Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành Chính trị học
Từ khóa: đội ngũ giảng viên, ngành Chính trị học, xây dựng đội ngũ giảng viên
MỞ ĐẦU
Trong lịch sử 63 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Sư phạm Vinh (nay là Trường Đại học Vinh), đội ngũ giảng viên, trong đó có giảng viên Chính trị học đóng vai trò rất quan trọng, nhân tố quyết định chất lượng đào tạo các ngành học. Cùng với việc mở rộng quy mô, đa dạng hóa các loại hình đào tạo và thực hiện đào tạo ở nhiều trình độ khác nhau, số lượng và chất lượng của đội ngũ giảng viên Chính trị học từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của đội ngũ giảng viên trong những năm qua không theo kịp so với những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đào tạo ngành Chính trị học. Vì vậy, cần nghiên cứu quá trình xây dựng, phát triển và thực trạng đội ngũ giảng viên Chính trị học hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành Chính trị học ở Trường Đại học Vinh.
NỘI DUNG
1. Quá trình xây dựng, phát triển và thực trạng đội ngũ giảng viên Chính trị học ở Trường Đại học Vinh hiện nay
Ở các cơ sở giáo dục, đội ngũ giảng viên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, nhân tố quyết định chất lượng đào tạo. Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa” [4, tr.345]. Thầy, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt các thế hệ người học nắm bắt tri thức khoa học, lý luận, do đó, mọi tài liệu, giáo trình dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với người học. Chính vì lẽ đó, các trường đại học luôn quan tâm tới công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên có những phẩm chất cơ bản về tư tưởng chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, đức tính nhà giáo và kỹ năng sư phạm.
Từ việc nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên trong sự phát triển của ngành Chính trị học, những năm qua, Trường Đại học Vinh và các khoa, viện rất quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên. Đồng thời, các giảng viên luôn có ý thức tự học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Do đó, chất lượng đội ngũ giảng viên từng bước được nâng lên, số giảng viên có trình độ tiến sĩ ngày càng nhiều hơn và nhiều giảng viên được phong học hàm Phó giáo sư.
Hiện nay, giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo ngành Chính trị học chủ yếu ở Khoa Chính trị và Báo chí và Khoa Giáo dục Chính trị. Ngoài ra còn có các giảng viên ở các khoa, trung tâm thuộc Trường Đại học Vinh. Tổng số giảng viên cơ hữu tham gia đào tạo ngành Chính trị học là 25 giảng viên, trong đó có 14 tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 56%), 11 thạc sĩ (chiếm tỷ lệ 44%), 4 Phó giáo sư, Giảng viên cao cấp (chiếm tỷ lệ 16%), 7 Giảng viên chính (chiếm tỷ lệ 28%) và 4 NCS (chiếm tỷ lệ 16%).
Về cơ cấu độ tuổi và giới tính: Giảng viên trên 50 tuổi là 7 người (chiếm tỷ lệ 28%), giảng viên có độ tuổi từ 35 đến 50 là 13 người (chiếm tỷ lệ 52%) và giảng viên tuổi dưới 35 là 5 người (chiếm tỷ lệ 20%). Số lượng giảng viên nữ là 16 người (chiếm tỷ lệ 64%) và giảng viên nam là 9 (chiếm tỷ lệ 36%).
Những con số thống kê cho thấy, đội ngũ giảng viên ngành Chính trị học của Trường Đại học Vinh hiện nay có trình độ khá cao, có nhiều giảng viên là Phó giáo sư, Giảng viên cao cấp, tiến sĩ; cơ cấu giới tính cũng như độ tuổi tương đối hợp lý.
Tham gia vào các hoạt động đào tạo ngành Chính trị học, ngoài các giảng viên cơ hữu còn có các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trung tâm nghiên cứu, xuất bản, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các cơ sở giáo dục và đào tạo có uy tín ở Việt Nam như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Khu vực II (Thành phố Hồ Chí Minh), Học viện Chính trị Khu vực III (Đà Nẵng), Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Đại học Huế, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật… Các nhà khoa học, chuyên gia tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình, tài liệu, hướng dẫn các NCS, học viên thực hiện luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và tham gia các hội đồng đánh giá luận án, luận văn.
Sự phát triển đội ngũ giảng viên những năm qua gắn với quá trình xây dựng, phát triển của Trường Đại học Vinh và nhằm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Chính trị học. Đồng thời, sự phát triển của đội ngũ giảng viên đã tạo điều kiện, tiền đề để ngành Chính trị học thực hiện đào tạo ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Năm 2012, Trường Đại học Vinh bắt đầu đào tạo cao học Chính trị học, tuyển sinh khóa đầu tiên và từ đó đến nay chuyên ngành Chính trị học luôn thu hút người học ở nhiều địa phương trong cả nước và người học đến từ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Đặc biệt, đến năm 2016 chuyên ngành Chính trị học đã xuất hiện trên “bản đồ đào tạo tiến sĩ” của Trường Đại học Vinh, bên cạnh 16 chuyên ngành “truyền thống” khác. Qua 6 năm đào tạo, 8 NCS đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học và 7 NCS đang học tập, nghiên cứu.
