Kiểm soát quyền lực - từ quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam
MỞ ĐẦU
Nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, do vậy, với mục tiêu xóa bỏ xã hội áp bức, bóc lột, bất công, để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho con người, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã bàn và phân tích chỉ rõ về vấn đề quyền lực, nhất là, vấn đề kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay thực tiễn Việt Nam và thế giới đã và đang có nhiều biến đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, việc nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề quyền lực, kiểm soát quyền lực cần có quan điểm biện chứng để bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo phù hợp với ở nước ta.
NỘI DUNG
1. Quyền lực và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về kiểm soát quyền lực
1.1. Khái quát chung về quyền lực và kiểm soát quyền lực
Quyền lực là một phạm trù được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về quyền lực. Theo từ điển tiếng Việt, “Quyền lực là quyền định đoạt mọi công việc quan trọng về mặt chính trị và sức mạnh để bảo đảm việc thực hiện quyền lực ấy” [14, tr.815]. Tác giả Nguyễn Khắc Viện cho rằng, “Quyền lực là năng lực được một người, hay nhóm người sử dụng để buộc những cá nhân hay những nhóm người khác phải có một hành vi nhất định” [12, tr.105]. Tác giả Lưu Văn Sùng quan niệm, “quyền lực là mối quan hệ giữa các chủ thể hành động của đời sống xã hội, trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh, vị thế nào đó trong quan hệ xã hội” [13, tr.236].
Như vậy, đã có các quan niệm khác nhau về quyền lực, song theo nghĩa chung nhất, quyền lực là năng lực, khả năng của một tổ chức hay cá nhân tác động đến hành động, hành vi của người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương thức, phương tiện như quyền hành, cơ chế, chính sách, thể chế để một sự việc phải xảy ra hoặc một hành động phải được thực hiện.
Trong xã hội hiện đại, xuất phát từ yêu cầu cần có sự phối hợp các hoạt động mang tính liên hợp, nên quyền lực là của một tập hợp người cố kết lại với nhau trong một bộ máy quản lý trên cơ sở ủy quyền. Đó là quyền lực lãnh đạo, quản lý, quyền lực chủ thể quản lý với đối tượng quản lý nhằm phối hợp hành động của các cá nhân trong xã hội hướng đến thực hiện thành công mục tiêu chung. Khi một quốc gia, dân tộc hoạt động ổn định và dựa trên điều kiện lịch sử cụ thể, thì bộ máy quản lý nhà nước và cơ cấu phân chia quyền lực giữa các chức vụ, chức danh và vị trí việc làm trong bộ máy quản lý nhà nước được định hình. Mỗi chức vụ, chức danh, vị trí công tác trong bộ máy quản lý được phân chia một phạm vi quyền lực nhất định và giao cho một cá nhân cụ thể đảm nhiệm. Điều đó, dẫn đến cần phải thiết lập cơ chế kiểm soát hữu hiệu để người có quyền lực sử dụng một cách đúng đắn.
Kiểm soát quyền lực là khả năng phát hiện, ngăn ngừa và hạn chế các hành vi vượt quá giới hạn được ủy quyền của các chủ thể nắm quyền lực, buộc những người này phải thực hiện đúng mục đích mà chủ thể trao quyền đặt ra bằng các công cụ, thể chế hay cơ chế nhất định.
1.2. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền lực và kiểm soát quyền lực
Thứ nhất, quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin về quyền lực
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin, quyền lực là mối quan hệ xã hội, trong đó, cá nhân hay nhóm người này chi phối hành vi của cá nhân, nhóm người kia theo cách áp đặt, buộc họ phải phục tùng. Có hai loại quyền lực cần được phân biệt rõ: Một là, quyền lực chính trị là quyền lực do chính đảng của giai cấp công nhân nắm quyền lực nhà nước đề ra chủ trương, đường lối phát triển đất nước. Giai cấp này nắm được quyền lực nhà nước, bởi vì nó đại biểu cho quan hệ sản xuất thống trị. Hai là, quyền lực nhà nước là quyền lực công được các giai cấp trong xã hội chấp nhận dưới hình thức niềm tin tôn giáo hoặc ý thức về luật pháp; quyền lực trong các tổ chức kinh tế, xã hội khi mọi người cần phải hành động chung và phối hợp với nhau. Khi xã hội không còn giai cấp đối kháng, thì quyền lực của giai cấp thống trị sẽ mất đi. Ngược lại, khi nhà nước trong xã hội không còn phân chia thành các giai cấp đối kháng có tiêu vong, thì quyền lực trong tổ chức, quản lý xã hội sẽ không mất đi.
