Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh đến 4 chữ KIÊN khi phát biểu tại Chương trình gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học
Bộ trưởng ghi nhận những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, nhà khoa học. Tuy số lượng ý kiến chưa được nhiều nhưng mỗi phát biểu của các thầy, các cô là nhóm vấn đề.
Theo Bộ trưởng, giáo dục phổ thông là giáo dục con người, tạo ra các công dân có phẩm chất và năng lực tốt. Giáo dục phổ thông là nền tảng cho phát triển nhân lực chất lượng cao, giúp cho con người biết sống, biết mưu cầu hạnh phúc, quan tâm và phát triển đất nước, có trách nhiệm với cộng đồng, gọi là những con người tốt, công dân tốt.
Giáo dục phổ thông có cái khó riêng nhưng nếu được quan tâm đầy đủ và có phương pháp thì sẽ tốt. Giáo dục phổ thông cho ta thấy nền của giáo dục. Còn giáo dục đại học thể hiện tầm cao, chiều sâu của nền giáo dục.
Giáo dục đại học thể hiện tầm vóc trí tuệ con người của đất nước, thể hiện trình độ của đội ngũ trí thức, trình độ khoa học công nghệ và là biểu hiện của sở hữu nhân tài đất nước đó.
Nếu so với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học cũng có khó riêng. Chúng ta phải dùng từ thực sự là đặc biệt khó. Có nhiều nước mong muốn nền giáo dục đại học phát triển nhưng cũng không phải là câu chuyện dễ và cần nhiều yếu tố.
Là một phần của nền giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, giáo dục đại học đang trong thời kỳ chuyển đổi. Chuyển đổi mô hình, về cách thức tổ chức quản trị, hình thức quản lý nhà nước, hoạt động, phương pháp dạy và học, cơ cấu ngành nghề, về sử dụng nguồn lực...
Bên cạnh đó, có những vấn đề mới đặt ra với các trường đại học. Đó là các trường phải đóng vai trò là động lực của vấn đề đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp... Càng đi vào thời hiện đại, trách nhiệm, vai trò của các trường đại học càng lớn.
Tháo gỡ điểm nghẽn cho giáo dục đại học
Theo Bộ trưởng, nguồn lực quan trọng nhất, chỗ dựa quan trọng nhất của ngành chính là các nhà giáo. Đối với giáo dục đại học, các nhà khoa học không chỉ là chỗ dựa của ngành Giáo dục, mà còn là nguồn lực của quốc gia, niềm tự hào của quốc gia, chỗ dựa của quốc gia.
Do đó, chăm lo, phát triển đội ngũ các nhà khoa học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bộ GD&ĐT.
“Chúng tôi ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng này và đang từng bước cố gắng làm mọi việc có thể phát triển được đội ngũ nhà giáo, các cán bộ khoa học” – Bộ trưởng bày tỏ.
Đề cập đến vấn đề phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đầu tiên phải nhắc đến vai trò trách nhiệm của các trường đại học; đặc biệt là các trường đại học cơ bản, khối các Đại học Quốc gia, các đại học có các chương trình có thể thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài ở tất cả các lĩnh vực.
Hiện, giáo dục đại học đã có những bước phát triển tích cực cả về quy mô và chất lượng. So với 10 năm trước, số lượng sinh viên tăng xấp xỉ 40%. Chúng ta có xấp xỉ 2,1 triệu sinh viên đại học và 120.000 học viên sau đại học. Số lượng sinh viên nhập học đại học tăng trong vài năm gần đây. Điều đó cho thấy, niềm tin của người học, của xã hội về chất lượng đào tạo đã gia tăng trở lại.
Số liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm của các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy sự cải thiện về chất lượng trên diện rộng. So với 10 năm trước, số lượng giảng viên tăng khoảng 30%, đây là một con số cũng rất đáng nể. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng hơn 2 lần; hiện đạt xấp xỉ 32%.
So với các quốc gia khác ở Đông Nam Á, chỉ số này còn rất thấp. Cho nên con số 32% còn rất khiêm tốn, đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải làm. Số các công bố khoa học quốc tế trên một giảng viên tăng gần 5 lần so với 10 năm trước. Tuy nhiên so với bình quân trên đầu người vẫn còn khá thấp ở bản đồ công bố trên thế giới.
