Vai trò công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam hiện nay
ThS. Trần Thị Khánh Dung[1]
1. Khái lược về sự ra đời và vai trò của công tác xã hội trong trường học
Công tác xã hội ra đời từ đầu thế kỷ XX và phát triển như một ngành khoa học, hướng vào việc trợ giúp cho cá nhân, nhóm, và cộng đồng trong việc nâng cao năng lực, khắc phục các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành công tác xã hội đã và đang đóng vai trò không thể thay thế trong việc hỗ trợ cung ứng các dịch vụ xã hội.
Công tác xã hội trong trường học hay còn gọi là công tác xã hội học đường là một lĩnh vực trong công tác xã hội được thực hành trong trường học để giúp đỡ học sinh, phụ huynh học sinh, giáo viên, hay cán bộ quản lý nhà trường tăng cường hoặc phục hồi năng lực thực hiện chức năng xã hội của họ và tạo ra những điều kiện thích hợp nhằm đạt được những mục tiêu trong dạy và học.
Hơn một thế kỷ qua, nghề công tác xã hội đã hình thành và phát triển đem lại những lợi ích đáng kể thông qua việc cung cấp các dịch vụ hữu ích cho con người. Công tác xã hội đã được đưa vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Chăm sóc hỗ trợ những đối tượng thiệt thòi, yếu thế (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật,…) trong bệnh viện, toà án và đặc biệt là trong trường học. Ở các nước trên thế giới, CTXH trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào 04 đối tượng chính ở trường học đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. CTXH trường học trở thành cầu nối giữa học sinh, gia đình và nhà trường nhằm giúp các em có điều kiện và phát huy khả năng học tập tốt nhất, giải quyết căng thẳng khủng hoảng tinh thần, các dấu hiệu và hành vi tự tử.
2. Vai trò công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam
Ở Việt Nam, công tác xã hội nói chung và lĩnh vực công tác xã hội trường học nói riêng đang dần được quan tâm và phát triển. Năm 2010, Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, mục tiêu phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam và nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề CTXH. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tiếp tục ban hành nhiều văn bản liên quan để phát triển lĩnh vực công tác xã hội trong trường học. Cụ thể như, Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học . Đây được coi là một trong những văn bản pháp lý quan trọng góp phần làm nền tảng cho sự hình thành và phát triển lĩnh vực công tác xã hội trường học ở Việt Nam.
Hội nghị tập huấn Công tác xã hội trong trường học năm 2022 của Bộ Giáo dục Và Đào tạo
Công tác xã hội trong trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào 4 nhóm đối tượng chính ở trường học đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục với những hoạt động từ phòng ngừa đến giải quyết vấn đề. Cụ thể:
Với học sinh: Công tác xã hội học đường giúp các em giải quyết những căng thẳng và khủng hoảng thần kinh; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm lý; giúp học sinh khai thác và phát huy những điểm mạnh và thành công trong học tập, có được năng lực cá nhân và xã hội. Bao gồm, giúp các em giảm những hành vi như: không hoàn thành việc học tập; hung hăng, gây gổ với bạn, không kiểm soát được mình, bị lạm dụng thể chất, không đi học thường xuyên, bị trầm cảm, có những dấu hiệu, hành vi tự tử, căng thẳng thần kinh…
Với các bậc phụ huynh: Công tác xã hội học đường hỗ trợ họ tham gia một cách có hiệu quả vào giáo dục con cái; hiểu được những nhu cầu phát triển và giáo dục của trẻ; tiếp cận các nguồn lực của trường học và cộng đồng; hiểu các dịch vụ giáo dục đặc biệt; tăng cường kỹ năng làm cha mẹ.
Với thầy cô giáo: Công tác xã hội học đường giúp cho các giáo viên hoạt động giảng dạy có hiệu quả cao. Thực hành tốt hơn nguyên lý giáo dục: sự kết hợp giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Tìm hiểu và huy động những nguồn lực mới vào tiến trình giáo dục, nhất là với các em cần sự giáo dục đặc biệt.
Với các cơ quan và cán bộ quản lý giáo dục: Công tác xã hội học đường giúp cho đội ngũ cán bộ quản lý trong việc xây dựng các chính sách và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng đến tiến trình công tác xã hội đối với trường học.
Tham vấn, tư vấn tâm lý trường học. Nguồn ảnh: Internet
Để phòng ngừa và giải quyết các vấn đề liên quan đến trường học và học sinh không đơn giản chỉ là ngành giáo dục, nhà trường hay giáo viên mà cần sự phối hợp của cả các cơ quan, ban ngành và các lực lượng chuyên môn khác. Cụ thể là lực lượng nhân viên công tác xã hội, họ là những người phù hợp nhất với kiến thức và chuyên môn mà họ đã được đào tạo, đưa hoạt động công tác xã hội vào lĩnh vực trường học một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- Bùi Thị Xuân Mai, Giáo trình nhập môn công tác xã hội, ĐH Lao động XH HN, 2012
- Tài liệu hội thảo khoa học quốc gia “Sổ tay hướng dẫn thực hành công tác xã hội trong trường học”, Unicef phối hợp Bộ Giáo dục và đào tạo, 2022.
- Thông tư 33/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.
- Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông.
- Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020
[1] Giảng viên ngành CTXH, Khoa Du lịch &CTXH, Trường KHXH&NV, Trường Đại học Vinh
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024