Bản chất quyền lực nhà nước, theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin đó là sự thống trị giai cấp. Trong xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, nhà nước là bộ máy quyền lực mà giai cấp thống trị sử dụng để buộc giai cấp bị trị phải tuân thủ ý chí của giai cấp mình. Điều đó, thể hiện ở việc duy trì quan hệ sản xuất có lợi cho giai cấp thống trị và sử dụng quyền lực nhà nước để xây dựng trật tự xã hội phù hợp với quan hệ sản xuất đó; đấu tranh giai cấp chính là đấu tranh giành quyền lực, tức là giành quyền điều hành nhà nước. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đã khẳng định, trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp là tất yếu khách quan và điều đó đã, đang được chứng minh bằng toàn bộ lịch sử phát triển tiến hóa của nhân loại. Quá trình này không phụ thuộc vào việc người ta có quan niệm như thế nào về nó. “Lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp...., những kẻ áp bức và những người bị áp bức, luôn luôn đối kháng với nhau, đã tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng, lúc công khai, lúc ngấm ngầm, một cuộc đấu tranh bao giờ cũng kết thúc hoặc bằng một cuộc cải tạo cách mạng toàn bộ xã hội, hoặc bằng sự diệt vong của hai giai cấp đấu tranh với nhau” [11, tr.596-597]. Khi đi sâu phân tích về quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước ở các nước tư bản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện những bất hợp lý trong tổ chức xã hội, trong sử dụng quyền lực và kiểm soát quyền lực của xã hội tư bản, từ đó, phát hiện và chỉ dẫn những định hướng chiến lược cho các Đảng Cộng sản trong lãnh đạo quần chúng làm cách mạng xây dựng một xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa, với giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về kiểm soát quyền lực
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, việc kiểm soát quyền lực nhà nước giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm phòng, chống sự lạm dụng quyền lực nhà nước và tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo cần phải có để tiến hành các công việc nhà nước. Trong quá trình lãnh đạo trong nhà nước Xô viết, V. I. Lênin đã thấy rõ thực tiễn nguy cơ tha hóa quyền lực nhà nước và ngay cả trong thời kỳ xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Quản lý nhà nước là do nhân dân ủy quyền, song những người được ủy quyền vẫn có nguy cơ chiếm quyền, lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, bộ máy nhà nước trở thành thiết chế đứng ngoài và đứng trên nhân dân. Điều đó, bởi vì, chủ nghĩa tư bản, sở hữu tư nhân và những nhu cầu tư lợi cá nhân vẫn tồn tại; trình độ dân trí thấp, chưa đủ sức kiểm soát quyền lực nhà nước. “… trong các tổ chức chính trị và công đoàn của chúng ta, viên chức bị hủ hóa (hay nói cho đúng hơn, có xu hướng bị hủ hóa) bởi hoàn cảnh tư bản chủ nghĩa; họ có xu hướng biến thành những người quan liêu, nghĩa là thành những nhân vật có đặc quyền, thoát ly quần chúng và đứng trên quần chúng” [7, tr.141]. Do vậy, để hạn chế sự tha hóa quyền lực của viên chức nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được thực hiện có hiệu quả cần phải thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Về cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài bộ máy nhà nước: Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác -Lênin nhấn mạnh đến việc nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước, phát huy dân chủ rộng rãi, lôi cuốn nhân dân tham gia vào các công việc của Đảng, của Nhà nước. Đây là cơ chế hữu hiệu để bảo đảm cho các cơ quan nhà nước hoạt động thực sự vì lợi ích và ý chí của người chủ mà họ được ủy quyền. Sau khi được ủy quyền cho cơ quan nhà nước, thì người dân vẫn phải có quyền kiểm soát bộ máy nhà nước đó, để không bị mất quyền, lạm quyền. Nhân dân có quyền kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết, phải có quyền lựa chọn người đại diện thực sự xứng đáng để họ tin cậy ủy quyền cho mình “Quần chúng phải có quyền được tự mình cử ra những người lãnh đạo có trách nhiệm... Quần chúng phải có quyền được đề bạt trong nội bộ của họ bất kỳ một công nhân nào lên phụ trách chức vụ lãnh đạo” [8, tr.192]. Tuy nhiên, quyền bầu cử lựa chọn những người đại diện cho nhân dân chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn quyền đó với quyền bãi miễn những đại biểu mà họ thấy không còn xứng đáng, không còn là đại diện thực sự cho lợi ích và nguyện vọng của họ nữa.
