Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Tác giả: GV.TS. Phạm Thị Thúy Liễu, SV. Nguyễn Thị Kim Trà, SV. Lại Thúy An, SV. Nguyễn Thu Thủy, SV. Cao Xuân Tuấn – Khoa Luật Kinh tế - Trường KHXH&NV
Tóm tắt: Cầm cố tài sản là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đây là một trong những giao dịch diễn ra phổ biến trong đời sống hàng ngày, do đó tìm hiểu các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện các quy định về cầm cố tài sản là vấn đề có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Bài viết tập trung nghiên cứu về những quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản, từ đó đề ra một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật.
Từ khóa: bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, đăng ký giao dịch bảo đảm, tài sản, cầm cố tài sản, kiến nghị.
Abstract:
Pledging property is one of the measures to ensure the performance of obligations stipulated in the 2015 Civil Code. This is one of the transactions that commonly takes place in daily life, so learn about the regulations. The provisions of law and the practice of implementing regulations on mortgage of assets is an issue of both theoretical and practical significance. The article focuses on researching the provisions of Vietnamese law on mortgage of property, thereby proposing a number of recommendations to improve the law.
Keywords: ensure performance of obligations, register secured transactions, property, pledge property, petition.
1. Đặt vấn đề
Giao dịch dân sự xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, giao dịch dân sự diễn ra ngày càng phổ biến. Theo đó, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự được nhiều tổ chức, cá nhân áp dụng trong thực tiễn.
Tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015, có 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản.
Trong thực tế, một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thường được sử dụng nhiều hơn như cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, bảo lãnh, tín chấp.
Bộ luật dân sự năm 2015 cũng như các văn bản liên quan chưa đưa ra định nghĩa thế nào là “Biện pháp bảo đảm”. Tuy nhiên, qua nội hàm từ ngữ cũng như các quy định pháp luật, có thể hiểu rằng: Biện pháp bảo đảm là những cách thức, giải pháp nhằm hỗ trợ, khẳng định, bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, thỏa thuận một cách chắc chắn. Biện pháp bảo đảm đi liền, không tách rời với nghĩa vụ chính trong hợp đồng, giao dịch chính. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đẩy đủ các nghĩa vụ đã cam kết, thì bên có quyền có thể áp dụng biện pháp bảo đảm đã thỏa thuận hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình.
Trong số những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận thì biện pháp cầm cố được sử dụng rộng rãi hơn cả. Tuy nhiên căn cứ pháp lý về cầm cố tài sản được đánh giá là chưa nhiều. Khi xảy ra tranh chấp thì căn cứ pháp lý không đủ để thực hiện tố tụng dân sự về cầm cố tài sản nên quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự về cầm cố tài sản bị ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy nghiên cứu này sẽ giải quyết những vấn đề: Những khái niệm cơ bản về tài sản, cầm cố, cầm cố tài sản; Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản; Thực trạng áp dụng pháp luật về cầm cố tài sản; Từ đó đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật về cầm cố tài sản.
2. Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản
2.1. Khái niệm
Tài sản đóng một vai trò quan trọng, là vấn đề trung tâm của nhiều quan hệ xã hội nói chung và quan hệ tài sản nói riêng. Việt Nam cũng giống như một số nước trên thế giới không quy định rõ tài sản là gì mà chỉ quy định chung. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.” [1]. Việc pháp luật Việt Nam quy định tài sản là khái niệm chung, không đi cụ thể từng loại tài sản giúp cho khái niệm này trở nên rộng rãi hơn, Cầm cố chưa được định nghĩa một cách hoàn chỉnh trong bất kỳ văn bản luật nào. Việc cầm cố đã xuất hiện từ rất lâu trước đây, được minh chứng trong rất nhiều tác phẩm văn học thời kỳ trước. Có thể hiểu một cách đơn giản như sau: Cầm cố là đưa một thứ gì đó của mình giao cho người khác để đảm bảo rằng người cầm cố sẽ thực hiện một việc gì đó cho người nhận cầm cố. Phần lớn “thứ gì đó” được đưa ra cầm cố là tài sản của người cầm cố.
