Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học
Chia sẻ của sinh viên Nguyễn Thành Lộc, 62B1 Luật Kinh tế - thành viên trong nhóm nghiên cứu khoa học đạt giải ba cấp Bộ.
“Nghiên cứu khoa học cũng giống như hành trình nuôi dưỡng một cái cây. Muốn có quả ngọt, trước tiên phải gieo hạt, chăm bón, kiên trì chờ đợi và sẵn sàng đối mặt với giông bão. Nếu không bắt đầu, cây sẽ không bao giờ mọc. Nếu không kiên trì, cây sẽ không bao giờ lớn và nếu không sẵn sàng thích nghi, cây sẽ không thể đơm hoa kết trái. Nhìn lại hành trình nghiên cứu của mình, mình có thể đúc kết thành 5 giai đoạn quan trọng: Gieo hạt - Nảy mầm - Vươn cao - Giông bão - Kết trái.
Gieo hạt – Chọn đúng hướng, tìm đúng người
Cây muốn vươn cao đều bắt đầu từ hạt giống nhỏ bé. Trong nghiên cứu khoa học, hạt giống đó chính là ý tưởng và những người đồng hành. Một đề tài tốt là điều kiện cần, nhưng có những người đồng chí, đồng đội “đích thực” có trách nhiệm, tận tâm, tận lực và tận hiến cùng nhau, cùng đề tài đó mới là điều kiện đủ để chiếc “cây” của chúng ta đơm hoa, kết trái.
Nảy mầm – Kiên trì, không bỏ cuộc
Hạt giống không thể nảy mầm ngay khi vừa gieo xuống đất, và nghiên cứu khoa học cũng vậy. Khi bắt tay vào một đề tài, khó khăn không chỉ đến từ khối lượng công việc mà còn từ những khoảnh khắc mơ hồ, những lần tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Nhưng mình nhận ra, sự kiên nhẫn chính là chìa khóa để vượt qua tất cả. Những lúc mệt mỏi nhất, muốn buông xuôi nhất, mình luôn tự nhủ: “Mình đang lên dốc, mình đang phát triển.” Không có con đường nào dẫn đến thành công mà bằng phẳng. Nếu vì vài thử thách ban đầu mà chùn bước, mình và nhóm sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Có những ngày chỉ toàn bế tắc, tìm mãi, nghĩ mãi không ra ý tưởng, nội dung để viết nhưng rồi cả nhóm lại ngồi lại, tiếp tục tìm tòi, tiếp tục đặt câu hỏi. Và khi câu hỏi xuất hiện đủ nhiều, câu trả lời cũng dần hiện ra.
Phát triển – Học cách thích nghi, gạt bỏ cái tôi
Khi mầm cây bắt đầu vươn lên, nó phải tìm kiếm ánh sáng và mở rộng tán lá để phát triển. Trong nghiên cứu khoa học, đây là giai đoạn tận dụng mọi nguồn lực, khai thác tri thức và học cách phối hợp hiệu quả. Một đề tài nghiên cứu của một nhóm tác giả không thể thành công nếu chỉ có tư duy cá nhân mà trong đó kỹ năng phối hợp và làm việc nhóm là chìa khóa, nhưng để làm được như vậy không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mỗi thành viên có một góc nhìn khác nhau, hướng tiếp cận khác nhau và để đạt được kết quả tốt nhất, mỗi người cần lắng nghe, tôn trọng, gạt bỏ cái tôi và xây dựng trên tinh thần hợp tác. Mình nhận ra rằng, một nhóm nghiên cứu mạnh không phải là nhóm có người giỏi nhất, mà là nhóm biết phát huy thế mạnh của từng thành viên để cùng nhau tiến xa nhất.
Giông bão – Đối mặt với thử thách, không ngại thay đổi
Cây càng lớn, càng phải đối mặt với gió bão. Trong hành trình nghiên cứu khoa học, mình và nhóm nghiên cứu cũng gặp nhiều thử thách tương tự. Đó là những lúc phải bảo vệ quan điểm, xử lý phản biện và điều chỉnh luận điểm sao cho chặt chẽ, hợp lý; đó là lúc có những thành viên muốn bỏ cuộc; có những phản biện, nhận xét hóc búa từ mọi người,... Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhiên cứu đã nhiều lần phải điều chỉnh cách tiếp cận, thay đổi phương pháp phân tích, thậm chí chấp nhận rằng có những quan điểm ban đầu chưa đủ thuyết phục và cần nghiên cứu sâu hơn. Nhiều lần chúng mình phải làm việc thâu đêm suốt sáng, có khi 48 giờ không ngủ để bàn bạc, tìm giải pháp và xốc lại tinh thần cho nhóm. Sau những lần như vậy, mình và nhóm nghiên cứu càng kiên cường hơn, vững chãi hơn và rèn giũa được thêm nhiều kỹ năng cùng tư duy sắc bén.
Kết trái – Đón nhận thành quả và tiếp tục hành trình
Sau tất cả, cây sẽ ra hoa kết trái. Giây phút hoàn thành nghiên cứu, bảo vệ đề tài và được nhận các giải thưởng là khoảnh khắc xứng đáng cho tất cả công sức đã bỏ ra. Nhưng điều quý giá hơn cả không chỉ là kết quả, mà là hành trình đã giúp mình trưởng thành, học được cách tư duy phản biện, kiên trì và làm việc khoa học. Nghiên cứu khoa học không chỉ là một cuộc thi hay một bài báo, mà là một hành trình của sự học hỏi và phát triển bản thân. Và giống như một cái cây không ngừng lớn lên, người làm nghiên cứu cũng không nên dừng lại sau thành công đầu tiên. Mỗi thành quả đạt được là điểm khởi đầu cho một hành trình mới, sâu sắc hơn, thử thách hơn.
Lời nhắn gửi
Nếu bạn đang chần chừ, hãy mạnh dạn gieo hạt ngay hôm nay. Có thể con đường nghiên cứu không dễ dàng, có thể sẽ có những lúc muốn bỏ cuộc, nhưng hãy nhớ rằng chỉ cần bạn kiên trì nuôi dưỡng, hạt giống tri thức chắc chắn sẽ nảy mầm và vươn cao. “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ những bước chân.” Và bước chân đó, chính là dám làm.
Chúc các bạn đủ kiên trì để nuôi dưỡng tri thức, đủ dũng cảm để vượt qua thử thách và đủ quyết tâm để hái những trái ngọt đầu tiên.”
- Vấn đề xây dựng văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nayKhoa Chính trị và Báo chí26/03/2025
- Giới thiệu 2 Ngành Đào tạo trình độ Đại học tại Khoa Luật học - Trường KHXH&NV năm 2025Đào tạo26/03/2025
- Chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025)Khoa Luật Kinh tế26/03/2025
- Tọa đàm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3Đào tạo25/03/2025
- Chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt NamĐào tạo24/03/2025
- Thư chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 của Bộ trưởng Bộ Y tế gửiĐào tạo24/03/2025
- Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luậtNghiên cứu khoa học24/03/2025
- Pháp luật về trao đổi thông tin thuế xuyên biên giới đối với hoạt động hoạt động thương mại điện tửNghiên cứu khoa học21/03/2025