Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam "Sánh vai các cường quốc năm châu"
- Khát vọng giải phóng, giành độc lập cho đất nước
Từ cái nôi, mạch nguồn yêu nước của dân tộc, quê hương, gia đình, ở tuổi thiếu niên, Hồ Chí Minh tỏ rõ là một học trò thông minh, thích khám phá, học hỏi những điều mới lạ. Tiếp thu tư tưởng yêu nước thông qua mối quan hệ giữa cha và các sĩ phu trong vùng, “người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào”[1]. Ngay cả những lời bàn luận đánh Pháp của người cha thân yêu và kính trọng cũng chưa thuyết phục được Hồ Chí Minh. Trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”[2]. Trạc tuổi mười ba, khi được cha xin vào học ở Trường Tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh, lần đầu tiên được nghe những từ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Từ thuở ấy Người “rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”[3].
Trong môi trường mới ở tỉnh Thừa Thiên và Huế, Hồ Chí Minh có điều kiện đọc thêm sách báo, đặc biệt là tài liệu tiếng Pháp. Nguyễn Sinh Sắc là một trong số ít người đặc biệt thời bấy giờ mạnh dạn cho con vào học Trường Tiểu học Pháp - Việt, nơi dạy chữ Pháp, chữ quốc ngữ và chữ Hán. Đây là một trong những chỉ dấu cho thấy ông cụ thân sinh có ý thức truyền cảm hứng tìm hiểu cái mới cho tuổi trẻ Hồ Chí Minh.
Sự hiểu biết và đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào những năm tháng tuổi trẻ trên quê hương Nghệ Tĩnh đã thúc đẩy Hồ Chí Minh tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nhân dân Thừa Thiên. Mấy tháng sau, Người rời Quy Nhơn[4] vào Sài Gòn6 thực hiện hoài bão đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Sau bốn tháng ở Sài Gòn, Hồ Chí Minh quyết định thực hiện khát vọng nung nấu gần mười năm trước muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác “họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào chúng ta”[5]. Những suy nghĩ và hoạt động yêu nước đầu tiên tuy còn ở trình độ “cảm tính” nhưng nó khẳng định rõ ràng, dứt khoát một con đường nên đi, một tư duy phát triển liền mạch, thuận chiều, thể hiện khát vọng giải phóng đồng bào.
Trong gần mười năm từ Pháp, vòng quanh châu Phi đến nước Mỹ, nước Anh rồi lại trở lại Pháp, trong khi làm thuê để kiếm sống và học tập, Hồ Chí Minh tranh thủ đi thăm các thành phố, tìm hiểu đời sống của những người lao động. Suy nghĩ và việc làm của Người những năm tháng đó đã tỏ rõ là “một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”[6] như lời nhận xét của cựu hoàng đế Thành Thái[7] lúc bấy giờ đang bị an trí ở đảo Rêuyniông.
Với tố chất của một nhà yêu nước nhiệt thành và sáng suốt, Hồ Chí Minh quyết định vào Đảng Xã hội Pháp, vì “đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước chúng tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”[8]. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi và thế chiến thứ nhất kết thúc, nhân Hội nghị Vécxây, Hồ Chí Minh gửi tới toàn thế giới thông điệp Yêu sách của nhân dân An Nam thể hiện mạnh mẽ khát vọng tự do, pháp quyền cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức. Tuy nhiên, Hội nghị Vécxây, đặc biệt là mười bốn điểm của Tổng thống Uyn xơn “chỉ là một trò bịp lớn”[9].
Từ năm 1920, khát vọng giành độc lập cho dân tộc của Hồ Chí Minh có một điểm tựa chắc chắn là Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Dưới ánh sáng của Luận cương, mong muốn Tổ quốc được giải phóng, các dân tộc thuộc địa được giải phóng nung nấu hơn mười năm từ “cảm tính” đã phát triển, nâng lên thành “lý tính”, vì “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[10].
Kết thúc giai đoạn “tìm đường”, một tổng lộ tuyến “mở đường” thực hiện khát vọng độc lập cho dân tộc được Hồ Chí Minh thiết lập từ Pari qua Mátxcơva đến Quảng Châu về Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam trong bối cảnh của thế giới, Người thực hiện khát vọng giải phóng bằng quyết tâm cao độ của cá nhân và ý chí của toàn thể dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trên cơ sở tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, trong đó các quy luật đặc thù của đấu tranh giành độc lập ở một nước thuộc địa và phong kiến chi phối mạnh mẽ.
Theo Hồ Chí Minh, khát vọng giải phóng muốn thực hiện thành công, cần phải có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn, dù hy sinh tới đâu, dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập. Kiên trì nuôi dưỡng khát vọng giải phóng giành độc lập cho đất nước ở tuổi ngoài hai mươi, sau 35 năm, đặc biệt mười lăm năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hồ Chí Minh đã chấm dứt ở Việt Nam “nỗi nhục nô lệ” và trang bị cho người dân Việt Nam khát vọng, niềm tin, quyết tâm, đồng tâm giải phóng và sự thực khát vọng tự do độc lập đã được thực hiện.
