Tính dễ bị tổn thương của người khuyết tật và tham vấn một vài chỉ số bảo vệ
TÍNH DỄ BỊ TỔN THƯƠNG CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT
VÀ THAM VẤN MỘT VÀI CHỈ SỐ BẢO VỆ
ThS Nguyễn Thị Hoài An,
ThS Phan Thị Thuý Hà,
TS Nguyễn Văn Trung[1]
1. Tóm tắt
Bảo vệ các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã được đặt trong hệ thống Luật pháp cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trên thực tế đã có nhiều nghiên cứu về các nhóm xã hội dễ bị tổn thương được thực hiện và một số tiêu chí về các nhóm xã hội dễ bị tổn thương cũng đã được đề cập trong các bộ tiêu chí thống kê của Việt Nam. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng như những bộ tiêu chí về tính dễ bị tổn thương của các nhóm xã hội đang được thực hiện một cách độc lập, riêng rẽ theo từng mục tiêu, chủ đề khác nhau và thiếu hụt những nghiên cứu, những bộ tiêu chí mang tính toàn diện, hệ thống và thực tiễn. Bài viết dưới đây trên cơ sở nghiên cứu tính dễ bị tổn thương như một công cụ cụ thể hóa trong quyền con người so sánh với cách tiếp cận lý thuyết về tính dễ bị tổn thương của Martha Fineman. Bằng cách chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa hai cách tiếp cận này, bài viết lập luận rằng cần có cả trách nhiệm của các cá nhân và các Quốc gia đối với việc bảo vệ tính dễ bị tổn thương của người khuyết tật. Từ đó, bài viết tham vấn một vài chỉ số bảo vệ nhóm này một cách hệ thống, toàn diện, thực tiễn và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đất nước.
Từ khoá: chỉ số bảo vệ, người khuyết tật, tính dễ bị tổn thương.
2. Nội dung
2.1. Bàn luận về tính dễ bị tổn thương của người khuyết tật
2.1.1 Khái niệm Khuyết tật và Người khuyết tật
Khuyết tật
Từ Khuyết tật trong tiếng Anh là “Disability” nghĩa tiếng Việt là “Giảm khả năng”, “Không có khả năng”. Nhiều tổ chức trên thế giới đã cố gắng đưa ra những định nghĩa về khuyết tật. Dựa trên một nghiên cứu về các định nghĩa khác nhau, chúng tôi nhận thấy rằng những định nghĩa này có liên quan nhiều đến lịch sử và nhận thức của xã hội, nhưng trên hết, chúng phụ thuộc nhiều hơn vào những yếu tố văn hóa (Nguyễn Minh Tuấn, 2017).
Theo Phân Loại Quốc tế về Khiếm khuyết, khuyết tật, Tàn tật (ICIDH), Tổ chức Y tế thế giới (WHO - World Health Organization ) năm 1980 đã đưa ra 3 mức độ về thể dạng của khuyết tật:
ức độ 1: Khiếm khuyết (Impairment) Là tổn thương nhẹ, mất mát, thiếu hụt, bất thường về cấu trúc giải phẫu sinh lý hoặc chức năng của một hay nhiều bộ phận trên cơ thể.
Mức độ 2: Khuyết tật (Disability) Là giảm khả năng hoặc mất những chức năng liên quan đến bộ phận bị thương trong cơ thể hoặc tâm lý.
Mức độ 3: Tàn Tật (Handicap): Là tình trạng nặng gây khó khăn hoặc không thể thực hiện các hoạt động hay tham gia thể hiện vai trò trong đời sống xã hội hàng ngày của người khuyết tật như người không khuyết tật (Nguyễn Thị Kim Hoa, 2014).
Dựa theo cách chia này có thể giúp ta phân loại được ba mức độ của sự khuyết tật giúp cho sự hiểu biết về khái niệm này khái quát và toàn diện hơn. Bước đầu đặt tình trạng khuyết tật trong yếu tố xã hội và môi trường để đánh giá mức độ khuyết tật. Tuy nhiên, tiếp cận này thiên nhiều về cách tiếp cận y tế chỉ nhiều ra những hạn chế về mặt cấu trúc cơ thể dẫn đến hạn chế về mặt chức năng. Đồng thời cũng chưa thể phân định rõ ràng ranh giới giữa ba mức độ này bởi nhận thức về khuyết tật phải đặt trong bối cảnh đa chiều tương quan giữa sức khỏe và văn hóa, xã hội.
Do đó, năm 2011, WHO đã đưa ra bảng Phân loại quốc tế về chức năng khuyết tật và sức khỏe (ICF - International Classification of Functioning) trong đó khái niệm khuyết tật được định nghĩa: “ Khuyết tật là thuật ngữ chung chỉ tình trạng khiếm khuyết, hạn chế vận động và tham gia, thể hiện những mặt tiêu cực trong quan hệ tương tác giữa cá nhân một người (về tình trạng sức khỏe) với các yếu tố hoàn cảnh của người đó (bao gồm yêu tố môi trường và các yếu tố cá nhân khác). Theo cách phân tích này, ICF đã đặt khái niệm khuyết tật trong bối cảnh của các yếu tố liên quan đến môi trường văn hóa xã hội.
