NHẬN DIỆN ÂM MƯU, THỦ ĐOẠN LỢI DỤNG TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO CỦA CÁC THẾ LỰC NHẰM CHỐNG PHÁ CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
MỞ ĐẦU
Hiện nay, lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân chống phá cách mạng Việt Nam là thuộc tính cố hữu của các thế lực thù địch. Kẻ thù coi tín ngưỡng, tôn giáo là “trọng điểm ưu tiên”, là “huyệt” nhạy cảm nhất, để chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thể hiện qua các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền dân tộc tôn giáo để gây áp lực, can thiệp vào nội bộ của Việt Nam. Diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều phương thức thủ đoạn vừa tinh vi, vừa xảo quyệt trắng trợn, đê hèn. Vì vậy, phải nghiên cứu để nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Để từ đó, phê phán, bác bỏ các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà Nước Việt Nam về vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Góp phần thúc đẩy các hoạt động phổ biến, giáo dục đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của đường lối, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay
Theo nghĩa gốc, tín ngưỡng là niềm tin của con người vào đấng siêu nhiên - cơ sở của tôn giáo. Theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những nghi lễ gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng” [6; khoản 1 và 5, Điều 2]. Như vậy ta thấy rằng tín ngưỡng là lòng tin của con người vào một hiện tượng, một lực lượng siêu nhiên, tôn sùng vào một điều gì đó pha chút thần bí, hư ảo, vô hình tác động đến tâm linh của đời sống con người, được con người ta tin là truyền thống để nhằm đem làm sự bình an trong tâm hồn của cá nhân cũng như cho cộng đồng có thật và tôn thờ thông qua những nghi lễ gắn liền với phong tục tập quán.
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức” [6; Khoản 5, Điều 2]. Từ đó, tổ chức tôn giáo tập hợp tín đồ, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu tổ chức nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo như hiện nay.
Nghiên cứu về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn giáo trong giai đoạn hiện nay được thể hiện như sau:
Về công tác tôn giáo: xác định công tác tôn giáo trong giai đoạn mới phải nhằm tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với những nội dung sau: Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; Hai là, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tín ngưỡng, tôn giáo là công tác vận động quần chúng; Bốn là, công tác tín ngưỡng, tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và nhiều cấp, nhiều ngành; Năm là, việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Thật vậy, chủ trương chính sách đổi mới của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo được thể hiện ở mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc” [1, tr.171]. Bên cạnh đó cũng “nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [1, tr. 170-171].
Từ khi thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam chuyển biến rất quan trọng. Các tôn giáo ở Việt Nam hoạt động đi vào ổn định, nề nếp, chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Cụ thể là các hoạt động về tổ chức, như đại hội, hội nghị, mở trường lớp đào tạo chức sắc, phong chức phong phẩm, xuất bản ấn phẩm tôn giáo, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam khi được nhà nước công nhận đều xây dựng và nỗ lực thực hiện đường hướng gắn bó với dân tộc và tuân thủ pháp luật như: Phật giáo là Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội; Công giáo là Sống Phúc âm giữa lòng Dân tộc; Đạo Tin lành là Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và Dân tộc; Đạo Cao Đài là Nước vinh, Đạo sáng; Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo là Vì Đạo pháp, vì Dân tộc...
2. Một số biểu hiện của âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam
Hiện nay, vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo đang được các thế lực thù địch coi là “trọng điểm ưu tiên”, là “huyệt” nhạy cảm nhất, để chống phá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các hoạt động của chúng nổi lên một số âm mưu, thủ đoạn cơ bản về việc lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch diễn ra trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhiều phương thức thủ đoạn vừa tinh vi, vừa xảo quyệt trắng trợn, đê hèn. Những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay được biểu hiện như sau:
Thứ nhất, các thế lực thù địch đi sâu tuyên truyền, gieo rắc tâm lý cho rằng: Chủ nghĩa xã hội không chấp nhận tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo; công dân theo đạo không được xét, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; cố gắng tạo ra khoảng cách cũng như dùng các thủ đoạn làm tăng sự đối kháng giữa tôn giáo với đời sống hiện thực để kích động tôn giáo chống lại Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch không những phủ nhận những kết quả trong công tác tôn giáo mà còn ra sức lợi dụng tôn giáo, coi tôn giáo là vũ khí lợi hại để chống phá sự nghiệp cách mạng với nhiều chiêu thức thâm độc, tinh vi, xảo quyệt; khi thì bí mật, lúc thì trắng trợn, công khai.
