Hiến định về kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam và giải pháp xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
MỞ ĐẦU
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn ý thức nâng cao tính chính đáng của sự cầm quyền, chăm lo xây dựng chỉnh đốn Đảng, đảm bảo tính khách quan trong thực thi quyền lực nhà nước và đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Đảng ta luôn nhấn mạnh: Kiểm soát được quyền lực sẽ hạn chế và triệt tiêu việc lạm quyền, chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, “nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi. Tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” [1, tr.93]. Sự nhất quán về kiểm soát quyền lực được thể hiện rõ ràng và thống nhất từ tư tưởng chỉ đạo tại các kỳ Đại hội Đảng, Hiến pháp, Luật và cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp; trong ý thức giám sát của đảng viên và của quần chúng nhân dân. Ngay từ buổi đầu thành lập nước, Đảng ta đã khẳng định: Nhân dân giữ vai trò là chủ thể quyết định việc thiết kế, tổ chức và xác định cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước (KSQLNN), hạn chế (tránh) sự xâm phạm về quyền trong xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước.
NỘI DUNG
1. Hiến định về kiểm soát quyền lực nhà nước và cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam từ năm 1946 đến nay
Trước khi Hiến pháp 1992 ra đời thì khái niệm “kiểm soát quyền lực nhà nước” hay “Nhà nước pháp quyền” chưa được sử dụng một cách chính thức, nhưng hàm ý trong các điều khoản của Hiến pháp 1946, 1959, 1980 luôn nhấn mạnh cơ chế kiểm soát từ cả bên trong và bên ngoài đối với quyền lực nhà nước (QLNN).
Hiến pháp 1946 nhấn mạnh quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước thuộc về Nhân dân: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” [2] (Điều 1). Hiến pháp cũng quy định về sự phân quyền: “Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết, nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý. Cách thức phúc quyết sẽ do luật định” [2] (Điều 32), sửa đổi Hiến pháp phải do toàn dân quyết định “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” [2] (Điều 70, khoản c).
Hiến pháp 1959 tiếp tục khẳng định: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ” [3] (Điều 4), thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật.
Quy định rõ hơn về quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng Nhà nước, Hiến pháp 1980 khẳng định: “Giám sát công tác của Hội đồng bộ trưởng, của Toà án nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” [4] (Điều 83), “Giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhằm phát huy chức năng cơ quan đại biểu nhân dân của Hội đồng nhân dân” [4] (Điều 100). Mặc dù xây dựng rất nhiều quy định liên quan đến KSQLNN, nhưng vì tổ chức QLNN khi đó theo nguyên tắc trung ương tập quyền nên chưa thực sự minh bạch trong phân công, phân nhiệm; chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực.
Quan điểm nhận thức và thực tiễn KSQLNN có sự phát triển mới, thể hiện ở Hiến pháp 1992. Lần đầu tiên, khái niệm “Nhà nước pháp quyền” được sử dụng trong văn kiện Đảng và Nhà nước. Sự phân công, phối hợp giữa các tổ chức quản lí nhà nước và quyền lực giám sát của nhân dân được thực hiện theo nguyên tắc phân công, phối hợp và mọi quyền lực thuộc về nhân dân. “Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức” [5] (Điều 2). “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” [5] (Điều 3).
Hiến pháp 1992 cũng nhấn mạnh, nhân dân sử dụng QLNN thông qua cơ quan đại diện, do nhân dân bầu ra là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Điều 8 Hiến pháp 1992 nêu rõ: “Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng” [5]. Trong Hiến pháp năm 1992, những quy định về QLNN đã có sự thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Khi Tổng Bí thư Trung ương Đảng làm trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì việc KSQL, nhất là lộng quyền, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên nắm giữ những vị trí chủ chốt, quan trọng bị đưa ra ánh sáng.
Đến Hiến pháp 2013, nguyên tắc phân công, phối hợp QLNN được tiếp tục khẳng định và quy định rõ hơn về các chủ thể thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp vầ tư pháp” [6] (Điều 2). Trong đó, “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” [6] (Điều 69); các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là Chính phủ ngoài chức năng là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất cũng có quyền tham gia vào quy trình lập hiến, lập pháp “Thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội” [6] (Điều 94); Toà án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ “Bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” [6] (Điều 102).