Điều 309 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.” [1].
Cầm cố tài sản được hiểu: là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thỏa thuận, theo đó bên cầm cố giao tài sản thuộc sở hữu của mình cùng các giấy tờ có liên quan cho bên nhận cầm cố giữ hoặc giao cho người thứ ba để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố hoặc người thứ ba có quyền chiếm hữu tài sản cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm hoàn thành hoặc có quyền xử lý tài sản theo thoả thuận hoặc theo luật định khi bên cầm cố không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vu.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tài sản được cầm cố bao gồm: vật là động sản (gồm kim khí quý, đá quý; phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; hàng hóa; nguyên liệu, nhiên liệu vật liệu và động sản khác không bị hạn chế cầm cố theo quy định của pháp luật); tiền; giấy tờ có giá và thẻ tiết kiệm.
Đồng thời, các tài sản không được sử dụng để cầm cố bao gồm: một số vật là động sản như phương tiện vận tải là tàu biển, tàu cá (vì pháp luật hiện hành chỉ quy định về thế chấp, mà chưa quy định cụ thể về việc cầm cố quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất); quyền tài sản và tài sản hình thành trong tương lai (vì không giao được tài sản cho bên cầm cố nắm giữ).
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định một số tài sản chỉ được cầm cố, một số tài sản chỉ được thế chấp, một số tài sản vừa được cầm cố vừa được thế chấp. Ngoài ra, vẫn có trường hợp không rõ ràng, như quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn có quyền “thế chấp, cầm cố” phần cốn góp của mình trong công ty.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng cầm cố tài sản
Quyền của bên cầm cố: Theo Điều 312 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp bên nhận cầm cố sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị; Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố; Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.”
Nghĩa vụ bên cầm cố: Theo Điều 311 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:“Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận; Báo cho bên nhận cầm cố quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố; Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Quyền của bên nhận cầm cố: Theo điều 314 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó; Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận; Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố” [1].
Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố: Theo điều 313 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố; Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác; Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác” [1].
Quy định về thời điểm có hiệu lực của biện pháp cầm cố khác với thời điểm xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Điều 310 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cầm cố là thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác. Như vậy, sau khi giao kết hợp đồng cầm cố mà bên cầm cố không giao tài sản thì không làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Tuy nhiên vì hợp đồng có hiệu lực cho nên bên cầm cố không giao tài sản và không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận cầm cố có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc phải giao tài sản cầm cố để xử lý.
Một biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ thời điểm biện pháp đó được công khai cho chủ thể thứ ba có thể biết được. Trong cầm cố tài sản, dựa vào tình trạng bên nhận cầm cố đã nắm giữ tài sản cầm cố thì người thứ ba khi xác lập các giao dịch liên quan đến tài sản cầm cố đó hoàn toàn có thể biết được tình trạng của tài sản cầm cố. Do đó, nếu họ vẫn xác lập giao dịch thì họ không thể được bảo vệ hay ưu tiên trước bên cầm cố khi có tranh chấp về quyền đối với tài sản bảo đảm. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba cho phép bên nhận cầm cố có quyền truy đòi tài sản cầm cố, quyền ưu tiên thanh toán từ việc xử lý tài sản cầm cổ trước bất kỳ chủ thể thứ ba nào xác lập quyền đối với tài sản cầm cố mà giao dịch làm phát sinh quyền của người thứ ba đó không có hiệu lực đối kháng với người thứ ba hoặc có hiệu lực đối kháng với người thứ ba sau thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố. Theo điều 298 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:“Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định; Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký; Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.”[1].
3. Thực trạng áp dụng pháp luật về cầm cố tài sản tại Việt Nam
Một là, cầm cố tài sản là vật
Tài sản là động sản: Tài sản là động sản rất đa dạng. Phần lớn động sản được đưa ra cầm cố là xe cộ, vàng, máy móc,... Có những tài sản phải đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên có một số trường hợp không cần đăng ký biện pháp bảo đảm. Đây cũng là lý do chính dẫn đến tranh chấp trong những trường hợp cầm cố tài sản là động sản, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự về cầm cố tài sản là động sản [2].
