Một số lý thuyết về sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước và giá trị tham khảo cho Việt Nam
1. Khái lược một số lý thuyết về sự tham gia của công dân
Mặc dù có nhiều thuật ngữ khác nhau, như: sự tham gia của công chúng, sự tham gia của công dân hay sự tham gia của cộng đồng, song nhìn chung các thuật ngữ này đều dùng chỉ phương thức để người dân có tiếng nói trực tiếp tác động vào quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước.
Lý thuyết về cơ cấu ra quyết định. Trong cuốn sách sự tham gia của công dân vào quá trình ra quyết định công (năm 1987), DeSario và Langton cho rằng, trong khuôn khổ khoa học quản lý và tổ chức thuộc khu vực công, hai cách tiếp cận chính được xem xét trong quá trình ra quyết định, đó là cách tiếp cận kỹ thuật (duy lý) và cách tiếp cận dân chủ (chính trị). Tiếp cận về kỹ thuật nhấn mạnh đến sự cần thiết về tính chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình ra quyết định, bởi vì nó giúp các nhà quản lý công đưa ra được các quyết định một cách kinh tế, hiệu quả, hiệu lực nhất. Với những người ủng hộ cách tiếp cận kỹ thuật cho rằng một chính sách công chỉ có thể được quyết định bởi các nhà chuyên gia, nhà kỹ thuật mà không phải là ý chí của số đông.
Cách tiếp cận kỹ thuật có ưu điểm ở tính hữu hiệu khi giải quyết vấn đề và ra quyết định của chính quyền, mô hình này khuyến khích người ra quyết định xem xét vấn đề một cách thấu đáo và áp dụng chuyên môn của mình để xác định giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, một chính sách công được ban hành dựa trên cách tiếp cận kỹ thuật sẽ gặp các hạn chế như người ra quyết định không có đủ chuyên môn để xem xét tất cả các phương án buộc người đó phải lựa chọn phương án dựa trên hệ tư tưởng hoặc chính trị mà không cân nhắc tính hiệu quả của phương án; các quyết định kỹ thuật có khả năng không phù hợp với thực tiễn do người ra quyết định không có đủ toàn bộ thông tin về vấn đề cần giải quyết2. Trong khi đó, tiếp cận về dân chủ là việc người dân tham gia vào quá trình lập kế hoạch và hoạch định chính sách của Chính phủ.
Cách tiếp cận dân chủ dựa trên giả định rằng tất cả những người ảnh hưởng bởi một quyết định nhất định đều có quyền tham gia vào việc đưa ra quyết định đó. Sự tham gia có thể trực tiếp thông qua đại diện. Tiêu chí đánh giá chính sách trong quy trình dân chủ là khả năng tiếp cận quy trình và khả năng đáp ứng của chính sách đó đối với những người chịu ảnh hưởng, tác động của chính sách mà không phải là tính hiệu quả hay tính hợp lý của quyết đinh.
Lý thuyết về quản trị tốt. Đại diện tiêu biểu cho lý thuyết về quản trị tốt là các tổ chức quốc tế, như: Liên hiệp quốc (UN), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… Theo cơ quan Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp quốc: “… quản trị tốt liên quan đến các tiến trình, kết quả chính trị và thể chế mà cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển. Đó là một tiến trình mà các cơ quan công quyền giải quyết các vấn đề công cộng, quản lý các nguồn lực công và bảo đảm việc thực hiện các quyền con người theo cách thức hoàn toàn không có sự tham nhũng và lạm dụng và thực sự tuân thủ nguyên tắc pháp quyền3.
Theo WB, quản trị tốt là tập hợp các thể chế minh bạch, có trách nhiệm giải trình, có năng lực và kỹ năng, cùng với ý chí quyết tâm làm những điều tốt đẹp… giúp cho một nhà nước cung cấp những dịch vụ công cho người dân một cách hiệu quả4.
Theo ADB, quản trị tốt thể hiện qua bốn yếu tố cơ bản: trách nhiệm giải trình, sự tham gia, tính chất có thể dự đoán, và sự minh bạch”5.