Khát vọng xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc.
Cách mạng là xóa cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt. Giành được độc lập mới chỉ là giai đoạn thứ nhất của toàn bộ tiến trình cách mạng. Bước đầu là giải phóng dân tộc, cuối cùng phải đi đến giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Độc lập dân tộc là nhiệm vụ đầu tiên, là cơ sở, điều kiện để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là sự phát triển tất yếu của độc lập dân tộc, hợp quy luật, thuận lòng dân, nằm trong quỹ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản, đem lại sức mạnh to lớn, toàn diện giữ vững độc lập dân tộc, là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi được ăn no, mặc đủ”[11].
Độc lập đi đến tự do, hạnh phúc là vấn đề có tính quy luật, là khát vọng cháy bỏng của Hồ Chí Minh. Nhưng để đi đến cái đích tự do, hạnh phúc, còn phải đấu tranh chống nhiều loại giặc, chiến thắng nhiều trở lực, đánh bại thù trong giặc ngoài; phải “dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết”[12]. Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại bần cùng và lạc hậu, khó hơn nhiều so với việc thắng đế quốc và phong kiến. Nhưng khó mấy cũng phải làm. Đi đến chủ nghĩa xã hội thuộc quy luật tiến hóa của lịch sử, vì “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”[13].
Trong tầm nhìn, tư duy thực hiện khát vọng giải phóng, Hồ Chí Minh đã gắn giải phóng dân tộc với con đường xã hội chủ nghĩa. Người yêu cầu Đảng Xã hội Pháp phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa, vì “sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”[14]. Quan điểm đó cho thấy khát vọng giải phóng và khát vọng phát triển hòa quyện vào nhau, thúc đẩy lẫn nhau. Giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản và “chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu được nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”[15].
Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra kỷ nguyên độc lập tự do của dân tộc như là một sự khẳng định thực hiện khát vọng giành độc lập của Hồ Chí Minh. Đó mới chỉ là thành quả bước đầu của toàn bộ tiến trình cách mạng dài lâu. Vấn đề đặt ra “phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”[16]. Cách nhìn về một nước Việt Nam độc lập cho thấy sự khác biệt về chất so với nước thuộc địa, trong đó chứa đựng cả vinh dự và trách nhiệm của người dân một nước độc lập.
Sau gần một trăm năm nô lệ, vấn đề đặt ra là phải làm cho non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, theo kịp các nước trên hoàn cầu. Theo Hồ Chí Minh, Việt Nam phải bước tới đài vinh quang, sánh vai với cường quốc năm châu. Đó là mong muốn, là khát vọng, là quyết tâm và niềm tin, là trách nhiệm của con cháu thời đại Hồ Chí Minh với cơ đồ và mong muốn của tổ tiên đã để lại. Nguyễn Trãi, nhà tư tưởng lớn thời phong kiến đúc kết sau kháng chiến thắng lợi: “Xã tắc từ đây vững bền. Non sông từ đây đổi mới. Càn khôn bĩ rồi lại thái. Nhật nguyệt tối rồi lại minh. Để mở nền muôn thuở thái bình. Để rửa nỗi nghìn thu hổ thẹn”[17]. Theo tinh thần Hồ Chí Minh, tư tưởng duy tân, đổi mới của Nguyễn Trãi phải được hiện thực hóa trong thời đại mới. Dẫu chiến tranh gian khổ, hy sinh, nhưng chúng ta quyết không sợ. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”[18]. Di chúc khẳng định: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”[19]. Đó là “một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”[20].
Chiến tranh dù ác liệt, hy sinh đến mấy rồi cũng sẽ qua đi. Hàn gắn vết thương chiến tranh là việc phải mau chóng làm. Nhưng điều quan trọng hơn, quan trọng nhất, cốt tử của cách mạng là xây dựng lại đất nước sau chiến tranh. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”[21]; phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Kế hoạch phải sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Hiện thực hóa khát vọng xây dựng lại đất nước đàng hoàng, to đẹp là một công việc “rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[22].
Với sự tiên tri tiên lượng lạ lùng, thiên tài, nhìn thấu những thuận lợi và cản lực trên con đường phát triển, đi lên của đất nước trong thực hiện khát vọng cháy bỏng xây dựng đất nước đẹp đẽ, đàng hoàng, Hồ Chí Minh khẳng định phải coi “chủ nghĩa Mác - Lênin là cái “cẩm nang” thần kỳ, là kim chỉ nam, mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[23]. Người dặn lại “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[24]. Phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Phải quan tâm đầu tiên công việc đối với con người, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ trong lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, để “đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[25]. Nhưng quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[26]. Bởi vì có dân là có tất cả; “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”[27].