Trong quy trình quản lý nhà nước và xây dựng luật, Hiến pháp 2013 quy định: Ngoài nhiệm vụ quản lý xã hội, quản lý Nhà nước thống nhất từ Trung ương đến địa phương thì Chính phủ còn thực hiện quyền hành pháp với tư cách là cơ quan hành pháp cao nhất. Chính phủ có vai trò triển khai, tiếp nhận ý kiến phản hồi của quần chúng nhân dân để hoàn thiện các dự luật; giải trình các dự án luật khi Quốc hội có ý kiến đề nghị sửa đổi; các cơ quan nhà nước có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhưng không được trái với Hiến pháp và luật.
Quá trình đổi mới nhận thức về KSQLNN trong lịch sử lập hiến, lập pháp của nước ta là sự vận động tất yếu, bao gồm sự kế thừa, phát triển của cả nhận thức và hoạt động thực tiễn đấu tranh với thói hư, tật xấu của bộ phận người được phân quyền nhưng lạm quyền khi thực thi nhiệm vụ. Việc phát triển và hoàn thiện các hiến định về nguyên tắc kiểm soát quyền lực và phân công, phân nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (NNPQXHCN) của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay
2.1. Những kết quả đạt được
Ở Việt Nam hiện nay, QLNN là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc thiết lập cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước nhằm ngăn chặn sự lạm quyền, bảo đảm QLNN được sử dụng đúng mục đích. Việc KSQLNN ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong 5 năm trở lại đây đã đạt được những kết quả quan trọng, hướng đến giá trị cơ bản của NNPQXHCN. Bộ máy nhà nước ngày càng hoàn thiện hơn, tính pháp lý được củng cố, năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được hoàn thiện. Các thể chế kiểm soát quyền lực mang tính nhà nước, như: Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; hoạt động thanh tra của Chính phủ… được phát huy.
Cùng với quá trình dân chủ hoá và hoàn thiện các thể chế pháp lý, quyền tự do, dân chủ của nhân dân được khẳng định, sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội, của cơ quan truyền thông và của người dân được chú trọng. Kết quả giám sát đã phanh phui nhiều vụ án tham nhũng có quy mô lớn; không ít cán bộ cao cấp thoái hoá, biến chất bị xử lý theo khung hình luật pháp; nhiều cơ chế, chính sách bất cập đã được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế, chất lượng lập pháp được cải thiện. Dưới áp lực của sự giám sát, hoạt động của bộ máy nhà nước đã gần với nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân hơn; những thủ tục hành chính gây phiền hà bị bãi bỏ; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền các cấp, thái độ phục vụ nhân dân của công chức nhà nước được cải thiện.
2.2. Những tồn tại, hạn chế
Một là, việc ngăn ngừa nguy cơ lạm quyền, chuyên quyền từ cán bộ thực thi và cơ quan công quyền trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước chưa hiệu quả. Những vụ việc liên quan đến sự tha hoá quyền lực thời gian gần đây như các vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản”, “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bài, đánh bạc”… không được ngăn chặn, xử lý kịp thời đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, tổn thất số lượng lớn tài sản của nhà nước, của nhân dân. Một số trường hợp cán bộ, nhân dân đấu tranh chống tham nhũng bị cô lập, trù dập, phải chịu oan ức, thiệt thòi.
Hai là, vấn đề thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước vẫn còn mang tính hình thức và kém hiệu quả.
Hoạt động giám sát rất phong phú nhưng vấn đề thực chất thực thi còn mờ nhạt, sức ảnh hưởng đối với các chủ thể bị giám sát không lớn, chủ yếu dừng lại ở việc kiến nghị. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân được nêu ra trên các diễn đàn của Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhưng không được làm rõ kịp thời, không đi đến tận cùng của vấn đề. Giám sát mang tính hình thức, xử lý sau giám sát chưa cao, chế tài chưa đủ mạnh và có những lĩnh vực mặc dù được giám sát, chất vấn nhiều nhưng việc khắc phục rất chậm, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Công tác kiểm tra, phòng ngừa sai phạm, khuyết điểm còn bị động, chạy theo vụ việc nổi cộm; xử lý theo xu hướng quan tâm của dư luận, dẫn đến chậm phát hiện và xử lý các vi phạm lớn.
Một số cán bộ Thanh tra Nhà nước có tâm lý ngại va chạm nên khi phát hiện và xử lý các hiện tượng quan liêu, tham nhũng không hiệu quả. Giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương còn hữu khuynh, né tránh, dẫn đến tố cáo vượt cấp, kéo dài.