Theo Hội đồng châu Âu (EC), quản trị tốt dựa trên 5 nguyên tắc: công khai, sự tham gia, trách nhiệm giải trình, tính hiệu quả và sự gắn kết6…
Như vậy, mặc dù có nhiều khái niệm về quản trị tốt nhưng điểm chung của các khái niệm này là một nền quản trị tốt phải có sự tham gia của người dân. Sự tham gia được xem là quá trình mà thông qua đó, người dân tác động và kiểm soát quá trình ban hành các quyết định có ảnh hưởng đến họ. Sự tham gia của người dân có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện hoặc các thiết chế trung gian hợp pháp.
Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng. Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng được hình thành và phát triển trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, sau khi WB triển khai các chương trình tài trợ tại các nước đang phát triển. Theo đó, hàng loạt các dự án được triển khai đòi hỏi phải có sự tham gia của cộng đồng như một hợp phần của dự án. Mặc dù quá trình triển khai trên thực tế còn có những tranh cãi về sự tham gia của cộng đồng một cách thực chất hay hình thức nhưng về mặt lý thuyết, các nhà khoa học đều thống nhất rằng sự tham gia của cộng đồng bao gồm hai khía cạnh: một là, giao vai trò quyết định và chia sẻ trách nhiệm quyết định cho cộng đồng, những người chịu tác động, ảnh hưởng hoặc là đối tượng của các quyết định; hai là, tham gia ý kiến của cộng đồng đối với người có thẩm quyền mà không làm thay đổi chủ thể chịu trách nhiệm ra quyết định. Đồng thời, sự tham gia của cộng đồng còn là phương thức phân phối lại quyền lực xã hội mà ở đó công dân, những người không có quyền lực lại được trao quyền tác động, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định.
2. Nguồn gốc, ý nghĩa và nội dung sự tham gia của công dân từ các lý thuyết về dân chủ
Sự tham gia của công dân không phải là nội dung mới được đề cập trong các lý thuyết của khoa học hiện đại mà đã tồn tại cùng với sự ra đời của các lý thuyết về dân chủ. Từ góc độ lý thuyết về dân chủ đã chỉ rõ nguồn gốc, ý nghĩa và nội dung sự tham gia của công dân, cụ thể:
(1) Sự tham gia của công dân có nguồn gốc từ quyền tự nhiên, bình đẳng của con người.
Trong lý thuyết về quyền tự nhiên của John Locke, nhà triết học duy vật người Anh đã khẳng định: con người vốn có chung một nguồn gốc, xuất phát điểm đều ngang nhau nên không ai có thể đứng trên người khác để sai khiến họ làm theo ý mình. Vì vậy, quan hệ giữa những con người với nhau không thể là thống trị – bị trị mà phải dựa trên sự bình đẳng. Trong một thời gian dài, khi con người sống chung trong các nhóm nhỏ và kiếm sống bằng cách săn bắt, hái lượm, họ phải tạo ra một hệ thống trong đó khá nhiều thành viên sẽ cùng tham gia vào việc ra những quyết định cần thiết cho cả nhóm. Đây chính là hình thức sơ khai nhất của sự tham gia cũng chính là nguồn gốc của dân chủ. Như vậy, từ góc nhìn của lý thuyết về quyền tự nhiên cho thấy, sự tham gia của công dân có nguồn gốc từ quyền bình đẳng giữa con người với con người.
(2) Sự tham gia của công dân là khởi nguồn hình thành nhà nước dân chủ.
Lý thuyết về “khế ước xã hội” của John Locke cho rằng, quyền lực nhà nước là do Nhân dân nhượng cho thông qua khế ước xã hội; sự ra đời của chính quyền là khách quan, do nhu cầu được an ninh, an toàn nên con người đã tự nguyện ký kết với nhau khế ước xã hội để lập nên chính quyền. Chính quyền với hệ thống luật pháp của mình sẽ bảo vệ nhân dân tránh khỏi những phiền phức gặp phải trong trạng thái tự nhiên (khi chưa có chính quyền). Ông cũng khẳng định, sự tan rã của chính quyền cũng khách quan như sự ra đời của nó, khi chính quyền bị tha hóa, bị lạm dụng, không còn thỏa mãn nhu cầu của người dân nữa thì người dân có quyền rút lại khế ước đã ký kết và lập nên chính quyền mới theo ý mình. Như vậy, Nhà nước ra đời là kết quả của quá trình tham gia của người dân, hay nói cách khác là quá trình người dân trao quyền cho một nhóm người đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước.
