Văn hóa chính trị của người Đảng viên hiện nay.
Khoa học chính trị nghiên cứu mối quan hệ giữa các giai cấp, các lực lượng chính trị trong xã hội mà vấn đề cơ bản là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước, các hoạt động của bộ máy nhà nước. Khoa học chính trị bao giờ cũng được giai cấp nắm quyền thống trị xã hội đề cao bởi nó trực tiếp phục vụ cho việc nắm và phát huy vai trò thống trị xã hội theo lý tưởng, mục đích của giai cấp thống trị. Đảng chính trị của giai cấp cầm quyền thông qua cương lĩnh, đường lối của mình, bằng các biện pháp khác nhau để thực hiện mục tiêu chính trị của mình. Để có thể giành, giữ và thực thi quyền lực chính trị một cách hiệu quả thì nhà cầm quyền cần có văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị lại chịu sự quy định của tri thức chính trị. Tri thức chính trị xét về mặt chỉnh thể lại được tạo bởi nhiều yếu tố. Cần thiết phải làm rõ các yếu tố cấu thành của tri thức chính trị - nhân tố quan trọng của văn hóa chính trị trong mỗi người Đảng viên ở Việt Nam hiện nay.
NỘI DUNG
1. Khái niệm Văn hóa chính trị
Văn hóa là một khái niệm mà tùy cách tiếp cận, mục đích nghiên cứu khác nhau mà có cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên có thể hiểu một cách khái quát: Văn hóa là những sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị do con người sáng tạo ra và đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người trong lịch sử xã hội. Văn hóa chứa đựng giá trị nhân loại là Chân, Thiện, Mỹ. Văn hóa là tất cả những gì đối lập với “vô văn hóa”.
Có hai loại hình văn hóa chung nhất là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Nếu xem văn hóa trong mối quan hệ với các sinh hoạt của con người thì có văn hóa trang phục, văn hóa ứng xử, văn hóa ẩm thực…. Nếu xem văn hóa trong mối quan hệ với các hình thái ý thức xã hội thì có văn hóa đạo đức, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa tôn giáo, văn hóa chính trị,…
Văn hóa chính trị là một hình thức văn hóa, khác với các hình thức văn hóa khác ở chỗ, nó là văn hóa của nhà cầm quyền trong xã hội có giai cấp, văn hóa của người và tổ chức có quyền lực chính trị trong một thể chế chính trị nhất định. Thể chế chính trị trong xã hội có giai cấp có thể hiểu là thể chế nhà nước, là sự thể hiện rõ bản chất nhà nước theo hướng quân chủ hay dân chủ.
Văn hóa chính trị gắn liền với quyền lực chính trị của đảng chính trị, người cầm quyền trong hệ thống chính quyền Nhà nước. Văn hóa chính trị là văn hóa trong lĩnh vực chính trị. Văn hóa chính trị là biểu hiện bản lĩnh chính trị của cá nhân, tổ chức có và đang thi hành quyền lực chính trị.
2. Các yếu tố cấu thành văn hóa chính trị
Văn hóa chính trị nếu được xem như một chỉnh thể được tạo thành bởi các yếu tố cơ bản là: tri thức chính trị, ý thức chính trị, năng lực hành động chính trị và kinh nghiệm chính trị [1, tr. 55].
Tri thức chính trị được coi là hạt nhân của văn hóa chính trị, là sự hiểu biết chính trị của người nắm quyền lực chính trị. Tri thức chính trị là một bộ phận của tri thức nói chung. Nó giống với các hình thức tri thức khác ở chỗ là sự hiểu biết của con người, được tích lũy và phát triển trong lịch sử xã hội, đáp ứng nhu cầu đời sống xã hội của con người. Tri thức chính trị khác với các loại hình tri thức khác ở chỗ, nó là tri thức trong lĩnh vực chính trị, thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp lợi ích kinh tế và các lợi ích khác của người nắm quyền lực chính trị. Người nắm quyền lực chính trị có thể là cá nhân, tổ chức, đảng phái, hệ thống chính trị.