Thứ hai, xây dựng các tổ chức lấy danh xưng tín ngưỡng, tôn giáo cùng với việc thiết lập các trang mạng xã hội như: Youtube, facebook, blog… để phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết với danh nghĩa các tôn giáo để đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Họ đi sâu vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp thanh danh của Đảng, Nhà nước ta, thậm chí cố tình “diễn trò”, lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng hay tìm mọi cách chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ người có tôn giáo với người không có tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận nhân dân với hệ thống chính trị.
Thứ ba, các tôn giáo ở Việt Nam đều có mối quan hệ quốc tế sâu sắc. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng, sử dụng mọi chiêu trò để vu khống Đảng, Nhà nước ta “xâm phạm quyền tự do, đàn áp tôn giáo”; từ đó, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng quốc tế lên tiếng, can thiệp.
Thứ tư, lôi kéo, cổ súy, hậu thuẫn cho một số linh mục, chức sắc tôn giáo có nhiều tham vọng chính trị và lợi dụng đức tin của các tín đồ đã tuyên truyền, xuyên tạc hết sức phản động về Đảng, chế độ, chính quyền các cấp; ngang nhiên phát thư ngỏ trên mạng xã hội, kêu gọi, kích động một bộ phận nhân dân có đạo gây rối.
Thứ năm, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, song phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đời sống dân trí và các hoạt động xã hội giữa thành thị với nông thôn, miền xuôi với miền núi, vùng có đạo và không có đạo còn có sự chênh lệch. Các dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng núi cao, địa bàn có vị trí chiến lược nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Dựa vào đặc điểm địa lý, khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch đã lợi dụng để hình thành, phát triển những tôn giáo cực đoan trái với các giá trị văn hóa của tôn giáo, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, từ đó thúc đẩy kết hợp chống phá sự nghiệp cách mạng cả về vấn đề dân tộc và tôn giáo.
Thứ sáu, thực hiện thủ đoạn âm mưu ly khai dân tộc, thành lập Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số có đạo, chúng dùng các thủ đoạn: Đào xới những vấn đề lịch sử để lại, lịch sử hình thành các dân tộc “vấn đề người Thượng ở Tây nguyên”; “vấn đề người Chăm”; “vấn đề người Khmer Crôm”; “vấn đề người Hmông”; tổ chức các hội thảo về quyền con người, cái gọi là lễ mất đất (ngày 04 tháng 6); ngày thành lập FULRO (ngày 20 tháng 9) để tuyên truyền kích động đòi ly khai tự trị, đòi thành lập vương quốc Mông độc lập, nhà nước Đềga, quốc gia Khmer Crôm; quan hệ lương giáo và giữa các tôn giáo, đòi cái gọi là tự do tôn giáo hòng gây chia rẽ mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trong các khu vực dân tộc và miền núi. Từ đó chúng tìm cách luật hóa, quốc tế hóa vấn đề dân tộc, tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các phần tử phản động, được sự giúp đỡ của nước ngoài đã tổ chức các hội thảo, thu thập, phát tán tài liệu; đòi lập văn phòng đại diện thường trực Ủy ban nhân dân quyền liên hiệp quốc tại những địa bàn trọng điểm như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để giám sát vấn đề về dân tộc, tôn giáo, kết nạp một số tổ chức phản động vào tổ chức UNPO (tổ chức các Quốc gia dân tộc và các dân tộc không có lãnh thổ) ban bố nhiều bộ luật, với đề tài mang tính áp đặt vô lý nhằm hỗ trợ khích lệ tinh thần của bọn phản động trong dân tộc đẩy mạnh hoạt động chống đối Việt Nam.