Quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh về kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
Quán triệt sâu sắc quan điểm Hồ Chí Minh về kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta khẳng định “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(1). Đây là vấn đề có tính sống còn, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài viết làm rõ nội dung cơ bản và sự vận dụng của Đảng ta, những vấn đề đặt ra hiện nay trong kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951 - Ảnh tư liệu TTXVN
1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những kiến giải rất sâu sắc thế nào là kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Kiên định là vững vàng, không thay đổi ý chí, niềm tin, là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin cho dù gặp phải những khó khăn, vấp váp. Người khẳng định, kiên định trước hết là phải tin tưởng và trung thành với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin “Để đoàn kết và lãnh đạo nhân dân, Đảng và Chính phủ có chủ trương, chính sách đúng dựa trên lý luận đúng nhất, lý luận Mác - Lênin; nhờ đó Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến của ta ngày một mạnh; vì vậy, ta tin tưởng vào lý luận ấy”(2).
Niềm tin với chủ nghĩa Mác - Lênin là dựa trên cơ sở khoa học, được kiểm chứng từ chính thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đúng là vì nó được chứng minh là đúng trong thực hành cách mạng giai cấp và cách mạng dân tộc”(3). Chúng ta phải kiên định và có niềm tin vào chủ nghĩa Mác - Lênin vì đó là lý luận đúng đắn, “kế thừa toàn bộ tinh hoa trong lịch sử tư tưởng nhân loại mà trực tiếp nhất là tư duy triết học của dân tộc Đức, tư duy quản trị xã hội của dân tộc Pháp, tư duy kinh tế của dân tộc Anh, tư duy tinh tế, nhân văn của dân tộc Nga”(4).
Kiên định là không xa rời bản chất cũng như những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin “Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta”(5). Như vậy, Người đã lưu ý, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập tinh thần, những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin chứ không phải là thuộc lòng sách vở, quá câu nệ vào câu chữ. Đó cũng chính là nội dung của kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã lưu ý việc vận dụng lý luận của các ông phải rất sáng tạo vào điều kiện lịch sử cụ thể. Trong lời tựa viết cho bản tiếng Đức Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (xuất bản năm 1872), C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Chính ngay trong Tuyên ngôn cũng đã giải thích rất rõ ràng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đó, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”(6).
V.I.Lênin cũng lưu ý rằng: “Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”(7).
Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin chính là trên cơ sở những lập trường, quan điểm, những chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin để đánh giá về thực tiễn Việt Nam, từ đó tìm ra những cách thức, biện pháp, lực lượng để đưa cách mạng Việt Nam phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, mang lại cuộc sống no ấm cho tất cả mọi người: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế chúng ta mới dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”(8).
Trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh lưu ý phải chú ý đến điều kiện cụ thể của đất nước mỗi giai đoạn: “Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”(9). Bản thân thực tiễn của đất nước luôn vận động và phát triển theo thời gian, có những đường lối, biện pháp áp dụng ở nước ta trong bối cảnh trước đây là phù hợp nhưng với bối cảnh mới lại không còn phù hợp nữa, vì vậy, phải luôn xem xét sự vận dụng của chúng ta để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Chúng ta phải phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin bởi mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn. Chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời trên cơ sở thực tiễn nhất định “Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước”(10). Tuy nhiên, thực tiễn luôn luôn thay đổi. Nhiều vấn đề của thực tiễn mà thời kỳ của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin chưa có. Vì vậy, với sự phát triển mới của thời đại cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải không ngừng bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Có những vấn đề lý luận mà C.Mác và Ph.Ăngghen chưa nói vì thực tiễn chưa đặt ra nhưng với sự phát triển của thực tiễn mới, cần phải tiếp tục bổ sung, phát triển. Chính các nhà sáng lập lý luận này cũng đã nhắc nhở như vậy. “Chúng ta không kỳ vọng rằng C.Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó, còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động"(11).
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra tính tất yếu cần phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Vì vậy, trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lý luận, đã nhiều lần đồng chí Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động”(12).
