Xu hướng du lịch xanh, an toàn, tăng tính trải nghiệm lên ngôi
Đi du lịch vào dịp đầu Xuân đã trở thành xu hướng thịnh hành với nhiều người Việt cũng như du khách quốc tế. Đặc biệt, từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách trở lại từ 15/3/2022, nhu cầu đi du lịch trong nước và quốc tế, cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng với xu hướng du lịch xanh, an toàn có những khám phá và trải nghiệm mới, hấp dẫn.
Doanh nghiệp chờ đón dòng khách du lịch xanh
Du khách về với Tràng An – Ninh Bình
Giám đốc Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho biết, sau đại dịch COVID-19, đi du lịch đã trở thành nhu cầu tất yếu, người dân sẽ lựa chọn những tour du lịch trong nước ngắn ngày, chi phí thấp để du xuân. Xu hướng tự đi du lịch, tự đặt vé máy bay, khách sạn, rồi mua tour du lịch tại địa phương để đi tham quan; tìm kiếm, đặt dịch vụ online tăng cao. Trong dịp đầu Xuân 2023, du khách Việt hướng đến du lịch tâm linh sẽ tìm đến những khu vực các đền, chùa, lễ hội.
Đối với tour ra nước ngoài, theo ông Chiến, người dân sẽ chọn những tour giá cả chi phí thấp hợp lý, xu thế là Trung Quốc vì có nhiều cảnh đẹp, ẩm thực hấp dẫn. Tuy nhiên còn phụ thuộc tình hình kiểm soát COVID-19 và chính sách mở cửa của Trung Quốc. Xu thế khách quốc tế vào Việt Nam đầu xuân cũng sẽ tăng lên từ thị trường gần Việt Nam như Trung Quốc, Đông Bắc Á. Đối với thị trường xa như châu Âu, Úc, Mỹ cũng sẽ tăng nhẹ. “Du khách quốc tế đến Việt Nam vẫn thích cảnh đẹp thiên nhiên, những địa phương có các bờ biển dài, cát trắng nắng vàng, trong đó Phú Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, bởi Phú Quốc được đầu tư thêm nhiều điểm tham quan dịch vụ mới. Đà Nẵng cũng sẽ phát triển hơn khi đã triển khai Hội chợ Du lịch quốc tế VITM cuối năm 2022 vừa qua”, ông Chiến chia sẻ.
Từ thực tế, Giám đốc Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh cho biết, xu hướng đi du lịch của khách du lịch Việt Nam trong dịp đầu Xuân nói riêng và trong năm 2023 nói chung sẽ thiên về du lịch tâm linh, lễ hội du xuân đầu năm, du lịch nghỉ dưỡng. Đối với khách du lịch quốc tế, khách vẫn đang tìm đến các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, các địa điểm văn hóa và các di tích lịch sử. Các sản phẩm du lịch mà khách quốc tế lựa chọn thiên về tính khám phá, gần gũi với thiên nhiên, hướng tới du lịch bền vững. Có thể kể đến một số điểm đến được nhiều du khách quan tâm như: du lịch khám phá Hà Giang, Cao Bằng (thác Bản Giốc), Bắc Kan (Vườn Quốc gia Ba Bể); du lịch nghỉ dưỡng như vịnh Hạ Long, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho hay, dịp đầu Xuân 2023 sẽ là dịp bùng nổ các tour du lịch tâm linh, lễ hội đến những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng tại các địa phương theo như truyền thống. Có thể kể đến như chùa Hương, Yên Tử, Tam Chúc, Bái Đính; các đền, chùa tại Tuyên Quang, Bắc Ninh, ngoại thành Hà Nội; đền Hùng, núi Bà Đen, núi Sam, Côn Đảo... Xen vào đó là các chương trình du lịch trải nghiệm, ngắm cảnh đến những miền đất có những loài hoa xuân đặc trưng như Hà Giang, Mộc Châu, Điện Biên, Lai Châu, Đà Lạt… Với khách du lịch Việt đi du lịch quốc tế thì các tour du lịch tham quan kết hợp ngắm hoa đặc trưng đến các điểm đến gần trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Bali (Indonesia), Singapore sẽ là những chương trình được quan tâm.