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn hỗ trợ, chỉ đạo những phần tử phản động người dân tộc thiểu số lưu vong ở nước ngoài thành lập nhiều tổ chức dưới danh nghĩa nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy nhiều tồn tại trong quá khứ để kích động tư tưởng “ly khai”, “tự trị” của dân tộc trên một địa bàn chiến lược của ta. Thực hiện thủ đoạn xây dựng các lực lượng, hình thành các tổ chức, ổ nhóm trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đạo. Một mặt, họ tuyên truyền, lôi kéo, mua chuộc một số đối tượng chủ chốt; tạo dựng “ngọn cờ” tiến hành các hoạt động phá hoại, xúi dục đồng bào trong nước đòi lập các tổ chức, các hội tìm cách hợp pháp hóa để các hội nhóm hoạt động công khai. Mặt khác, họ xây dựng nuôi dưỡng các tổ chức phản động của người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp tài trợ, chỉ đạo lực lượng phản động trong nước, tập trung ở một số vùng dân tộc và miền núi, một số tôn giáo, hoạt động chống phá chính quyền Việt Nam như: “Liên đoàn Campuchia Crôm”; “tri thức Mông”; “văn phòng Chăm Pa quốc tế - IOC”; “hội bảo tồn văn hóa Campuchia chămpa”; “hiệp hội người thượng Đềga (MDA)”… Chúng còn hỗ trợ thành lập các đài phát thanh như VOKK (Khơmer, Cămpuchia Krôm), RFA (Châu Á tự do), đài Đề ga và in ấn báo chí, tạp chí, tài liệu bằng tiếng dân tộc, phát tán băng đĩa, chia sẻ qua các mạng xã hội những nội dung tuyên truyền xuyên tạc vu cáo Việt Nam chiếm đất, đàn áp, kìm kẹp người dân tộc thiểu số, “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế” nhằm khắc phục tư tưởng đòi tự trị, lý khai. Các tổ chức đó ra sức tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam và tập hợp lực lượng khuếch trương thanh thế, tạo sự chú ý của dư luận quốc tế đối với các hoạt động của chúng, qua đó tìm cách “quốc tế hóa, luật pháp hóa” vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng hoạt động nhân đạo, thăm thân, du lịch, các tổ chức phi chính phủ (NGO)... để lôi kéo dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo chống phá chính quyền các cấp, hỗ trợ bọn phản động cực đoan trên địa bàn hình thành các nhóm tổ chức, tập hợp lực lượng tiến hành các cuộc hoạt động phá hoại.
3. Giải pháp để phòng chống những âm mưu lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam
Với các hoạt động trên cho thấy thế lực thù địch đang tìm mọi cách để lợi dụng vấn đề tôn giáo để thực hiện các âm mưu diễn biến hòa bình, bảo loạn lật đổ ở nước ta nhằm làm mất đi vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Để phòng chống những âm mưu này Đảng và Nhà nước cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo. Từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật về tôn giáo như: Luật tín ngưỡng, tôn giáo số: 02/2016/QH14, ngày 18 tháng 11 năm 2016; Nghị định số: 162/2017/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Quyết định số 2576 QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 10 năm 2021 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, đấu tranh với các hình thức lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín, trục lợi gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa dân tộc, tôn giáo. Hướng dẫn về thực hiện công tác tôn giáo đối với từng địa bàn cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đồng thời, phải tiến hành có hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng tại những vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nghệ An, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và dân trí cho nhân dân trong đó có đồng bào các tôn giáo nhằm tạo ra môi trường ổn định và nền tảng vững chắc cho việc thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong đồng bào các tôn giáo.
Thứ hai, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, xem xét, giải quyết việc cấp đăng ký hoạt động tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo để thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải phát huy cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước đến các chức sắc, chức việc cũng như đến mỗi tín đồ các tôn giáo. Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo” thực hiện đúng quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, phát huy những giá trị văn hóa đạo đức lành mạnh, hướng thiện của các tôn giáo phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc. Cùng với đó, phải tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong công tác tôn giáo như: vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Cùng với đó, phải kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật và mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương.