Để nhân dân có thể thực hiện quyền bầu cử và bãi miễn những đại biểu của mình, thì vấn đề quan trọng là nhân dân phải kiểm soát được hoạt động của những người đại diện cho mình. “Quần chúng phải có quyền được thay đổi những người lãnh đạo của mình, phải có quyền được hiểu rõ và kiểm tra mỗi bước nhỏ nhất trong hoạt động của những người đó” [8, tr.192]. Theo V.I.Lênin để kiểm soát được hoạt động của cán bộ, công chức nhà nước, cần phải thành lập những cơ quan chuyên trách về thanh tra để theo dõi, giám sát hoạt động của họ. Những cơ quan thanh tra này có thể là tổ chức thanh tra của quần chúng “Thu hút toàn bộ quần chúng lao động, nam giới và đặc biệt là phụ nữ, để họ tham gia vào Ban Thanh tra công nông” [9, tr.74]. Đồng thời, các cơ quan thanh tra của nhà nước cũng cần có sự tham gia, phối hợp của nhân dân và cần phải thường xuyên tiếp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phải xây dựng “quy chế về ngày giờ mở cửa tiếp công chúng cần phải được yết thị ở từng cơ quan”; phải làm sao để người dân được tạo thuận lợi, dễ dàng trong việc giám sát các đảng viên, các cơ quan công quyền một cách “tự do, không cần có giấy phép” và “không mất tiền”. Thậm chí, để nhân dân đề đạt được những ý kiến, kiến nghị của mình tới các cơ quan cấp trên, thì các cơ quan tư pháp, kiểm tra nhà nước có thể hỗ trợ nhân dân bằng cách viết đơn hộ không lấy tiền cho những người không biết chữ...
Về việc kiểm soát quản lý nhà nước trong nội bộ, giữa các nhánh quản lý nhà nước với nhau: Các cơ quan tư pháp được quyền kiểm soát hoạt động ban hành các đạo luật, nghị quyết, quyết định hành chính của các cơ quan dân cử (Quốc hội, hội đồng nhân dân ở địa phương) và cơ quan hành pháp. “Ủy viên công tố chịu trách nhiệm làm sao cho bất cứ quyết định nào của bất cứ một cơ quan hành chính địa phương nào cũng không được đi ngược lại pháp luật, và chỉ có trên quan điểm đó, ủy viên công tố mới có trách nhiệm kháng nghị đối với mọi quyết định ngược với pháp luật; nhưng làm như thế, ủy viên công tố không có quyền đình chỉ việc thi hành quyết định, mà chỉ có trách nhiệm dùng những biện pháp cần thiết để làm cho sự nhận thức về pháp chế được hoàn toàn nhất trí trong toàn nước cộng hòa” [10, tr.233-234]. Thông qua cơ chế này, cơ quan công tố có thẩm quyền kiểm tra, giám sát hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quyết định hành chính của các cơ quan nhà nước khác, bao gồm cả cơ quan thuộc nhánh lập pháp và hành pháp. Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực của nhánh tư pháp đối với lập pháp và hành pháp.
Ở đây, V.I.Lênin đưa ra định hướng là giữa các cơ quan nhà nước cần có sự kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Song, mới chỉ nói đến cơ quan tư pháp kiểm soát hoạt động của cơ quan hành pháp, lập pháp, ngược lại, cơ chế kiểm soát của cơ quan lập pháp và hành pháp đối với cơ quan tư pháp thì chưa được nêu ra cụ thể.
