Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đối với Châu Á - Thái Bình Dương và một số gợi chính sách đối ngoại Việt Nam
MỞ ĐẦU
Điều chỉnh chiến lược thực chất là việc các nước lớn thay đổi đường lối, chính sách; phát huy thế mạnh để tìm kiếm và đan xen lợi ích từ bên ngoài; xác lập vị thế vượt trội của các quốc gia trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; hướng các quốc gia khác, các khu vực khác đi theo quỹ đạo riêng phục vụ cho lợi ích của mình. Đó là sự thay đổi, điều chỉnh chiến lược một cách công khai, dễ nhận biết. Tuy nhiên, trong thực tế, các nước lớn còn tiến hành điều chỉnh ngầm, khó nhận diện. Khu vực CA-TBD là trọng tâm của sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn trong thế kỷ XXI.
NỘI DUNG
1. Vị trí và vai trò của châu Á - Thái Bình Dương
Với sự trỗi dậy của các cường quốc CA-TBD, sự phát triển của nền kinh tế và sự leo thang đáng lo ngại của các xung đột nơi đây, phần lớn lịch sử thế kỷ XXI sẽ được viết lên ở CA-TBD. Nếu như có thể mô tả Trung Đông là “vòng cung bất ổn” thì cũng có thể coi khu vực trải rộng từ Nhật Bản qua Trung Quốc và Đông Nam Á đến Ấn Độ là “vòng cung phát triển”.
Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên - xã hội, CA-TBD là một khu vực rộng lớn về diện tích bao gồm hai bộ phận đó là biển Thái Bình Dương, đại dương lớn nhất thế giới (178,7 triệu km2); phần đất liền là lãnh thổ các quốc gia trong khu vực với diện tích hơn 60 triệu km2. Với 65% nguồn nguyên liệu toàn cầu và có nhiều tuyến hàng hải quan trọng, CA-TBD là huyết mạch thương mại và năng lượng của thế giới, về cả trọng tải và giá trị. Hàng năm, trên ½ tải trọng thương mại thế giới cùng ½ khối lượng khí đốt thương mại và 1/3 khối lượng dầu lửa thương mại đi qua các vùng biển trong khu vực này [3, tr.107]. Về dân số, các nước CA-TBD được lợi từ cái mà các nhà kinh tế gọi là “lợi tức dân số” với số người ở độ tuổi lao động chiếm 68% dân số toàn khu vực [3, tr.75-76]. Ưu thế về lao động tạo ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, vì sản lượng bình quân của người lao động cao hơn so với sản lượng bình quân của trẻ nhỏ và người già.
Thứ hai, về vị trí kinh tế, CA-TBD là khu vực năng động, giàu tiềm năng, nơi hội tụ của nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…
CA-TBD là khu vực phục hồi nhanh nhất và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất sau những tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu với mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 6%, có thể kể đến Trung Quốc (10,2%), Úc (3,8%) là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất của thế giới [8, tr.24-26]. CA-TBD đang trở thành một trong ba trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới, GDP chiếm 61% của thế giới, khối lượng buôn bán thương mại chiếm 45% toàn cầu, đạt hơn 3400 tỷ USD/năm [3, tr.90]. Nơi đây còn có nhiều trung tâm tài chính lớn vào bậc nhất của thế giới như: Tokyo, Hồng Kông, Singapore… Sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn đối với CA-TBD nhằm tìm kiếm lối thoát, mở rộng thị trường, khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như có thể hưởng lợi từ sự phát triển năng động của khu vực này.