Từ cách phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng sẽ không có một định nghĩa toàn diện về khuyết tật cho tất cả mọi trường hợp. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của ICF, chúng tôi đồng tình với quan điểm của họ và đưa ra khái niệm khuyết tật như sau: “Khuyết tật là khái niệm chỉ tình trạng khiếm khuyết, hạn chế hoạt động và tham gia của cá nhân trong mối quan hệ tương tác với các yếu tố hoàn cảnh môi trường của người đó.
Người khuyết tật
Người khuyết tật là một khái niệm có nhiều quan điểm xem xét ở các góc độ khác nhau. Trên thế giới, khái niệm này có sự phát triển xã hội tùy theo phong tục, tập quán, văn hóa của từng quốc gia.
Theo Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (CRPD) thì người khuyết tật bao gồm những người khiếm khuyết trong một thời gian dài về cảm giác, trí tuệ, tinh thần và cơ thể, họ đối diện với nhiều rào cản khác nhau, những điều này có thể ngăn cản họ tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các sinh hoạt xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.
Có rất nhiều loại khiếm khuyết mà con người phải chịu tác động theo nhiều cách khác nhau. Do đó, những biểu hiện về người khuyết tật cũng rất đa dạng. Một vài người chỉ có một dạng khiếm khuyết, trong lúc những người khác chịu đa khiếm khuyết; một số người khuyết tật bẩm sinh, trong lúc những người khác có thể mắc khuyết tật trong quá trình sống của họ.
Theo pháp luật Việt Nam, năm 2010, tạị khoản 1, điều 2, Luật người khuyết tật Việt Nam quy định: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt học tập gặp khó khăn” (Luật người khuyết tật Việt Nam, 2010).
Như vậy, với khái niệm về khuyết tật theo Luật người khuyết tật của Việt Nam đã tiếp cận với công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (2006) mà Việt Nam đã ký kết. Trong đó vấn đề khuyết tật được nhìn nhận một cách toàn diện cả về biểu hiện bề ngoài và những khó khăn bên trong mà người khuyết tật gặp phải làm ảnh hưởng đến hoạt động của người khuyết tật về cả góc độ y tế và góc độ xã hội trong cuộc sống thực tiễn mà không tính đến nguyên nhân gây ra.
Người khuyết tật - Ảnh minh họa
2.1.2. Tính dễ bị tổn thương của người khuyết tật với tư cách là một yếu tố cấu trúc của quyền con người
Trong thời gian gần đây, một trong những từ thông dụng trong diễn ngôn về quyền con người là thuật ngữ “dễ bị tổn thương”. Việc mở rộng lập luận về tính dễ bị tổn thương có thể được coi là biểu hiện của xu hướng cụ thể hóa luật nhân quyền. Trong đó các quyền của con người được bổ sung bằng sự bảo vệ đặc biệt đối với một số nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương như nhóm người khuyết tật.
Nguyên tắc cốt lõi trong luật nhân quyền Quốc tế nhấn mạnh rằng: nhân quyền thuộc về tất cả mọi người; tất cả chúng ta đều có những quyền phổ quát như nhau” (Ingrid Nifosi-Sutton, 2017). Tuy nhiên, đang có sự thay đổi trong cách nhìn nhận về tính phổ quát của quyền con người với nhận thức rằng mặc dù các quyền là phổ quát và giống nhau đối với mọi người, nhưng vẫn có những nhóm người và cá nhân phải đối mặt với những thách thức đặc biệt trong việc thực hiện các quyền con người của họ. Một trong những nhóm người như vậy là người khuyết tật mà các quyền con người của họ thường bị từ chối cả trong luật pháp và trên thực tế (Frédéric Mégret, 2008). Từ đó các biện pháp và mục tiêu cụ thể hơn đã được đưa ra. Trong luật nhân quyền, bình đẳng thực chất chỉ có được thông qua cách tiếp cận đa chiều và một trong những cách đó là đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của các nhóm dễ bị tổn thương bằng cách chú ý và đảm bảo các nhu cầu cụ thể. Đối với nhóm người khuyết tật, các tổ chức trên thế giới đã bắt đầu chú ý nhiều hơn như trong Điều 23 của Công ước về Quyền Trẻ em, trong đó các Quốc gia thành viên công nhận “quyền được chăm sóc đặc biệt của trẻ khuyết tật”, do đó Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) được thông qua vào năm 2006. Mục đích của CRPD là đảm bảo rằng các quyền của người khuyết tật được đảm bảo phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của họ.