Thứ ba, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân và Công an nhân dân) trong tuyên truyền, vận động và làm nòng cốt cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào tín đồ các tôn giáo, nhận diện và tố giác âm mưu cùng các hành vi, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo phá hoại sự nghiệp cách mạng đất nước.
Thứ tư, gắn công tác tôn giáo với công tác dân tộc. Quan tâm, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo là người dân tộc thiểu số ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong vùng đồng bào có đạo.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tôn giáo. Có sự phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông... đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng nhân quyền, tôn giáo chống phá Việt Nam thông qua qua nhiều cấp và nhiều kênh khác nhau, giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về tình hình, chính sách, về vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Thứ sáu, cần quán triệt quan điểm, nhận thức mới đối với tôn giáo của Đảng trong việc xác định tôn giáo là vấn đề tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực đạo đức và văn hóa của tôn giáo. Giải quyết vấn đề nhận thức là nền móng, là gốc cho việc thực hiện tốt chính sách tôn giáo. Thực hiện đầy đủ và đúng đắn chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để tạo niền tin của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Xác định công tác cốt lõi của công tác tôn giáo là vận động quần chúng, đồng thời cần quan tâm đặc biệt công tác vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc tôn giáo, nhất là chức sắc cấp cao có uy tín ảnh hưởng trong tôn giáo, theo phương châm: “đến với một người sẽ được muôn người”.
Tóm lại, khi thực hiện chính sách tôn giáo, cũng như giải quyết các vấn đề tôn giáo có sự khác biệt, nhất là những “điểm nóng tôn giáo”, cần bình tĩnh, không để các phần tử cực đoan kích động tâm lý đám đông qua đức tin tôn giáo. Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, dân tộc và tôn giáo là hai vấn đề lớn, phức tạp và nhạy cảm. Để giải quyết tốt hai vấn đề dân tộc và tôn giáo phải thực hiện đúng đắn và đầy đủ chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đối với dân tộc và tôn giáo, cần thận trọng, không được khinh xuất hoặc bất cẩn, nếu không thì việc nhỏ trở thành việc lớn, việc đơn giản trở thành phức tạp.
KẾT LUẬN
Có thể nói, đổi mới chính sách tín ngưỡng, tôn giáo và sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Tuy nhiên tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo còn những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới đây như sau:
Thứ nhất, về tình hình tôn giáo. Hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật tuy đã giảm đi nhiều nhưng vẫn còn diễn ra ở một số địa phương đối với một số tôn giáo; việc khiếu kiện, trong đó có khiếu kiện đất đai vẫn xẩy ra, một số vụ việc trở thành điểm nóng; mâu thuẫn nội bộ tôn giáo gây mất ổn định tôn giáo, xã hội; hiện tượng tôn giáo mới gia tăng ảnh hưởng tiêu cực đến tôn giáo và đời sống xã hội; một số tôn giáo phát triển nhanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gây xung đột văn hóa; các thế lực thù địch vẫn tìm cách lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, về công tác tôn giáo. Một số cán bộ, đảng viên chưa quán triệt về chủ trương chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo; một số nơi, nhất là ở cơ sở còn vi phạm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo, trong đó có việc đối xử không bình đẳng giữa các tôn giáo; chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng và nhất là tranh thủ chức sắc, không ít trường hợp coi công tác này chỉ là hình thức.
Tóm lại, tín ngưỡng, tôn giáo liên quan đến đời sống tinh thần của một bộ phận quần chúng nhân dân Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá, nhằm mưu đồ chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội. Nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch về lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (2020), Pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo (giáo trình sau đại học), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
[2]. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nghị định số 22/NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, Hà Nội.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết 25/NQ-TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo, Hà Nội.
[6]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2016), Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo - Số 2/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18 tháng 11 năm 2016.
[7]. Nguyễn Thanh Xuân (2020), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
TS Nguyễn Văn Duy
ThS Phạm Văn Dũng
Trường Đại học Quảng Bình
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024