Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam
Hiện nay, các đơn vị sản xuất – kinh doanh nông nghiệp đều đánh giá cao tầm quan trọng của công nghệ tự động hóa, máy móc, cảm biến cũng như thu thập dữ liệu cung cấp cho việc quản lý và cải tiến sản xuất. Nhờ vậy, các giải pháp chuyển đổi số đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…
Khác với nông nghiệp truyền thống, chuyển đổi số trong nông nghiệp hay còn gọi là “nông nghiệp số” chính là áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật…) vào toàn bộ hoạt động từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ phân tích và hệ thống dữ liệu lớn hỗ trợ người nông dân phân tích, quản lý các dữ liệu về môi trường, đất đai, ánh sáng, cây giống, con giống… và cảnh báo các rủi ro, hạn chế các hao hụt về chất lượng và năng suất, kịp thời có những biện pháp ứng phó trước biến đổi khí hậu. Chuyển đổi số giúp nông dân thoát khỏi sự chèn ép của thương lái, kết nối trực tiếp người bán và người mua thông qua các kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các thiết bị hỗ trợ thông minh và công nghệ mới đã làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao1. Các khâu canh tác từ làm đất, bón phân, bơm tưới… đều được điều khiển và giám sát từ xa trên điện thoại thông minh, giúp giảm chi phí sản xuất, sức lao động, khí thải nhà kính… và tăng thu nhập cho người nông dân.
Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam, giúp hơn 9 triệu hộ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và tiếp cận trực tiếp với từng người tiêu dùng trong cả nước cũng như trên thế giới. Từ đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước thay đổi mô hình sản xuất từ manh mún nhỏ lẻ sang mô hình sản xuất có sự liên kết chuỗi giá trị, chủ động hơn trong sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Chuyển đổi số yêu cầu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và nguồn ngân sách để đầu tư, duy trì và bảo dưỡng, trong khi đó, nông dân nước ta còn hạn chế trong việc tiếp cận và làm chủ các công nghệ tiên tiến, e ngại trong việc thay đổi và sự già hóa trong lao động nông nghiệp đang diễn ra nhanh chóng.
Việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về khoa học trong nông nghiệp như môi trường, thị trường, công nghệ… còn thiếu, dẫn đến việc tổng hợp và phân tích số liệu cũng chưa đạt hiệu quả mong đợi. Quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và phân tán cũng khiến cho việc cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp chưa đạt tỷ lệ cao. Tất cả những khó khăn kể trên, đặc biệt vẫn còn tư tưởng khó thay đổi đã làm hạn chế trong quá trình tiếp nhận thông tin mới, công nghệ mới của lao động nông nghiệp hoàn toàn có thể được hỗ trợ và khắc phục bởi sự tham gia hiệu quả của báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Vai trò của báo chí đối với phát triển nông nghiệp
Trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, báo chí đã luôn đồng hành và đóng góp vai trò quan trọng vào thành tựu chung của ngành Nông nghiệp. Mức độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, báo chí đã chuyển tải những thông tin mới nhất về khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, giúp nông dân bắt kịp thời đại. Đồng thời, với tính chất đa chiều, báo chí kịp thời kiểm chứng những nguồn thông tin phức tạp và bất lợi trong nông nghiệp, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định thị trường. Báo chí cũng là diễn đàn để người nông dân có thể phát biểu tâm tư, nguyện vọng, kết nối hiệu quả Nhà nước – nhà sản xuất – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Từ đó, góp phần định hình chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam trong tình hình mới. Cụ thể là:
Thứ nhất, báo chí là cầu nối quan trọng đưa khoa học – kỹ thuật đến với nông dân.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ 13,96% GDP nước ta, nông nghiệp vẫn luôn là ngành sử dụng lao động nhiều nhất. Lực lượng lao động trong nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay khá dồi dào, chiếm 39% (giảm đáng kể so với tỷ lệ 65% của năm 2000)2. Tuy nhiên, đây không hẳn là một lợi thế khi trình độ và chất lượng lao động vẫn chưa cao. Đứng trước lựa chọn có nên ứng dụng chuyển đổi số hay không, trong khi các doanh nghiệp trong ngành nhanh chóng thích ứng và nắm bắt cơ hội thì chỉ có 15% các hộ nông dân tiếp cận để đầu tư vào công nghệ mới, 18% hộ ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh nông sản và 39% hộ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin3.
Ở quốc gia đang phát triển và có cơ cấu lao động nông dân cao như Việt Nam, việc cấp thiết chính là nhanh chóng cung cấp thông tin về các mô hình, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến cho cộng đồng nông nghiệp. Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, cập nhật tri thức giáo dục cộng đồng nông dân về những phát triển mới nhất của ngành để nâng cao hơn nữa tiềm năng của lĩnh vực này.