2.1.3. Tính dễ bị tổn thương của người khuyết tật theo quan điểm lý thuyết dễ bị tổn thương của Martha Fineman
Trong một thời gian dài, khuyết tật phần lớn vẫn là một yếu tố vô hình của luật nhân quyền và mãi cho đến năm 1975, khuyết tật mới đi vào tư duy chính thống về quyền con người với Tuyên bố về Quyền của Người khuyết tật. Điều này được tiếp nối vào năm 1982 bằng việc xuất bản Chương trình hành động thế giới liên quan đến người khuyết tật", trong đó trình bày lại sự khác biệt giữa tình trạng suy yếu, khuyết tật và tàn tật do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra vào những năm 1970. Mô hình khuyết tật y tế này đại diện cho một- sự hiểu biết định hướng về khuyết tật, theo đó những bất lợi xã hội và tính dễ bị tổn thương được coi là phát sinh do hậu quả trực tiếp của sự suy yếu cá nhân. Cách tiếp cận này đối với người khuyết tật đã bị cộng đồng người khuyết tật phản đối rộng rãi vì cá nhân hóa người khuyết tật và coi người khuyết tật là nạn nhân, từ đó kỳ thị họ (Francesca Ippolito & Sara Iglesias Sánche, 2015).
Từ quan điểm này, Martha Fineman đã lập luận thay vì dựa vào tiền đề của cá nhân tự do, thiết kế xã hội và luật pháp nên lấy điểm khởi đầu là sự hiểu biết về tính dễ bị tổn thương của con người như một điều gì đó phổ biến và bất biến. Chúng ta cần hiểu khuyết tật như một trải nghiệm tập thể trong xã hội, vượt xa sự tồn tại hoặc trải nghiệm của từng cá nhân người khuyết tật. Từ quá trình này đã xuất hiện một mô hình xã hội về khuyết tật, mô hình này thách thức và tái định nghĩa khuyết tật như một hình thức áp bức xã hội. Thuật ngữ “người khuyết tật” được sử dụng để nhấn mạnh và chính trị hóa thực tế rằng xã hội và các cấu trúc của nó tạo ra khuyết tật. Với mô hình khuyết tật xã hội, người ta ngày càng nhận ra rằng khuyết tật phát sinh từ cách tổ chức xã hội, chứ không phải từ sự khác biệt hoặc tình trạng khuyết tật của cá nhân. Kết quả là, các yếu tố bối cảnh trở nên quan trọng hơn, trọng tâm hơn là tình trạng khuyết tật để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương của người khuyết tật và được chuyển giao cho xã hội. Xã hội thừa nhận khuyết tật là kết quả của sự tương tác giữa những người khuyết tật và các rào cản về môi trường và thái độ cản trở họ tham gia đầy đủ và hiệu quả vào xã hội trên.
Đối với Fineman, khả năng dễ bị tổn thương là một điều gì đó bất biến và phổ biến, xuất phát từ thực tế là con người với tư cách là những sinh vật hiện thân liên tục dễ bị thay đổi về thể chất (và xã hội) của họ. Nghĩa là, luôn có khả năng xảy ra tổn hại, thương tích và bất hạnh. Trong lý thuyết của Fineman, một hệ quả tất yếu hoặc hậu quả của tính dễ bị tổn thương của con người là sự phụ thuộc, trong đó có hai loại chính: Một là “sự phụ thuộc không thể tránh khỏi”, mà theo Fineman là phổ biến, nhưng thể hiện ở “nhu cầu được chăm sóc liên quan đến giai đoạn sinh học và phát triển nhất định của cuộc sống”. Theo tác giả, kiểu phụ thuộc về thể chất hoặc cảm xúc vào người khác này cũng thường xuất hiện liên quan đến khuyết tật. Thứ hai là "sự phụ thuộc phát sinh” còn gọi là gánh nặng được phân bổ cho một số vai trò hoặc vị trí xã hội có tác dụng gây bất lợi cho những cá nhân chiếm giữ chúng và được xã hội áp đặt. Fineman nhấn mạnh rằng tất cả chúng ta đều trải qua sự phụ thuộc và thiếu tự chủ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Do đó, sự phụ thuộc như vậy không nên được coi là một điều gì đó lệch lạc, mà là một khía cạnh không thể tránh khỏi của con người.
Mặc dù lý thuyết của Fineman tập trung mạnh vào tính dễ bị tổn thương và sự phụ thuộc của tất cả con người, nhưng nó cũng thừa nhận sự khác biệt giữa các cá nhân. Theo Fineman, sự khác biệt như vậy nảy sinh do con người vừa là hiện thân vừa là sinh vật xã hội gắn liền với các thể chế và mối quan hệ xã hội. Là những sinh vật hiện thân, con người trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau (chẳng hạn như thời thơ ấu và tuổi già) và, ví dụ, khuyết tật. Mặt khác, với tư cách là những sinh vật xã hội, chúng ta có vị trí khác nhau trong mạng lưới các mối quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa và thể chế có ảnh hưởng sâu sắc đến số phận và vận may. Các yếu tố dẫn đến sự khác biệt có liên quan giữa các cá nhân rất giống nhau trong lý thuyết của Fineman và trong án lệ về quyền con người và mặt khác, nhấn mạnh rằng đôi khi các cá nhân thấy mình ở trong những tình huống hoặc vị trí dễ bị tổn thương.
