Cục diện chính trị thế giới - nhìn từ sự bất ổn chính trị hiện nay
MỞ ĐẦU
Địa chính trị là lĩnh vực nghiên cứu về tác động của các yếu tố địa lí tới hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế. Cụ thể, địa chính trị xem xét các yếu tố như vị trí địa lí, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, dân số hay địa hình tác động như thế nào tới chính sách đối ngoại của một quốc gia và vị thế của quốc gia đó trong hệ thống quốc tế. Dòng chảy thương mại, đầu tư, vốn, công nghệ hay nhân lực ngày càng trở nên tự do và thay thế dần các đường biên giới chính trị và địa lí cố định trong việc tạo ra nền tảng và khuôn khổ cho cho các mối quan hệ kinh tế và chính trị giữa các quốc gia.
Cục diện thế giới, hiểu một cách chung nhất, là tình hình mọi mặt của thế giới trong một khoảng thời gian nhất định; là bức tranh toàn cảnh, phản ánh tương quan lực lượng và quan hệ giữa các chủ thể chính của quan hệ quốc tế, trước hết là các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn trong một phạm vi không gian và ở một khung thời gian nhất định, bao quát tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, quân sự đến văn hóa, tôn giáo… trong đó lĩnh vực chính trị có vị trí đặc biệt quan trọng đối với cục diện thế giới.
Tình hình chính trị của thế giới biến động hằng ngày, tương đương với nó, cục diện chính trị thế giới cũng đổi thay không ngừng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, bất ổn chính trị trên toàn cầu đang có tác động không nhỏ đối với cục diện chính trị thế giới. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các nhà hoạch định chính sách trong việc phân tích và nhận định tình hình, từ đó đề ra những chính sách phù hợp cho mỗi quốc gia đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
NỘI DUNG
1. Bất ổn chính trị
Sự bất ổn về chính trị xảy ra ở một số quốc gia, khu vực và trên thế giới thời gian qua, nguyên nhân sâu xa đều bắt nguồn từ việc tranh giành quyền lực chính trị; mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái hoặc ngay nội bộ của đảng cầm quyền. Hậu quả của bất ổn chính trị không chỉ là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia mà còn gây ra rất nhiều hệ luỵ mang tính chất toàn diện đến đời sống nhân dân các quốc gia trực tiếp có bất ổn chính trị và nhân dân trên toàn thế giới. Đặc biệt là tác động đến cục diện chính trị thế giới hiện nay.
Bất ổn chính trị ở Myanmar xảy ra từ đầu năm 2021 được xem là điển hình cho sự khủng hoảng chính trị của một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, dấu mốc quan trọng là tháng 4/2021, ở cấp cao nhất, các nước ASEAN đã đạt được thỏa thuận, đó là Đồng thuận 5 điểm[1] của ASEAN về Myanmar. Đồng thuận nhấn mạnh giải quyết hòa bình và ổn định câu chuyện Myanmar vì lợi ích của chính Myanmar nhưng cũng đóng góp vào lợi ích của khu vực và ASEAN. Tuy nhiên, theo tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMN) đưa ra ngày 5/8/2022, ASEAN “vô cùng thất vọng” trước những tiến triển hạn chế trong việc thực hiện đồng thuận 5 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Myanmar. Điều này cho thấy, bất ổn chính trị ở đất nước này vẫn đang là mối đe doạ đối với an ninh chính trị khu vực, đầu tiên là tác động trực tiếp đến ASEAN.
Từ trước đến nay vấn đề biển Đông luôn được đánh giá là phức tạp và thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Tình hình Biển Đông đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp hơn trước sự tham gia hoạt động quân sự của nhiều nước trong khu vực này. Cùng với các hoạt động tập trận diễn ra với tần suất cao của Trung Quốc đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông. Bên cạnh đó, các chiến hạm của Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng tham gia cuộc diễn tập hải quân đa quốc gia ở Biển Đông. Tuy nhiên, sự phức tạp của vấn đề biển Đông vẫn đang nằm trong tính toán của các bên, xung đột giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ về quyền lợi của mình trên các khu vực tranh chấp ở vùng biển này vẫn được coi là ít xẩy ra.
