Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chí
Trước năm 1990, việc đào tạo báo chí chỉ được thực hiện tại Trường Tuyên huấn Trung ương. Năm 1990, Trường Đại học Tuyên giáo (trước đây là Trường Tuyên huấn Trung ương) và Trường Đại học Tổng hợp (Hà Nội) được thành lập. Tới nay, cả nước có 9 trường đại học, học viện đào tạo báo chí, tất cả đều là trường công lập: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), Trường Đại học Văn học nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng),Trường Đại học Vinh. Ngoài ra, có nhiều trường tư thục và trường liên kết quốc tế đào tạo về truyền thông và quan hệ công chúng. Trong bối cảnh hiện nay, công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí - truyền thông số ở nước ta. Điều này đã được khẳng định trong Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", khi Chính phủ đặt ra mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí hoặc có khoa báo chí cập nhật các kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong chương trình đào tạo cho sinh viên; 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí. Như vậy, với xu hướng phát triển chóng mặt của truyền thông đa phương tiện trong kỉ nguyên số đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải thay đổi toàn diện và sâu sắc hoạt động đào tạo báo chí tại các trường. Có thể nhận thấy sự thay đổi trong phương pháp đào tạo, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện mô hình "đưa tòa soạn đến giảng đường, gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chí". Chương trình được xây dựng đang hướng đến củng cố cho người học cả nền tảng lý thuyết, kỹ năng, nghiệp vụ thực tiễn, đồng thời đảm bảo sự rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng được điều chỉnh vừa đảm bảo sự bài bản trong nền tảng kiến thức, đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu. Việc cải tổ từ nội dung đến phương pháp đào tạo, gắn lý thuyết với thực hành, tích hợp công nghệ không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, còn góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, thích ứng trong kỷ nguyên số.
Làm thế nào để chương trình đào tạo cần tích hợp đầy đủ và hiệu quả kiến thức, kỹ năng liên quan tới công nghệ mới trong truyền thông. Làm thế nào để sinh viên báo chí ra trường thường có được năng lực xử lý dữ liệu, sản xuất nội dung đa phương tiện, tương tác với công chúng trên nền tảng số. Trong khi đó, những kiến thức, kỹ năng này lại đang ngày càng trở nên cần thiết trước sự phát triển như vũ bão của báo chí trực tuyến, mạng xã hội và các loại hình báo chí mới phải là câu hỏi mà lãnh đạo và các giảng viên cần trăn trở. Bồi dưỡng sinh viên cũng hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất, kỹ năng thiết thực. Sinh viên được khuyến khích kết hợp học tập, nghiên cứu phục vụ việc tích lũy tri thức căn bản, đồng thời tham gia các hoạt động ngoại khóa, tăng cường liên kết giữa nhà trường và các đơn vị báo chí - truyền thông nhằm tích lũy những kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc tương lai.
Trong xu thế hiện nay, đào tạo báo chí phải tăng cường khả năng sáng tạo nội dung trên nền tảng số của sinh viên, không đơn thuần là chữ viết, cần tư duy về con số, dữ liệu, cách xử lý bằng hình ảnh để tác phẩm đến tay người đọc hấp dẫn hơn. Để có được những bài giảng trực quan như vậy, nhiều cơ sở đào tạo báo chí đã trang bị cơ sở vật chất hiện đại, đầu tư và xây dựng Phòng nghiệp vụ báo chí gồm trường quay, phòng thu âm hiện đại, hệ thống máy tính chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất, thiết kế đồ họa, dựng phim... để sinh viên sớm tiếp cận với những công nghệ số.
Việc tăng cường sự tham gia giảng dạy, trợ giảng đến từ các chuyên gia, nhà báo, nhà quản lý ở cơ quan quản lý báo chí xuất bản, cơ quan báo chí, nhà xuất bản… tại các trường, học viện cũng cần được quan tâm. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí không chỉ là nhiệm vụ của riêng các trường đại học và cơ sở giáo dục mà còn cần sự tham gia, ủng hộ từ phía ngành báo chí, cộng đồng và chính quyền, nhằm tạo ra một môi trường đào tạo đa chiều, thực tế, gần gũi với yêu cầu của thị trường lao động cũng như xã hội.
Đào tạo nhân lực báo chí trong kỷ nguyên số không chỉ là việc truyền đạt kỹ năng nghề nghiệp mà còn là việc hình thành nên tư duy phản biện, đạo đức nghề nghiệp vững chắc và tầm nhìn xa hơn về vai trò của báo chí trong việc định hình xã hội. Để chuẩn bị cho thế hệ nhà báo tương lai, không chỉ trang bị cho họ kỹ năng nghề nghiệp mà cần phải nuôi dưỡng tình yêu với nghề, trách nhiệm với xã hội, khả năng thích ứng với sự thay đổi không ngừng của môi trường truyền thông.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử hơn 99 năm qua báo chí cách mạng Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong đó phương thức tiếp cận thông tin của công chúng thay đổi đòi hỏi người làm báo cần được trang bị nhiều kỹ năng, nghiệp vụ, trong đó cần đáp ứng tốt các yêu cầu về sử dụng kỹ thuật - công nghệ. Một nhà báo hiện đại không chỉ cần có các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải có các kỹ năng sử dụng kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, tổ chức nội dung hay các kỹ năng tương tác và xử lý thông tin trên mạng xã hội. Do đó hoạt động đào tạo nguồn nhân lực báo chí đáp ứng được chuyên môn, nghiệp vụ và công nghệ, đặc biệt là báo chí dữ liệu, báo chí di động và báo chí thông minh trong xu thế phát triển báo chí hiện nay tại các cơ sở đào tạo báo chí là vô cùng cần thiết. Thông qua đầu tư, đổi mới trong giáo dục, ngành báo chí sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội.
Th.s. Nguyễn Thanh Hải- Khoa Chính trị & Báo chí
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024
- Tết cổ truyền xưa và nay: Vẫn duy trì những phong tục đặc sắcNCKH và đối ngoại23/01/2024