Tính xã hội và tính văn hóa của tôn giáo
Tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện rất sớm cùng con người, khi chưa có khoa học và triết học. Khi ấy, tínhxã hộivà tính tôn giáo dường như trùng khít với nhau, mọi tập tục, lễ nghi của xã hội cũng chính là những tập tục của tôn giáo.
Cùng với sự phát triển, khi xã hội bắt đầu phân tầng, tín ngưỡng, tôn giáo cũng biến chuyển theo, từ chỗ là một hiện tượng mang tính xã hội, do nhiều người và nhiều thế hệ tạo nên, xuất hiện các tôn giáo lớn, do một người khởi xướng, khai đạo (Giêsu của Kitô giáo, Thích ca mâu ni của Phật giáo, Môhamét của Hồi giáo... ). Song sự phát triển và phổ biến của các tôn giáo độc thần này cũng có sự kế thừa từ các tín ngưỡng, tôn giáo trước đấy và sự góp sức của nhiều thế hệ đệ tử, tín đồ trung thành. Thêm nữa, nền thần học của nó cũng nhằm giải đáp, phản ánh các hiện tượng thiên nhiên, cuộc sống con người và các thiết chế xã hội. Do vậy, tôn giáo lúc này đã hòa quyện vào mọi hoạt động sống của con người và xã hội, thấm nhiễm và chi phối những hoạt động ấy bằng sắc màu tôn giáo. Tính tôn giáo vàtính xã hội, tínhvăn hóa dường như đan xen, hòa quện lẫn nhau, và có giai đoạn là trùng khít với nhau trong thời Trung cổ.
Trong xã hội ngày nay, bản tính xã hội của tôn giáo dẫn tới việc nó sẽ tôn giáo hóanhiều hoạt động vốn chỉ mang tính xã hội, tính cá nhân như: ngày quốc khánh, ngày khai làng, lập ấp, hội hè, đình đám, đăng quang, nhậm chức, làm nhà, hạ thủy một con tàu, cưới hỏi, v.v.. Vì muốn tôn nghiêm hóa, long trọng hóa các nghi thức, hoạt động đó, nên người ta đã tôn giáo hóachúng bằng các nghi lễ mang màu sắc tôn giáo. Đặc biệt, ở các nước có tôn giáo là quốc đạo, tínhtôn giáo gần như bao phủ toàn bộ đời sống văn hóa và mọi hoạt động xã hội cũng như cá nhân con người. Con người sống trong “bầu không khí” đậm đặc tínhtôn giáo như vậy, họ sẽ bị “uốn nắn” từ trong tư tưởng đến hành vi, ứng xử, điệu bộ, cách ăn, cách nói và đến cả trang phục, ngoại hình. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa một tín đồ Phật giáo với một tín đồ Hồi giáo không phải chỉ ở y phục họ mang trên người mà là ở cử chỉ, dáng đi, cách ngồi, cách ăn và sắc thái tinh thần. Nguyên nhân của những khác biệt đó chính là do tính tôn giáo, văn hóa tôn giáođem lại. Lễ nghi, tập tục của tôn giáo đã quy định những hành vi cho con người, thực hiện lâu ngày thành thói quen, thành tập tục, thành văn hóa sống, lối sống, nếp sống, triết lý sống của họ.
Tuy nhiên, tính xã hội, tínhvăn hóa của tôn giáo xem ra đúng với giáo dân thiên về một thứ đạo “tầm thấp - nhập thế”, đến với Chúa, Thánh, Thần, Phật,… để cầu tài, cầu lộc hoặc “xin” cho mình “một chỗ” trên “Thiên đường”, Niết bàn” sau khi chết. Còn với giới tu sỹ, giáo sỹ “bỏ đời” hướng đến thứ tôn giáo “tầm cao - xuất thế”, họ đến với Chúa, Thánh, Thần, Phật để tìm ơn cứu độ, tìm sự linh ứng mầu nhiệm, tìm sự siêu thoát, “giải thoát” khỏi những gì không giống với thế giới mà họ đang sống và khác hẳn với giáo dân. Để đạt tới cái “siêu phàm” đó, họ phải rời xa nhân quần, phải thực hành chay tịnh, ép xác để loại bỏ mọi vương vấn trần tục và những ham muốn bản năng của con người, phải tập trung cao độ để ngộ được Đạo. Thậm chí, phải sống khác người, khác đời: không nơi trú thân, dãi nắng dầm mưa, sống bằng khí và nước... cho tới khi giác ngộ và đạt tới sự “giải thoát”.