Cuộc khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine hiện nay đang diễn biến rất phức tạp. Bắt nguồn từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay, gần hơn là năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, tiếp theo là một số bất ổn ở khu vực Donbass, phía đông của Ukraine - nơi có hai nước Cộng hòa tự xưng là Donetsk và Luhansk. Xoay quanh việc Nga triển khai lực lượng quân sự lớn tới khu vực giáp biên giới với Ukraine từ cuối tháng 11/2021, ngày 22/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố quyết định công nhận độc lập của hai nước Donetsk và Luhansk, đồng thời điều quân đến đây để thực hiện “nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” [5]. Từ góc độ chủ nghĩa hiện thực chính trị, khi tìm hiểu về quy luật vận động và đấu tranh của nền chính trị quốc tế. Nằm trên lục địa Âu - Á, Ukraine là “vùng đệm tự nhiên” giữa Đông và Tây. Cả Nga và phương Tây đều cho rằng, bên kia là mối nguy cơ an ninh, đe dọa sự tồn tại của mình. Xung đột quân sự Nga - Ukraine - một sự kiện làm rung chuyển toàn cầu trong thời gian qua được đánh giá sẽ tác động không nhỏ tới cấu trúc an ninh khu vực châu Âu, thậm chí cả cục diện chính trị thế giới. Châu Âu hiện là khu vực đang đối mặt với các thách thức lớn nhất, bao gồm: Thách thức an ninh từ Nga và tác động lan tỏa của cuộc chiến từ ngay trong lòng châu Âu là Ukraine; Tác động kinh tế, đặc biệt là các hệ lụy từ việc lệ thuộc năng lượng vào Nga quá mức. Ở Italy, lạm phát trong tháng 6/2022 đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng lạm phát hàng tháng cao nhất trong 36 năm qua. Giá năng lượng đẩy giá thực phẩm chế biến lên cao với mức tăng 8,2% trong tháng 6, thực phẩm không chế biến tăng 9,6%, dịch vụ giải trí và chăm sóc cá nhân tăng 5,0%, vận tải tăng 7,2% và các dịch vụ chung tăng 3,4% [4].
Như vậy, bất ổn chính trị ở các quốc gia, khu vực và thế giới hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề đối với thay đổi cục diện chính trị thế giới, trong đó, các nước lớn tiếp tục giữ vai trò chi phối cục chủ yếu, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế và ngăn chặn lẫn nhau. Trong bàn cờ chính trị quốc tế, các nước lớn đóng vai trò chính trong việc định hình trật tự, cục diện thế giới, xây dựng luật chơi và cơ chế giải quyết các vấn đề nổi lên ở khu vực và thế giới. Trong đó cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện đa cực ngày càng rõ nét, gia tăng nguy cơ xung đột gây bất ổn chính trị nhiều khu vực trên thế giới.
2. Tác động của bất ổn chính trị đến cục diện chính trị thế giới hiện nay
Sự tác động được đánh giá theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, tuy nhiên đối với bất ổn chính trị tác động đến cục diện chính trị thế giới hiện nay chủ yếu diễn ra theo chiều hướng tiêu cực. Bởi vì:
Thứ nhất, dưới tác động của bất ổn chính trị hiện nay các quốc gia trên thế giới sẽ phải “tính toán” lại các chính sách tiêu chuẩn và thúc đẩy các bước tiến xa hơn, hướng tới một thực tế mà ở đó, các chính phủ can thiệp vào thị trường vì lý do an ninh và các chính sách tài chính và tiền tệ gắn kết lẫn nhau rất nhiều. Bất ổn chính trị đã tạo nên một loạt tác động đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề gia tăng lạm phát và đứt đoạn chuỗi cung ứng khiến nhiều quốc gia lâm vào tình thế chật vật để giải cứu nền kinh tế vốn đã bị suy thoái. Cùng với những xung đột đứt gãy hệ thống chính trị, xã hội; dưới sự tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 sẽ khiến trật tự thế giới hiện nay thay đổi.