Công chúng báo chí nông dân Việt Nam có sự lựa chọn đa dạng từ những bản tin, chương trình, chuyên mục trên tất cả các loại hình báo chí như báo in, báo phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử và dễ dàng truy cập bất cứ lúc nào thông qua các ứng dụng trên các thiết bị thông minh. Người nông dân vừa là chủ thể thông tin, cũng là đối tượng mà báo chí hướng đến để thực hiện nhiệm vụ tri thức hóa qua các bản tin và các chương trình khuyến nông chuyên biệt. Thông qua báo chí và các kênh phản hồi nhanh chóng hiện nay, những người nông dân cũng dễ dàng tiếp cận được thông tin về hệ thống giáo dục nghề từ thấp đến cao, các giáo trình và đội ngũ các chuyên gia, các nhà khoa học… Bằng sự nhanh nhạy trong truyền tải và độ phủ sóng rộng khắp, báo chí đã tích cực lan tỏa tri thức mới, công nghệ tiên tiến để giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh của người nông dân bền vững và hiệu quả hơn.
Thứ hai, báo chí kết nối nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Việc tiếp cận dễ dàng hơn với người mua toàn cầu, bước vào thị trường quốc tế, nghĩa là nông nghiệp Việt Nam cũng cần phải xây dựng tốt thương hiệu nông sản nước nhà và phải chuẩn bị tinh thần để đối đầu với những cuộc chiến thương hiệu khốc liệt của những đối thủ kinh doanh. Trong tình hình đó, báo chí đã phản ánh nhiều nội dung về vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, những tranh chấp về thương hiệu cũng được cập nhật liên tục với thông tin đa chiều, phong phú. Qua đó, nhiều đơn vị sản xuất – kinh doanh nông nghiệp đã có cơ sở để bảo đảm được lợi ích, thu thập kinh nghiệm từ những trường hợp điển hình để nâng cao nhận thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản.
Là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân – báo chí đã luôn đóng vai trò tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng thương hiệu cho nông sản và thực sự tạo cầu nối thông tin giữa Nhà nước – nông dân – doanh nghiệp – người tiêu dùng. Công chúng báo chí trở thành khách hàng sử dụng nông sản, sau khi tiếp nhận những thông tin đáng tin cậy về “nông sản Việt”, ghi nhớ hình ảnh, dấu hiệu và hiểu biết hơn về các loại nông sản địa phương. Do đó, bằng những thông tin xác thực và kịp thời, báo chí đã tạo ra dư luận xã hội và định vị sản phẩm trong lòng công chúng, góp phần quảng bá rộng khắp nông sản các vùng miền địa phương Việt Nam cả trong nước và quốc tế.
Thứ ba, báo chí là nguồn tin chính thống đáng tin cậy, là diễn đàn của nông dân.
Các nền tảng mạng xã hội phát triển, cho phép việc tiếp cận và lan tỏa thông tin mạnh mẽ và dễ dàng hơn. Nhờ vậy, những tin giả, tin không được kiểm chứng có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi, gây hoang mang trong xã hội và tạo nên những hệ lụy khôn lường cho người sản xuất, đặc biệt là đối tượng dễ tổn thương kinh tế thiếu ổn định như người nông dân. Giữa những luồng tin lẫn lộn vừa qua, như: bưởi gây ung thư, lươn nuôi bằng thuốc tránh thai, nhãn tẩm lưu huỳnh, xoài ủ thuốc lạ… đã được các cơ quan báo chí kiểm chứng và làm rõ thông tin, đem lại nguồn thông tin đáng tin cậy nhất để ổn định dư luận xã hội.
Với vai trò là đại diện cho cả quyền lợi của người nông dân và cả quyền lợi của người tiêu dùng, trước sự rối loạn của thông tin, báo chí giúp đưa ra cái nhìn chính xác nhất, phản ánh đúng sự thật, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc, thúc đẩy hành động của chính quyền và các cơ quan chức năng. Không chỉ phản ánh sự kiện, vấn đề trong đời sống mà còn phải phân tích đa chiều, tìm ra bản chất vấn đề và đề xuất các biện pháp giải quyết để có được sự đồng thuận xã hội, đó là vai trò thể hiện tính định hướng của báo chí.
Trong công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, báo chí cũng đóng vai trò nòng cốt trước với đa dạng nội dung và phương thức truyền tải thông tin; kịp thời đưa ra những cảnh báo để người dân chủ động chuẩn bị và phòng tránh, đặc biệt là trong những thời điểm bất thường về thời tiết, thiên tai gây ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống, bên cạnh các bản tin dự báo sẽ luôn đi kèm các kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng phó và phòng ngừa.
Thứ tư, báo chí góp phần định hình chiến lược phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.