Du khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng với xu hướng du lịch xanh, an toàn có những khám phá và trải nghiệm mới, hấp dẫn.
“Trong năm 2023, xu hướng đi du lịch của du khách Việt sẽ có sự kế thừa từ giữa năm và sẽ có sự tăng trưởng tiếp. Mùa hè và mùa thu sẽ là mùa du lịch chính. Mùa hè, các điểm đến có bãi biển đẹp như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Phú Yên… sẽ tập trung dòng khách chính, thích hợp loại hình du lịch nghỉ dưỡng và khen thưởng. Mùa thu, các điểm đến có cảnh núi đặc trưng vào mùa hoa, mùa lúa, săn mây, mùa nước nổi như Hà Giang, Mộc Châu, Tà Xùa, Tây Nguyên, miền Tây... sẽ là những điểm nổi bật”, ông Thái chia sẻ. Cũng theo ông Thái, dòng khách đi ra nước ngoài vẫn tập trung vào mùa hè và mùa thu với các điểm đến chính như Singapore, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản; châu Âu, Mỹ, Úc mặc dù Trung Quốc đã dần mở cửa. Ngoài ra, một số điểm đến mới cũng dần trở thành quen thuộc hơn như Nam Phi, Nam Mỹ…
Một điểm đến gần cũng nổi tiếng và kỳ vọng thu hút khách Việt Nam là Bali (Indonesia). Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng, Bali là một trong những điểm đến “hot” được mệnh danh là “thiên đường sống ảo” bởi những điểm chek-in vô cùng độc đáo. Thiên nhiên Bali hoang sơ, bản sắc văn hóa được người dân trên đảo bảo tồn nguyên vẹn. “Gần đây lượng khách Việt đến với Bali tăng rất mạnh. Do chính sách thuận lợi về đường bay thẳng, giá cả dịch vụ, chất lượng điểm đến... khiến nơi đây trở thành lựa chọn lý trưởng cho du khách muốn thay đổi hành trình”, ông Dũng chia sẻ.
Xây dựng sản phẩm tăng tính trải nghiệm cho du khách
Để thu hút khách, các doanh nghiệp lữ hành đã nghiên cứu thị trường, tâm lý, thị hiếu, nhu cầu của các đối tượng khách, xây dựng các sản phẩm đặc trưng. Xu hướng phổ biến hiện nay là các công ty lữ hành liên kết vi nhau thành những liên minh bán chung sản phẩm với cùng một mức giá. Điều này tạo nên lợi thế rất lớn cho cả phía doanh nghiệp lẫn du khách khi tránh được tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá tour; du khách cũng được hưởng lợi trong vấn đề minh bạch thị trường và đảm bảo về chất lượng dịch vụ. Quan trọng hơn là du khách không phải mất thời gian tham khảo nhiều đơn vị và hoàn toàn yên tâm về chất lượng tour.
Giả sử, du khách muốn đến Bali (Indonesia), hoàn toàn có thể yên tâm với sản phẩm của liên minh “VivuBali” do Golden Tour, Hanoitourist, ANZ Travel, Captour và FantaSea Travel liên kết xây dựng. Giám đốc Golden Tour Phạm Tiến Dũng cho biết, VivuBali liên tục cập nhật các tuyến, điểm, dịch vụ, trải nghiệm mới với mốc sau 6 tháng để vừa tránh tình trạng bị sao chép sản phẩm, vừa khai thác hết vẻ đẹp của hòn đảo này, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách. Từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, khách Việt đã có sự chuyển dịch thị trường rõ nét từ Thái Lan, Malaysia, Singapore… sang Bali.