Thứ hai, bất ổn chính trị ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới sẽ khiến an ninh chính trị và hòa bình thế giới trở nên bất ổn, khó lường và nguy cơ khủng hoảng toàn diện. Hiện nay cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đang gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Đến nay, tình hình căng thẳng tại Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và sẽ còn nhiều tác động lên kinh tế - chính trị của các bên liên quan cũng như toàn cầu. Không chỉ tác động đến thị trường năng lượng toàn cầu cũng như các thị trường mang tính sống còn khác như lương thực, nguyên vật liệu đầu vào then chốt… cuộc xung đột Nga - Ukraine còn đang tác động sâu rộng tới thế cuộc toàn cầu vốn định hình thời gian dài sau Chiến tranh Lạnh, sự thay đổi cục diện chính trị thế giới theo đó ngày càng rõ nét hơn rõ nét hơn. Mặc dù chưa trở thành xu hướng, nhưng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay, với sự can thiệp của Mỹ và phương Tây trước đó ở Kosovo, Iraq và Lybia đang làm dấy lên sự quan ngại về việc xem nhẹ vai trò của luật pháp quốc tế và Liên hợp quốc, cũng như các nguyên tắc cơ bản ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, như giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Trật tự thế giới hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ II được ba cường quốc chiến thắng là Liên Xô, Mỹ và Anh thiết lập. Hiện nay, Liên Xô không còn tồn tại, vai trò của Mỹ và Anh cũng đã thay đổi, còn Trung Quốc và Đức đang tích cực hướng tới vị thế siêu cường. Trong trật tự thế giới mới, tam giác quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Nga đóng vai trò then chốt, trong bối cảnh đó, xung đột giữa Nga - Ukraine đang đặt ra nhiều giả thuyết khó đoán định đối với cục diện chính trị thế giới hiện nay.
Thứ ba, thế giới chứng kiến các nước lớn có sự cạnh tranh chiến lược gay gắt, phức tạp. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, gia tăng sức mạnh quân sự, tiếp tục can dự, chi phối an ninh, chính trị thế giới, khu vực và các nước khác. Các nước lớn kết hợp răn đe quân sự với các biện pháp kinh tế, văn hóa, chính trị, ngoại giao, tạo “sức mạnh mềm”, sẵn sàng can thiệp vũ trang, tấn công các nước nhỏ bằng các biện pháp vũ trang và phi vũ trang, buộc các nước phải khuất phục, thay đổi chế độ chính trị... Vai trò của luật pháp quốc tế, thể chế quốc tế tăng lên, nhưng một số nước lớn vẫn đang tìm cách thay đổi “luật chơi” trong quan hệ quốc tế. Ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình, môi trường chiến lược diễn biến ngày càng phức tạp, thúc đẩy chạy đua vũ trang, tập hợp lực lượng. Do đó, bất ổn chính trị ở từng quốc gia, khu vực và lan rộng ra phạm vi càng lớn càng sẽ càng lôi cuốn nhiều quốc gia vào vòng xoáy bất ổn, đặc biệt là những toan tính của các nước lớn, cục diện chính trị thế giới theo đó sẽ có nhiều biến động.
Thứ tư, bất ổn chính trị lan rộng sẽ tác động xấu đến tình hình thế giới và trật tự quốc tế. Mỹ và phương Tây đang chiếm ưu thế một phần trong mối quan hệ quốc tế khi có tiếng nói quan trọng trong các định chế quốc tế. Thế nhưng, vai trò của Mỹ và đồng minh bắt đầu có dấu hiệu giảm dần, các cường quốc mới nổi đang dần thay thế, trong đó có Nga - Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ và phương Tây muốn tiếp tục giữ vai trò áp đảo của mình trước sự vươn lên của Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga - Trung Quốc đang muốn thay đổi trật tự quốc tế từ đơn cực với sự thống trị của Mỹ và đồng minh sang đa cực. Trong đó, Nga và Trung Quốc sẽ có vai trò ngang bằng với Mỹ trong nhiều vấn đề khác nhau. Đây sẽ là xu hướng diễn ra sắp tới, hiện nay mới ở thời gian đầu triển khai và phải mất thời gian để dự báo.
3. Hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức” [1, tr.12]. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có những biến động sâu sắc, mau lẹ, với nhiều yếu tố khó lường như hiện nay, Việt Nam cần:
Kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời dựa trên thế và lực của đất nước sau hơn 35 năm đổi mới, xuất phát từ nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn chiến lược hiện nay và phục vụ trực tiếp các mục tiêu phát triển của đất nước tới năm 2025, năm 2030 và năm 2045, để thích ứng với tình hình mới, Việt Nam cần phát huy tối đa nội lực và tranh thủ ngoại lực, đảm bảo mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc diễn ra ngày càng quyết liệt, các quốc gia vừa và nhỏ đều nhận thấy lợi ích quốc gia - dân tộc chỉ có thể được bảo đảm khi lợi ích chung của cộng đồng quốc tế được bảo đảm dựa trên luật lệ quốc tế.