(3) Sự tham gia của công dân là phương thức biểu hiện của chủ quyền nhân dân.
Lý thuyết về chủ quyền nhân dân được phát triển bởi nhà tư tưởng người Pháp J.J. Rousseau. Trong lý thuyết về chủ quyền nhân dân, khái niệm chủ quyền nhân dân được hiểu là trong một quốc gia, nhân dân là người nắm giữ quyền lực một cách chính đáng và nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực chính trị. Lý thuyết về chủ quyền nhân dân cũng khẳng định chủ quyền nhân dân là nền tảng cho sự ra đời của nhà nước, vì thế cao hơn, chi phối và là cơ sở bảo đảm sự thống nhất của quyền lực nhà nước. Sự tham gia của công dân là một hình thức biểu hiện của chủ quyền nhân dân.
(4) Sự tham gia của nhân dân có tác dụng bổ sung cho những hạn chế, thiếu sót của dân chủ đại diện.
Dân chủ đại diện nhấn mạnh việc người dân thông qua bầu cử để hình thành nên cơ quan đại diện và người đại diện để thực thi chức năng quản lý xã hội. Trên thực tế, trong mô thức dân chủ đại nghị, người dân chỉ có quyền lực thực sự khi tham gia bầu cử, còn trong khoảng thời gian giữa hai kỳ bầu cử thì quyền lực và sự kiểm soát của người dân thường rất yếu, chỉ có người đại diện mới là người có ảnh hưởng thật sự đối với chính trị7. Trong tác phẩm “Bàn về dân chủ”, Robert A. Dahl cho rằng, trong chính thể đại diện, các công dân thường giao cho những người đại diện quyền hành rất lớn trong việc thông qua những quyết định cực kì quan trọng. Và để hạn chế những mặt tối của dân chủ đại diện, sự tham gia của người dân mang ý nghĩa là thiết chế tản quyền, giảm bớt sự lam quyền của dân chủ đại diện thông qua các phương thức để công dân có thể tác động, ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của nhà nước.
(5) Sự tham gia của người dân là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước
Trong tác phẩm “Khế ước xã hội”, Rousseau cho rằng để ngăn ngừa việc “tiếm quyền” từ phía chính phủ, cần tiến hành các đại hội nhân dân, mà tại đó chính phủ phải có trách nhiệm báo cáo hoạt động của mình trước người dân, đồng thời nhân dân có quyền đứng lên phản kháng lại chuyên chế, bãi bỏ “khế ước” một khi Nhà nước nảy sinh từ khế ước đã tỏ ra lạm quyền, đi ngược lại với lợi ích chung. Vào lúc này, sự tham gia của người dân mang ý nghĩa là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Về nội dung của sự tham gia, các lý thuyết về dân chủ cho rằng chủ quyền nhân dân được thể hiện thông qua hai hình thức: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện và tương ứng với nó, sự tham gia của công dân cũng bao gồm hai nội dung: tham gia trực tiếp và tham gia gián tiếp. Về sự tham gia trực tiếp, người dân tiếp cận thông tin, chia sẻ sáng kiến, đóng góp nguồn lực hay thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước một cách trực tiếp thông qua các hình thức như: phản ánh, kiến nghị, đề nghị, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo…
Ngoài hình thức tham gia trực tiếp, người dân có thể thông qua các cơ quan đại diện do mình bầu ra hoặc thông qua các đảng phái, hiệp hội, đoàn thể để thực hiện quyền tham gia của mình trong quản trị quốc gia và địa phương. Các cơ quan đại diện, hiệp hội, đoàn thể phản ánh những tác động của chính sách, pháp luật đến sản xuất và đời sống của người dân; phản ánh các khó khăn, vướng mắc của người dân trong việc tuân thủ pháp luật. Vì vậy, các hiệp hội, tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các văn bản pháp luật của nhà nước ngay từ giai đoạn đầu cũng như kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thực thi pháp luật trong thực tế8.