Thứ ba, về vị trí chính trị - an ninh, CA-TBD đang là nơi hội tụ, giao thoa lợi ích chiến lược của tất cả các nước lớn. Quan hệ Mỹ - Trung nổi lên trở thành mối quan hệ chủ đạo, chi phối nhiều mặt của cục diện khu vực. Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng rõ nét đối với vai trò lãnh đạo ở Đông Á. Nga và Trung Quốc là hai cường quốc đang “trỗi dậy” về kinh tế, chính trị và quân sự, cùng tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, vừa tăng cường hợp tác, vừa cảnh giác lẫn nhau. Bên cạnh đó, CA-TBD duy trì được môi trường hòa bình và ổn định một cách tương đối nhờ hệ thống các thể chế an ninh khu vực đan xen, nhiều tầng nấc. Các thỏa thuận an ninh song phương và cơ chế hợp tác an ninh đa phương phát triển dày đặc ở khu vực này. Tuy nhiên, chưa có một cơ chế nào có thể đóng vai trò làm “đầu tàu” để giải quyết các vấn đề an ninh còn tồn tại trong khu vực. CA-TBD đang phải vật lộn với các vấn đề gây mất ổn định kinh niên như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa các nước trong khu vực; cuộc đấu tranh với Hồi giáo cực đoan; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như thiên tai, buôn bán người và ma túy…
2. Điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tác động đối với Việt Nam
Sự điều chỉnh chiến lược đáng chú ý nhất của Mỹ là đầu năm 2011, Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược toàn cầu sang CA-TBD. Việc triển khai chiến lược “Xoay trục châu Á - Thái Bình Dương” đã chứng minh nước Mỹ coi CA-TBD là khu vực địa - chiến lược, địa - chính trị trọng yếu, quan hệ trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Để thực hiện có hiệu quả chính sách này, Mỹ củng cố quan hệ đồng minh với các nước như Australia và Nhật Bản; hợp tác với các đối tác mới như Ấn Độ và Việt Nam; tăng cường công cụ quân sự và kinh tế của nghệ thuật lãnh đạo; can dự với các thiết chế đa phương; duy trì giá trị dân chủ và tìm cách định hình cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc liên quan tới CA-TBD thể hiện trong chính sách đối ngoại với sáng kiến chiến lược “Một vành đai, một con đường” được Chủ tịch nước Tập Cận Bình đề xuất tháng 9/2013. Sáng kiến này bao gồm Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (SREB) - được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á từ bờ biển Thái Bình Dương tới biển Baltic và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR) cùng với 6 hành lang kinh tế cốt lõi kết nối MSR và SREB [7, tr.257]. Sáng kiến chiến lược này cho thấy tham vọng xây dựng một trật tự thế giới mới do Trung Quốc “viết luật chơi”, phá vỡ “sự bao vây” của Mỹ tại CA-TBD và kiềm chế sự trỗi dậy của Ấn Độ. Vào năm 2014, Trung Quốc đưa ra quan điểm an ninh CA-TBD mới với nội hàm xây dựng một nền an ninh cộng đồng, an ninh tổng hợp, an ninh hợp tác và an ninh bền vững ở CA-TBD. Theo đó, Trung Quốc chủ trương “công việc của châu Á cần dựa vào nhân dân châu Á để giải quyết”. Chủ trương này khác với những lần tuyên bố trước đây rằng “Thái Bình Dương đủ rộng để dung nạp cả Trung Quốc và Mỹ” [6, tr.103].
Sự điều chỉnh chiến lược của Nga đối với CA-TBD không mang tính tình thế hoặc nhất thời nhằm đối phó với Mỹ và phương Tây, mà là cam kết tăng cường sự can dự của Nga về kinh tế, chính trị và an ninh với các nước ở CA-TBD. Sự điều chỉnh của Nga thể hiện qua chính sách “Hướng Đông” được Tổng thống V. Putin tuyên bố vào năm 2010, một năm trước khi chính quyền Tổng thống B. Obama công bố chiến lược “Xoay trục châu Á - Thái Bình Dương”. Chính sách “Hướng Đông” của Nga có mục tiêu (1) khai thác tiềm năng các nền kinh tế đang phát triển nhanh ở CA-TBD để thu hút đầu tư cho phát triển khu vực Siberia và Viễn Đông của Nga; (2) tiếp cận thị trường rất lớn về tài nguyên năng lượng ở CA-TBD với vai trò là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới; (3) mở rộng thị trường vũ khí trang thiết bị rộng lớn ở CA-TBD [6, tr.104].