Tri thức chính trị của người nắm quyền lực chính trị là sự hiểu biết một cách có hệ thống và sâu sắc các quy luật của xã hội, đủ khả năng cắt nghĩa và tìm được những câu trả lời đúng trước những biến động phức tạp của đời sống xã hội, hiểu và vận dụng những nguyên lý, quy luật của lịch sử xã hội. Để có tri thức chính trị, trước hết cần phải có vốn hiểu biết về lịch sử xã hội, về văn hóa, triết học, tâm lý, địa lý, lịch sử, tôn giáo, phong tục, tập quán, lối sống… của con người, cộng đồng người trong quan hệ chính trị.
Trong lịch sử xã hội chiếm hữu nô lệ và xã hội phong kiến ở phương Đông cũng như phương Tây, người ta đã rất chú trọng việc dạy học các môn lịch sử, văn chương, võ nghệ, thuật trị quốc... cho con, cháu dòng dõi vua, quan ngay từ nhỏ.
Ở Trung quốc thời Xuân Thu - Chiến quốc, để có thể ra làm quan, học sinh phải học “lục nghệ” (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số). Ở Hy Lạp thời cổ đại, Platon cho rằng, thông thái là tiêu chuẩn không thể thiếu của nhà cầm quyền. Thông thường, vua, hoàng đế trong xã hội cổ đại thường sử dụng “quân sư” để tham vấn cách giải quyết các vấn đề nảy sinh trong việc trị nước.
Ở Việt Nam, trong xã hội phong kiến, các hoàng tử thường được dạy về đạo làm người, đường lối trị nước, học thuật, thế, pháp, nghệ thuật sử dụng người hiền tài. Các đề tài trong các khóa thi tiến sĩ đều gắn liền với văn hóa, đạo đức, chính trị, kinh tế của quốc gia dân tộc. Những người đỗ đạt cao, có hiểu biết rộng thường được bổ nhiệm các chức quan trong bộ máy chính quyền.
Tri thức chính trị, xét về mặt cấu trúc, được tạo thành bởi hai yếu tố là tri thức kinh nghiệm và tri thức lý luận.
Tri thức kinh nghiệm chính trị được hình thành trong hoạt động thực tiễn chính trị. Những người hoạt động chính trị thường có nhiều kinh nghiệm chính trị và do đó, có năng lực hoạt động chính trị. Để có tri thức kinh nghiệm chính trị cần phải tắm mình trong các hoạt động chính trị, các phong trào chính trị, đảm trách các chức vụ từ nhỏ đến lớn trong hệ thống chính trị, các tổ chức đảng chính trị.
Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Do vậy, trong các tiêu chí cần để cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ trong hệ thống chính trị thì chứng chỉ lý luận chính trị là một tiêu chí cứng. Đội ngũ cán bộ nguồn học trong hệ thống trường Chính trị của Đảng được học các môn Lý luận chính trị như: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thực tế cho thấy, hệ tư tưởng giữ vai trò thống trị xã hội bao giờ cũng là hệ tư tuởng của giai cấp thống trị xã hội thông qua quyền lực chính trị của mình. Song quyền lực chính trị về bản chất là sự phản ánh và chịu sự quy định của quyền lực kinh tế. Giai cấp nào nắm quyền thống trị về kinh tế đồng thời cũng là giai cấp thống trị về chính trị. V.I. Lênin cho rằng, chính trị là sự tập trung của kinh tế. Kinh tế ở đây thực chất là lợi ích kinh tế của con người dưới dạng là một cá nhân, hoặc một cộng đồng (tập thể, giai cấp, dân tộc, nhân loại…). Mọi vấn đề chính trị của một giai cấp, của một thời đại suy cho cùng đều phản ánh lợi ích kinh tế và chịu sự quy định của tất yếu kinh tế. Một nền chính trị ổn định, vững mạnh là điều kiện đảm bảo cho nền kinh tế phát triển. Kinh tế phát triển lại là nền tảng của một nền chính trị ổn định, vững mạnh. Thực tế đã chứng minh rằng, lợi ích kinh tế được biểu hiện thông qua quan điểm chính trị thông qua lăng kính giai cấp, không có văn hóa chính trị nào lại không mang tính chính trị. Tất nhiên, văn hóa chính trị phản ánh quan điểm, tư tưởng chính trị của những người hoạt động chính trị.