3. Phương thức, phạm vi, tiêu chí đánh giá sự tham gia của công dân từ các lý thuyết về xã hội học và nhân quyền
Trong lĩnh vực xã hội học, nghiên cứu của Sherry R. Arnstein được xem là công trình đầu tiên đưa ra ra các mức độ khác nhau của sự tham gia9. Theo đó, sự tham gia được đánh giá theo mức độ từ thấp đến cao của thang đo gồm 8 bậc: (1) Vận động, (2) Giải pháp cộng đồng, (3) Cung cấp thông tin, (4) Tham vấn, (5) Động viên, (6) Hợp tác, (7) Ủy quyền, (8) Điều hành kiểm soát. Trong thang đo này, mức độ 1: Vận động và mức độ 2: Giải pháp cộng đồng được đánh giá là các mức độ “không tham gia”, trong hai mức độ này, chủ thể mang quyền chưa thực sự hỗ trợ để người dân tham gia mà mục tiêu chính là tuyên truyền, giáo dục để người dân thực hiện chính sách. Từ mức độ 3: Cung cấp thông tin đến mức độ 5: Động viên được đánh giá là “có dấu hiệu của sự tham gia”; ở các mức độ này, sự tham gia của người dân mang tính chất thụ động, chủ yếu thông tin được truyền đi một chiều từ phía Nhà nước tới người dân mà chưa có sự trao đổi, phản ánh ngược lại. Từ mức độ 6: Hợp tác đến mức độ 8: Điều hành kiểm soát được đánh giá là mức độ “trao quyền”, là mức độ cao nhất của sự tham gia. Ở các mức độ này, người dân được trao đổi, đàm phán, tranh luận và đi đến đồng quyết định với cơ quan nhà nước.
Trong khoa học tổ chức nhà nước, sự tham gia của người dân vào các hoạt động của cơ quan nhà nước được đánh giá theo 4 cấp độ10.
Cấp độ 1: người dân tiếp cận thông tin, đây là mức độ tham gia đầu tiên mà ở đó người dân được nắm bắt được thông tin về hoạt động của chính quyền làm tiền đề để bảo đảm huy động sự tham gia ở các mức độ cao hơn.
Cấp độ 2: người dân tham gia ý kiến. Ở cấp độ này, người dân đưa ra ý kiến đối với các kế hoạch, chương trình, dự án của nhà nước để nhà nước cân nhắc trước khi quyết định.
Cấp độ 3: người dân (khu vực tư nhân) trực tiếp tham gia cung ứng dịch vụ công, ở cấp độ này, người dân (khu vực tư nhân) có khả năng thực hiện nhiều công việc trước đây vốn được coi là công việc của nhà nước, là quá trình xã hội hóa các dịch vụ công.
Cấp độ 4: người dân giám sát hoạt động của nhà nước. Giám sát là mức độ tham gia cao nhất. Để thực hiện được sự tham gia ở mức độ này, yêu cầu người dân cần được tham gia ở các cấp độ trước đó, vì người dân cần được tiếp cận thông tin, được tham gia ý kiến, được trực tiếp thực hiện thì hoạt động giám sát mới thực sự đạt được hiệu quả.
Dưới góc độ quyền con người, năm 2008, Liên hiệp quốc công bố tài liệu đầu tiên về việc xây dựng và sử dụng một cách hệ thống các “tiêu chí về quyền con người” (HRI) để đánh giá việc bảo đảm các quyền con người nói chung, trong đó có các quyền dân sự, chính trị11. Theo Liên hiệp quốc, HRI được hiểu là “các thông tin cụ thể về tình trạng hoặc điều kiện của một đối tượng, sự kiện, hoạt động hay kết quả có liên quan đến các quy định và chuẩn mực về quyền con người; thể hiện và phản ánh các nguyên tắc và mối quan tâm liên quan đến quyền con người”.
HRI có thể được phân chia thành 3 tiêu chí về cấu trúc, quy trình và kết quả. Theo đó, tiêu chí về cấu trúc được sử dụng để đánh giá mức độ đáp ứng về chính sách, khuôn khổ pháp lý, các chiến lược, kế hoạch của mỗi quốc gia với các cam kết về nhân quyền của quốc gia đó. Tiêu chí về quy trình được sử dụng để đo lường các nỗ lực của quốc gia thông qua các chính sách, chương trình, biện pháp cụ thể để hiện thực hóa các cam kết về quyền con người. Tiêu chí kết quả phản ánh mức độ mà các quyền con người cụ thể được thụ hưởng trên thực tế.