Đối với Pháp, châu Á từng là “khu vực bị lãng quên" trong suốt một thời gian dài sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi quốc gia này tập trung xây dựng châu Âu, hướng tới các nước láng giềng và coi khu vực châu Phi là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, trong bối cảnh CA-TBD ngày càng trở thành trung tâm và động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, Pháp đã thay đổi quan điểm và bắt đầu kế hoạch xoay sang CA-TBD vào năm 2012. Tổng thống François Hollande ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2012 đã thể hiện mong muốn thiết lập một sự hiện diện rõ rệt và đa dạng hơn của Pháp tại CA-TBD, bất chấp việc phải cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, quốc gia đang đẩy mạnh chiến lược hướng sang khu vực này nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Sách trắng về quốc phòng và an ninh quốc gia Pháp năm 2013 đã dành một vị trí ưu tiên cho khu vực CA-TBD và kêu gọi Pháp gia tăng gắn kết với châu lục này [1, tr.57-58]. Mục tiêu cơ bản của chính sách xoay trục sang CA-TBD của Pháp là tìm lại vị thế chiến lược của mình tại khu vực này, nói cách khác là vị thế của một nước Pháp có vai trò và được lắng nghe. Ý tưởng về xoay trục của Pháp không giống với chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” ở CA-TBD của Mỹ đã triển khai năm 2011 dưới thời tổng thống Barack Obama. Trọng tâm “xoay trục” của Pháp không đi kèm với việc tái cơ cấu quân sự trong khu vực mà chủ yếu tập trung vào kinh tế và các hoạt động ngoại giao. Cụ thể, chính sách xoay trục của Pháp tập trung giải quyết hai vấn đề chính: thứ nhất là tìm kiếm các thị trường thương mại mới, thứ hai là đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác chiến lược tại khu vực CA-TBD.
Sự điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản thể hiện qua chính sách hướng Nam mà Thủ tướng Shinzo Abe gọi là chiến lược “An ninh dân chủ kim cương”. Với mục tiêu liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Australia, chiến lược “An ninh dân chủ kim cương” được Nhật Bản xây dựng với 4 quốc gia trụ cột là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Sau nửa thế kỷ tự kiềm trong chính sách hiếu hòa, Nhật Bản bắt đầu chuyển mình để đảm nhận vai trò của một đại cường quốc kinh tế và quân sự. Ngày 1/7/2014 là dấu mốc quan trọng trong quá trình điều chỉnh chính sách quốc phòng của Nhật Bản, thể hiện qua việc nước này đưa ra lời giải thích mới về nội dung Điều 9 của Hiến pháp, theo đó Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tham gia sứ mệnh phòng thủ tập thể bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Sự điều chỉnh chiến lược của Ấn Độ đối với CA-TBD được thể hiện qua chính sách “Hành động phía Đông” được công bố chính thức vào năm 2014 trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng Ấn Độ N. Modi và Tổng thống Mỹ B. Obama [7, tr.259]. Chính sách này được đưa ra thay cho chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ công bố năm 1991. Quyết định đổi tên chính sách “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông” thể hiện Ấn Độ sẽ chủ động và hành động có mục đích hơn trong khu vực để khẳng định vai trò xứng đáng của Ấn Độ với vị thế của một cường quốc ở khu vực và thế giới.
Liên minh châu Âu chính thức đưa ra một tầm nhìn mới với tên gọi “Chiến lược Kết nối Á - Âu” vào năm 2018 [5, tr.34]. Đây là lần đầu tiên EU có một chiến lược cụ thể, rõ ràng đối với châu Á và cũng có thể coi là câu trả lời của EU đối với những chiến lược đầy tham vọng của các đối tác khác.
Mối quan tâm của các cường quốc khu vực và thế giới khiến khu vực CA-TBD ngày càng “nóng” lên. Cùng với cơ hội phát triển, thách thức đang gia tăng đối với nhiều quốc gia trong khu vực. Việc nắm bắt, khai thác cơ hội, thời cơ và vượt qua thách thức từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chiến lược của mỗi quốc gia trong khu vực
Việc các nước lớn đều có những điều chỉnh chiến lược đối ngoại đối với CA-TBD đã và đang tác động nhiều mặt đối với khu vực. Trước hết, sự quan tâm, chú ý và tăng cường hiện diện, trong đó có hiện diện quân sự của các nước lớn ở CA-TBD làm gia tăng cạnh tranh nước lớn ở khu vực, đặt các nước trong khu vực, nhất là các nước vừa và nhỏ, trước sức ép lớn, buộc phải điều chỉnh chính sách phù hợp. Việt Nam hiện nay được đánh giá là cường quốc địa chính trị của khu vực CA-TBD và nằm trong vùng xoáy của những lực kéo - đẩy từ sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động thuận nghịch phức tạp.
