Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam qua các kỳ Đại hội
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 27/9/1945, tại Đại hội Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị hình thành một mặt trận thanh niên rộng rãi và thống nhất do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Tháng 6/1946, Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam ra đời (gọi tắt là Đoàn Thanh niên Việt Nam), sau đổi thành Liên đoàn Thanh niên Việt Nam - là tổ chức rộng rãi của mọi thanh niên yêu nước tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Liên đoàn do Đoàn Thanh niên Cứu quốc làm nòng cốt. Cuối năm 1946 Liên đoàn Thanh niên Việt Nam là thành viên chính thức của Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới.
Tháng 02/1950, Liên đoàn thanh niên Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ I tại căn cứ địa Việt Bắc trong khói lửa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên với vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh (nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội, lớp lớp thanh niên đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua tòng quân giết giặc lập công, đẩy mạnh chiến tranh du kích sau lưng địch, đấu tranh chống khủng bố, chống đàn áp, chống bắt lính, đòi tự do, dân chủ, hoà bình.
Ngày 08/10/1956, Trung ương Liên đoàn Thanh niên Việt Nam và Ban vận động mặt trận thống nhất thanh niên tổ chức Đại hội tại Nhà hát lớn – Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã thống nhất các tổ chức thanh niên Việt Nam với tên gọi chung là Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam. Huấn thị tại Đại hội, Bác Hồ căn dặn: “Là người chủ tương lai, cho nên toàn thể thanh niên ta phải đoàn kết chặt chẽ, phấn đấu anh dũng, vượt mọi khó khăn, thi đua giúp sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để mình làm chủ mai sau”. Bác sỹ - Anh hùng lao động Phạm Ngọc Thạch được bầu làm Chủ tịch Hội.
Tháng 12/1961, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ II được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Giáo sư Phạm Huy Thông được bầu làm Chủ tịch. Đại hội đã phát động thanh niên tích cực tham gia thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và ra sức ủng hội chi viện cho cuộc đấu tranh của đồng miền Nam. 80 vạn đoàn viên, hội viên, thanh niên tự nguyện đăng ký phấn đấu theo tinh thần "Mỗi người làm việc bằng hai"; Hơn 5 triệu lượt thanh niên đăng ký tham gia phong trào "Ba sẵn sàng", "Năm xung phong“ gia nhập quân đội chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và quyết tâm sắt đá “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, trong hai ngày 20 - 21/9/1976 tại TP Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam đã tổ chức hội nghị thống nhất mặt trận thanh niên trong cả nước. Hội nghị thông qua Điều lệ mới của Hội LHTN Việt Nam chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam gồm 96 anh, chị do Giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch. Hội nghị đã dành thời gian thảo luận công tác củng cố tổ chức Hội LHTN Việt Nam trong thời kỳ cách mạng mới. Tháng 9/1988, anh Hà Quang Dự, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn thay giáo sư Lê Quang Vịnh nhận nhiệm vụ mới làm Chủ tịch Hội.
Ngày 08/12/1994, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ III được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 400 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Điều lệ mới, hiệp thương chọn cử anh Hồ Đức Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội; quyết định lấy ngày 15/10/1956 là ngày truyền thống hàng năm của Hội LHTN Việt Nam; lấy 5 chương trình: "Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh", "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hoá, thể dục thể thao", "Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh", "Công tác xã hội, bảo vệ môi trường", "Hợp tác hữu nghị với tuổi trẻ trong khu vực và trên thế giới" 3 cuộc vận động là: "Tiết kiệm, tích luỹ", "Chống mù chữ, chống thất học", “Hiến máu nhân đạo" làm nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong nhiệm kỳ này.
Trong nhiệm kỳ Đại hội III, các cấp bộ Hội đã huy động được số vốn hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho 700.000 hội viên, thanh niên tổ chức sản xuất, kinh doanh, đảm nhận 93.500 công trình thanh niên trị giá 276 tỷ đồng thu hút gần 12 triệu lượt hội viên, thanh niên tham gia…
Cuối năm 1997, chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn được hiệp thương chọn cử làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Hồ Đức Việt nhận nhiệm vụ mới.
Từ ngày 13-15/1/2000, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội với 599 đại biểu. Đại hội đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi và quyết định đề ra 5 cuộc vận động là: "Học tập, sáng tạo vượt bậc vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", "Giúp nhau lập nghiệp vì dân giàu, nước mạnh"', "Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", "Vì chủ quyền Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên" và "Xây dựng nếp sống văn minh đậm đà bản sắc dân tộc". Đại hội hiệp thương chọn cử chị Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đoàn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam.