Mong muốn của Hồ Chí Minh với khát vọng của dân tộc và tương lai hòa bình, hợp tác, ổn định, thịnh vương và phát triển của nhân loại.
Ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập là làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[28]. Trước lúc đi xa, Người để lại mong muốn cuối cùng là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[29].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Việt Nam nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội là rõ ràng, dứt khoát; phải làm cho dân giàu, nước mạnh; xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Sứ mệnh lịch sử đặt lên vai Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam quyết xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, cũ kỹ, hư hỏng, làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, sải bước cùng thời đại.
Khát vọng Hồ Chí Minh sánh vai với các cường quốc năm châu, đưa dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang và ngọn cờ vinh quang độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Người đã được các thế hệ kế tiếp nắm vững và giương cao trong hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt gần bốn mươi năm đổi mới, làm cho đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế to lớn như ngày nay.
Chúng ta đang sống trong thế giới đầy năng động với diễn biến phức tạp, khó lường, những biến đổi lớn lao mang tính thời đại. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Kỷ nguyên phát triển mới của thế giới tập trung vào chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau, hoạt động đoàn kết, thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì thế hệ hôm nay và tương lai”. Kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân là đòi hỏi khách quan trong kỷ nguyên phát triển mới của thế giới, kỷ nguyên của chủ nghĩa đa phương, trong thể chế và tư duy toàn cầu. Tuy đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới, nghiêm trọng, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội vẫn là xu thế lớn, không hề thay đổi. Đó là những giá trị bền vững mà Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, chiến sĩ cộng sản kiên cường, người theo chủ nghĩa quốc tế vô sản, đã cống hiến trọn đời mình cho dân tộc và nhân loại.
Sự cống hiến vô tư, trong sáng của Hồ Chí Minh cho thấy dân tộc Việt Nam anh hùng và Đảng quang vinh đã có vinh dự lớn mang giá trị dân tộc và thời đại sâu sắc trong đánh giặc, xóa nỗi nhục nô lệ, thì cũng phải có trách nhiệm lớn góp phần xứng đáng và mang về vinh dự trong kiến tạo tương lai tốt đẹp của thế giới. Năm tháng sẽ qua đi nhưng nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ nhớ mãi, khắc ghi tên tuổi và khát vọng Hồ Chí Minh về tương lai tươi sáng của dân tộc và nhân loại.
[1] Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia-sự thật, Hà Nội, 2011, tr.13-14.
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2016, t.1, tr.30.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.461.
[4] Sau khi cùng cha lên Bình Khê (6-1909), Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơ học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (từ tháng 9-1909). Khoảng đầu tháng 9-1910, Người rời Quy Nhơn vào Sài Gòn.
[5] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.15.
[6] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t.1, tr.46.
[7] Thành Thái (1879-1954) chính tên là Nguyễn Phúc Bảo Lân, vua thứ mười của triều Nguyễn, con vua Dục Đức, khi lên ngôi vua lấy niêm hiệu là Thành Thái (1889-1907). Ông có tư tưởng chống đối nhà cầm quyền Pháp, muốn hành động cứu nước. Năm 1907, ông bị ép thoái vị nhường ngôi cho thái tử Vĩnh San mới lên 8 tuổi (vua Duy Tân sau này), sau đó bị giam ở Vũng Tàu. Năm 1916 bị an trí ở đảo Rêuyniông, hơn 20 năm mới được trở về nước (5-1949), mất tại Sài Gòn năm 1954. Năm 1918 Nguyễn Tất Thành đến đảo Rêuyniông thăm cựu hoàng đế Thành Thái.
[8] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t.1, tr.47.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.441.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.
[11] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64 và 175.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.19.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.563.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.40.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.496.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.7.
[17] Nguyễn Trãi: Bình ngô đại cáo, Nxb.Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2000, tr.12.
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.623.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.6.
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.622.
PGS.TS Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.563.
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.616.
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.616-617.
[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.617.
[27] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.270.
[28] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187.
[29] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.614.
- Giới thiệu về Ngành Luật và Ngành Luật hiến pháp và Luật hành chínhĐào tạo06/01/2025
- Truyền thông và niềm tin xã hội trong giai đoạn hiện nayKhoa Chính trị và Báo chí18/12/2024
- Hoạt động đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mớiKhoa Chính trị và Báo chí18/12/2024
- Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch đòi "phi chính trị hóa" lực lượng vuc trang Việt NamKhoa Chính trị và Báo chí02/12/2024
- Biện chứng giữa kinh tế và chính trị ở Việt Nam hiện nay.Khoa Chính trị và Báo chí28/11/2024
- Công tác chuẩn bị cho Hội thảo cấp khoa về "Chuyển đổi số Báo chí: Định hình tương lai truyền thông"Khoa Chính trị và Báo chí28/11/2024
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024