Cơ chế cho hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên chưa nhiều nên sức ảnh hưởng không lớn. Các phương tiện thông tin đại chúng còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin. Các thiết chế làm chủ của nhân dân còn hình thức, khó thực hiện.
Một bộ phận nhỏ cán bộ thực thi nhiệm vụ trong cơ quan tư pháp yếu chuyên môn, nghiệp vụ, không làm tròn trách nhiệm, không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của người dân; việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp giữa công dân với cơ quan nhà nước còn thiên vị dẫn tới dư luận xã hội bất bình.
Ba là, hoạt động kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Vấn đề kiểm soát quyền lực còn yếu nên dẫn đến các quyền tự do, dân chủ của nhân dân (tự do báo chí, hội họp, thông tin…) cũng bị ảnh hưởng; quyền bãi miễn của nhân dân đối với đại biểu không còn tín nhiệm trên thực tế chưa được thực hiện nghiêm túc; quyền bầu cử mang tính dân chủ hình thức.
3. Một số giải pháp cơ bản góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, Đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực; xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, chống “chạy chức, chạy quyền”. Thực tiễn vận hành của mô hình quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay cho thấy cần phải thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực, nhấn mạnh kiểm soát lẫn nhau từ bên trong các thiết chế quyền lực; nhấn mạnh công tác bầu cử và chọn người đại diện cho quyền lực của nhân dân. Quá trình hiện thực hoá cơ chế kiểm soát quyền lực từ trung ương đến địa phương phải có sự phân công, phân nhiệm để vừa đảm bảo tính độc lập trong thực thi nhiệm vụ, vừa kiểm soát chéo để ngăn chặn sự lạm quyền của bộ phận nào đó trong hệ thống quyền lực. Phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực phải nằm trong mối quan hệ biện chứng, là tiền đề, điều kiện của nhau trong thực thi nhiệm vụ và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát từ bên ngoài. Xây dựng cơ chế công khai, minh bạch về mọi hoạt động của cơ quan công quyền, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan truyền thông và nhân dân giám sát quyền lực.
Thứ hai, Phải xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, thống nhất từ trung ương đến địa phương, coi đó là nội dung trọng tâm của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Muốn đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần xây dựng thể chế kiểm soát quyền lực trong bộ máy của Đảng. Cần xây dựng cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm thường kỳ đối với các cá nhân lãnh đạo; thăm dò, điều tra dư luận để nắm bắt ý kiến của quần chúng, đảng viên đối với tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên; công bố kết quả công khai để nhân dân biết. Ngoài việc thể chế hoá vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ cơ bản giữa Đảng và Nhà nước cũng cần có cơ chế nghiêm minh trong xử lý những quan điểm, chính sách vi hiến. Phải coi việc kiểm soát quyền lực là một trong những tiêu chí đánh giá trình độ pháp quyền, dân chủ quốc gia.
Thứ ba, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực theo hướng đảm bảo và mở rộng các quyền tự do, dân chủ nhân dân. Lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử đấu tranh cho quyền tự do, dân chủ. Để người dân làm chủ, để dân chủ trở nên thực chất, trở thành hành động và thói quen cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để người dân dễ dàng thực hiện quyền làm chủ của mình. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp trong khiếu nại, tố cáo một cách công bằng, minh bạch theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật. Nâng cao dân trí là điều kiện đầu tiên để các quyền tự do bầu cử, ứng cử; tự do tư tưởng, ngôn luận; tiếp cận được thông tin… được vận hành hiệu quả.
KẾT LUẬN
Việc hệ thống những quan điểm về kiểm soát quyền lực nhà nước xuyên suốt trong lịch sử Hiến pháp Việt Nam không chỉ là thống kê lôgic mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1946), Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, truy cập ngày 16/8/2022 tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1946-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36134.aspx.
[3]. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (1959), Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, truy cập ngày 18/8/2022 tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1959-Viet-Nam-Dan-Chu-Cong-Hoa-36855.aspx.
[4]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 19/8/2022 tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1980-Cong-hoa-Xa-hoi-Chu-Nghia-Viet-Nam-36948.aspx.
[5]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam (1992), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 20/8/2022 tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1992-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-Viet-nam-38238.aspx.
[6]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩaViệt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, truy cập ngày 20/8/2022 tại https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx.
Ths. Nguyễn Thị Khánh Ly - ĐH Kinh tế Nghệ An
TS. Phạm Thị Thúy Hồng - ĐH Vinh
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chíNCKH và đối ngoại20/06/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024