Theo V.I.Lênin điều kiện để đảm bảo tính hiệu lực trong kiểm soát quyền lực nhà nước là phải đảm bảo tính độc lập, đủ quyền lực của các chủ thể kiểm soát đối với các đối tượng kiểm soát. Để đảm bảo tính độc lập đó, trước hết, phải có sự phân công quyền lực, giao nhiệm vụ một cách độc lập, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước. Nếu cơ quan tư pháp lại thực hiện những nhiệm vụ hành chính, thì không thể kiểm soát các cơ quan hành chính được “Viện kiểm sát, trong khi làm công việc kiểm sát của mình, không có bất cứ một quyền hành chính nào, nó không có quyền biểu quyết trong bất cứ một vấn đề nào thuộc phạm vi hành chính. Ủy viên công tố có quyền và có bổn phận chỉ làm một công việc mà thôi, tức là: làm thế nào cho trong toàn nước cộng hòa có một sự nhận thức thật sự nhất trí về pháp chế dù là ở các địa phương có những đặc điểm và có những ảnh hưởng thế nào chăng nữa” [10, tr.232-233]. Để đảm bảo tính độc lập của chủ thể kiểm soát với đối tượng kiểm soát, thì phải tránh sự kiêm nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vì, nếu đại biểu trong cơ quan lập pháp lại kiêm nhiệm các chức vụ trong cơ quan hành pháp, tư pháp thì cũng rất khó để cơ quan lập pháp có thể kiểm soát hoạt động của cơ quan hành pháp, tư pháp. Thực tế, “Kỳ họp của Ban chấp hành trung ương các Xô-viết toàn Nga đã cho thấy rõ sự sai lầm trong việc xếp đặt thành phần của Ban chấp hành trung ương các Xô-viết toàn Nga. Đại đa số các ủy viên của Ban chấp hành trung ương đều là những người giữ chức vụ” [10, tr.238]; cần phải tăng đại biểu chuyên trách, những người không giữ bất cứ chức vụ nào trong cơ quan nhà nước tham gia vào các Xô viết, cơ quan lâp pháp “Thừa nhận là cần phải đảm bảo ít nhất 60% thành viên của Ban chấp hành trung ương các Xô- viết toàn Nga là công nhân và nông dân, những người này không giữ một chức vụ nào trong cơ quan xô-viết toàn Nga; ít nhất 67% thành viên của Ban chấp hành trung ương các Xô-viết toàn Nga phải là đảng viên cộng sản” [10, tr.238]. Có đảm bảo được tính độc lập này mới đảm bảo được tính khách quan và hiệu quả trong hoạt động của các chủ thể kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền lực và kiểm soát quyền lực vào thực tiễn Việt Nam
Thứ nhất, xác định tầm quan trọng cần phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.
Việc kiểm soát quyền lực trước hết là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Bởi vậy, ngay từ khi mới thành lập và trong giai đoạn hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cao quan điểm quyền lực thuộc về đông đảo nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong Chánh cương vắn tắt thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (tháng 02 năm 1930) đã nêu rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông...” [6, tr.19]. Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo năm 1930 cũng nêu rõ: Mục tiêu của “tư sản dân quyền cách mạng thì một mặt là phải đấu tranh để đánh đổ các di tích phong kiến, đánh đổ các cách bóc lột theo lối tiền tư bổn và để thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập... Và điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường lối chính trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng... Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp, lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin là gốc...” [6, tr.28-29]. Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (02/1951) một lần nữa khẳng định: “Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, đánh đổ bọn bù nhìn Việt gian phản nước, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất...; phát triển chế độ dân chủ nhân dân, gây mầm mống cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Động lực của cách mạng Việt Nam là nhân dân, chủ yếu là công nông. Giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân” [6, t r.53-54]. Trong đó, liên minh công nông được xác định là nền tảng đoàn kết dân tộc, chỗ dựa và sức mạnh của quyền lực nhà nước. Như vậy, ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định rõ cơ chế thực thi quyền lực là Đảng lãnh đạo, Nhà nước đại diện cho nhân dân lao động giữ quyền quản lý đất nước.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước mới có điều kiện thiết lập từng bước thể chế thực thi quyền lực dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tại Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định “Chúng ta đã xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội” [2, tr.443]. “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động” [1, tr.29]. Đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” là một trong số những mối quan hệ lớn cần phải nắm vững và giải quyết trong quá trình thực hiện phương hướng xây dựng và phát triển đất nước. Việc giải quyết mối quan hệ này, thực chất cũng là thực hiện cơ chế tổng thể về quản lý xã hội, giám sát quyền lực chính trị, nhằm mục đích bảo đảm sự phát triển bền vững của chế độ xã hội.
