Khoa Luật học tổ chức Hội thảo khoa học về “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”
(LSVN) - Sáng ngày 04/11/2023 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Vinh và Tòa án Quân sự Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học về : “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”. Làm rõ cơ sở lý luận về quyền tư pháp và độc lập tư pháp gắn với thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử của Tòa án là một nhu cầu cấp bách trong yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
GS.TS. Nguyễn Huy Bằng – Hiệu trưởng trường Đại học Vinh.
Về dự Hội thảo có Trung tướng PGS.TS Trần Đình Nhã, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh Quốc hội; Trung tướng PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương; GS.TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội; GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Chuyên gia pháp lý, Giảng viên cao cấp Trường đại học Tôn Đức Thắng; cùng đông đảo các nhà khoa học đầu ngành, những người đang công tác tại Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, các Luật sư, giáo viên các trường đại học trong cả nước và sinh viên.
GS.TS Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo có 27 bài tham luận có chất lượng, nhiều thông tin mới, đặt ra nhiều vấn đề thực tiễn và lý luận về nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Có nhiều bài tham luận được nhiều người về dự quan tâm, tiểu biểu như tham luận của PGS.TS Trần Văn Độ về “Các mô hình và vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự Việt Nam”, phân tích các mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng xét hỏi, rút ra những yếu tố đặc trưng của các mô hình tố tụng này. Bài tham luận cũng đưa ra đánh giá những điểm tích cực, hạn chế của mô hình tố tụng tranh tụng, cũng như mô hình tố tụng xét hỏi. Trên cơ sở đó tác giả đã đưa ra kiến nghị tiếp thu những nội dung tích cực, hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng vào tố tụng hình sự Việt Nam nhằm hoàn thiện, đảm bảo pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Trung tướng PGS.TS Trần Đình Nhã, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh Quốc hội phát biểu tham luận những vấn đề lý luận và thực tiễn trong thực hiện nguyên tắc trang tụng trong xét xử hiện nay.
GS. TS Nguyễn Đăng Dung, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tham luận: “Bước chuyển đổi tố tụng thẩm vấn sang tố tụng tranh tụng”. Ông cho rằng, đổi mới hệ thống tư pháp của Việt Nam phải tiếp thu những mặt tích cực của hệ thống pháp luật, trong đó có nguyên tắc tranh tụng, lộ trình từng bước, ở giai đoạn đầu tiên phải có sự phối hợp giữa tố tụng thẩm vấn, xét hỏi với tố tụng tranh tụng.
TS. Đinh Văn Liêm, Khoa Luật, Trường KHXH và NV, Trường Đại hoc Vinh nêu lên những mô hình tố tụng hình sự trên thế giới. Mô hình tố tụng hình sự là yếu tố cốt lõi của hoạt động tố tụng hình sự, các mô hình tố tụng hình sự khác nhau đó là cách thức tổ chức và hoạt động tố tụng hình sự để hướng tới nhiệm vụ đi tìm sự thật của vụ án. Lựa chọn mô hình tố tụng phù hợp thúc đẩy nền tố tụng minh bạch, công bằng bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đại tá, ThS Đặng Văn Phượng, Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 4 “Đề cập vai trò điều khiển hoạt động tranh tụng của Tòa án tại phiên Tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự”.
Theo đó, để hoạt động tranh tụng tại phiên tòa có hiệu quả, chất lượng đòi hỏi chủ thể điều hành phiên tranh tụng phải thật sự mềm dẻo, nắm chắc hồ sơ vụ án và linh hoạt trong các tình huống. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định nhiều vấn đề quan trọng nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng cũng như điều khiển tranh tụng của Tòa án và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao kết quả của hoạt động này.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trong hoạt động xét xử án hình sự một nguyên tắc trụ cột có ý nghĩa quyết định đến kết quả giải quyết vụ án hình sự. Người bị buộc tội bị kết án về một tội danh, nhiều tội danh và phải chịu một mức hình phạt được qui định trong Bộ luật Hình sự hay không phụ thuộc vào chứng minh tội phạm thông qua kết quả tranh tụng tại Tòa. Thông qua phiên Tòa hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời thực thi cơ chế đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Với tầm quan trọng đó Đảng ta ban hành nhiều nghị quyết về cải cách tư pháp, trong đó chú trọng đến nguyên tắc tranh tụng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện nguyên tắc này còn gặp nhiều trở ngại từ phía cơ quan và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Luật sư đề xuất 8 kiến nghị như: Bắt buộc phải ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tất cả các buổi lấy lời khai, bị can được quyền đọc, ghi chép tài liệu bản sao sau khi kết thúc điều tra, bị cáo không có người bào chữa và không thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa, thì cơ quan tiền hành tố tụng nhất là Tòa án phải đảm bảo bị cáo được tiếp cận đầy đủ chứng cứ buộc tội, vô tội trước khi mở phiên Tòa, xây dựng cơ chế đảm bảo cho người bào chữa được thực hiện đầy đủ các quyền được quy định tại Điều 73 Bộ luật TTHS và có chế tài đối với những trường hợp cản trở hoạt động người bào chữa.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm, ghi nhận thành công của cuộc Hội thảo.
Đa số các tham luận cho rằng, thực hiện nguyên tắc trong tranh tụng xét xử là rất cần thiết, nhưng có nhiều vấn đề mới cả lý luận và thực tiễn do đó thực hiện cũng phải có lộ trình. Bởi chúng ta đội ngũ Luật sư đang còn thiếu về số lượng và chất lượng còn hạn chế, đội ngũ trợ giúp pháp lý đang còn yếu.
Các đại biểu đều thấy cuộc Hội thảo có nhiều bổ ích làm rõ sự tiến bộ của mô hình tố tụng tranh tụng, trong tình hình hiện nay ở nước ta cần thiết phải kết hợp 2 mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng xét hỏi, thẩm vấn.
HẢI HƯNG
- Vấn đề xây dựng văn hóa công sở ở Việt Nam hiện nayKhoa Chính trị và Báo chí26/03/2025
- Giới thiệu 2 Ngành Đào tạo trình độ Đại học tại Khoa Luật học - Trường KHXH&NV năm 2025Đào tạo26/03/2025
- Chào mừng 94 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025)Khoa Luật Kinh tế26/03/2025
- Tọa đàm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3Đào tạo25/03/2025
- Chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt NamĐào tạo24/03/2025
- Thư chúc mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 của Bộ trưởng Bộ Y tế gửiĐào tạo24/03/2025
- Quy định của pháp luật Việt Nam về cầm cố tài sản và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luậtNghiên cứu khoa học24/03/2025
- Pháp luật về trao đổi thông tin thuế xuyên biên giới đối với hoạt động hoạt động thương mại điện tửNghiên cứu khoa học21/03/2025