VHCT Việt Nam. Suốt đời, Người tranh đấu để đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người tự do, làm chủ đất nước, làm chủ XHCN. Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn” [8, tr.325]. Trước khi đi xa, trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng” [8, tr.622].
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất giữa tư duy và hành động, lý luận với thực tiễn và nói đi đôi với làm. Trong di sản VHCT Hồ Chí Minh, tư duy và hành động, giá trị tư tưởng và giá trị hành vi luôn thống nhất chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Những tư tưởng chính trị của Người đều từng bước được hiện thực hóa và được kiểm nghiệm bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, thương dân và lòng tự tôn dân tộc không chỉ dừng lại ở giá trị tư tưởng mà đã trở thành hành động cụ thể quyết chí đi tìm đường cứu nước; tìm mọi cách để lật đổ chế độ thuộc địa, nửa phong kiến, thiết lập chế độ chính trị của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cùng với việc nhận thức rõ, cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, Người đã tham gia sáng lập một số tổ chức có tính chất quốc tế và đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước có chủ quyền với những chế độ chính trị khác nhau trên thế giới.
Thống nhất giữa tư duy và hành động, giữa lời nói và việc làm trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh đã tạo nên một phong cách làm việc mới. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng ngời về thực hành đạo đức mới với những biểu hiện cụ thể của hành động trung thành với mục tiêu, lý tưởng và quyền lợi của dân tộc; yêu thương nhân dân, khoan dung, độ lượng với con người; suốt đời cần cù, tiết kiệm, trung thực, thẳng thắn... Tấm gương mẫu mực về sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, lý luận và thực tiễn, nói và làm ở Hồ Chí Minh trở thành nét đặc sắc của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh.
KẾT LUẬN
Văn hóa không phải lĩnh vực đứng ngoài chính trị mà còn quan hệ mật thiết, phục vụ, thấm sâu, làm cho chính trị trở thành khoa học, cách mạng và nhân văn. VHCT Hồ Chí Minh có những đặc trưng và có giá trị sâu sắc. Trong bối cảnh trên thế giới, khu vực, trong nước đang đặt ra nhiều thời cơ và thách thức đối với đất nước ta, vì vậy nghiên cứu thấu đáo để học tập và noi theo VHCT Hồ Chí Minh là một yêu cầu cấp bách trước mắt vừa có tính chiến lược lâu dài, sẽ là yếu tố quan trọng để nâng cao hơn nữa tính VHCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” [2, tr.202] và “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” [2, tr.34].
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Phạm Ngọc Anh và Bùi Đình Phong (2009), Hồ Chí Minh văn hoá và phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[3]. Nguyễn Minh Khoa (2016), Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh với việc xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4]. Nguyễn Hữu Lập (2016), Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - Giá trị lý luận và thực tiễn, Nxb Quân đội nhân dân.
[5]. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6]. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7]. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8]. Hồ Chí Minh (2011) Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[9]. Song Thành (2010), Hồ Chí Minh nhà văn hoá kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[10]. Marcel Prelot và Georges Lescuyer (1975), Lịch sử các tư tưởng chính trị, Nxb Dalloz, Bản dịch của Viện Chính trị học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
TS Bùi Thị Cần
ThS Phan Huy Chính
Trường Đại học Vinh
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chíNCKH và đối ngoại20/06/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024