Trong xã hội ta hiện nay, đường lối chính trị do Đảng lãnh đạo có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, của đất nước. Đảng đặc biệt quan tâm tới khoa học chính trị Mác - Lênin, bởi nhờ nó Đảng mới có nhận thức đầy đủ về những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, định ra đường lối, chủ trương đúng đắn để đưa đất nước, dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển. Mục đích chính trị của Đảng là: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Thực hiện đường lối chính trị của Đảng vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi công dân Việt Nam trong đó giữ vai trò nòng cốt là đội ngũ đảng viên - bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cách mạng. Người đảng viên hơn lúc nào hết, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình phải ra sức học tập Lý luận chính trị, bồi dưỡng và phát triển văn hóa chính trị.
Để có văn hóa chính trị, không những chỉ có tri thức chính trị mà còn phải có ý thức chính trị. Ý thức chính trị được tạo thành bởi tình cảm chính trị và quan điểm, tư tưởng chính trị.
Tình cảm chính trị trước hết là cảm xúc, niềm tin chính trị. Cảm xúc chính trị là yếu tố tâm lý đặc biệt trước những sự kiện chính trị diễn ra trong đời sống xã hội. Xúc cảm chính trị của người đảng viên hiện nay được biểu lộ bằng thái độ yêu mến, lòng tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Đảng, ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bằng thái độ kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước.
Tình cảm chính trị còn được thể hiện cụ thể bằng việc ham học hỏi các môn khoa học chính trị để không ngừng nâng cao năng lực lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo trong giai đoạn hiện nay.
Tình cảm chính trị là cơ sở hình thành và phát triển niềm tin chính trị. Niềm tin chính trị được biểu hiện ở sự tuyệt đối trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; quyết tâm và kiên định con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn. Phẩm chất chính trị của người đảng viên được biểu hiện tập trung nhất ở lòng yêu nước, lòng trung thành, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Hiện nay có rất nhiều quan điểm sai trái nhằm làm lung lay niềm nin của quần chúng vào Đảng. Có quan điểm do không phân biệt được Cương lĩnh chính trị của tổ chức Đảng với việc một số đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã cho rằng, Đảng không đủ tư cách đại diện cho giai cấp, dân tộc để đưa đất nước hội nhập và phát triển trong điều kiện hiện nay. Rằng, thực tiễn Chủ nghĩa xã hội đã suy thoái, khủng hoảng và tan rã do đó, lý luận về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không còn đúng nữa, cần phải tìm con đường khác phù hợp hơn để phát triển đất nước… Trước những luận điểm ấy, người đảng viên, không chỉ cần có trình độ lý luận chính trị vững vàng, nhãn quan chính trị sáng suốt mà còn phải có kinh nghiệm chính trị, tin tưởng và kiên định lập trường chính trị. Trong xã hội hiện nay, có những người đã rời bỏ lập trường chính trị đúng đắn do mình đã chọn trước đây, “tự giác” quay lưng lại với lịch sử, với cách mạng ra sức bôi nhọ, bóp méo sự thật lịch sử cách mạng, đứng vào hàng ngũ những kẻ chống đối lại chế độ do Đảng lãnh đạo, đi ngược lại với lợi ích dân tộc.
Quan điểm, tư tưởng chính trị là một yếu tố của tri thức chính trị, là tri thức chính trị ở cấp độ lý luận.
Quan điểm chính trị là sự thể hiện rõ thái độ chính trị của người đảng viên trước sự vận động của đời sống chính trị, là kết quả của nhận thức chính trị đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực, tiến bộ hay phản động… thông qua các luận điểm, nhận định, đánh giá trên lập trường chính trị rõ ràng.
Tư tưởng chính trị là hệ thống các quan điểm chính trị được trình bày có hệ thống, lô gic, là sự thể hiện trình độ lý luận chính trị trong thực hiện các hoạt động chính trị. Tư tưởng chính trị đúng là ánh sáng soi đường cho hành động chính trị đúng. Hiện nay, “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta” [2, tr.108] được xem là một trong bốn nguy cơ dẫn đến sự tồn vong của chế độ thì việc xác định rõ và kiên định tư tưởng, lập trường chính trị là điều hết sức cần thiết.