Như vậy, từ những quan điểm phân tích trên ta thấy tính dễ bị tổn thương mang tính phổ quát thay vì đặc thù.
Trong luật nhân quyền nói chung, chúng ta có thể thấy một động thái hướng tới việc nhấn mạnh hơn vào việc tạo ra tính dễ bị tổn thương của xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền trên thực tế thường vẫn chưa đầy đủ. Điều gì đó đã ảnh hưởng đến cách người khuyết tật có thể tiếp cận các quyền của họ trên thực tế, ngay cả khi đã có khung pháp lý tương đối vững chắc đảm bảo quyền bình đẳng của người khuyết tật thì nó vẫn ăn sâu vào tâm trí của những người không bị khuyết tật.
Lý thuyết về tính dễ bị tổn thương phổ quát của Fineman có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết loại rào cản thái độ này đối với tính dễ bị tổn thương và người khuyết tật. Khi chúng ta thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương trên toàn cầu và rằng tất cả chúng ta đều cần được bảo vệ đặc biệt trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, thì sự kỳ thị về tính dễ bị tổn thương có thể sẽ giảm bớt. Thông qua sự hiểu biết rõ ràng về tính dễ bị tổn thương, việc xác định một số nhóm cá nhân nhất định là dễ bị tổn thương, các phương pháp tiếp cận dựa trên quyền đã bị chỉ trích vì không nhận ra đầy đủ sự chuyển đổi cấu trúc thiếu sót cần thiết cho việc trao quyền cho người khuyết tật. Theo nghĩa này, lý thuyết về tính dễ bị tổn thương rất quan trọng trong việc làm nổi bật hơn nữa tầm quan trọng của cách tiếp cận cấu trúc đối với tính dễ bị tổn thương. Một cách tiếp cận bắt đầu không phải với các đặc điểm của một cá nhân mà với các cấu trúc, mối quan hệ và môi trường sống để xác định và giải quyết các yếu tố phân biệt đối xử trong đó.
Thứ hai, hai trường phái dường như khác nhau trong cách tiếp cận đối với các nhân. Trong lý thuyết dễ bị tổn thương, như đã lưu ý ở trên, sự nhấn mạnh rõ rệt vào các mối quan hệ xã hội, đồng thời, dường như ở một mức độ nhất định làm lu mờ tầm quan trọng gắn liền với quyền tự quyết của các cá nhân dễ bị tổn thương và nhu cầu trao quyền. Theo lý thuyết về tính dễ bị tổn thương, việc công nhận tính dễ bị tổn thương không phản ánh hoặc khẳng định sự vắng mặt hoặc không thể thực hiện của cơ quan. Tuy nhiên, ở những nơi người khuyết tật chủ yếu được giải quyết thông qua mô hình người chăm sóc-người nhận chăm sóc, tiếng nói của người khuyết tật thường không được chú ý. Có thể hiểu được, sự khác biệt này có lẽ chỉ đơn giản là vấn đề trọng tâm nhưng đáng được chỉ ra ra vì tầm quan trọng của vấn đề. Trong luật nhân quyền, câu hỏi về quyền tự quyết của tất cả các cá nhân đã trở nên quan trọng và việc công nhận người khuyết tật là người đại diện cho các quyền của chính họ được coi là rất quan trọng. CRPD cũng mở ra những cách khác để khái niệm hóa cơ quan, vì người khuyết tật rất không đồng nhất và tính dễ bị tổn thương của họ rất đa dạng. Một số người khuyết tật chấp nhận vai trò được mong đợi là các chủ thể tích cực, độc lập, trong khi đối với những người khác, chẳng hạn như đối với những người có trí tuệ kém và đa khuyết tật, việc thực hiện quyền tự quyết hoặc đồng chủ thể với người được ủy quyền, đòi hỏi phải có các biện pháp cẩn thận và kỹ lưỡng. sự hiểu biết về nhu cầu của họ bởi các trạng thái đáp ứng và con người đáp ứng như nhau. Một lần nữa, sự khác biệt như vậy được xây dựng dựa trên ý tưởng về sự cụ thể tăng cường bảo vệ cần thiết để bình đẳng thực chất được thực hiện.