Nhắc đến vài con số để thấy rằng, nhìn lại 10 năm, ngành Giáo dục đã có bước phát triển rất dài. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, trước yêu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, trước yêu cầu của phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật, thì tốc độ phát triển ấy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nếu như chúng ta không cùng nhau tháo gỡ, thoát ra khỏi điểm nghẽn, đẩy tốc độ phát triển của giáo dục đại học nhanh hơn, mạnh và bền vững hơn nữa, thì một là chúng ta sẽ chậm lại trong tốc độ phát triển; hai là sẽ rất khó khăn đạt đến những đỉnh cao của một số các trường, ngành nghề cũng như chất lượng đào tạo. Cho nên tháo gỡ nút thắt được xem là việc rất quan trọng của toàn thể chúng ta.
Nhấn mạnh, thời gian tới có nhiều việc phải làm; Bộ trưởng viện dẫn, chúng ta cần sớm hoàn thành quy hoạch, sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục. Cần phải đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ. Đồng thời, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia để làm hạt nhân hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.
Riêng về thể chế, Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, để hoàn thiện và mở đường làm căn cứ cho đổi mới giáo dục nói chung và thực hiện tự chủ đại học theo chiều sâu trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển mô hình giáo dục đại học số, đào tạo giáo viên...
“Tôi muốn nhắc đến để chúng ta cùng nhau thấy được có rất nhiều công việc lớn còn đang chờ phía trước” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Kỳ vọng vào các nhà giáo, nhà khoa học
Bộ trưởng nhấn mạnh, cũng cần những phương diện tự chủ của giảng viên. Chúng ta cần hiểu, phát huy cho được điều này. Chúng ta cần tích cực tham gia xây dựng những quy tắc, nguyên tắc hoạt động nội bộ, những định hướng chiến lược của nhà trường, cũng như lựa chọn định hướng về chuyên môn, chương trình đào tạo, tuyển sinh và các chính sách khác.
Kỳ vọng vào các nhà giáo trong cơ sở giáo dục đại học, Bộ trưởng đồng thời đề nghị cần làm tốt một số việc trong thời gian tới: Thứ nhất, một trong vấn đề trọng tâm được dư luận xã hội quan tâm là tự chủ đại học.
Đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục, dù mức độ tự chủ khác nhau như thế nào thì chúng ta cũng cần tìm hiểu sâu thêm và thực hiện đầy đủ các quyền tự chủ đối với giảng viên.
Tự chủ không chỉ dừng ở hội đồng trường, ở hệ thống quản lý, mà phải xuống đến cấp khoa, cấp bộ môn, đến từng giảng viên, nhà khoa học. Đây là việc quan trọng để phát triển lực lượng các nhà khoa học và giải phóng sức sáng tạo, xây dựng môi trường thuận lợi cho các nhà giáo phát huy.
Trước câu hỏi, ai là người đứng đầu các trường đại học? Bộ trưởng trao đổi, hiện Bộ Nội vụ cũng chưa có văn bản chính thức để trả lời việc này. Tuy nhiên, tại Hội nghị tự chủ đại học được tổ chức năm trước, vấn đề này đã được giải thích rõ.
Nếu nói về một cá nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật, cá nhân đấy không ai khác là Hiệu trưởng, đúng với tên gọi của nó. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật, phụ trách về tài khoản, con dấu. Khi cần gọi đến một trường học để làm việc, người ta sẽ gọi Hiệu trưởng, đó là điều đương nhiên.
Chia sẻ về vấn đề Hội đồng trường, Bộ trưởng trao đổi, Hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất, quyết định việc chọn Hiệu trưởng. Chủ tịch là một thành viên điều hành Hội đồng. Quyền lực của Hội đồng trường là quyền lực tập thể và Chủ tịch là 1 phiếu trong cơ chế tập thể đó.
Hội đồng trường và Ban giám hiệu cần phải đúng vai, mỗi người có một chức năng, nhiệm vụ. Các Hội đồng giải quyết công việc bằng các nghị quyết của tập thể, hoạt động định kỳ, xử lý công việc do ban giám hiệu trình, vai trò tương tự như hội đồng nhân dân hoặc UBND các cấp. Nếu làm điều đó một cách rạch ròi thì người nào việc đó.
