Phát triển du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam
ThS NGUYỄN MINH CHÂU
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30-11-2018 phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh(1). Theo đó, chuyển đổi số trong ngành du lịch là việc chuyển dịch mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại dựa trên nền tảng số và chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu. Chuyển đổi số, khách hàng sẽ được nâng cao trải nghiệm du lịch theo mô hình mới trên không gian số. Bài viết khái quát tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch và những đóng góp của ngành du lịch trong phát triển kinh tế; khái quát quan điểm và chính sách phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hệ thống vé điện tử thông minh góp phần phát triển du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam - Ảnh: tcdulichtphcm.vn
Hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới, tập trung xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, làm thay đổi căn bản, toàn diện về các mặt hoạt động của Chính phủ cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức, cách sống, làm việc của người dân.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho Chính phủ, các doanh nghiệp và mỗi người dân. Áp dụng công nghệ số góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách thủ tục hành chính, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, giúp người dân được thuận lợi và nhanh chóng khi thực hiện các dịch vụ công.
Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ để cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài, lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu suất hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp.
Đối với đời sống, chuyển đổi số giúp xóa bỏ khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, từ đó tạo ra những tiến bộ về chất lượng cuộc sống. Mọi người có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các cách thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ và an toàn hơn với các hình thức giải trí đa dạng. Phát triển du lịch cũng không nằm ngoài những tác động của bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay.
1. Tiềm năng, lợi thế và những đóng góp của ngành du lịch trong phát triển kinh tế
Việt Nam tự hào với 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có 08 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Khu danh thắng Tràng An), 12 di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Lễ hội Gióng, Ca Trù, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co, Đờn ca Tài tử Nam Bộ; Bài Chòi Trung Bộ); và 4 di sản tư liệu (Bia Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản Kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm tỉnh Bắc Giang)(2). Hệ thống di sản thu hút sự quan tâm tìm hiểu của nhiều ngành khoa học. Đây cũng là những điểm tham quan thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế.
Việt Nam vinh dự được UNESCO công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có 06 khu dự trữ sinh quyển ven biển và hải đảo gồm vùng ngập nước sông Hồng, rừng ngập mặn Cần Giờ, Cát Bà, Cà Mau, Cù Lao Chàm, vùng ven biển và hải đảo Kiên Giang, 03 khu dự trữ sinh quyển là miền Tây Nghệ An, Đồng Nai và Langbiang(3). Bên cạnh đó, Việt Nam có hơn 125 bãi biển trải dài từ Bắc đến Nam và được xếp hạng trong danh sách 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới. Không chỉ có thế mạnh ở vùng biển, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển du lịch ở vùng đồng bằng, miền núi và trung du. Du lịch biển ở Việt Nam được phát triển mạnh vào mùa hè; vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân thu hút khách du lịch tới các vùng núi Tây Nguyên, Tây Bắc với các điểm tham quan nổi tiếng như ruộng bậc thang mùa lúa chín ở Tây Bắc, đồi cỏ hồng ở Đà Lạt, mùa hoa muồng vàng ở Gia Lai, mùa hoa cải ở Mộc Châu(4),...
Về văn hóa ẩm thực, Việt Nam có nền ẩm thực đa dạng và phong phú. Mỗi miền là Bắc, Trung, Nam đều có bản sắc văn hóa và khẩu vị đặc trưng riêng trên từng món ăn. Chính nhờ sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc, nền ẩm thực của Việt Nam đã vinh dự được lọt vào Top nhữngquốc gia có các món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 (tăng 16,2% so với năm 2018)(5). Giai đoạn 2015-2019, du khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 7,9 đến 18 triệu lượt (khoảng 2,3 lần) và có tốc độ tăng trưởng 22,7% mỗi năm. Nhờ vậy, Việt Nam liên tục nhận được các giải thưởng: Điểm đến hàng đầu châu Á 2 năm liên tiếp 2018-2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóahàng đầu châu Á 2019, Điểm đến di sản hàng đầu thế giới do World Travel Awards trao tặng; World Goft Awards cũng vinh danh Việt Nam là điểm đến Golf tốt nhất thế giới năm 2019(6).
Với những tiềm năng và lợi thế, ngành du lịch đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam:
Ngành du lịch của Việt Nam được xem là ngành kinh tế mũi nhọn bởi sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế. Một trong những đóng góp nổi bật là sự đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP của Việt Nam: năm 2015, ngành du lịch đóng góp 6,3% GDP; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%(7). Bên cạnh đó, du lịch còn thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, đóng góp tích cực vào thu nhập của cả nước.