Như vậy, ngành Chính trị học ở Trường Đại học Vinh đào tạo ở cả ba cấp: cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Bên cạnh đào tạo ngành Chính trị học ở ba cấp, đội ngũ giảng viên còn tham gia đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp giảng dạy bộ môn Giáo dục chính trị, Cử nhân Quản lý nhà nước và Giáo dục chính trị; giảng dạy Triết học cho học viên cao học và các môn lý luận chính trị cho sinh viên.
Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ giảng viên trong những năm qua nhìn chung chưa theo kịp so với quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam, cũng như yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá ở Trường Đại học Vinh hiện nay.
Đối với chuyên ngành Chính trị học, đặt ra một số vấn đề cấp thiết, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp để phát triển đội ngũ giảng viên như:
Thứ nhất, giảng viên có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy nay tuổi đã cao (7 giảng viên là các PGS, GVCC, GVC, TS hiện nay đã trên 50 tuổi), trong khi đó, các giảng viên trẻ mặc dù được đào tạo cơ bản song tuổi đời, tuổi nghề còn ít, kiến thức thực tiễn cũng như kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học chưa nhiều.
Thứ hai, giảng viên tham gia giảng dạy nhiều môn học (các môn chuyên ngành và các môn lý luận chính trị), nhiều hệ (chính quy, vừa làm vừa học, từ xa), nhiều trình độ (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Đồng thời, trong quá trình mở rộng quy mô đào tạo, mở thêm ngành mới (ngành Quản lý nhà nước), giảng viên phải đảm nhận một khối lượng giờ dạy nhiều hơn so với định mức. Do phải tham gia nhiều hoạt động giảng dạy nên các giảng viên có rất ít thời gian dành cho các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, trong quá trình thực hiện tái cấu trúc, chia tách, sáp nhập các khoa, viện ở Trường Đại học Vinh, giảng viên Chính trị học được phân bổ ở 2 đơn vị: Khoa Chính trị và Báo chí thuộc Trường Khoa học xã hội và Nhân văn; Khoa Giáo dục Chính trị thuộc Trường Sư phạm. Do vậy, công tác điều hành, quản lý các hoạt động đào tạo, cũng như xây dựng và triển khai kế hoạch chiến lược cán bộ, phát triển đội ngũ giảng viên gặp những khó khăn nhất định.
2. Tăng cường xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên Chính trị học đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo
Nhằm phát triển đội ngũ giảng viên Chính trị học đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trước mắt cũng như lâu dài, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ giảng viên.
Nếu như 10 năm về trước, Trường Đại học Vinh chỉ đào tạo giáo viên Giáo dục công dân, Giáo dục chính trị, còn giảng viên Chính trị học chủ yếu được đào tạo ở các cơ sở khác như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam..., thì nay Trường Đại học Vinh là nơi đào tạo ngành Chính trị học ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đối với nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có các giảng viên.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trước hết cần thực hiện tốt khâu tuyển chọn đối tượng đào tạo, nhất là đối tượng học viên cao học và NCS. Việc tuyển chọn đối tượng đào tạo dựa trên các tiêu chí chung, nhưng cần chú trọng các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, định hướng nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu. Nhà trường và các khoa cần xây dựng kế hoạch phù hợp, theo lộ trình, bước đi cụ thể và tạo điều kiện để các giảng viên trẻ tiếp tục đào tạo ở trình độ tiến sĩ.
Chương trình đào tạo cần được đổi mới theo hướng khoa học, hiện đại, thiết thực. Cần trang bị cho người học những kiến thức mang tính toàn diện, hệ thống, bao gồm các kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành; kiến thức lý luận và thực tiễn. Ngoài việc trang bị kiến thức khoa học chính trị và giáo dục bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, cần phải rèn luyện cho người học phương pháp tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng lý luận để giải quyết các vấn đề của thực tiễn chính trị xã hội.
Thứ hai, tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ giảng viên.
Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên là một giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hoạt động bồi dưỡng giảng viên phải được thực hiện thường xuyên, với tất cả mọi đối tượng theo những mục đích, yêu cầu nhất định. Chính trị học là ngành học đặc thù, vừa mang tính khoa học vừa mang tính chính trị, từ đó đòi hỏi giảng viên vừa phải nắm vững lý luận vừa am hiểu thực tiễn, vừa có kỹ năng sư phạm vừa nhạy cảm về chính trị, vừa có có bản lĩnh chính trị vừa có đạo đức nghề nghiệp. Do đó, đối với giảng viên trẻ, việc bồi dưỡng chuyên môn nhằm bổ sung những kiến thức lý luận và thực tiễn, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, năng lực sư phạm… Đối với các giảng viên có trình độ tiến sĩ, cần tiếp tục bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tăng cường công bố các kết quả nghiên cứu trên các sách, tạp chí chuyên ngành, tham gia các hội thảo quốc gia, quốc tế. Nhà trường và các khoa cần động viên và tạo điều kiện để các giảng viên nỗ lực, phấn đấu đạt chuẩn Phó giáo sư. Có như vậy chất lượng đội ngũ giảng viên mới được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành Chính trị học.
Tổ chức và phối hợp tổ chức các hội thảo khoa học về đổi mới giảng dạy và nghiên cứu khoa học giữa các cơ sở đào tạo là hoạt động cần thiết, qua đó giúp giảng viên trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học chính trị. Để hội thảo khoa học có chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực, cần thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, vừa có các giảng viên vừa có các NCS, học viên cao học, vừa có các nhà nghiên cứu lý luận vừa có các cán bộ động thực tiễn…
Đối với các khoa, chuyên ngành cần tăng cường sinh hoạt chuyên môn, học thuật, chú trọng sinh hoạt chuyên đề. Nội dung sinh hoạt chuyên môn cần tập trung vào các vấn đề về đổi mới giảng dạy và nghiên cứu khoa học, với các hình thức như đa dạng như: tổ chức seminar khoa học, tọa đàm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dự giờ thăm lớp, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín…
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phát triển rất nhanh của khoa học và công nghệ, cần khuyến khích và tạo điều kiện để giảng viên tự bồi dưỡng về ngoại ngữ và tin học, giúp giảng viên tiếp cận được những thành tựu mới của khoa học và lý luận, nắm bắt kịp thời những thông tin cần thiết để vừa nâng cao trình độ chuyên môn vừa có khả năng sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy.
Cần quan tâm và tạo điều kiện để giảng viên thâm nhập vào thực tiễn chính trị xã hội. Các hoạt động tham quan, thực tế, học tập kinh nghiệm tại các cơ sở đào tạo, các cơ quan, tổ chức trong và nước ngoài rất cần thiết, góp phần bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của giảng viên.
Thứ ba, làm tốt công tác tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giảng viên.
Tuyển dụng giảng viên là một khâu rất quan trọng của công tác cán bộ, tạo ra sự ổn định, phát triển của đội ngũ giảng viên. Đây là việc làm thường xuyên nhằm bảo đảm tính liên tục, sự nối tiếp giữa các thế hệ. Qua tuyển dụng sẽ bổ sung thêm những giảng viên có trình độ, năng lực, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuyển dụng giảng viên phải gắn liền với sàng lọc, bố trí cán bộ, từng bước khắc phục tình trạng vừa thiếu vừa thừa giảng viên. Khâu tuyển dụng giảng viên cần tiến hành cẩn trọng, theo quy trình chặt chẽ và đặt trong kế hoạch chiến lược phát triển của ngành Chính trị học, cũng như chiến lược phát triển của Khoa và Nhà trường.
Thứ tư, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giảng viên.
Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với giảng viên sẽ góp phần ổn định cuộc sống, từ đó giảng viên sẽ yên tâm với nghề, tập trung vào công tác chuyên môn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tích cực học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhà trường cần vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo để cụ thể hóa các quy định về chế độ, chính sách đối với giảng viên nhằm khơi dậy tính tích cực, phát huy vai trò của giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Cần có chính sách khuyến khích, động viên các giảng viên có những đóng góp quan trọng, lập nhiều thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là trong đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia các đề án, đề tài, hội thảo khoa học.
KẾT LUẬN
Như vậy, đội ngũ giảng viên có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, nhân tố quyết định chất lượng đào tạo. Sự phát triển về mọi mặt của đội ngũ giảng viên sẽ làm cho chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học được nâng lên.
Những năm qua, cùng với sự phát triển của Trường Đại học Vinh, của các khoa, chuyên ngành đào tạo, đội ngũ giảng viên Chính trị học từng bước trưởng thành, lớn mạnh và ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, sự phát triển của đội ngũ giảng viên nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá trong giảng dạy. Từ thực trạng đội ngũ giảng viên Chính trị học, đặt ra một số vấn đề cần giải quyết trong xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ngành Chính trị học trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực, trình độ, phẩm chất và cơ cấu hợp lý.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng bộ trường Đại học Vinh (2020), Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXXI của Đảng bộ trường Đại học Vinh.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (khóa XI) của Ban chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW).
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5]. Nhiều tác giả (2014), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý các cơ sở giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, Nxb Đại học Vinh, Nghệ An.
PGS.TS Trần Viết Quang
Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024