Trên thực tế, việc bảo đảm quyền con người ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội cũng như các nguồn lực sẵn có khác. Vì vậy, Liên hiệp quốc khuyến nghị HRI cần được xây dựng riêng và cụ thể cho từng quốc gia dựa trên các phương thức thu thập thông tin sẵn có và những điều kiện đặc thù của quốc gia đó. Tại Việt Nam, hiện nay chưa có một bộ chỉ tiêu chính thức về quyền con người nói chung và chỉ tiêu về quyền tham gia của công dân nói riêng. Một số thông tin, số liệu mang tính chất như HRI của Việt Nam được thu thập theo các quy định pháp luật về thống kê, tuy nhiên, trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia về thống kê chưa có chỉ tiêu về sự tham gia của công dân.
Để đánh giá về sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước, Việt Nam đang sử dụng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. PAPI đo lường trải nghiệm của người dân với việc thực thi chính sách, pháp luật, quy định của các cấp chính quyền địa phương ở 6 nội dung chính:
(1) Tham gia của người dân ở cơ sở: đánh giá mức độ hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc huy động sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở, qua đó đánh giá các cơ chế tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các quy trình quản trị và hành chính công;
(2) Công khai, minh bạch: đánh giá mức độ công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin của chính quyền địa phương tới người dân;
(3) Trách nhiệm giải trình với người dân: đánh giá hiệu quả giải trình của cán bộ chính quyền về các hoạt động tại địa phương với cấp cơ sở;
(4) Kiểm soát tham nhũng: đánh giá mức độ tham nhũng, vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện, phản ánh các hành vi tham nhũng;
(5) Thủ tục hành chính công: đánh giá việc thực hiện và hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ và xử lý thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính địa phương dựa trên trải nghiệm thực tế của người dân khi đi làm các thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công;
(6) Cung ứng dịch vụ công: đánh giá chất lượng các dịch vụ công thiết yếu cung cấp cho người dân, như: y tế, giáo dục, nước sạch và tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư.
4. Giá trị tham khảo cho Việt Nam
Ở Việt Nam, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội là một quyền hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp. Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật tạo khung pháp lý cho việc bảo đảm thực hiện quyền tham gia của công dân trong các lĩnh vực, như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, Luật Tiếp công dân, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022…
Nhìn chung, pháp luật Việt Nam đã ghi nhận về quyền tham gia của công dân trong nhiều lĩnh vực quan trọng như xây dựng, hoạch định chính sách, phản ánh, kiến nghị của công dân, thanh tra, kiểm tra, khiếu nại, tố cáo… Mặc dù vậy, trên cơ sở các khung lý thuyết về sự tham gia của công dân, đặc biệt là các lý thuyết về dân chủ và quản trị hành chính công thì cơ chế bảo đảm sự tham gia của công dân ở Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện dựa trên một số gợi ý sau:
Một là, mở rộng các hình thức tham gia trực tiếp của công dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Theo đó, bên cạnh các hình thức tham gia trực tiếp như góp ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân với cơ quan nhà nước thì cần mở rộng hợp các phương thức để người dân tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước. Một số hình thức tham gia phổ biến trên thế giới nhưng còn hạn chế ở Việt Nam như trưng cầu ý dân, sáng kiến công dân,… cần được nghiên cứu và quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tại Việt Nam.
Hai là, nâng cao chất lượng của các hình thức công dân tham gia gián tiếp vào hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức đại diện, trung gian. Theo đó, đối với các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp), cần đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu dân cử, tăng cường các hoạt động tiếp xúc cử tri nhằm bảo đảm đại biểu dân cử nắm bắt và phản ánh chính xác, đầy đủ nguyện vọng, ý chí của người dân trong quá trình hoạch định, ban hành pháp luật. Đối với các tổ chức chính trị – xã hội, cần tăng cường hoạt động phản biện xã hội, giám sát xã hội.
Ba là, nâng cao mức độ tham gia của công dân từ mức độ có sự tham gia sang mức độ trao quyền. Pháp luật hiện hành chủ yếu mới quy định ở mức độ công dân được tham gia dưới hình thức được cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến hoăc được tham gia ý kiến khi Nhà nước lấy ý kiến. Các hình thức tham gia của công dân còn mang tính chất thụ động, một chiều và quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của người dân chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch nên mức độ tác động, ảnh hướng của sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước còn hạn chế. Để sự tham gia của người dân thực sự đúng nghĩa là thực hiện chủ quyền nhân dân và là cơ chế kiểm soát hữu hiệu sự lạm quyền của cơ quan nhà nước thì cần có tăng cường mức độ tham gia của người dân, hướng đến mức độ cao hơn là hợp tác, đối thoại trong hoạch định, ban hành chính sách và mức độ cao nhất là người dân được trao quyền quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp.