Để có văn hóa chính trị, người đảng viên cần phải có năng lực hành động chính trị.
Năng lực hành động chính trị là một hình thức năng lực đặc biệt, là khả năng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Năng lực hành động chính trị được hình thành và phát triển trong thực tiễn hoạt động chính trị. Để có năng lực hành động chính trị, trước hết và đương nhiên cần có năng lực lý luận chính trị. Đảng chủ trương: “Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại; đưa việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đi vào nền nếp, nhất quán từ trung ương đến cơ sở, phù hợp với từng đối tượng, chú trọng chất lượng, hiệu quả, siết chặt kỷ luật, kỷ cương” [3, tr.182-183]. Song yếu tố trực tiếp cho sự hình thành và phát triển năng lực hành động chính trị là năng lực tổ chức thực tiễn các hoạt động chính trị. Kết quả hoạt động thực tiễn chính trị là thước đo để đánh giá năng lực hành động chính trị của con người chính trị. Đảng đã có Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 19 - 5 - 2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ” trong đó đòi hỏi cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Vì “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, do vậy, để có thể đánh giá năng lực hành động chính trị của người đảng viên cần phải không chỉ căn cứ vào lời nói, bằng cấp, chứng chỉ… mà còn phải căn cứ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hiệu quả của công tác tổ chức vận động quần chúng, sự gương mẫu của đảng viên trong đời sống hàng ngày, sự tín nhiệm của quần chúng. Hồ Chí Minh cho rằng: “năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có” [4, tr.320].
Do vậy, người đảng viên hiện nay, để có thể hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần phải chú ý nâng cao cả năng lực lý luận chính trị và năng lực hành động chính trị. Người đảng viên “nói được, làm được” thì dân mới tin, mới kính, mới quý và tin theo.
Tri thức kinh nghiệm chính trị là một yếu tố cấu thành của tri thức chính trị. Tri thức kinh nghiệm chính trị là sự phản ánh trực tiếp đời sống chính trị, được hình thành trong thực tiễn chính trị. Những bài học về “thắng, thua” trong hoạt động chính trị tạo thành tri thức kinh nghiệm chính trị. Tri thức kinh nghiệm chính trị thường có ở những đảng viên có tuổi đảng cao. Đảng viên trẻ thường có nhiệt huyết, quyết tâm, mạnh dạn trong thực hiện nhiệm vụ, tuy nhiên có ít kinh nghiệm chính trị nên trong hoạt động không phải lúc nào cũng thành công là vì thế. Các đảng viên lão thành hiện nay tuy sức khỏe có hạn chế song là tài sản vô giá để lớp đảng viên trẻ học hỏi, trau dồi và phát triển tri thức chính trị.
KẾT LUẬN
Văn hóa không chỉ là mục đích mà còn là nền tảng của đời sống xã hội, là nguồn lực của sự phát triển. Văn hóa chính trị là cái cốt lõi của nền chính trị ổn định. Văn hóa chính trị trong mỗi đảng viên - đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân, nông dân và trí thức cách mạng hiện nay lại được hình thành và phát triển trên cơ sở của tri thức chính trị. Không có tri thức chính trị thì không có văn hóa chính trị. Các yếu tố cấu thành tri thức chính trị có vị trí và vai trò khác nhau song không thể thiếu trong mỗi đảng viên. Cần thấy rõ mỗi yếu tố của tri thức chính trị, trên cơ sở đó hình thành và phát triển văn hóa chính trị của mỗi đảng viên trong điều kiện hiện nay. Đảng viên có tri thức chính trị là điều kiện tiên quyết để có thể hoàn thành chức trách, nhiệm vụ do Đảng giao phó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Trọng Chuẩn (2020), “Chính trị dựa trên nền tảng văn hóa - cái gốc tạo nên sức mạnh cho đảng cầm quyền”, Tạp chí Cộng sản, số 934, tr. 55 - 60.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
PGS. TS Trần Đăng Sinh
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Đại tá Nguyễn Quốc Huy
Đảng ủy Công an Trung ương
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024