Về tác động tích cực, với sự quan tâm của các nước lớn đối với khu vực, Việt Nam có điều kiện phát triển quan hệ hợp tác với tất cả các nước lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Các nước lớn điều chỉnh chính sách theo hướng tích cực hơn đối với Việt Nam bởi với chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, có quan hệ sâu rộng với tất cả các cường quốc của mình, Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của các nước lớn mong muốn thúc đẩy quan hệ nhiều mặt với Việt Nam.
Về tác động tiêu cực, sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn cũng khiến Việt Nam phải có đường lối và chính sách ứng xử khéo léo, mềm dẻo để duy trì, củng cố quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, cả trên bình diện đa phương và song phương. Bên cạnh đó, sự gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông của một số nước lớn cũng gây thách thức khó lường về an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
3. Khuyến nghị chính sách đối ngoại của Việt Nam
Đứng trước cơ hội và thách thức đan xen, trước những biến động to lớn của khu vực, Việt Nam cần xác định mục tiêu tối thượng của chính sách đối ngoại là bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Hoạt động đối ngoại phải nhằm “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” [4, tr.324]. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ trong Văn kiện Đại hội XIII quan điểm chỉ đạo liên quan đến đối ngoại: “Bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” [4, tr.324] và “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực” [4, tr.325].
Trong bối cảnh các nước lớn có những điều chỉnh chính sách, Việt Nam vẫn cần tăng cường quan hệ tốt đẹp với các nước, từng bước đưa quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả hơn trên cơ sở tìm điểm tương đồng và bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia dân tộc. Thúc đẩy hợp tác với các nước lớn thường đi kèm với việc tập hợp lực lượng. Cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo để tránh phải lựa chọn bên này hay bên kia. Nhất quán chính sách “cân bằng chiến lược” giữa các nước lớn chính là chìa khóa quan trọng nhất để thúc đẩy hợp tác, tranh thủ các cơ hội to lớn do sự điều chỉnh chính sách của các nước đem lại.
Chính sách “cân bằng chiến lược” dựa trên sự tự chủ theo nguyên tắc “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế [2, tr.25]. Nhất quán chính sách này cũng nhằm phát huy trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”.
Trước đây, do yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và phương thức tập hợp lực lượng của hai hệ thống xã hội đối lập trong Chiến tranh lạnh, Việt Nam lựa chọn quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa làm ưu tiên hàng đầu và quan hệ với Liên Xô trở thành “hòn đá tảng” trong chiến lược đối ngoại. Do vậy, sự nghiệp cách mạng của Việt Nam nhận được sự hậu thuẫn to lớn của cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc chiến lịch sử với các thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh, bảo vệ nền độc lập dân tộc, đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chiến tranh lạnh kết thúc đặt cột mốc cho sự quá độ của thế giới từ trật tự hai cực sang hình thành trật tự mới theo hướng đa cực, với sự xuất hiện của nhiều trung tâm quyền lực quốc tế. Chính vì vậy, Việt Nam cần nhận định, đưa ra những dự báo về tình hình thế giới, khu vực và thực tiễn của thời đại để xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong những năm tới bởi tình hình thế giới, khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Việt Nam là quốc gia phải chịu một môi trường chiến lược có nguy cơ cao do phải đối mặt với những tính toán của các cường quốc, với những tranh chấp ở Biển Đông và với mối quan hệ bất đối xứng với nước láng giềng Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam luôn luôn phải đối mặt với việc xử lý mối quan hệ với các nước lớn. Việc nhất quán chính sách “cân bằng chiến lược” giữa các nước lớn phục vụ chiến lược phát triển đất nước trở thành đòi hỏi tất yếu và cấp bách của đối ngoại Việt Nam.