Đại hội lần thứ XI của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ cấp thiết phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Nghiên cứu xây dựng, bổ sung các thể chế và cơ chế vận hành cụ thể để đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” [3, tr.247]. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay thực chất cũng là quá trình hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, nhất là kiểm soát giữa các nhánh quyền lực. Đại hội XII của Đảng tiếp tục “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất” [4, tr.176]. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng và Nhà nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nạn tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp; các hiện tượng lộng quyền, lạm quyền, vi phạm quyền dân chủ, chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; “Cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ. Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn...” [5, tr.89]. Điều đó, khẳng định yêu cầu bức thiết của việc hoàn thiện nhằm đảm bảo vận hành hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước để khắc phục và hạn chế tối đa những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Thứ hai, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài và bên trong bộ máy nhà nước.
Một là, đối với cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài bộ máy nhà nước.
Nhận thức và tư duy của Đảng thời kỳ đổi mới đã đặt cơ sở lý luận cho việc hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài - kiểm soát của nhân dân đối với việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài bộ máy nhà nước được thể hiện ở việc ghi nhận quyền bầu cử và bãi miễn của nhân dân đối với các đại biểu của mình. Đây là một trong những quyền cơ bản của công dân nhằm phát huy dân chủ và đảm bảo sự kiểm soát quyền lực của nhân dân đối với việc tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Song, thực tế ở nước ta mới chỉ có quyền bầu cử của nhân dân được đảm bảo thực hiện, còn quyền bãi miễn của nhân dân vẫn chưa được bảo đảm thực hiện, bởi vì, những quy trình để thực hiện quyền này ở nước ta vẫn còn khá nhiều phức tạp.
Việc vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quyền kiểm tra hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước thông qua các cơ quan thanh tra của nhân dân hoặc tham gia phối hợp với các cơ quan nhà nước vào thực tiễn cho thấy, ở nước ta đã có thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư ở cộng đồng…. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cơ chế kiểm soát này, thì cần phải đa dạng hóa các biện pháp, hình thức kiểm soát của nhân dân đối với hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước như: Thông qua quyền bầu cử, quyền bãi miễn đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, hoặc đến các phòng tiếp công dân, gửi đến các kiến nghị đến chính cơ quan nơi cán bộ công tác, khiếu kiện lên cơ quan tư pháp để họ tham gia khi có dấu hiệu vi phạm, thông qua các tổ chức báo chí.... Trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên ngoài, chủ nghĩa Mác - Lênin chủ yếu nhấn mạnh đến chủ thể thực hiện quyền này là nhân dân. Do vậy, ở nước ta cần tiếp tục có sự bổ sung, phát triển về cơ chế kiểm soát của các chủ thể bên ngoài đối với quyền lực nhà nước là Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội.
Hai là, đối với cơ chế kiểm soát quyền lực bên trong bộ máy nhà nước.
