Kinh nghiệm học, ôn thi hiệu quả ở đại học
Những tuần học đầu
Để giảm tải khi kỳ thi cận kề, bạn hãy lên kế hoạch thi cử ngay từ tiết học đầu tiên. Trước hết, hãy tìm hiểu yêu cầu của giáo viên đối với môn học, dù là yêu cầu nhỏ nhất cũng đừng bỏ qua. Để ý xem thầy cô có khuyến khích sự sáng tạo trong môn học hay sẽ chỉ thích tính nguyên tắc, chính xác. Lưu ý việc giáo viên sẽ áp dụng những phương pháp nào trong bài giảng: thảo luận theo nhóm, thuyết trình, hay nộp tiểu luận... để có những cách học phù hợp. Tìm hiểu xem giáo viên đánh giá người học theo tiêu chí nào, sách giáo trình đã có đủ nội dung cần thiết hay chưa, không cần thiết phải mua, đọc hết tài liệu tham khảo... Cần mạnh dạn đặt câu hỏi với giảng viên ngay trong giờ học, hay vào giờ giải lao.
Giữa học kỳ
Thử tưởng tượng suốt cả ngày bạn chẳng ăn uống gì và mải đến gần 10 giờ tối bạn cố ăn bù thật nhiều. Thật khủng khiếp! Việc học hành cũng vậy. Học bài đều đặn mỗi ngày một chút sẽ giúp kỳ thi của bạn bớt căng thẳng và việc học cũng hiệu quả hơn rất nhiều. Bạn nên thường xuyên xem bài vở trước khi đến lớp. Ví dụ, sáng hôm sau có tiết môn B thì hãy đọc trước nội dung trong giáo trình để nắm ý chính và tìm ra những ý mình còn chưa rõ để khi lên lớp có thể trao đổi với thầy cô, cũng đừng ngần ngại đặt câu hỏi nếu bạn cảm thấy còn vướng mắc.
Đến lớp sớm và chọn những chỗ ngồi tại khu vực bàn đầu vì đây là vị trí giúp bạn nghe giảng, tiếp thu bài tốt hơn, tập trung hơn và không dám ngủ gục. Khi có vấn đề thắc mắc hãy mạnh dạn, tự tin hỏi giáo viên và nên phản hồi một cách khéo léo, chân tình, nhẹ nhàng về giờ giảng của thầy cô. Sau giờ học, bạn cũng nên dành thời gian xem lại nội dung bài học và nếu có bài tập thì hãy tranh thủ giải quyết ngay.
Tuần cuối cùng
Với những môn thi chung hãy dành tuần cuối cùng này để tìm hiểu các dạng đề thi, tự luận hay trắc nghiệm, thi theo đề, có được dùng tài liệu hay không... Khi đã nắm được dạng đề thi với các dạng câu hỏi, bạn sẽ dễ dàng chọn cách học tương ứng phù hợp với từng môn học.
Nếu môn học yêu cầu kiểm tra kiến thức khách quan, bạn có thể áp dụng kỹ thuật ghi nhớ, tập trung phù hợp với mình. Với những môn cần thể hiện quan điểm, bạn cần tích lũy kiến thức rộng hơn về các đề tài trong môn học và khi làm bài cần chú ý nhấn mạnh các ý tưởng mới. Với thi trắc nghiệm, bạn nên đọc giáo trình, sách tham khảo để nắm ý chính. Với những môn có sử dụng tài liệu thì đừng chủ quan vì đã có “phao cứu sinh”. Hình thức thi này nội dung đề thi không nằm trong tài liệu, đòi hỏi ở thí sinh khả năng tổng hợp kiến thức.
Ba ngày trước ngày thi
Trong ba ngày này, bạn hãy tập trung:
1. Xem lại tập ghi chép. Kiểm tra lại trí nhớ của mình với từng nội dung.
2. Xem lại nội dung các phần tóm tắt của mỗi chương để hệ thống lại kiến thức.
3. Thử liệt kê và trả lời câu hỏi có thể ra đề, dựa theo nội dung cuốn sách. Động tác này sẽ giúp bạn điều chỉnh đúng hướng nội dung ôn tập và tránh lạc đề.