Nhất quán chính sách “cân bằng chiến lược” là lựa chọn tất yếu trong duy trì quan hệ với các cường quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, chính sách này dù là lựa chọn hàng đầu cũng cần có cách tiếp cận linh hoạt để đạt được lợi ích tối đa. Theo đó, cùng với chủ trương phát triển quan hệ với các nước lớn, Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ với các nước đang phát triển thông qua những cơ chế hợp tác, đối thoại, trao đổi phù hợp nhằm tạo thế đan xen lợi ích với từng đối tác. Qua đó, tăng cường hợp tác và đấu tranh, trong đó, có thể tranh thủ quan hệ với nước lớn này để tác động quan hệ với nước lớn khác trong xử lý các tình huống cụ thể, tránh trở thành “con bài” để các nước lớn “mặc cả” lợi ích. Đây là cách ứng xử rất linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia.
Khi đánh giá ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Hồ Chí Minh và quán triệt truyền thống của ông cha ta từ hàng nghìn năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 14/12/2021 đã dùng hình ảnh cây tre để miêu tả bản sắc ngoại giao Việt Nam là kiên cường nhưng mềm dẻo, linh hoạt. Thực tế cho thấy, các nước nhỏ cần kết hợp linh hoạt, uyển chuyển và khôn khéo giữa chủ nghĩa hiện thực chính trị, những nguyên tắc của chủ nghĩa lý tưởng mang bản sắc chủ nghĩa quốc gia và những nhân tố của chủ nghĩa tự do trong thời đại toàn cầu hóa. Trong đó, “đặt lợi ích quốc gia lên trên tất cả” phải là nguyên tắc xuất phát điểm; là cơ sở; là mục tiêu cho việc hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại và cũng là thước đo để đánh giá chính sách đối ngoại.
Trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trước các nước lớn, cần giữ vững nguyên tắc và lập trường, không được thỏa hiệp vô nguyên tắc hoặc để bị chèn ép. Trong đó, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích quốc gia cốt lõi, căn bản nhất phải kiên quyết đấu tranh, giữ gìn, bảo vệ. Bên cạnh đó, trong ba mục tiêu của chính sách đối ngoại, phát triển phải là động lực quan trọng hàng đầu. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất bảo đảm an ninh, thịnh vượng bền vững, cũng như có được sự nể trọng của quốc tế.
KẾT LUẬN
Sau hơn ba thập kỷ tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh lên nhiều. Việt Nam có lợi thế rất lớn là tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định. Môi trường hoà bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tiếp tục tạo điều kiện để Việt Nam phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ ngoại lực. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn, đặc biệt trước những biến động to lớn của khu vực đến từ những tính toán chiến lược của các nước lớn. Việt Nam cần kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và nhất quán chính sách “cân bằng chiến lược” giữa các nước lớn để nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại phục vụ phát triển đất nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Quốc phòng Pháp (2013), Livre blanc sur la défense et la sécurité nationale (Sách trắng về quốc phòng và an ninh), truy cập ngày 25/8/2019 tại:
http://www.livreblancdefenseetsecurite.gouv.fr/pdf/le_livre_blanc_de_la_defense_2013.pdf.
[2]. Bộ Quốc phòng Việt Nam (2019), Quốc phòng Việt Nam 2019, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[3]. Kurt M. Campell (dịch giả Nguyễn Văn Sảnh, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Tuấn Linh, Nguyễn Hồng Quang) (2017), Xoay trục: Tương lai nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ ở châu Á, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5]. Ngô Hữu Kỷ (2018), “Liên minh châu Âu “xoay trục” sang châu Á: Thực trạng và tác động ban đầu”, Tạp chí Quan hệ quốc phòng, quý IV/2018, tr.34-40.
[6]. Đồng Xuân Thọ (2016), “Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Tạp chí Cộng sản, số 887, tr. 101-105.
[7]. Đỗ Thị Thủy (chủ biên) (2020), Những vận động mới của trật tự thế giới và cục diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[8]. Ủy ban Đối ngoại Quân sự -Thượng viện Pháp (2016), Australie: quelle place pour la France dans le Nouveau monde? (Úc: Định hình vị thế nước Pháp trong thế giới ngày nay) truy cập ngày 28/5/2020 tại: https://www.senat.fr/notice-rapport/2016/r16-222-notice.html
TS. Nguyễn Thị Lê Vinh
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024