Du lịch địa phương phát triển giúp tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, thí dụ như khoản nộp thuế từ các cơ sở du lịch và các doanh nghiệp du lịch kinh doanh thuộc quản lý trực tiếp của địa phương. Mặt khác, ở các địa phương có làng nghề truyền thống nổi tiếng, người dân tận dụng thế mạnh của họ để phát triển kinh tế bằng cách trưng bày và bán các sản phẩm thủ công. Việc này không chỉ đem lại thu nhập trong nước cho người dân, mà còn mang đến cơ hội để các sản phẩm Việt Nam tiếp cận đến du khách nước ngoài, từ đó tạo tiền đề cho xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ... | Thực hiện Quyết định 1671/QĐ- TTg ngày 30-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đây được coi là nền tảng hình thành hệ sinh thái du lịch số, từ đó tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận và phát triển du lịch số nhanh hơn. Có thể thấy, ngành du lịch Việt Nam đang dần thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới một cách chuyên nghiệp và hiện đại. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch số và du lịch thông minh. |
Du lịch giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ phát triển du lịch, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến các nhà đầu tư tiềm năng, từ đó đem lại đóng góp tích cực vào nền kinh tế đất nước(8). Có thể kể đến một số một số dự án lớn như Tập đoàn Banyan Tree (Xinhgapo) đã đầu tư 276 triệu USD để xây dựng khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Suncity Group (Macau) đã đầu tư khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana (Hội An) với sân golf và nhà hàng đạt chuẩn cao. Bên cạnh hình thức đầu tư trực tiếp, hình thức liên doanh cũng đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Đây là những đóng góp cho sự phát triển du lịch Việt Nam.
Du lịch góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể, hộ gia đình. Đơn cử, một số gia đình dân tộc, trước đây chỉ có thu nhập từ nông nghiệp, nay nhờ du lịch, đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Một số địa phương miền núi phía Bắc với những ưu thế riêng về địa khí hậu đã nhận thấy tiềm năng du lịch ở nơi họ sống nên đã phát triển dịch vụ du lịch, cho khách du lịch trải nghiệm sống trong nhà sàn, học cách dệt vải... Hoạt động này không chỉ góp phần quan trọng trong lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa truyền thống, mà còn góp phần phổ biến giá trị văn hóa của người Việt đến bạn bè quốc tế và tạo thu nhập cho phát triển kinh tế gia đình.
Du lịch góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trên thực tế, du lịch cần có sự hỗ trợ liên ngành như bảo hiểm, xây dựng, dịch vụ ăn uống, vận tải, lưu trú,…để có thể đem đến cho khách du lịch trong và ngoài nước những trải nghiệm tốt nhất. Ngược lại, cũng nhờ có du lịch mà dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống có điều kiện phát triển, tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương.
3. Quan điểm và chính sách phát triển du lịch của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Hiện nay, chuyển đổi số là cụm từ khá phổ biến trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hầu hết các lĩnh vực và ngành nghề đang được chuyển đổi số, du lịch cũng là một trong những ngành, lĩnh vực chuyển mình mạnh mẽ trong xu thế chuyển đổi số.
Chuyển đổi số trong ngành du lịch được xem là một quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung vào nâng cao trải nghiệm của khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu(9). Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, chuyển đổi số không còn là một chiến lược tùy chọn mà đã trở thành một xu hướng không thể thiếu trong bối cảnh hiện nay. Nhờ chuyển đổi số, doanh nghiệp mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường, cung cấp các giá trị mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch cần phải có chiến lược lâu dài để có thể thay đổi cách tư duy, cách thức hoạt động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan.
Thực hiện Quyết định 1671/QĐ- TTg ngày 30-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đây được coi là nền tảng hình thành hệ sinh thái du lịch số, từ đó tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận và phát triển du lịch số nhanh hơn. Có thể thấy, ngành du lịch Việt Nam đang dần thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới một cách chuyên nghiệp và hiện đại. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch số và du lịch thông minh. Quyết định này cũng là tiền đề để hiện thực các nội dung về phát triển ngành du lịch theo chủ trương, đường lối của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế… Xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc… Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47-50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14-15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%”(10).
Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số trong ngành du lịch, Tổng cục Du lịch đã xây dựng chiến lược nền tảng số quốc gia cho ngành du lịch(11). Cụ thể:
Một là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số về du lịch; Hệ thống kết nối liên thông thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ du lịch an toàn và thông minh(13). Điển hình một số sản phẩm hỗ trợ cho khách du lịch như: ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, Phát hành Thẻ Du lịch thông minh, ứng dụng Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch. Tiêu biểu là ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, một ứng dụng hữu ích trong và sau bối cảnh dịch bệnh Covid-19, là một nền tảng đa tiện ích, đem đến dữ liệu y tế về dịch bệnh ở điểm đến du lịch, cung cấp bản đồ số du lịch an toàn và thông tin các cơ sở dịch vụ an toàn.
Hai là, xây dựng các sản phẩm thông minh giúp đáp ứng nhu cầu của người dùng, ví dụ như hệ thống vé điện tử, bãi xe thông minh, hệ thống kiểm soát ra vào tự động và máy bán nước uống tự động(12). Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cũng đã kịp thời thích ứng trong giai đoạn chuyển đổi số. Một số các ứng dụng công nghệ đang phát triển như trí tuệ nhân tạo (AI) và chatbot, ứng dụng mobile, điểm đánh giá của khách hàng (rating and review).