4. Lên thư viện. Đây là “địa chỉ vàng” để tìm kiếm tài liệu và xem lại các bài thi, bài tự luận của các sinh viên trước đó.
5. Hỏi sinh viên các khóa trước để biết kinh nghiệm thi môn đó. Ngoài ra, trong ba ngày cuối cùng này, bạn cũng nên thư giãn để tạo cho mình tâm trạng vui vẻ, lạc quan - đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công cho mỗi kỳ thi.
Trước giờ G vài tiếng
Hãy đi ngủ sớm, đủ giấc, dậy đúng giờ, tập thể dục nhẹ nhàng - bài tập thể dục này sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn, hỗ trợ quá trình cung cấp oxy lên não, giúp bạn suy nghĩ linh hoạt, minh mẫn hơn. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập vài động tác thể dục đơn giản, đừng cố sức đến mệt nhoài.
Một bữa ăn nhiều đạm vào buổi sáng sẽ giúp đầu óc bạn tỉnh táo hơn và suy nghĩ cũng nhạy bén hơn. Đừng ăn quá no, chỉ cần vừa đủ!
Nên có mặt ở phòng thi sớm, khoảng thời gian này sẽ giúp bạn bình tĩnh, đồng thời tránh gặp phiền phức không đáng có. Kiểm tra giấy tờ tùy thân, dụng cụ làm bài và quan trọng nhất là hãy tự tin, tin rằng mình đã chuẩn bị rất tốt cho kỳ thi. Khi đã tự tin, bạn sẽ nhớ lại mọi thứ tốt hơn.
Cảnh giác với cạm bẫy do mình tự tạo ra
Hãy cảnh giác với những “cạm bẫy” mà bạn có thể tự tạo ra rồi đẩy mình vào:
- Trì hoãn: Để tới gần thi mới học, sẽ dễ “vô” hơn! Không hẳn thế đâu bạn. Có lẽ bạn đang bị ảnh hưởng bởi cách học thời phổ thông. Học đại học, đòi hỏi mức độ tư duy, suy luận cao hơn nhiều. Muốn thi tốt thì phải hiểu bài.
- Học tủ: Cách học này có thể sẽ khiến bạn bị “tủ đè”. Tiêu luôn đấy! Đa phần các câu hỏi thi đều đòi hỏi phải tư duy thêm nhiều, không thể học thuộc lòng được đâu.
- Trí nhớ: Cẩn thận khi bạn lạm dụng trí nhớ của mình và ỷ lại nó. Hãy dùng trí não thay vì trí nhớ. Bắt trí não của bạn hoạt động để hiểu bài tốt hơn chứ đừng biến nó thành một cái “máy chụp hình” chỉ để chụp lại các trang sách.
Giờ G đã điểm
- Sau khi nhận được đề thi nên đọc lướt để kiểm tra, dành 10 phút phân loại các câu hỏi rồi mới bắt tay vào làm.
- Sẽ có một thầy cô trực đề. Thầy cô đó sẽ đến từng phòng thi để kiểm tra xem các bạn có thắc mắc gì về câu hỏi hay không. Nếu cảm thấy câu nào không rõ nghĩa, bạn hãy đặt câu hỏi ngay.
- Phân bổ thời gian viết theo tỉ lệ điểm.
- Nếu điểm được phân bố đều nhau giữa các câu, thì câu dễ làm trước, câu khó làm sau.
- Gần hết giờ hãy kiểm tra thông tin và đọc lại bài một lần nữa, không nên vội vã nộp bài sớm.
- Sau khi nộp bài không nên bình luận hay bàn tán mà cần nhanh chóng nghỉ ngơi và ôn bài cho môn thi tiếp theo.
Tổng hợp từ Sinhvien,vn
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024