Định hướng một số nhận thức chưa đúng của sinh viên Trường Đại học Vinh trong dạy học môn Chủ nghĩa xã hội khoa học
MỞ ĐẦU
Việc học tập các môn lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần đưa chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến với thế hệ trẻ, đảm bảo thế hệ trẻ Việt Nam luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong hệ thống các môn lý luận, Chủ nghĩa xã hội khoa học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng nhận thức và hành động của sinh viên với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay ở nước ta.
NỘI DUNG
Mục tiêu của bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học nhằm khẳng định các quy luật chính trị - xã hội của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, kiên định các giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực. Hình thành tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, vận dụng lý luận, tổng kết thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra về chủ nghĩa xã hội và góp phần phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bộ môn còn góp phần khẳng định các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học, đấu tranh phê phán các luận điểm sai trái, đối lập nhằm phủ định lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Trong quá trình dạy học bộ môn ở Trường Đại học Vinh, tôi nhận thấy sinh viên có một số nhận thức chưa đúng về Chủ nghĩa xã hội khoa học, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Với tư cách là một giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, người có trách nhiệm định hướng về nhận thức, tư tưởng; bồi dưỡng lối sống cho sinh viên, giảng viên cần phải làm rõ những vấn đề mà sinh viên nhận thức chưa đúng, hoặc có sự tác động từ bên ngoài (từ mạng xã hội - truyền thông; các thế lực thù địch) dẫn tới nhận thức và hành động chưa đúng. Nhận thức chưa đúng thể hiện trên nhiều nội dung với những câu hỏi khác nhau, dưới dây là một số tiêu biểu:
Câu hỏi thứ nhất, sự ra đời của chủ nghĩa xã hội có phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người không?
Đây chính là sự băn khoăn nhiều nhất của người học khi đến với bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong quá trình dạy học, giảng viên cần làm rõ sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người nói chung và sự vận động từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội nói riêng, để sinh viên hiểu rằng: Sự ra đời của chủ nghĩa xã hội phù hợp với sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội loài người.
Cần phải nhận thức rằng, mong ước về một chế độ xã hội công bằng và bình đẳng đã xuất hiện từ khi xã hội phân chia giai cấp. Đây là mong ước chính đáng của xã hội loài người.
Sự xuất hiện và phát triển của chủ nghĩa tư bản đã mang lại bước tiến nhảy vọt cho xã hội loài người, C. Mác và Ph. Ăngghen đã đánh giá: “Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỉ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại” [1, tr.603].
Nhưng đây lại chính là nguyên nhân làm xuất hiện mâu thuẫn giũa lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Sản xuất càng phát triển mâu thuẫn càng gay gắt, đòi hỏi phải xuất hiện những yếu tố để giải quyết mâu thuẫn đó. Cũng chính sự phát triển của nền đại công nghiệp làm xuất hiện giai cấp có lợi ích đối lập với giai cấp tư sản, đủ sức để giải quyết mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội tư bản chủ nghĩa - đó chính là giai cấp công nhân. Sự phát triển của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại áp bức bất công, chống lại chủ nghĩa tư bản cần thiết phải có một hệ thống lý luận dẫn đường. Đó chính là sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học. Chủ nghĩa xã hội khoa học là hệ thống lý luận soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Năm 1917, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích do Người đứng đầu, cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga giành thắng lợi, lật đổ chính quyền Sa hoàng - tư sản, thiết lập chính quyền của các Xô viết công - nông - binh và khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Câu hỏi thứ hai, nhận thức về sự sụp đổ của Liên xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và bài học nào cho Việt Nam?
Đây là sự băn khoăn về mặt thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm mất niềm tin của thế hệ trẻ vào sự thành công của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Cần phải hiểu rằng: những gì trái với quy luật lịch sử, tất yếu sẽ bị lịch sử đào thải. Đi lên chủ nghĩa xã hội là sự phát triển tất yếu của nhân loại. Nhưng đi như thế nào, với những mô hình nào? Có nhất thiết tất cả các quốc gia phải đi theo một mô hình giống nhau không? Trả lời những câu hỏi này, giảng viên sẽ giải đáp thỏa đáng cho những thắc mắc, băn khoăn của sinh viên trong quá trình học tập.
Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu cho thấy, đây là sụp đổ của một mô hình cụ thể chứ không phải sự sụp đổ của một lý tưởng trên nền móng hệ thống lý luận. Hơn nữa, mô hình chủ nghĩa xã hội của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là những mô hình giống nhau, không phân biệt bản sắc của các mô hình trong sự phát triển đa dạng của chủ nghĩa xã hội ở từng quốc gia. Mô hình này không tính đến tính đặc thù trong sự phát triển của từng quốc gia, hạn chế sự vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Cộng với mắc phải sai lầm chủ quan nghiêm trọng để cho quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra trong nội bộ Đảng, Nhà nước, làm cho cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, dao động, hoài nghi về những giá trị của chủ nghĩa xã hội, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, hạ thấp và đi đến xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Một chế độ xã hội không đủ sức để bảo vệ chính mình thì sớm muộn cũng sẽ sụp đổ. Các thế lực thù địch chưa bao giờ ngừng cuộc chiến lật đổ chủ nghĩa xã hội, nhưng sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bên trong mới là tác nhân chính cho sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã để lại cho các quốc gia xã hội chủ nghĩa nhiều bài học có giá trị. Cùng với thời gian Việt Nam đã chứng minh cho sức sống của chủ nghĩa xã hội, chứng minh cho sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của từng quốc gia để đi đến thành công. Để thực hiện được con đường chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần làm tốt công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng bởi theo Hồ Chí Minh: “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác” [2, tr.402], nhưng nếu Đảng không đạo đức, văn minh, cán bộ đảng viên không trong sạch, vững mạnh thì mọi thành quả cách mạng sẽ tiêu tan. Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” [3, tr.672]. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghiên cứu và học tập các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho thế hệ trẻ hiểu gia trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự thành công của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Câu hỏi thứ ba, có phải sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đầu thế kỉ XX là do ý chí chủ quan của những người cộng sản?
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, triêu đình nhà Nguyễn lần lượt kí các hiệp ước đầu hàng và làm tay sai cho Pháp nhưng phong trào đấu tranh của nhân dân vẫn nổ ra ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam theo tư tưởng phong kiến. Đầu thế kỷ XX, Việt Nam xuất hiện các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Nhưng tất cả các khuynh hướng cứu nước đều thất bại. Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam đã làm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam xuất hiện dấu hiệu của một thời đại mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc thực dân” [2, tr.407].
Như vậy, con đường cứu nước theo khuynh hướng phong kiến và dân chủ tư sản đã không mang lại kết quả. Con đường giải phóng dân tộc nhất định phải có một lựa chọn mới, con đường cách mạng vô sản. Chính con đường đúng đắn đó đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.
Câu hỏi thứ tư, có phải chỉ có CNTB mới thực sự có tự do, dân chủ, bảo vệ quyền con người không?
Có rất nhiều sinh viên đặt ra câu hỏi này trong quá trình học tập, thảo luận. Để có câu trả lời thật sự không dễ dàng đối với giảng viên trong dạy học.
Chủ nghĩa tư bản trong quá trình tồn tại và phát triển đã tạo ra nền dân chủ tư sản mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội loài người. Những tuyên bố về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về nhà nước pháp quyền là những giá trị lớn lao của dân chủ tư sản. Tuy nhiên nền dân chủ đó không chỉ do riêng giai cấp tư sản tạo ra, mà là kết quả đấu tranh của nhân dân lao động, kết quả của quá trình nhận thức và tất yếu của tiến bộ xã hội. Dân chủ tư sản chi là dân chủ cho số ít và áp đặt đối với đa số còn lại trong xã hội.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: cho đến nay “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó” [4, tr.19] khủng hoảng, suy thoái kinh tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhiều mặt, cả về y tế, xã hội lẫn chính trị, kinh tế vẫn đang diễn ra dưới tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự bất lực của chủ nghĩa tư bản trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đang làm gia tăng bất công xã hội, giảm sút nghiêm trọng đời sống nhân dân, gia tăng thất nghiệp, khoảng cách giàu-nghèo, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc. Hãy nhìn xã hội Mỹ, một xã hội được coi là điển hình cho tự do dân chủ nhưng Cựu Tổng thống Mỹ vẫn bị khóa tài khoản Twistter; tự do của người này nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến quyền tự do dân chủ của người khác - đó là những vụ xả súng đẫm máu và kinh hoàng; đó là thanh niên da đen bị cảnh sát ghì đến chết và còn rất nhiều vấn đề trong tất cả các lĩnh vực làm bùng nổ các xung đột xã hội và ở không ít nơi từ tình huống kinh tế đã trở thành tình huống chính trị với các làn sóng biểu tình, bãi công, làm rung chuyển cả thể chế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế-xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Các cuộc khủng hoảng đang diễn ra một lần nữa chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó” [4, tr.20].
Bản chất kinh tế quyết định thể chế chính trị. “Dân chủ tự do” của chủ nghĩa tư bản không thể bảo đảm quyền lực thật sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, mà chủ yếu vẫn thuộc về và phục vụ lợi ích thiểu số giàu có, phục vụ lợi ích của những tập đoàn tư bản.
“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới” [4, tr.24].
KẾT LUẬN
Trong quá trình dạy học, sinh viên có thể đặt ra nhiều câu hỏi trên phương diện lý luận và thực tiễn, đòi hỏi giảng viên phải hiểu sâu về lý luận, có kiến thức thực tế, cập nhật tính thời sự của vấn đề để định hướng nhận thức và hành động cho sinh viên. Công cuộc đấu tranh chống các thế lực thù địch, bảo vệ tư tưởng của Đảng trong đối tượng sinh viên - thế hệ trẻ có tri thức là một vấn đề hết sức quan trọng, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức tư cách, trau dồi kiến thức và năng lực sư phạm cũng như bản chất chính trị kiên định, vững vàng của một người đảng viên góp phần cùng với toàn hệ thống chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. C.Mác và Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[2]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4]. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Th.s Hoàng Thị Nga
Đại học Vinh
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chíNCKH và đối ngoại20/06/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024