Tóm lại, có nhiều điểm tương đồng giữa lý thuyết và cách tiếp cận quyền con người đối với tính dễ bị tổn thương, nhưng cũng có một số điểm khác biệt đáng kể. Cả hai cách tiếp cận này đều thừa nhận vai trò của nhà nước trong việc đáp ứng các nhu cầu và đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các cấu trúc xã hội trong việc bảo vệ người khuyết tật và đảm bảo công bằng xã hội. Từ những phân tích trên, bài viết lập luận rằng cả tính phổ quát và tính đặc thù là cần thiết như một cách cụ thể hóa bình đẳng thực chất cho người khuyết tật với tư cách là chủ thể pháp lý dễ bị tổn thương. Vì vậy, để bảo vệ người khuyết tật cần phải tập trung vào cả hai khía cạnh: 1) Khía cạnh nhân quyền của người khuyết tật; 2) Các lĩnh vực khác ngoài quyền như hỗ trợ/ an sinh xã hội cho người khuyết tật. Ngoài ra cần mô tả thực trạng điều kiện kinh tế - xã hội – tâm lý và tính dễ bị tổn thương của người khuyết tật. Trên cơ sở phân tích này, bài viết xin tham vấn một vài chỉ số bảo vệ cho nhóm khuyết tật.
2.2. Tham vấn một vài chỉ số bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương
“Dự thảo Bộ chỉ số bảo vệ nhóm xã hội dễ bị tổn thương” Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội soạn thảo có 22 chỉ số đơn với 6 nhóm đối tượng yếu thế là: Trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Nhóm người khuyết tật thuộc nhóm thứ tư trong sáu nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và được xây dựng 4 chỉ số từ chỉ số 13 đến chỉ số 16. Trong phạm vi hội thảo này, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tham vấn liên quan đến người khuyết tật. Cụ thể như sau:
2.2.1. Một vài đề xuất chỉnh sửa trong “Dự thảo Bộ chỉ số của nhiệm vụ”
- Chỉ số 13: Tỷ lệ người khuyết tật nhận trợ cấp hàng tháng
Theo Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 quy định có 06 loại khuyết tật, được chia thành 3 mức độ: Khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
Theo khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thì người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Mức hỗ trợ hàng tháng từ 01/7/2021 như sau:
Mức chuẩn trợ giúp xã hội: 360.000 đồng/tháng (thay vì 270.000 đồng/tháng như quy định trước đây).
- 720.000 đồng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
- 540.000 đồng đối với người khuyết tật nặng;
- 720.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
- Ý kiến đề xuất của nhóm nghiên cứu với chỉ số 13:
Chỉ số này nên được hiểu là số người khuyết tật nhận trợ cấp hàng tháng thực tế trên tổng số người khuyết tật thuộc diện được nhận trợ cấp, chứ không tính trên tổng số người khuyết tật vì nhóm người khuyết tật nhẹ không nằm trong quy định được nhận trợ cấp hàng tháng.
Đề xuất điều chỉnh công thức tính, theo đó Tử số sẽ là số người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng, Mẫu số là tổng số người khuyết tật mức độ nặng trở lên (đây là nhóm được nhận trợ cấp theo quy định)
- Đề xuất công thức tính tỷ lệ người khuyết tật nhận trợ cấp hàng tháng:
Tỷ lệ người khuyết tật nhận trợ cấp hàng tháng |
= |
Số người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng |
X 100 |
Tổng số người khuyết tật mức độ nặng trở lên |
- Ý nghĩa của chỉ số người khuyết tật nhận trợ cấp hàng tháng:
Chỉ số phản ánh tỷ lệ người khuyết tật được nhận trợ cấp hàng tháng từ Nhà nước. Tỷ lệ người khuyết tật nhận trợ cấp càng cao thì mức độ bảo vệ cho người khuyết tật càng rộng, độ bao phủ càng lớn, giúp các đối tượng được hưởng quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật. Trợ cấp hàng tháng là một việc làm ý nghĩa và mang giá trị nhân văn góp sức để người khuyết tật giảm thiểu rủi ro, tạo điều kiện cho họ được hoà nhập trong điều kiện cho phép. Mặt khác tỷ lệ người khuyết tật được nhận trợ cấp càng cao cũng đồng nghĩa tỷ lệ thuận với số người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng nhiều, đây cũng là vấn đề Chính phủ cần lưu ý để có biện pháp thích hợp để hỗ trợ cho nhóm yếu thế này.
- Chỉ số 16: Tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu và được trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua
Trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho người khuyết tật. Quyền trợ giúp pháp lý của người khuyết tật được ghi nhận ngay từ khi có Luật Trợ giúp pháp lý 2006 (quy định người khuyết tật không nơi nương tựa được trợ giúp pháp lý), đến nay tiếp tục được kế thừa tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (quy định người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý). Theo quy định của Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý thì điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật. Như vậy, người khuyết tật thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thì được trợ giúp pháp lý.