Trước những thay đổi khó đoán định của tình hình quốc tế, khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực tiếp tục diễn ra gay gắt, Việt Nam cần theo dõi, nghiên cứu, đánh giá tác động của cuộc bất ổn chính trị thế giới đối với cục diện chính trị thế giới, nhất là quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga, Trung Quốc, qua đó, có sự chuẩn bị trước để nắm bắt kịp thời các diễn biến tiếp theo của tình hình.
KẾT LUẬN
Bất ổn chính trị hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng và lôi cuốn nhiều quốc gia vào vòng xoáy của khủng hoảng chính trị trên phạm vi toàn thế giới. Từ các cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới, bất ổn chính trị đang diễn ra với những mức độ khác nhau đe doạ an ninh chính trị toàn cầu. Bất ổn chính trị tác động đến sự thay đổi của cục diện chính trị thế giới theo hướng tiêu cực nhiều hơn, điều này đòi hỏi các quốc gia, tổ chức trên thế giới phải có những tính toán và chính sách phù hợp để đảm bảo giữ vững ổn định và an ninh chính trị toàn cầu.
Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, trong bối cảnh đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam cần có những dự báo tình hình và đề ra những đối sách phù hợp để đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc và phát huy vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy các bộ môn Chính trị học hiện nay cần chủ động nắm bắt tình hình thế giới và khu vực, đặc biệt trong bối cảnh thay đổi địa chính trị thế giới trước tác động của bất ổn chính trị hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]. Colin Flint, Peter J. Taylor (2018), Political Geography: World-Economy, Nation-State and Locality, Routledge, London.
[3]. Phan Văn Lãn (2022), Một số tình hình thế giới nổi bật và hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong những tháng đầu năm 2022”, Cổng thông tin điện tử đảng bộ tỉnh Quảng Trị, truy cập ngày 22/8/2022 tại: https://tinhuyquangtri.vn/mot-so-tinh-hinh-the-gioi-noi-bat-va-hoat-dong-doi-ngoai-cua-dang-nha-nuoc-ta-trong-nhung-thang-dau-nam-2022
[4]. Trương Khắc Trà (2022), Khủng hoảng chính trị Italy đe dọa Châu Âu”, Diễn đàn Doanh nghiệp, truy cập ngày 22/8/2022 tại https://diendandoanhnghiep.vn/khung-hoang-chinh-tri-italy-de-doa-chau-au-227486.html
[5]. Hoàng Anh Tuấn (2022), Khủng hoảng Ukraine và dự báo thay đổi địa-chính trị trên phạm vi toàn cầu”, Sóng Việt - Ấn phẩm của báo Tiếng nói Việt Nam, truy cập ngày 22/8/2022 tại: http://songvietvov.vn/p/khung-hoang-ukraine-va-du-bao-thay-doi-dia-chinh-tri-tren-pham-vi-toan-cau
[1] Năm điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar bao gồm: chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.
Th.s - NCS Phan Thị Nhuần
- Những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27-NQ/TWNCKH và đối ngoại13/11/2024
- Đạo đức công vụ và yêu cầu đặt ra đối với xây dựng đạo đức công vụ ở Việt Nam hiện nayNCKH và đối ngoại02/11/2024
- Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam khai mạc Hội nghị Khoa học Trẻ năm 2024Hội nghị - Hội thảo05/10/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học "Quản lý xung đột xã hội trong chính trị"NCKH và đối ngoại22/09/2024
- Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng của nó đến xã hội đương đạiNCKH và đối ngoại09/07/2024
- Đào tạo báo chí trong kỷ nguyên số: Gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động báo chíNCKH và đối ngoại20/06/2024
- Truyền thông chính trị trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.NCKH và đối ngoại07/06/2024
- Chiến thắng Điện Biên Phủ - ý nghĩa, giá trị lịch sử và thời đạiNCKH và đối ngoại07/05/2024