Như vậy, phải chăng, tôn giáo ở “đỉnh cao” và đúng nghĩa của nó lại mất dần tính xã hội, tính văn hóa, tính nhân văn,thậm chí, xa rời khỏi hiện thực, khỏi xã hội trần tục?
Chính vì lo lắng như vậy, nên trong quá trình phát triển, các tôn giáo đã đặt ra “nhiệm vụ” cần phải thế tục hóa tôn giáo, đưa tôn giáo nhập cuộc vào đời sống xã hội, đời sống nhân sinh.
Xu hướng thế tục hóa tôn giáo được đẩy mạnh ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với đại biểu là Auguste Comte (1789 - 1857) và Emile Durkheim (1858 - 1917). Auguste Comte cho rằng, mọi sự giải thích thế giới bằng Thiên Chúa đã lỗi thời, đối tượng thờ cúng cần thay đổi cho phù hợp với thời đại và khoa học, phải được thay thế bằng những con người thật (bằng xương bằng thịt), thí dụ như, lấy các nhà khoa học làm giới tăng lữ, các nhà bác học qua đời thành thánh nhân bất tử. Còn E.Durkheim lại nhấn mạnh đến tínhxã hội của tôn giáo, coi xã hội hiện thực mới có sức mạnh tuyệt đối, còn Thiên Chúa hay Thiên đường chẳng qua cũng chỉ là một biểu tượng phỏng chiếu của chính xã hội hiện thực mà thôi.
Tư tưởng thế tục hóa tôn giáo, nhân hóatôn giáo trên muốn đặt tôn giáo trên nền tảng, cơ sở của lý tính, trần tục và sức mạnh con người chứ không phải ở đối tượng mà tôn giáo gọi là Chúa, Thánh, Thần... Xu hướng thế tục hóa hay nhân hóa tôn giáo này cho thấytínhtôn giáo đang bị suy yếu (tính siêu thực, siêu thoát, tính thiêng bị suy giảm), tính thế tục tăng.
Cùng với đó, từ vài thế kỷ nay, diễn ra xu hướng chính trị hóa đời sống xã hội và thế tục hóa nhà nước (bắt đầu diễn ra từ châu Âu rồi lan tỏa sang các nước châu Á). Về lý thuyết, chính trị và nhà nước muốn xóa đi tínhxã hội và văn hóa của tôn giáo, muốn xã hội tách rời khỏi tôn giáo, nhà nước tách khỏi nhà thờ, thần quyền khỏi thế quyền, nhà trường không dạy giáo lý, ảnh Chúa không đặt ở công viên và nơi công cộng, đường phố không mang tên thánh, kinh thánh không được đọc nơi công cộng, không cần mang ra để thề khi nhậm chức hay khi xử án, v.v.. Nói chung, muốn coi tôn giáo là việc tư nhân, riêng tư. Cộng thêm đó, bầu không khí tự do cá nhân, cách mạng dân chủ... chính là những tác nhân “từ bên ngoài” cũng làm suy yếu tínhxã hội và tínhvăn hóa của tôn giáo.
Song, trên thực tế, tính tôn giáo, tính văn hóa của tôn giáo không mấy suy giảm, bởi:
- Tôn giáo, thánh thần không tự sinh ra mà là kết quả của chính nhu cầu xã hội và nhu cầu của con người và là sản phẩm của con người, nên nó là một thành phẩm của văn hóa và xã hội nên tính xã hội, tính văn hóa của nó là tự thân.
- Tôn giáo tuy luôn khẳng định tính “siêu việt, vượt trên, siêu nhiên” của mình đối với xã hội thế tục bằng cách thần thánh hóa, thiêng liêng hóa chính mình, song tính thiêng ấy lại không thể tự thân nó thỏa mãn, tự thân nó chiêm nghiệm ở “thế giới bên kia”, mà phải thông qua xã hội thế tục để thể hiện và tạo ra sức hấp dẫn để lôi cuốn ngay chính xã hội thế tục và con người trần tục ở thế gian này chứ không phải ở Thiên đường hay Niết bàn.