Ngoài trường hợp người khuyết tật có khó khăn về tài chính thì người khuyết tật cũng được hưởng trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau: Người khuyết tật là người có công với cách mạng; người khuyết tật là người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật là trẻ em; người khuyết tật là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng với tất cả lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng chia sẻ trách nhiệm thực hiện bào chữa theo án chỉ định cho người được trợ giúp pháp lý. Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý thuộc các trường hợp: a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi. Như vậy, khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý, người khuyết tật có khó khăn về tài chính có thể tìm đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh/thành phố để được hướng dẫn và giải quyết.
- Ý kiến đề xuất của nhóm nghiên cứu với chỉ số 16:
Chỉ số này nên được hiểu là số người khuyết tật nhận được trợ giúp pháp lý thực tế trên tổng số người khuyết tật có nhu cầu trợ giúp pháp lý, chứ không phải là tính trên tổng số người khuyết tật. Bởi không phải tất cả người khuyết tật có nhu cầu trợ giúp pháp lý.
Vì vậy, đề xuất điều chỉnh công thức tính, theo đó Mẫu số là số người khuyết tật đã nhận được trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua, Tử số là số người khuyết tật có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua.
- Đề xuất công thức tính tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu và được trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua :
Tỷ lệ người khuyết tật có nhu cầu và được trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua |
= |
Số người khuyết tật có nhu cầu trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua. |
X 100 |
Số người khuyết tật đã nhận được trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua |
- Ý nghĩa của chỉ số 16:
Nội dung của chỉ số này là đo lường số phần trăm người khuyết tật có nhu cầu và được trợ giúp pháp lý trong 12 tháng qua. Tỷ lệ người khuyết tật nhận được sự trợ giúp về pháp lý trong 1 năm cao thì số người khuyết tật được tiếp cận và đảm bảo quyền công dân càng lớn. Chỉ số này còn phản ánh mức độ tiến bộ xã hội của một quốc gia về an sinh xã hội.
2.2.2. Tham vấn bổ sung một vài chỉ số có ý nghĩa phản ánh mức độ bảo vệ người khuyết tật ở các lĩnh vực đời sống xã hội khác.
Bên cạnh các chỉ số đã được đề cập đến trong dự thảo Bộ chỉ số, chúng tôi đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội cân nhắc lựa chọn bổ sung thêm một số chỉ số khác có ý nghĩa phản ánh mức độ bảo vệ người khuyết tật ở các lĩnh vực đời sống xã hội khác.
- Chỉ số bảo vệ - chăm sóc giáo dục:
Giáo dục đối với người khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đảm bảo cho họ có được quyền học tập như những người khác, và không bị Phân biệt đối xử người khuyết như hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng… để được hòa nhập hơn thì giáo dục đối với người khuyết tật là một biện pháp hữu hiệu, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật. Cụ thể:
Thứ nhất, giáo dục sẽ giúp NKT có được những tri thức, kiến thức, sự hiểu biết về tự nhiên, về xã hội và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Đối với từng dạng tật cụ thể, giáo dục còn giúp cho NKT có thể phục hồi chức năng, phát triển về trí tuệ, phát triển về nhận thức,…
Thứ hai, giáo dục cũng giúp cho NKT có được những kiến thức cơ bản và nó sẽ trở thành nền tảng cần thiết và quan trọng để họ có thể tham gia học nghề và tìm kiếm việc làm. Có nhiều NKT vận động nhưng đã say mê tìm tòi và học tập, nhờ những kiến thức tích lũy được mà họ có thể tìm kiếm việc làm và tự nuôi sống bản thân mình, không cần sự hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội.
Thứ ba, giáo dục giúp NKT tái hòa nhập vào cộng đồng. Trong môi trường học tập, NKT sẽ có điều kiện để giao tiếp với thầy cô cũng như bạn bè và những người khác. Đây môi trường tốt nhất và nhanh nhất để NKT phát triển nhận thức và trí tuệ của mình. Để họ cảm thấy luôn được quan tâm, hòa đồng không bị phân biệt đối xử hay xa lánh.
Thứ tư, giáo dục giúp NKT có được những kiến thức kỹ năng, sự hiểu biết nên sẽ giúp họ tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống, mang lại cho họ những nhận thức mới mẻ và đúng đắn để tự tin và có nghị lực vươn lên những khó khăn trong cuộc sống.
Tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 5 tuổi trở lên được tới trường
Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam là một trong những nhóm thiệt thòi nhất trong xã hội, đồng thời là một nhóm mục tiêu của các chính sách xã hội. Khuyết tật ở trẻ em khó xác định hơn ở người lớn do trẻ em đang trong quá trình phát triển. Ở mỗi độ tuổi, khả năng thực hiện những hoạt động như vận động, nhận thức, giao tiếp, chơi đùa, kết bạn, ứng xử và tập trung có thể khác nhau ở từng em nhưng không cần phải coi là vấn đề liên quan đến khuyết tật. Chính vì vậy, việc sử dụng công cụ phù hợp để xác định khuyết tật ở trẻ em là điều rất quan trọng và cần phải nắm được tỷ lệ trẻ em khuyết tật được đến trường nhằm đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời cho các em và có ý nghĩa trong việc giám sát thực hiện các chính sách liên quan đến trẻ khuyết tật, xem xét điều chỉnh hoặc xây dựng chính sách mới phù hợp với trẻ khuyết tật. Việc đảm bảo tất cả trẻ em khuyết tật được hòa nhập xã hội, được đến trường là một trong những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững.