Quan điểm của Đảng đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay thể hiện rõ trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa X), đó là: (1) Báo chí phải nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; (2) Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí; (3) Trong bối cảnh chuyển đổi số, trước những chuyển động và thay đổi không ngừng của thực tiễn khách quan, báo chí nước ta đã luôn thể hiện vai trò cầu nối thông tin giữa Nhà nước và nông dân, kịp thời lan tỏa những chủ trương, chính sách về nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, giúp bà con nhận thức và đồng thuận triển khai. Báo chí cũng tìm kiếm và tôn vinh, cổ vũ các tiến bộ, thành công trong nông nghiệp, phản ánh những vướng mắc, những vấn đề còn tồn tại, cần giải quyết, nói lên tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Chính sự đa chiều trong thông tin báo chí giúp cho các chính sách nông nghiệp có thể được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với bối cảnh mới và từng địa phương, giúp cho các cán bộ quản lý và các nhà nghiên cứu có cái nhìn toàn cảnh về ngành trong định hình chiến lược phát triển lâu dài.
Nâng cao hiệu quả thông tin báo chí về lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số
Một là, luôn bảo đảm tính xác thực thông tin trong sản xuất tác phẩm báo chí. Báo chí không cần thiết và hầu như không thể chạy đua với các nền tảng mạng xã hội về mặt thời gian, thay vì thế, báo chí cần trở thành nguồn tin chính xác, dành được uy tín tuyệt đối với độc giả, góp phần ổn định xã hội và bảo đảm quyền lợi của người nông dân trước những làn sóng tin giả gây bất lợi về kinh tế và gây hoang mang dư luận.
Hai là, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nông dân – nhà báo, để người nông dân thực sự nói lên những tâm tư nguyện vọng của họ, sẵn lòng ủng hộ các chính sách mới được truyền đạt qua các thông tin báo chí, hợp tác cung cấp các thông tin trung thực và chính xác trước các vấn đề, vướng mắc còn tồn tại…
Ba là, nhà báo, cơ quan báo chí phải có những nghiên cứu, tìm hiểu rõ nhu cầu, khả năng tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí nông dân, những phương thức truyền đạt thông tin hiệu quả, lựa chọn xây dựng nội dung sát với nhu cầu thực tiễn, từ đó có những tác phẩm kịp thời phục vụ phát triển nông nghiệp. Để làm được điều này, cần đặt mục tiêu “tri thức hóa nông dân”, giúp họ hiểu biết không chỉ kỹ thuật và cả những kiến thức quan trọng về kinh tế, sản xuất phục vụ thị trường, tiếp cận nông nghiệp thông minh chứ không chỉ chạy theo phong trào và sản xuất thiếu chiến lược.
Bốn là, để những chương trình, chuyên mục báo chí thực sự vì nông dân, cần có nhiều hơn sự tham gia của đối tượng nông dân trong vai trò sáng tạo tác phẩm, chứ không chỉ là đối tượng khai thác thông tin hay đối tượng tiếp nhận thông tin. Người nông dân quen thuộc với lĩnh vực của mình, họ có những kinh nghiệm quý giá có thể chia sẻ rộng rãi để nâng cao năng suất và hạn chế những vấn đề còn tồn tại trong quá trình lao động. Để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ báo chí và những chương trình liên kết cụ thể giữa cơ quan báo chí và các tổ chức liên quan, hộ nông dân.
Năm là, không chỉ nông nghiệp mà chính bản thân ngành Báo chí cũng đang phải thích nghi với xu hướng chuyển đổi số, vì vậy, có thể kết hợp kho dữ liệu của báo chí trở thành kho dữ liệu phục vụ phân tích và nghiên cứu cho nông nghiệp, hỗ trợ kết nối công chúng trở thành người tiêu dùng các thương hiệu nông sản và thực sự là diễn đàn đa chiều, cởi mở hơn trong tương lai.
Sáu là, cần nhận thức đúng vai trò của báo chí đối với sự phát triển của nông nghiệp trong bối cảnh mới. Với tỷ lệ người lao động cao, là ngành kinh tế căn bản của nước ta, nông nghiệp là nguồn thông tin đa dạng với phong phú đề tài để báo chí khai thác. Trong quá trình đó, báo chí góp vai trò lớn trong tuyên truyền, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ người nông dân tiếp thu những kiến thức mới, lan tỏa thương hiệu nông sản… Đây là mối quan hệ tương hỗ, hai bên cùng có lợi. Vai trò của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số rất quan trọng nhưng cũng cần thừa nhận những thách thức và hạn chế của báo chí trước nền tảng truyền thông xã hội để có những biện pháp hỗ trợ nông nghiệp hiệu quả hơn.
Thông tin báo chí không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ của cộng đồng mà còn có thể biến dư luận thành sức mạnh góp phần làm thay đổi cả nền sản xuất. Nhận thức được vai trò của báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số, mỗi phóng viên, các cơ quan báo chí cần làm tốt công tác định hướng tư tưởng, kịp thời cung cấp thông tin chính xác trước những vấn đề, sự kiện phức tạp. Người làm báo cần thích nghi với môi trường chuyển đổi số, bên cạnh việc tích cực rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên đổi mới phương pháp thể hiện tác phẩm thì còn cần chủ động tiếp thu, nhận diện các xu hướng nông nghiệp tiên tiến nhất, hỗ trợ người nông dân hòa mình vào xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn cầu.