Tài sản là bất động sản: Bất động sản được đưa ra cầm cố ở đây chủ yếu là đất, tài sản gắn liền với đất. Về lý thuyết, bất động sản là những tài sản không thể di chuyển. Cầm cố tài sản là bên cầm cố đưa tài sản cho bên nhận cầm cố giữ nhằm đảm bảo bên cầm cố sẽ thực hiện một nghĩa vụ nào đó cho bên nhận cầm cố. Như vậy, giữa thế chấp với cầm cố bất động sản đang chưa có sự rõ ràng, dễ gây hiểu lầm trong quan hệ pháp luật dân sự liên quan [2]. Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 quy định Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu, tuy nhiên Bộ luật Dân sự 2015 lại có quy định về cầm cố bất động sản. Và khi xảy ra tranh chấp về cầm cố bất động sản thì Tòa án thường đi theo hướng xử lý thế chấp. Đây chính là điểm yếu chưa được khắc phục của pháp luật về cầm cố chưa được hoàn thiện.
Hai là, cầm cố tài sản là thẻ tiết kiệm
Nhìn chung, phương pháp cầm cố tài sản là thẻ tiết kiệm khá là an toàn. Tuy nhiên tranh chấp dễ xảy ra nếu người cầm cố không phải chủ sở hữu thẻ tiết kiệm. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật thì bên phát hành thẻ tiết kiệm chỉ mới ở mức hỗ trợ, chứ chưa phải là nghĩa vụ [3]. Vì vậy cho nên khi các bên chủ thể làm việc khá là khó khăn và rất dễ xảy ra tranh chấp khi cầm cố tài sản là thẻ tiết kiệm.
Ba là, cầm cố tài sản là tiền
Theo lý luận của Chủ nghĩa Mác- Lênin thì tiền là thước đo giá trị. Chính vì vậy trên thực tế sẽ không có ai đưa tiền ra làm tài sản cầm cố [3]. Nhưng nếu tiền trở thành vật đặc định thì trường hợp này có thể xảy ra. Từ rất lâu trước đây, tiền seri số đẹp đã trở thành vật đặc định, được trao đổi mua bán bằng tiền với giá trị lớn hơn giá trị thực. Kéo theo đó, việc cầm cố tài sản là tiền seri số đẹp cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, pháp luật chưa có một quy định nào để có thể điều chỉnh quan hệ pháp luật dân sự về cầm cố tài sản là tiền, cụ thể là tiền số đẹp. Thiết nghĩ việc bổ sung quy định về cầm cố tài sản là tiền seri số đẹp là một điều cần thiết.
Bốn là, cầm cố tài sản là giấy tờ có giá
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã quy định cụ thể, việc cầm cố cả giấy tờ có giá. Dự thảo Bộ luật Dân sự trình Quốc hội vào năm 2015 cũng viết rõ về việc cầm cố giấy tờ có giá. Tuy nhiên, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã không đồng tình với quy định này bằng sự lý giải như sau:
Điều 326 Bộ luật Dân sự hiện hành xác định bản chất của biện pháp cầm cố là phải có hành vi giao tài sản. Tuy nhiên, Điều 321 dự thảo Bộ luật Dân sự do Chính phủ trình Quốc hội đã mở rộng phương thức thực hiện của biện pháp cầm cố, theo đó cầm cố không chỉ gồm giao tài sản mà còn bao gồm cả không chuyển giao tài sản nhưng bên nhận bảo đảm có quyền kiểm soát, chi phối tài sản bảo đảm. Cùng với sự thay đổi này, các loại tài sản được cầm cố đã mở rộng ra đối với quyền đòi nợ chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm.
Nhiều ý kiến không tán thành với quy định này và cho rằng, quy định phương thức cầm cố bao gồm cả việc không chuyển giao tài sản cho bên nhận bảo đảm là trùng lặp với biện pháp thế chấp quy định tại Điều 316. Hơn nữa quyền đòi nợ, chứng khoán, công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác và thẻ tiết kiệm bản chất không phải là "tài sản" trong quan hệ bảo đảm này mà là giấy tờ chứng minh quyền tài sản [4].