Người khẳng định: Chính trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta sẽ làm phát triển lý luận này “Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn cách mạng của ta”(13). Tuy nhiên, Người cũng lưu ý, không phải mọi sự vận dụng mà sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo mới góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin: “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin”(14).
Khi vận dụng những chân lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn mới đòi hỏi phải có sự bổ sung, phát triển, làm phong phú lý luận đó bởi thực tiễn thì luôn sinh động và sáng tạo hơn so với lý luận. Ví dụ khi áp dụng lý luận về cách mạng không ngừng, về sự chuyển biến từ cách mạng tư sản sang cách mạng vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng không phải trong điều kiện một nước tư bản trung bình mà là một nước thuộc địa như Việt Nam thì chúng ta đã góp phần bổ sung, phát triển lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin. |
|
Trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh lưu ý phải chú ý đến điều kiện cụ thể của đất nước mỗi giai đoạn: “Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”(9). Bản thân thực tiễn của đất nước luôn vận động và phát triển theo thời gian, có những đường lối, biện pháp áp dụng ở nước ta trong bối cảnh trước đây là phù hợp nhưng với bối cảnh mới lại không còn phù hợp nữa, vì vậy, phải luôn xem xét sự vận dụng của chúng ta để có những điều chỉnh cho phù hợp. |
Ở nước Nga, từ cuộc Cách mạng Tháng Hai với nhiệm vụ chống chế độ Nga sa hoàng sang Cách mạng Tháng Mười với nhiệm vụ chống giai cấp tư sản Nga đều do giai cấp công nhân Nga lãnh đạo, đoàn kết với các tầng lớp nhân dân lao động khác để giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Còn ở Việt Nam, trong điều kiện một nước thuộc địa thì không phải là chống giai cấp tư sản dân tộc mà là xóa bỏ sự áp bức, thống trị của tư sản ngoại bang xâm lược đối với toàn thể dân tộc. Vì vậy mà Việt Nam phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với hai cuộc cách mạng là “tư sản dân quyền cách mạng” (chống tư sản ngoại bang) và “thổ địa cách mạng” (chống phong kiến). Sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thành công thì tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Như vậy, sự vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam thể hiện ở con đường cách mạng Việt Nam cũng chính là sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, trong Văn kiện Đại hội VII, Đảng ta khẳng định: “Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(15). Đến Đại hội XI, Đảng ta đã bổ sung, phát triển: “Trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì và thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(16). Như vậy, vận dụng sáng tạo sẽ góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xác định rõ nội hàm của kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin: “Kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin là vấn đề có tính nguyên tắc số một đối với Đảng ta. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin có nghĩa là nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng một cách đúng đắn, thích hợp với điều kiện nước ta, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo”(17).
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu nội hàm của kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn khẳng định sự kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin chính là điều kiện quyết định dẫn tới thắng lợi trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như ở các nước: “Cách mạng của nước ta cũng như ở Liên Xô, Trung Quốc, muốn thành công phải theo chủ nghĩa Mác- Lênin. Cho nên phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để hiểu mà áp dụng”(18). Người khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin chính là mặt trời soi sáng cho con đường chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(19).
Chủ nghĩa Mác - Lênin - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân chính là ngọn cờ lý luận để cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình trong thực tiễn. Bởi không có lý luận cách mạng thì sẽ không thể có phong trào cách mạng. Vấn đề là ở chỗ các Đảng Cộng sản phải biết vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin thì mới đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa tới thắng lợi cuối cùng: “Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”(20).
Tại sao sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của mỗi nước quyết định thành công của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bởi lẽ, xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của hàng triệu quần chúng nhân dân lao động. Để tạo ra sự thống nhất hành động của hàng triệu con người cùng thực hiện một mục tiêu chung thì phải có Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, Đảng phải đưa ra được đường lối đúng, thể hiện đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, phản ánh được những quy luật khách quan, phù hợp với trình độ và sự giác ngộ của quần chúng, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước. Để Đảng đưa ra được đường lối đúng thì Đảng phải kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin: “Nói đến chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là nói đến chủ trương, chính sách của Đảng”(21); “Chính cương và chính sách của Đảng đối với công việc kháng chiến và kiến quốc là áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của cách mạng ta”(22).
