Hình thức biểu hiện của văn hóa chính trị
Văn hóa trong chính trị có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, tiêu biểu là tri thức chính trị, ý thức chính trị, năng lực hành động chính trị. Thông qua các hình thức biểu hiện này có thể thấy được năng lực, phẩm chất, sự tu dưỡng, rèn giũa, bản lĩnh và năng lực chính trị của một cá nhân, tổ chức, đảng phái chính trị nhất định.
Trước tiên, văn hóa trong chính trị biểu hiện ở tri thức chính trị của lãnh tụ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Tri thức chính trị là những kiến thức lý luận và thực tiễn về nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, văn hóa, nghệ thuật quân sự đến địa - chính trị, địa - kinh tế, tri thức về tổ chức, tập hợp, đoàn kết, quản trị, lãnh đạo, điều hành hoạt động chính trị. Đây là nhân tố không thể thiếu, đóng vai trò định hướng cho hoạt động thực tiễn, nhất là đối với đảng chính trị cầm quyền. Người làm chính trị mà yếu và thiếu tri thức chính trị thì sẽ giống như nhắm mắt mà dò dẫm đường đi.
Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào hay trong bất cứ thể chế chính trị nào, văn hóa chính trị cùng với văn hóa đạo đức trong sáng luôn tạo nên sức mạnh, bảo đảm sự chính danh của đảng chính trị lãnh đạo và cầm quyền. Đối với một chế độ chính trị mà tất cả đều thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thì văn hóa chính trị tiến bộ là một bảo đảm cho sự bền vững lâu dài của chế độ đó. Về điều này, lịch sử xã hội loài người đã cho thấy, văn hóa đạo đức, đặc biệt là văn hóa chính trị tiến bộ, có thể góp phần củng cố sự bền vững của chế độ, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Bởi vậy, việc trang bị tri thức chính trị, giáo dục văn hóa chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách để xây dựng một xã hội đề cao các giá trị dân chủ, pháp quyền, công bằng, nhân văn; xây dựng quốc gia hùng cường, văn minh, phát triển; nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Thứ hai, văn hóa trong chính trị biểu hiện ở ý thức chính trị. Ý thức chính trị phản ánh trình độ hiểu biết, nhận thức của cá nhân, tổ chức chính trị về quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp, về vấn đề nhà nước, hệ thống chính trị, lý tưởng của các đảng phái trong một xã hội; thể hiện quan điểm, mục tiêu, bản chất của một chế độ xã hội. Văn hóa chính trị được phản ánh trung thực thông qua ý thức chính trị của mỗi cá nhân trong xã hội (bao gồm ý thức chính trị thường ngày và ý thức chính trị lý luận).
Ý thức chính trị thường ngày được hình thành qua sự từng trải hằng ngày của mỗi người, tuy chưa phản ánh sâu sắc các quan hệ giai cấp và lợi ích giai cấp trong xã hội, song làm tăng thêm vốn hiểu biết, kinh nghiệm hoạt động chính trị của con người. Một yêu cầu tiên quyết được đặt ra đối với cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là cần có ý thức chính trị ở trình độ lý luận cao, đó là kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; bản lĩnh, không được phép phai nhạt lý tưởng cách mạng, không mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin vì bất cứ lý do gì. Các cán bộ phải nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa chính trị trong thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong điều kiện quốc tế phức tạp, khó lường hiện nay, ý thức chính trị đòi hỏi các cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị của chúng ta phải nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; và đặc biệt, mối quan hệ mới được bổ sung tại Đại hội XIII là “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”[1]. Ý thức chính trị ấy sẽ đóng vai trò định hướng đúng đắn, hướng dẫn những bước đi phù hợp cho các hành vi và hành động chính trị có văn hóa, phù hợp với lý tưởng cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ý thức chính trị luôn gắn với niềm tin chính trị và tình cảm chính trị. Niềm tin chính trị được hình thành và củng cố dựa trên cơ sở kinh nghiệm chính trị, tri thức chính trị, tình cảm chính trị và lý tưởng chính trị, là yếu tố giúp cho con người có sức mạnh, vững vàng, kiên trì lý tưởng và vượt qua những thời điểm khó khăn. Chủ thể chính trị củng cố tình cảm chính trị, lý tưởng chính trị và đạo đức của mình để hình thành hành động chính trị. Do đó, niềm tin chính trị là nhân tố cốt lõi, quyết định bảo đảm cho sự ổn định, sự kiên định, vững vàng về tư tưởng chính trị của một con người. Kinh nghiệm chính trị cùng với tri thức chính trị và niềm tin chính trị góp phần bổ sung, hoàn thiện, thúc đẩy và phát triển khả năng hành động chính trị thực tiễn của cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Văn hóa trong chính trị biểu hiện ở năng lực hành động chính trị. Trên cơ sở các quan điểm, chủ trương, đường lối đã đề ra, các đảng chính trị hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối ấy bằng hành động cụ thể, thiết thực; qua đó, thể hiện bản chất của chế độ xã hội, đồng thời thể hiện văn hóa của cá nhân, tổ chức chính trị nhất định. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động của Đảng đều đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, hướng tới mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng ta luôn nhất quán quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, là nhân tố cốt lõi làm nên giá trị của chủ nghĩa xã hội. Do đó, mọi hoạt động của Đảng đều được soi đường bởi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Các cán bộ, đảng viên ở các cấp trong hệ thống chính trị thường xuyên trau dồi, nâng cao khả năng tư duy khoa học, không ngừng bổ sung những kiến thức mới về các khoa học cơ bản, lý luận chính trị - xã hội, nhất là văn hóa chính trị Hồ Chí Minh; thấm nhuần, tiếp thu, vận dụng linh hoạt các giá trị trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, trong đó có tu dưỡng đạo đức cách mạng, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân tiêu cực, hình thành văn hóa ứng xử khoan dung, nghiêm khắc với bản thân mình, rộng lượng với người khác. Việc cán bộ các cấp không biết “luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình”, không biết cách tự phê bình và phê bình, không biết rút kinh nghiệm trong hoạt động chính trị, trong thực thi chính sách để điều chỉnh chính sách và cách thực thi chính sách cho phù hợp thì sẽ rất khó thành công, thậm chí khó tránh khỏi thất bại.
Như vậy, văn hóa chính trị biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Những hình thức biểu hiện này cũng chính là những yếu tố cốt lõi làm nên văn hóa chính trị của cán bộ trong hệ thống chính trị; gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau tạo thành phẩm chất, nhân cách, thúc đẩy năng lực hành động chính trị của các cá nhân, tổ chức chính trị, từ đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chính trị đã đề ra./.
Nguồn: Biên tập từ Tạp chí Cộng sản số ra ngày 22/4/2024
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, tập 1, tr.39
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024