Hiện nay, cầm cố giấy tờ có giá là phương pháp thường được sử dụng của các Ngân hàng Thương mại. Mặc dù thống nhất theo quy định của pháp luật nhưng mỗi Ngân hàng Thương mại cũng có một thủ tục riêng cho khách hàng khi thực hiện phương pháp cầm cố bằng giấy tờ có giá. Khách hàng thường có xu hướng so sánh thủ tục các ngân hàng với nhau, điều này cũng làm cho Ngân hàng khi làm việc với khách hàng về cầm cố tài sản là giấy tờ có giá khá khó khăn [4].
Năm là, cầm cố tài sản trong dịch vụ cầm đồ
Dịch vụ cầm đồ thực chất là một hình thức cho vay. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chỉ mới quy định về hình thức để có thể kinh doanh dịch vụ cầm đồ mà chưa có quy định rõ về nội dung [5]. Nhân đó, có một số thành phần lợi dụng để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi dưới dạng dịch vụ cầm đồ, chúng thường sử dụng với cái tên: Hỗ trợ tài chính. Những tổ chức này không chỉ nhận cầm cố vật, xe cộ, giấy tờ có giá, tiền số đẹp, thẻ tiết kiệm thông thường mà còn nhận cầm cố cả bằng cấp, chứng chỉ hành nghề, giấy tờ cá nhân, hoặc một số tài sản trái quy định khác với một cái giá “hời” với thủ tục nhanh gọn vô cùng thu hút. Và những tổ chức này có hành vi đòi tiền theo phong cách “khủng bố”, đe dọa tinh thần và thể chất của người cầm cố. Mặc pháp luật chưa thể kiểm tra xử lý được hết sai phạm nhưng vẫn chưa thể làm được hết [6].
4. Một số kiến nghị để hoàn thiện pháp luật
(1) Cần cụ thể hóa những trường hợp bên nhận bảo đảm có thể trực tiếp tiếp cận, nắm giữ, thu giữ ngay tài sản bảo đảm để xử lý không cần phải qua thủ tục tố tụng, không cần phải sự ủy quyền hay đồng ý của bên bảo đảm, nhất là đối với trường hợp ngăn chặn việc tẩu tán, phá hủy tài sản bảo đảm, ngăn chặn việc hư hỏng, giảm sút giá trị tài sản bảo đảm do tác động của con người, môi trường tự nhiên hoặc kịp thời xử lý tài sản bảo đảm để có được hiệu quả tốt nhất về giá trị tài sản, hài hòa được giữa lợi ích của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và chủ thể khác trong các quan hệ liên quan [5]. Đồng thời cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm: Hiệu quả, hiệu lực và sự an toàn pháp lý của hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm và trong xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc rất nhiều vào tính minh bạch, công khai về tài sản được dùng để bảo đảm, biện pháp bảo đảm được áp dụng và cơ chế cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan. Pháp luật hiện hành và hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm hiện hành đã thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
(2) Với rủi ro trong trường hợp cầm cố thẻ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành, trước hết, các tổ chức tín dụng cần chủ động, yêu cầu phía ngân hàng phát hành thẻ cung cấp đầy đủ thông tin và xác nhận về phương thức hỗ trợ xử lý tài sản cầm cố. Nhưng điều cần thiết vẫn là bổ sung quy định về nghĩa vụ thanh toán khoản khoản tiền cấp tín dụng của tổ chức phát hành thẻ tiết kiệm trong trường hợp khách hàng gửi tiền sử dụng thẻ tiết kiệm để làm tài sản bảo đảm bảo đảm cho khoản vay tại tổ chức tín dụng khác và tổ chức tín dụng nhận cầm cố có yêu cầu xử lý tài sản cầm cố. Điều này sẽ tăng cường tính pháp lý đối với cam kết của tổ chức phát hành thẻ tiết kiệm đối với việc xử lý tài sản cầm cố của bên nhận cầm cố [6].