Đường lối của Đảng chỉ rõ mục tiêu, cách thức, biện pháp để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của cách mạng trong từng giai đoạn mà nhân dân sẽ thực hiện nhằm thúc đẩy cách mạng tiến lên không ngừng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Do đó, chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở để Đảng xây dựng đường lối lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội thì chính là “Chủ nghĩa Mác - Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng”(23).
Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết hướng tới mục tiêu giải phóng tất cả mọi người một cách toàn diện, triệt để, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Vì vậy, những người đã nguyện phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin thì không thể mưu lợi cá nhân mà phải đặt lợi ích của nhân dân, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân “Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin”(24).
Chủ nghĩa Mác - Lênin giúp Đảng có đường lối đúng và cán bộ, đảng viên có đạo đức cách mạng, có tinh thần phục vụ nhân dân, đó là nhân tố bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự lãnh đạo đúng đắn đó là nguyên nhân dẫn tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người chỉ ra ba nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trong đó nguyên nhân thứ nhất là “Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Đảng ta đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta một cách sáng tạo để nêu ra đường lối, chính sách đúng đắn, bảo đảm cho cách mạng phát triển thắng lợi. Cán bộ, đảng viên ta nói chung là những người cộng sản chân chính, trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân và được dân mến, dân tin”(25).
Soi rọi vào thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và thế giới, chúng ta càng thấy tính đúng đắn trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bất kỳ ở đâu và khi nào chúng ta nhận thức và vận dụng sai chủ nghĩa Mác - Lênin thì khi đó trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ có những vấp váp, khó khăn, còn xa rời và phản bội lại học thuyết này thì sẽ sụp đổ chế độ. Ngược lại, khi chúng ta nhận thức đúng, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin thì trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ giành được thắng lợi, mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội Xôviết được áp dụng cho hệ thống 15 quốc gia xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây thể hiện sự chủ quan, nóng vội, vận dụng sai chủ nghĩa Mác - Lênin, cho nên rơi vào khủng hoảng ở những mức độ khác nhau.
Công cuộc đổi mới ở Việt Nam nhờ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng đúng đắn, phù hợp hơn chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta nên hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vẫn trụ vững và đạt được nhiều thành công. Như Đảng ta đã khẳng định:“Đổi mới không phải là xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”(26). Chính nhờ sự kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nên chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(27).
Như vậy, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới hơn 100 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn trong nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế thừa tư tưởng của Người và tổng kết thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: “Điều kiện quyết định bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp cải tổ, cải cách, đổi mới là những người cộng sản nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp đúng đắn những nguyên lý phổ biến vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, tìm ra những hình thức, phương pháp và bước đi thích hợp để thực hiện những mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Vận dụng nguyên lý một cách máy móc, thiếu sáng tạo, áp dụng rập khuôn kinh nghiệm nước ngoài, hoặc “sáng tạo” đi tới xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin đều là những khuynh hướng sai lầm, đưa đến những tác hại rất lớn cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho sự nghiệp cải tổ, cải cách, đổi mới”(28). Do đó, vấn đề sống còn,quyết định thành công của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin.
2. Một số vấn đề đặt ra trong kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin hiện nay
Ngay từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời đã bị các thế lực thù địch công kích nhằm phủ nhận học thuyết này, bởi trong khi hệ tư tưởng tư sản tìm cách chứng minh cho sự tồn tại vĩnh hằng của chủ nghĩa tư bản thì chủ nghĩa Mác - Lênin lại khẳng định sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản cũng như sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, sau sự sụp đổ mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, Đông Âu, các thế lực thù địch lại càng có cơ hội để tấn công vào chủ nghĩa Mác - Lênin, cho rằng học thuyết này “đã lỗi thời”, “đã bị bác bỏ ngay trên chính quê hương của nó”. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng “không tưởng” vẽ ra một xã hội tốt đẹp nhưng không có tính khả thi như các nhà không tưởng trước mà thôi. Do áp dụng một “học thuyết ảo tưởng”, “viển vông”đó nên các nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ...
Trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Để thực hiện tốt Nghị quyết này, chúng ta càng cần phải kiên địnhvàvận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi lẽ, cách bảo vệ tốt nhất chủ nghĩa Mác - Lênin, cách đấu tranh tốt nhất trước các quan điểm sai trái, thù địch muốn phủ nhậnhọc thuyết này chính là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Khi chúng ta kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin thì trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ giành được những thành tựu to lớn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây chính là “vắcxin” tạo ra sức đề kháng chống lại âm mưu muốn xuyên tạc, phủ nhận học thuyết này. Thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội là thực tiễn đanh thép bác bỏ những luận điệu sai trái, bởi thực tiễn chính là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm tính đúng - sai của chân lý. Thực tiễn sẽ trả lời chủ nghĩa Mác - Lênin là đúng đắn hay sai lầm.
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi chúng ta phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kiên định và vận dụng, phát triển. Nếu không kiên định thì bổ sung, phát triển sáng tạo sẽ dễ chệch hướng, mất lập trường dẫn tới bổ sung, phát triển không có nguyên tắc, tùy tiện, không khoa học. Vận dụng, bổ sung phát triển để tiếp tục khẳng định, làm giàu thêm bản chất, linh hồn sống, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Kiên định nhưng không bảo thủ, trì trệ, cố chấp, coi chủ nghĩa Mác - Lênin là kinh thánh, không cần bổ sung, phát triển hay quá câu nệ vào từng câu chữ. Vận dụng, bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phải trên tinh thần và những chân lý phổ biến của chủ nghĩa này để tránh việc xa rời, mất tính nguyên tắc.
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng phát triển lý luận, tiếp tục đi sâu nghiên cứu những nội dung cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời soi rọi với thực tiễn hiện nay để chỉ ra những gì còn nguyên giá trị, tiếp tục kế thừa, vận dụng, những nội dung không còn phù hợp. Đồng thời, cần không ngừng tổng kết thực tiễn để phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, bổ sung những vấn đề lý luận mới mà thực tiễn đang đòi hỏi, như Đảng ta đã khẳng định: “Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận (trong nước và thế giới), tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra, làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(29). “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(30).
Đảng ta luôn nhấn mạnh đến kiên định, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong 4 kiên định được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII. Đó cũng chính là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi Người đã chỉ rõ nội dung, tầm quan trọng của việc kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Tính đúng đắn trong tư tưởng của Người đã được chứng minh trong thực tiễn. Vì vậy, thực hiện bốn kiên định này, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 35 - NQ/TW của Bộ Chính trị, chúng ta càng phải nắm vững sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
_________________
(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 109.
(2), (3), (18), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.329, 127-128, 218, 218.
(4) Trần Văn Phòng: Quan hệ giữa kiên định và bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/anh-chinh/item/3555-quan-he-giua-kien-dinh-va-bo-sung-phat-trien-chu-nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh.html, ngày 03-6-2021.
(5), (8), (9), (10), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 611, 92, 95, 96, 95, 96.
(6) C.Mác, Ph.Ăng ghen: Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr 128.
(7) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr. 232.
(11) V.I.Lênin Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr, 152-153.
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 381.
(15), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 53, 127.
(16) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.180.
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 563.
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 391.
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 368.
(23), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 290, 290.
(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 467.
(26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr. 70.
(27) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 104.
(28) Wesite Đảng Cộng sản Việt Nam/ Văn kiện Đảng/ Nghị quyết các Hội nghị/ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VI, Số 07-NQ/TW, ngày 24 - 8 - 1989.
(29) ĐCSVN: Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa 8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1999, tr. 26.
(30) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chíCộng sản,số 966 (tháng 5-2021).
TS HÀ THỊ THÙY DƯƠNG
Học viện Chính trị khu vực IV
TS NGUYỄN VĂN TRUNG
Trường Đại học Vinh
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024