Việc “ép” tôn giáo lìa xa chính trị và xã hội trần thế, biến tôn giáo thành vấn đề riêng tư của mỗi người cũng bởi những giáo lý, giáo luật và lời răn của tôn giáo quá “cố chấp” nên không theo kịp sự thay đổi của thời - thế, và cũng bởi việc hành đạo đã thành nếp nên tôn giáo cũng khó thay đổi để thích ứng với xã hội và con người.
Việc tách Đạora khỏi Đời, một thời, phải đối phó với phản ứng dữ dội từ phía giáo hội các tôn giáo, nhưng chính các tôn giáo cũng nhận ra rằng, tách Đạokhỏi Đờikhông thể loại bỏ được tínhxã hội và tínhvăn hóa của tôn giáo, thậm chí, làm điều đó lại là cần thiết đối với tôn giáo, vì như vậy, tôn giáo được “giải phóng” khỏi sự “giám hộ, can thiệp” của chính trị và nhà nước để tự trưởng thành, thoát khỏi mọi cám dỗ quyền bính trần thế, hình thành một thứ tôn giáo suy niệm. Thứ tôn giáo đó, tuy không còn trùng khítvới xã hội như thưở trước, nhưng nó lại “dâng hiến” cho thế gian một tôn giáo mang tính siêu phàm, suy niệm và hấp dẫn con người, xã hội hiện đại, ở chính tính siêu phàm khác biệt đó so với các thành phẩm văn hóa khác.
Lúc này, tính xã hội và tính văn hóa của nó không đi vào bề nổi nữa mà ngày càng sâu lắng hơn, con người thực hành tâm linh, tôn giáo bằng cả sự trải nghiệm, xúc cảm, và lý tính thì tôn giáo, tâm linh càng trở thành một trong những thành tố hấp dẫn, bền chặt không thiếu được trong đời sống con người và xã hội.
Tuy nhiên, với một cuộc sống quá động, quá thực dụng, thứ tôn giáo hướng đến sự suy niệm,cầunguyệnhay nhập thế hóacũng khó bảo vệ “chỗ đứng” của mình. Nên mấy thập niên trở lại đây, nhiều tân giáo phái, “đạo lạ” xuất hiện và đi “vào đời” bằng cửa ngõ chính trị, kinh tế, bằng các “dịch vụ tôn giáo”, bằng các nghi lễ phong phú đã đạt được ít nhiều thành công. Dù các tân tôn giáo đó có thể suy giảm tính siêu việthay siêu thế, nhưng bù lại, nó “hứa hẹn” về một thứ thiên đường “hạ thấp” vừa bằng mặt đất để con người cảm thấy tự tin và dễ dàng đến được với Chúa hay Thánh, Thần, nên nó vẫn hấp dẫn, thỏa mãn con người hiện đại, con người lý tính, con người năng động ngày nay. Tính xã hội,tínhvăn hóa của nó không kém mấy so với các tôn giáo truyền thống (loại trừ các tà đạo), và nó đã tìm được chỗ đứng trong xã hội và trong đời sống con người.
Trên thực tế, xã hội thế tục cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau cơn “nóng giận” muốn loại bỏ ngay tôn giáo, muốn tôn giáo “chết cái chết tự nhiên” của nó, nhưng tôn giáo không chết, lại ngày càng nảy nở, phát triển và thay đổi để thích ứng với xã hội và con người hiện đại. Khoa học phát triển như vũ bão, con người ngày càng hiểu biết, ngày càng thực tế, thực dụng, hiện sinh hơn, nhưng họ vẫn tìm đến với tôn giáo, nhu cầu tâm linh, tôn giáo của họ và những cách biểu đạt, thực hành tôn giáo ngày càng muôn mầu muôn vẻ hơn.
Phải chăng, khi xã hội xuất hiện xu hướng chống tâm linh hóa, tôn giáo hóa thì đồng thời sẽ sản sinh ra xu hướng chống lý tính hóa,chống xã hội tiêu thụ, xã hội duy tục… Kinh tế phát triển mang lại cho con người sự sẵn sàng tham dự vào hoạt động tôn giáo, nhưng cũng đồng thời mang đến cho họ sự bất ổn, bất an, nảy sinh nhu cầu an định tinh thần ở tôn giáo bằng các cách thức mới mẻ, khác biệt so với trước. Khi con người và xã hội đứng trước nhiều thách đố, nhiều biến động, họ bắt đầu quan tâm đến việc cần thiết phải đeo đuổi các nguyên tắc đạo đức vốn được coi là chuẩn mực, chắc chắn ở tôn giáo mà do chính con người đã xây dựng nên trong quá trình sinh tồn của mình, v.v..