Bốn là, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân là điều kiện tiên quyết để tăng cường sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Thông tin là nền tảng của mọi sự tham gia, là cấp độ đầu tiên và và tiền đề để thực hiện các cấp độ tham gia cao hơn. Do vậy, để đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước thì phải làm tốt công tác cung cấp thông tin cho người dân. Nếu chỉ huy động sự tham gia của người dân mà không cung cấp đầy đủ thông tin thì sự tham gia chỉ mang tính chất hình thức hoặc nghiêm trọng hơn tác động xấu đến quá trình ra quyết định của cơ quan nhà nước. Nếu như người dân có đầy đủ các nguồn thông tin giúp họ đóng vai trò chủ động hơn trong xã hội và đóng góp cho Nhà nước và phát triển. Bảo đảm quyền thông tin sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, làm tăng tính hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. Dưới góc độ dân chủ, bảo đảm quyền thông tin cũng đồng thời bảo đảm sự công bằng, dân chủ và tăng lòng tin của người dân đối với Nhà nước.
Năm là, tăng cường bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tham gia của công dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền không chỉ là quy định, thể chế pháp luật mà còn bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để thu hút sự tham gia của người dân, tạo thuận lợi cho người dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội. Đặc biệt, cần phát huy tối đa khả năng khai thác, ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, hệ thống mạng điện tử để đổi mới các hình thức tham gia của công dân, như: bầu cử trực tuyến, thu thập phản ánh, kiến nghị, lấy ý kiến khảo sát của công dân thông qua mạng internet; tổ chức các buổi đối thoại giữa Nhà nước và công dân trên nền tảng các mạng xã hội…
Chú thích:
2. Các mô hình ra quyết định của tổ chức công. https://tcnn.vn/news/detail/40166/Cac-mo-hinh-ra-quyet-dinh-cua-to-chuc-cong.html, ngày 30/4/2024.
4. World Bank (1992). Governance and Development. World Bank, Washington, DC.
5. World Bank (2006). Making PRSP Inclusive.
6. World Bank (2007). Strengthening the World Bank Group Engagement on Governance and Anticorruption.
7, 8, 10. Sự tham gia của người dân trong quản trị quốc gia hiệu quả. https://tapchimattran.vn/nghien-cuu/su-tham-gia-cua-nguoi-dan-trong-quan-tri-quoc-gia-hieu-qua, ngày 30/4/2024.
9. Nguyễn Thị Ưng (2018). Vận dụng lý thuyết sự tham gia của cộng đồng trong nghiên cứu quản lý xã hội ở nông thôn, Tạp chí Lý luận chính trị số 10/2018.
11. Human Right Indicator, a guide to measurement and Implementation Summary.pdf.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Bình (2019). Sự tham gia của người dân trong quản lý công, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, tháng 1/2019.
2. Lê Thị Dung (2019). Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội.
3. Jean Jacques Rousseau (1992). Bàn về khế ước xã hội. NXB. TP. Hồ Chí Minh (Bản dịch Hoàng Thanh Đạm).
NCS. Phạm Thị Hậu
Ngành Chính trị học, HV CTQG HCM
- Vấn đề xây dựng văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nayKhoa Chính trị và Báo chí26/03/2025
- Giới thiệu 2 Ngành Đào tạo trình độ Đại học tại Khoa Luật học - Trường KHXH&NV năm 2025Đào tạo26/03/2025
- Chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025)Khoa Luật Kinh tế26/03/2025
- Tọa đàm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3Đào tạo25/03/2025
- Chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt NamĐào tạo24/03/2025
- Thư chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 của Bộ trưởng Bộ Y tế gửiĐào tạo24/03/2025
- Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luậtNghiên cứu khoa học24/03/2025
- Pháp luật về trao đổi thông tin thuế xuyên biên giới đối với hoạt động hoạt động thương mại điện tửNghiên cứu khoa học21/03/2025