Ba là, phủ sóng các ứng dụng về du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trên cả nước(13). Hiện nay, các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã đồng loạt triển khai ứng dụng số để kịp thời thích ứng với xu thế số. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số như: Cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Map và Google Eart, phần mềm du lịch thông minh trên hệ điều hành iOS và Android, Cổng thông tin 1022 - kênh giao tiếp giữa người dân và chính quyền thành phố, đưa các sản phẩm du lịch trên sàn giao dịch thương mại điện tử (Lazada, Traveloka, Shopee), tiến hành sử dụng công nghê 3D trong quảng bá du lịch để tái hiện hình ảnh thành phố, mang lại trải nghiệm sinh động để thu hút khách du lịch, tối ưu thời gian giải quyết thủ tục hành chính mức độ 4 tại Sở Du lịch.
Tại Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng đã triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch của Thành phố như bản đồ du lịch số, ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh, từ đó khách du lịch có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu về các thông tin du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội đã liên kết hệ thống dữ liệu số hóa cho hơn 300 điểm đến du lịch. Các ứng dụng du lịch và cổng thông tin điện tử sẽ trở thành cổng thông tin đa phương tiện, nơi mà khách du lịch có thể tiếp cận thông tin một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Hơn nữa, nhiều cơ sở du lịch ở Hà Nội đã triển khai Audio Guide, một hệ thống thuyết minh tự động, giúp du khách quốc tế có thể chủ động tìm hiểu thông tin qua tai nghe bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tại điểm tham quan.
Tại Đà Nẵng, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cũng đã áp dụng ứng dụng thực tế ảo VR360 “Một chạm đến Đà Nẵng” vào năm 2021. Với ứng dụng số này, khách du lịch có thể dễ dàng khám phá Đà Nẵng với thuyết minh bằng hai ngôn ngữ Anh - Việt cùng hình ảnh 360 độ.
Có thể thấy, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, văn hoá, lịch sử của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Nhờ vào sự phát triển của công nghệ số, doanh nghiệp Việt Nam có động lực để phát triển mạnh mẽ hơn, kinh tế của quốc gia cũng từ đó mà lớn mạnh hơn. Bước vào giai đoạn mới của tiến trình chuyển đổi số, Quyết định 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là tiền đề và cơ sở để thúc đẩy các hoạt động của ngành du lịch Việt Nam. Theo đó, kế hoạch hành động và phát triển kinh tế số và xã hội số sẽ giúp cho ngành du lịch tập trung phát triển, đồng thời tạo làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ tại các doanh nghiệp du lịch cũng như phát triển các nền tảng kỹ thuật, công nghệ để kết nối cung cầu trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nhu cầu về ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới như dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn tại các cơ quan, tổ chức thực hiện quản lý, kinh doanh du lịch trên cả nước. Ví dụ, các doanh nghiệp du lịch sẽ triển khai chuyển đổi số trong các khâu quản lý, điều hành cũng như đón tiếp khách du lịch để họ có được các trải nghiệm trọn vẹn nhất. Các điểm đến cũng có các hoạt động chuyển đổi số để khách hàng có thể trải nghiệm từ xa trước khi quyết định điểm đến hay phát triển các hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… trên môi trường số.
Có thể nói rằng, với những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thời gian qua và hành động, quyết tâm của ngành du lịch trong chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả cao, khẳng định vị thế của ngành “công nghiệp không khói”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới.
_________________
Ngày nhận bài: 26-4-2023; Ngày bình duyệt: 28-4-2023; Ngày duyệt đăng: 18-5-2023.
(1) Chính phủ: Quyết định 1671/QĐ-TTg về Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2015”, Hà Nội, ngày 30 -11 -2018.
(2) Hà Văn Siêu: Di sản văn hóa với phát triển du lịch, https://www.vietnamtourism.gov.vn/post/26992, ngày 26 -7 -2018.
(3) Vietnamplus: Khám phá 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam, https://special.vietnamplus.vn/2021/09/24/kham-pha-11-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-o-viet-nam/, ngày 24-09-2021.
(4) Phúc Kha, Báo Thanh niên: Mùa lúa vàng ở Tây Bắc có gì đẹp mà thu hút nhiều khách check-in?, https://thanhnien.vn/mua-lua-vang-o-tay-bac-co-gi-dep-ma-thu-hut-nhieu-nguoi-den-check-in-, ngày 04-10-2022.
(5), (6), (7) Tổng cục Du lịch: Ấn tượng tăng trưởng du lịch Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực và thế giới, https://vietnamtourism.gov.vn/post/30873, ngày 31-12-2019.
(8) Tổng cục Du lịch: Tốc độ tăng trưởng khách, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế,https://www.vietnamtourism.gov.vn/post/32527, ngày 9-7-2020.
(9), (11), (12), (13) Hồ Thị Bảo Nhung: Chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, https://tapchitaichinh.vn/chuyen-doi-so-nganh-du-lich-viet-nam-trong-boi-canh-dai-dich-covid-19.html, ngày 13-8-2022.
(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.248-249.
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024