Những quan điểm, định hướng về kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước ở nước ta trong thời gian qua đã thể hiện rõ sự vận dụng, phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Điều đó, được thể hiện ở nước ta đã quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong bộ máy nhà nước. Xác định rõ cơ chế kiểm soát, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực trong quá trình tổ chức, thực thi quyền lực nhà nước. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát của Quốc hội đối với hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, nhất là với Chính phủ; thiết lập cơ chế kiểm soát của cơ quan hành pháp đối với các cơ quan lập pháp và cơ quan tư pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp. Viện Kiểm sát nhân dân đã thực hiện khá tốt việc kiểm soát thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp bộ và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đến Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 thì Viện Kiểm sát không còn thẩm quyền kiểm soát chung nữa. Đặc biệt, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, quyền tư pháp được xác định là quyền xét xử do Tòa án nhân dân thực hiện thì vai trò kiểm soát quyền lực của tư pháp đối với các cơ quan nhà nước khác chủ yếu thuộc về Tòa án nhân dân. Do vậy, hiện nay vẫn chưa có cơ chế nào thể hiện vai trò của Viện Kiểm sát nhân dân trong việc kiểm soát quyền lập pháp và hành pháp. Đồng thời, đối với vai trò kiểm soát quyền lực của cơ quan hành pháp đối với quyền lực lập pháp và tư pháp cũng chưa có những định hướng cụ thể. Đến nay, nước ta vẫn chưa xây dựng được cơ chế để đảm bảo kiểm soát quyền lực của cơ quan hành pháp đối với quyền lập pháp và tư pháp. Ngoài quyền đề xuất, xây dựng và trình chính sách đối với Quốc hội, thể chế pháp lý chưa có quy định nào cho thấy sự tác động trở lại của Chính phủ đối với Quốc hội. Do vậy, đây là những vấn đề lớn đặt ra về mặt lý luận và thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để có sự bổ sung, vận dụng cho phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta cũng có nhiều điểm vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chẳng hạn, đối với vai trò kiểm soát của cơ quan lập pháp đối với quyền lực hành pháp và quyền tư pháp, mặc dù chưa được đề cập và bàn luận chi tiết, song nước ta cũng đã xây dựng được những cơ chế cụ thể về kiểm soát này thông qua những hình thức giám sát của cơ quan quyền lực (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp) đối với cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp và thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh trong bộ máy hành pháp và tư pháp do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Cơ chế kiểm soát này vẫn đang vận hành trong thực tiễn, vì vậy cần phải tiếp tục được nghiên cứu để đổi mới, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn để nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp đối với quyền hành pháp và tư pháp.
Thứ ba, vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về điều kiện để đảm bảo tính hiệu lực trong kiểm soát quyền lực nhà nước.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, yêu cầu, điều kiện để đảm bảo tính hiệu lực trong kiểm soát quản lý nhà nước, đó là, đảm bảo tính độc lập, đủ quyền lực của các chủ thể kiểm soát đối với các đối tượng kiểm soát. Vì vậy, trước hết, phải hạn chế việc các đại biểu thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan lập pháp lại kiêm nhiệm các chức vụ trong cơ quan hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, trong thực tiễn tổ chức bộ máy nhà nước ở nước ta chưa thực sự đảm bảo được yêu cầu này. Thực tế, cơ cấu đại biểu trong các cơ quan dân cử ở nước ta cho thấy, tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách còn ít, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp còn nhiều tạo ra tâm lý nể nang, né tránh trong hoạt động kiểm soát quyền lực. Số đông đại biểu kiêm nhiệm các chức vụ trong bộ máy hành chính nhà nước dẫn tới sự chồng chéo, thiếu khách quan và độc lập trong kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước.
Có thể nói, những yêu cầu, điều kiện đảm bảo tính hiệu lực của kiểm soát quyền lực nhà nước là đảm bảo tính độc lập giữa chủ thể và đối tượng kiểm soát quyền lực nhà nước mà chủ nghĩa Mác - Lênin đưa ra là rất đúng đắn. Tuy nhiên, việc vận dụng vào thực tiễn ở nước ta hiện nay vẫn cần tiếp tục có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp.
KẾT LUẬN
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đề cập tới những vấn đề khái quát và toàn diện về kiểm soát quyền lực nhà nước; tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực nhà nước; cơ chế, điều kiện đảm bảo tính hiệu lực kiểm soát quyền lực nà nước. Điều đó, hiện nay vẫn là những định hướng có giá trị quan trọng đối với việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về kiểm soát quyền lực cần có sự kế thừa có chọn lọc, để bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, Hà Nội.
[6]. Lê Mậu Hãn (2000), Các đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7]. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Tập 33, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[8]. V.I. Lênin (2005), Toàn tập, Tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[9]. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Tập 40, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[10]. V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[11]. C.Mác và Ph. Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[12]. Dương Xuân Ngọc (chủ biên) (1999), Chính trị học đại cương, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[13]. Viện Khoa học chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2004), Tập bài giảng Chính trị học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
[14]. Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê (Chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng.
TS Phan Thị Hồng Duyên
ThS Phan Thị Thu Nhài
Trường Đại học Hoa Lư - Ninh Bình
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024