(3) Cần phải bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện những nhược điểm của pháp luật về cầm cố tài sản để đảm bảo thực hiện, đặc biệt là về vấn đề phân biệt giữa cầm cố với thế chấp bất động sản, quy định rõ ràng hơn về những tài sản được phép cầm cố cũng như trình tự cách thức để cầm cố tài sản đó như thế nào.
(4) Tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân và doanh nghiệp về các quy định pháp luật liên quan đến việc giao dịch bảo đảm, đặc biệt là cầm cố vì đây là vấn đề phổ biến nhưng dễ gây nhầm lẫn cho người dân, có thể phổ biến pháp luật thông qua các kênh truyền thông như sách giáo khoa, website, video clip ngắn; có biện pháp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong việc giao dịch bảo đảm, thông qua các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, và xử lý nếu có sai phạm về phương thức bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là cầm cố.
5. Kết luận
Bài viết đã nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về cầm cố tài sản, các tác giả đã phân tích các khái niệm cơ bản về cầm cố tài sản, phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về cầm cố tài sản; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về cầm cố. Từ kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong các quy định của pháp luật và đề xuất bốn nhóm kiến nghị để hoàn thiện các quy định của pháp luật về cầm cố tài sản. Bài viết là một phần của kết quả nghiên cứu trong đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Bài viết được thực hiện nghiêm túc, có mục tiêu nghiên cứu cụ thể nhằm cung cấp cơ sở lý luận giúp hoàn thiện một số quy định pháp luật về cầm cố tài sản. Kết quả nghiên cứu của bài viết phục vụ các bên tham gia quan hệ pháp luật về việc cầm cố nhanh chóng, hiệu quả và giúp các bên tránh được rủi ro khi tham gia giao dịch. Và nhóm tác giả cũng mong muốn nghiên cứu của mình làm cơ sở cho những nghiên cứu sau này để có thể phát triển và hoàn thiện hơn về phương thức cầm cố tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Lời cảm ơn: Nghiên cứu này là một phần kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học trong Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh của nhóm sinh viên Lại Thúy An, Nguyễn Thu Thúy, Nguyễn Thị Kim Trà, Cao Xuân Tuấn do TS. Phạm Thị Thúy Liễu là giảng viên hướng dẫn.
------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, 2015, Bộ Luật Dân sự.
2. ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải, Cầm cố tài sản – Biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong giao dịch dân sự. https://tapchitoaan.vn/cam-co-tai-san-–-bien-phap-bao-dam-thuc-hien-nghia-vu-trong-giao-dich-dan-su8711.html. Cập nhật ngày 12/1/2024.
3. PGS.TS Đỗ Văn Đại (2021). Luật các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ Việt Nam, Bản án và bình luận bản án, Nxb Hồng Đức.
4. ThS. Phạm Diệu Linh - ThS. Ngô Hữu Phúc - ThS. Nguyễn Giang Trường,. (2023). Thực trạng quy định của pháp luật về cầm cố giấy tờ có giá bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng thương mại, Tạp chí công thương, số tháng 8/2023.
5. Luật sư Trương Thanh Đức. (2017). 9 biện pháp bảo đảm nghĩa vụ hợp đồng, Nxb chính trị Quốc gia sự thật.
6. Hồ Anh Khoa. (2015). Cầm cố tài sản trong hoạt động của tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán tại Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học.
- Vấn đề xây dựng văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nayKhoa Chính trị và Báo chí26/03/2025
- Giới thiệu 2 Ngành Đào tạo trình độ Đại học tại Khoa Luật học - Trường KHXH&NV năm 2025Đào tạo26/03/2025
- Tọa đàm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3Đào tạo25/03/2025
- Chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt NamĐào tạo24/03/2025
- Thư chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 của Bộ trưởng Bộ Y tế gửiĐào tạo24/03/2025
- Pháp luật về trao đổi thông tin thuế xuyên biên giới đối với hoạt động hoạt động thương mại điện tửNghiên cứu khoa học21/03/2025
- Nâng cao công tác Truyền thông chính sách trong chuyển đổi số quốc giaKhoa Chính trị và Báo chí19/03/2025
- Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiên cứu khoa họcNghiên cứu khoa học19/03/2025