- Đề xuất công thức tính tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 5 tuổi trở lên được tới trường:
Tỷ lệ trẻ khuyết tật từ 5 tuổi trở lên được tới trường |
= |
Số trẻ khuyết tật từ 5 tuổi trở lên đã được tới trường |
X 100 |
Tổng số trẻ khuyết tật từ 5 tuổi trở lên |
Tỷ lệ người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên biết chữ
Theo báo cáo của UNCEF, Việt Nam có ít nhất 1,3 triệu trẻ em khuyết tật. Theo điều tra dân số năm 2009, chỉ có 66,5% trẻ em khuyết tật độ tuổi tiểu học đang đi học tại thời điểm điều tra, so với 96,8% tỷ lệ trung bình trên toàn quốc. Tỷ lệ biết chữ của người khuyết tật từ 15 đến 24 tuổi là 69,1%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ này của người không khuyết tật (97,1%). Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy 54% trẻ em khuyết tật được báo cáo là không có bạn bè, và 29 phần trăm có ít bạn bè. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật, khiến các em vốn đã thiệt thòi nay càng yếu thế hơn. Chỉ số này sẽ đo lường được số người khuyết tật biết chữ, điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi khi người khuyết tật biết chữ, họ sẽ có được những tri thức, kiến thức, có thể chủ động tìm hiểu kiếm nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài, khả năng học và tìm kiếm việc làm phù hợp, có nghĩa là họ có khả năng phá bỏ bớt khó khăn của mình để hoà nhập cộng đồng.
- Đề xuất công thức tính tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên biết chữ:
Tỷ lệ người khuyết tật 15 tuổi trở lên biết chữ |
= |
Số người khuyết tật 15 tuổi trở lên có biết chữ |
X 100 |
Tổng số người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên |
- Bảo vệ phòng chống bạo lực giới:
Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực được phát hiện và tư vấn
Theo nghiên cứu, trên thế giới, trung bình phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị lạo lực gia đình nhiều gấp hai lần phụ nữ khác và họ cũng chịu các hình thức bạo lực đặc biệt vì tình trạng khuyết tật của họ, bao gồm bị cô lập, bạo lực mang tính hệ thống và ngăn cản việc sử dụng thuốc, đi lại, các thiết bị trợ thính và hỗ trợ người khiếm thị. Đặc biệt phụ nữ và em gái khuyết tật có nguy cơ bị cưỡng chế điều trị và chăm sóc sức khoẻ sinh sản mà không có sự đồng ý của họ. Bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ Trẻ em của UNICEF Việt Nam:"Trẻ em sống với một khuyết tật về thể chất, cảm giác, trí tuệ hoặc sức khỏe tâm thần là một trong những đối tượng bị loại trừ nhất trong tất cả trẻ em trên thế giới. Việc tiếp cận khó khăn với các dịch vụ y tế, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã khiến các em có nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng và bóc lột cao hơn. Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”, đặc biệt cần xây dựng các chính sách toàn diện và nhạy cảm, xem xét đầy đủ các nhu cầu của người khuyết tật bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
- Đề xuất công thức tính tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực được phát hiện và tư vấn:
Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực được phát hiện và tư vấn. |
= |
Số phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực được phát hiện và tư vấn |
X 100 |
Số phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật |
- Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm
Chính sách pháp luật về hỗ trợ người khuyết tật học nghề, tiếp cận việc làm tại Việt Nam được đánh giá là đầy đủ. Tuy nhiên tỷ lệ người khuyết tật có việc làm vẫn còn rất khiêm tốn. Theo thống kê của ngành lao động, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó, chỉ khoảng 31% có việc làm, chủ yếu làm ở khu vực chính thức. Đây cũng là đối tượng bị ảnh hưởng rất nặng nề kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy đến. Khảo sát mới đây của Hội Người mù Việt Nam cho thấy, khoảng 30% người khuyết tật đã bị mất việc làm, gần 50% bị giảm giờ làm và gần 60% bị cắt lương. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người khuyết tật có việc làm còn thấp. Bà Đinh Thị Thụy, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho rằng yếu tố đầu tiên phải kể đến là bất cập trong trong hệ thống pháp luật. “Trước đây, trong Bộ Luật lao động có nội dung quy định bắt buộc doanh nghiệp phải nhận từ 2-3% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, khi ban hành Luật Người khuyết tật thì nội dung này chuyển sang “khuyến khích””. Điều này là nguyên nhân khiến doanh nghiệp từ chối nhận người khuyết tật vào làm việc. Nhiều người khuyết tật vì không xin được việc làm buộc phải kiếm kế sinh nhai bằng cách tự kinh doanh, buôn bán nhưng phần lớn trong số họ lại gặp khó khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Thậm chí, có địa phương bố trí nguồn vốn vay cho người khuyết tật còn khiêm tốn. Một phần nguyên nhân nữa khiến người khuyết tật khó tiếp cận việc làm còn do nhận thức của chính đối tượng này. “Việt Nam có nhiều luật, chính sách với những ưu tiên mà người khuyết tật được hưởng về lao động, việc làm. Song từng cá nhân người khuyết tật lại chưa nắm rõ về những chính sách ưu đãi đó. Nên có thể nói rào cản với người khuyết tật trong việc tiếp cận việc làm” (Bà Đào Thu Hương, cán bộ của tổ chức Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam)
Việc nắm được tỷ lệ người khuyết tật có việc làm sẽ giúp cho Nhà nước nắm bắt được thực trạng tiếp cận dịch vụ việc làm của người khuyết tật như thế nào. Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm càng cao thì khả năng ứng phó với cuộc sống của họ càng tốt, tính dễ bị tổn thương của họ cũng sẽ giảm đi.