Hơn thế, cả tư tưởng lẫn tôn giáo đều thuộc về con người, đều là sản phẩm của văn hóa, ra đời nhằm thỏa mãn con người, ít nhất là thỏa mãn nhu cầu giải thích thế giới một cách “huyền ảo” khi năng lực tư duy của họ chưa đạt đến tầm có thể làm sáng tỏ mọi vấn đề của vũ trụ (mà cũng không bao giờ có thể đạt tới được). Tư tưởng và khoa học có thể giúp con người tổ chức cuộc sống, còn tôn giáo là chỗ để con người “trông đợi”, “bấu víu”,“ký thác tinh thần”khi mà cuộc sống của họ trở nên chơi vơi, mong manh. Tôn giáo còn thỏa mãn con người trong trạng thái được “giải thoát mình”, giải tỏa những phiền não trong tâm, những áp lực trong gia đình và cạnh tranh ngoài xã hội, áp lực của hoàn cảnh tự nhiên mà trong một thời gian dài, mọi thể năng và trí năngcủa họ không thể giải quyết được, họ sẽ viện đến sự chỉ dẫn, giúp đỡ của thần linh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần khẳng định rằng, không phải người nào cũng tìm đến tôn giáo để “thư giãn” và là “cứu cánh” cuối cùng của họ, có những người, vì mất đi trạng thái chủ động về tư duy, mất đi trạng thái làm chủ cuộc đời mình, họ tìm đến tôn giáo như một chốn “dung thân”, như sự “bấu víu” vào nó, hoặc có những cộng đồng người “ẩn mình” hoàn toàn trong đời sống tôn giáo thì đó là một quy luật hoàn toàn tự nhiên.
Thế nên, chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, tôn giáo là một bộ phận thiết yếu của thượng tầng xã hội (như triết học, đạo đức, pháp luật,...), và là một bộ phận của phức hợp những yếu tố cũng rất thiết yếu mà trong đó con người sống dù là theo sự sắp xếp của trật tự các quan hệ xã hội. Công năng xã hội, văn hóa của tôn giáo là không chối bỏ được, nên cần nhìn nhận tôn giáo như một thứ “rào cản” chống lại sự hình thành và xâm lấn của những yếu tố phi nhân tính, phản tiến bộ để hướng những chuyển động của đời sống xã hội và cá nhân diễn ra theo chiều tích cực. Và trong cuộc “tìm kiếm” một tập hợp những giá trị, trật tự mới, chúng ta cũng cần lưu ý đến những giá trị, trật tự của tôn giáo, vốn được coi là ổn định và được trải nghiệm, được chấp nhận trong tiến trình hình thành và phát triển của lịch sử - văn hóa nhân loại r
________________
Tài liệu tham khảo:
(1) Đỗ Quang Hưng: “Tôn giáo và tín ngưỡng trong đời sống văn hóa hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, số 15-1999.
(2) Dore M. Ludwig: Những con đường tâm linh phương Đông, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 2000.
(3) Đỗ Quang Hưng: “Hiện tượng tôn giáo mới: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, Số 5-2001.
(4) Nguyễn Hồng Dương: Tôn giáo trong mối quan hệ văn hóa và phát triển ở Việt Nam,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
(5) Viện Thông tin KHXH: Tôn giáo và đời sống hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
(6) John Renard: Tri thức tôn giáo: các vấn nạn và giải đáp, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005.
(7) Kendall, Laurel: Bài giảng về các phương pháp tiếp cận nhân học về tôn giáo, nghi lễ, ma thuật,Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Hà Nội, 2007.
(8) Văn hóa tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa(kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2009.
(9) Lê Văn Lợi: Văn hóa tôn giáo trong đời sống tinh thần xã hội Việt Nam, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2012.
(10) Nguyễn Văn Dũng: Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội ở một số nước trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
PGS. TS Đỗ Lan Hiền, Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024