Có thể nói, xu hướng đi du lịch của du khách và cách nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm của các đơn vị lữ hành đã có nhiều thay đổi. Để thu hút khách trong nước, quốc tế dịp đầu Xuân và trong năm 2023, các đơn vị lữ hành, điểm đến đã nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới, quan tâm yếu tố an toàn, tăng tính trải nghiệm, hấp dẫn. Giám đốc sản phẩm Mai Việt Travel Dương Xuân Tráng chia sẻ: “Chúng tôi sẽ chú trọng vào thị trường khách truyền thống yêu thích trải nghiệm và khám phá là khách quốc tế nói tiếng Pháp. Ngoài ra, để thu hút khách quốc tế chúng tôi sẽ quan tâm các sản phẩm du lịch xanh, điểm đến an toàn, những điểm đến để khám phá cảnh đẹp miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”. Giám đốc Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh cũng cho biết, Mr Linh’s Adventures sẽ tiếp tục tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh như các sản phẩm miền núi, vòng cung Đông Bắc như Hồ Ba Bể - thác Bản Giốc; các dòng sản phẩm “Off the beaten Track”, “Trekking - hiking”, “thám hiểm hang động”… Ngoài ra, các sản phẩm khác cũng hướng tới sự khác biệt, mang tính trải nghiệm, tính địa phương cao, đặc biệt là đáp ứng các yếu tố của du lịch bền vững”. Trong khi đó, Hanoitourist lại tập trung vào thị trường khách cao cấp nói tiếng Anh, đặc biệt là thị trường đã có sự tăng trưởng khá là Ấn Độ. Giám đốc Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ: “Loại hình du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng với những khác biệt về chất lượng dịch vụ cũng như nhân sự phục vụ sẽ là lựa chọn của chúng tôi”.
Một sản phẩm mới cũng được xây dựng nhằm đón đầu xu hướng thị trường xuân và trong năm 2023 là du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ. Giám đốc Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ sẽ được du khách quốc tế quan tâm, bởi Việt Nam đã có nhiều thành công trong quá trình phòng, chống COVID-19. Ngoải ra, Việt Nam có thiên nhiên khí hậu nắng ấm với các bãi biển đẹp, đây là nguồn năng lượng chữa lành rất tốt, kết hợp các phương pháp trị liệu y học cổ truyền, thảo dược thiên nhiên, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm trị liệu của thế giới trong thời gian không xa. “Sunvina Travel cũng đã nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ ở mức độ cơ bản; du khách đi tour sẽ được vào xông hơi, massage thư giãn. Nổi bật là các tour trị liệu chuyên biệt áp dụng phương pháp thuận tự nhiên không xâm lấn, thải độc hệ bạch huyết; dùng tay và các dụng cụ thô sơ kết hợp thảo dược thiên nhiên tác động ngoài da giúp chăm sóc nhiều mặt bệnh cơ xương khớp, chuyển hoá, hậu COVID-19. Đặc biệt, Sunvina sẽ xây dựng các tour trị liệu cho khách là chính, tham quan sẽ là phụ, các tour du lịch tự chữa lành Thân Tâm Trí; cung cấp chuyên gia, kỹ thuật viên chăm sóc sức khoẻ cho đoàn khách theo tour du lịch; dạy cho khách các phương pháp chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình, giúp cho khách du lịch trở thành bác sỹ của gia đình”, ông Chiến chia sẻ.
Tuấn Hải
Nguồn: Tạp chí Du lịch điện tử
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Tin tức - Sự kiện15/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức thành công Talkshow “Kỹ năng dẫn chương trình chuyên nghiệp”Tin tức - Sự kiện02/11/2024
- Trường KHXH&NV tự hào đạt Giải Nhì cuộc thi cắm hoa nghệ thuật Chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10Tin tức - Sự kiện20/10/2024
- UBND quận Đống Đa, Hà Nội thi tuyển công chức năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Trường Trung cấp Tây Nguyên tuyển dụng giáo viên Kỹ thuật chế biến món ănTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Báo Hà Nội mới tuyển dụngTin tức - Sự kiện30/09/2024
- Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tuyển dụng nhân sự năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024
- Tuyển dụng viên chức tại Phòng Công chứng số II thuộc Sở Tư pháp Thanh Hóa năm 2024Tin tức - Sự kiện30/09/2024