Tháng 2/2003, anh Hoàng Bình Quân, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay chị Trương Thị Mai nhận nhiệm vụ mới.
Từ năm 2000-2005, 5 cuộc vận động đã góp phần không nhỏ vào bồi đắp những phẩm chất, đức tính cho lớp thanh niên Việt Nam trưởng thành trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 361.000 hội viên, thanh niên hỗ trợ, giúp nhau lập nghiệp với số tiền lên tới 206 tỷ đồng; gần 500.000 hội viên, thanh niên được chuyển giao, tiếp nhận các kiến thức khoa học, kỹ thuật; chỉ tính riêng hơn 3.000 hội viên Hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đạt doanh thu trên 5 tỷ USD/năm và tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 600.000 lao động; gần 20 triệu lượt cán bộ, hội viên, thanh niên tham gia các chiến dịch thanh niên tình nguyện…
Ngày 25-27/02/2005, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ V đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với 798 đại biểu. Các đại biểu đã thông qua Điều lệ Hội sửa đổi, hiệp thương chọn cử Uỷ ban Trung ương Hội khoá V gồm 135 ủy viên; Bí thư Trung ương Đoàn Nông Quốc Tuấn làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam. Đại hội phát động thanh niên cả nước tham gia 5 cuộc vận động lớn: "Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập", "Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xoá đói giảm nghèo", “Thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, “Thanh niên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền Tổ quốc”, "Thanh niên sống đẹp".
Tháng 2/2008, anh Võ Văn Thưởng, Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã được bầu làm Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thay anh Nông Quốc Tuấn nhận nhiệm vụ mới.
Trong nhiệm kỳ V, công tác Hội và phong trào thanh niên cả nước đã có bước chuyển khá toàn diện. Việc tập hợp thanh niên theo ngành nghề, lĩnh vực, cũng như việc thành lập tổ chức thanh niên trong thanh niên yếu thế phát triển, thanh niên công nhân, thanh niên Việt Nam ở nước ngoài và phát triển các tổ chức thành viên Hội Doanh nhân trẻ, Hội Trí thức – Khoa học – Công nghệ trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ được quan tâm, thể hiện sức sống mới của Hội và phong trào thanh niên. 375.419 thanh niên được nhận các học bổng hỗ trợ học tập của Hội; 1,3 triệu lượt thanh niên được hỗ trợ vay vốn với tổng số vốn gần 6.000 tỷ đồng; 114.787 công trình thanh niên với tổng giá trị trên 654 tỷ đồng được xây dựng; Hội đã kết nạp được 988.321 hội viên, nâng tổng số hội viên hiện có lên gần 8 triệu người.
Đại hội VI diễn ra trong 2 ngày 26-27/4/2010 tại Hà Nội với 995 đại biểu. So với các kỳ đại hội trước, số lượng đại biểu dự đại hội lần này nhiều hơn, đầy đủ đại diện của thanh niên 54 dân tộc. Đại hội đã bầu ra 155 ủy viên Trung ương Hội LHTN Việt Nam. Anh Nguyễn Phước Lộc được bầu làm Chủ tịch Hội.
Mục tiêu chung của Đại hội VI là xây dựng Hội LHTN Việt Nam vững mạnh, là tổ chức xã hội rộng rãi của thanh niên; phát triển mạnh mẽ các tổ chức thành viên tập thể của Hội; đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tài năng và sức trẻ của thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội.
Trong nhiệm kỳ này, Hội sẽ triển khai 03 cuộc vận động lớn: “Thanh niên sống đẹp, sống có ích” , “Thanh niên tình nguyện vì an sinh xã hội và bảo vệ môi trường” , “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” và 02 chương trình “Khi Tổ quốc cần” và “Xây dựng, phát triển tổ chức Hội, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên” nhằm động viên, cổ vũ thanh niên vươn lên học tập, lao động sáng tạo, làm giàu chính đáng; chia sẻ trách nhiệm, góp phần tham gia phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Tin tức - Sự kiện15/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công Talkshow “Kỹ năng dẫn chương trình chuyên nghiệp”Tin tức - Sự kiện02/11/2024
- Trường KHXH&NV tự hào đạt Giải Nhì cuộc thi cắm hoa nghệ thuật Chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10Tin tức - Sự kiện20/10/2024
- UBND quận Đống Đa, Hà Nội thi tuyển công chức năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Trường Trung cấp Tây Nguyên tuyển dụng giáo viên Kỹ thuật chế biến món ănTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Báo Hà Nội mới tuyển dụngTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tuyển dụng nhân sự năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Tuyển dụng viên chức tại Phòng Công chứng số II thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024