Thứ hai, khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển và đổi mới nhanh như vũ bão, thì các nhà khoa học của chúng ta đã giỏi rồi, cần giỏi hơn nữa, bởi vì sự giỏi không có giới hạn.
Phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là các khoa học cơ bản, khoa học công nghệ mũi nhọn, chúng ta mới có thể có những cải thiện thực sự về chất lượng giáo dục.
Mong rằng, đây là sự phấn đấu, ý chí của cá nhân nhưng cũng cần chính sách của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Một trong các quyền tự chủ là phát triển đội ngũ, dành những gì tốt nhất để phát triển đội ngũ chuyên gia.
Trên thế giới, khi người ta kể niềm tự hào của trường mình, họ không nói có bao nhiêu phòng học, không kể có bao nhiêu m2 đất, bao nhiêu gốc cây… mà người ta kể tên những chuyên gia hàng đầu mà thế giới biết tiếng. Hoặc họ kể trường tôi có những giải thưởng nổi tiếng nào... và kể về sinh viên của họ.
Bên cạnh những công bố quốc tế, chúng ta cần cả những công trình giải quyết được các vấn đề nóng của đất nước, những công bố có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đó trách nhiệm xã hội của chúng ta, là bản chất của trí thức. Trí thức thì chỉ có một, không có trí thức công và tri thức tư. Trách nhiệm xã hội của người trí thức cũng không có công có tư.
Các nhà giáo, nhà khoa học cần phát huy hơn nữa trách nhiệm đối với ngành Giáo dục. Đồng thời, cần phải làm tốt công tác truyền thông, tự truyền thông và có ứng xử phù hợp trên mạng xã hội, để phù hợp với nghề nghiệp. Đây vừa là mẫu mực của nhà giáo, vừa là nhà khoa học.
Bộ trưởng nhìn nhận, thời gian tới, có nhiều việc phải làm, mong muốn làm. Tuy nhiên, có những việc sẽ làm sớm, có những việc cần thời gian; trong đó cần phải sớm tháo gỡ các khó khăn để mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ, mà trước mắt sửa Nghị định 99 và sớm điều chỉnh Luật số 34.
Ngoài ra, cần triển khai những chính sách đặc thù để phát triển khoa học cơ bản, lĩnh vực sư phạm và các lĩnh vực mũi nhọn. Mặt khác, cần thêm những chính sách để phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, phát triển đội ngũ trí thức; đặc biệt là các nhà khoa học hàng đầu.
Bộ trưởng gửi thông điệp, chúng ta phải kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới và định hướng chiến lược. Cần kiên trì trên phương diện thuyết phục, vận động sự cảm thông, chia sẻ từ xã hội và đồng hành của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính Phủ.
Chúng ta cần giải thích, thuyết phục, cần kiên quyết chống tiêu cực, bệnh hình thức, thành tích và chống tinh thần phản nhân văn, phản tự do trong phát triển các cơ sở giáo dục đại học.
Chúng ta kiên quyết với mục tiêu chất lượng, phát triển con người, phát triển khoa học công nghệ. Chúng ta cũng cần kiên trinh với nghề dạy học, vinh quang của nghề nghiệp.
Cần vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng cần ghi nhớ mấy chữ: kiên định, kiên trì, kiên quyết, kiên trinh. Chữ kiên có nghĩa là sự bền vững.
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Tin tức - Sự kiện15/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công Talkshow “Kỹ năng dẫn chương trình chuyên nghiệp”Tin tức - Sự kiện02/11/2024
- Trường KHXH&NV tự hào đạt Giải Nhì cuộc thi cắm hoa nghệ thuật Chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10Tin tức - Sự kiện20/10/2024
- UBND quận Đống Đa, Hà Nội thi tuyển công chức năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Trường Trung cấp Tây Nguyên tuyển dụng giáo viên Kỹ thuật chế biến món ănTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Báo Hà Nội mới tuyển dụngTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tuyển dụng nhân sự năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Tuyển dụng viên chức tại Phòng Công chứng số II thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024