- Đề xuất công thức tính tỷ lệ người khuyết tật có việc làm:
Tỷ lệ người khuyết tật người khuyết tật có việc làm |
= |
Số người khuyết tật đã có việc làm |
X 100 |
Số người khuyết tật trong độ tuổi lao động |
3. Kết luận
Người khuyết tật được coi là một trong những nhóm thiểu số lớn nhất thế giới và cũng là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất, vì tình trạng khuyết tật khiến họ phải chịu những thiệt thòi trên tất cả phương diện của đời sống xã hội. Bài viết này hy vọng đóng góp được một vài ý kiến để xây dựng bộ chỉ số bảo vệ cho nhóm người khuyết tật nhằm bao phủ hết mọi vấn đề của người khuyết tật và đảm bảo được tính công bằng thực chất đối với người khuyết tật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tài liệu tiếng việt:
- Nguyễn Thị Kim Hoa, Giáo trình công tác xã hội với người khuyết tật, NXB ĐHQGHN
- Unicef, 2018, Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam, Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam 2016-2017.
- https://www.unicef.org/vietnam
- https://vietnam.un.org/
Tài liệu tiếng anh:
- Beverley Clough, 2017, “Disability and Vulnerability: Challenging the Capacity/Incapacity Binary”, Social Policy and Society 16, no. 3 (2017): 474-6.
- Ingrid Nifosi Sutton, 2017, The Protection of Vulnerable Groups under International Human Rights Law
- Colm O'Cinneide, 2009, Extracting Protection for the Rights of Persons with Disabilities from Human Rights Frameworks Established Limits and New Possibilities, in The UN Conven- tion on the Rights of Persons with Disabilities: European and Scandinavian Perspectives, ed. Oddný Mjöll Arnardóttir and Gerard Quinn, 170.
- Cf. Gourevitch, who argues that there has been a move away from a self-willing moral agent as the foundation of rights to a 'needy individual whose vital interests need protection, Journal of Human Rights 8, no. 4 (2009): 301.
- Frédéric Mégret, 2008, The Disabilities Convention: Human Rights of Persons with Disabilities or Disability Rights, Human Rights Quarterly 30, no. 2 (2008): 500.
- Rosemary Kayess and Phillip French, 2008, Out of Darkness into Light? Introducing the Conven tion on the Rights of Persons with Disabilities, Human Rights Law Review 8, no. 1 (2008): 12.
- There are also many soft law instruments that are group-specific. Regarding persons with dis- abilities, see, eg, the Declaration on the Rights of Disabled Persons, General Assembly res olution 3447 (XXX) of 9 December 1975; and Commission on Human Rights Resolution 1998/31, 'Human Rights of Persons with Disabilities', 17 April, 1998 (Geneva)
- Petman, The Special Reaching for the Universal, 24.
- Gerard Quinn, 2009, A Short Guide to the United Nations Convention on the Rights of Persons with Disabilities, European Yearbook of Disability Law 1 (2009): 100.
- Grech, S., Disability, Poverty and Development: Critical reflections on the majority world debate. Disability & Society, 2009. 24(6): p. 771-784.
- Rivas Velarde, M., The Convention on the Rights of Persons with Disabilities and its implications for the health and well-being of indigenous peoples with disabilities., in Sydney Medical School. 2014, Sydney Medical School: Sydney Australia. p. 270.
[1] Giảng viên Ngành Công tác xã hội, Khoa Du lịch và Công tác xã hội, Trường Đại học Vinh
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024