GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC VÀ NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ KINH TẾ XANH, DƯỚI GÓC ĐỘ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Tóm tắt: Các quốc gia và toàn cầu hiện nay đang đối diện với những hậu quả của việc phát triển không bền vững đối với môi trường - hậu quả của mô hình Kinh tế nâu. Trước tình hình đó, Kinh tế xanh là nền kinh tế hiện nay đang được đa số các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, lựa chọn để khẳng định vai trò tích cực trong việc vừa mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Bài viết tập trung nghiên cứu làm rõ quan điểm về kinh tế xanh, khẳng định sự cần thiết và phân tích những nội dung cụ thể của truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh, dưới góc độ bảo vệ môi trường.
Từ khóa: truyền thông, giáo dục, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.
Abstract: Countries and the world today are facing the consequences of unsustainable environmental development - as a result of brown economy model. Accordingly, the green economy has currently been chosen by the majority of countries in the world including Vietnam as for its active role in both bringing welfare, social justice and reducing environmental risks and ecological degradation. This paper focused on clarifying views on green economy, affirming the need and analyzing specific contents of communication, education and awareneess raising about green economy, regarding environment protection.
Keywords: communication, education, green economy, environment protection.
Khái niệm Kinh tế xanh đã được nhiều tổ chức nghiên cứu và đưa ra quan điểm khác nhau như: “Kinh tế xanh là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng” (Liên minh Châu Âu - EU); “Kinh tế xanh là nền kinh tế tạo ra chất lượng cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người trong giới hạn sinh thái của Trái đất” (Liên minh Kinh tế xanh); “Kinh tế xanh là nền kinh tế mà tăng trưởng kinh tế và trách nhiệm môi trường đi đôi với nhau và tương hỗ cho nhau, đồng thời hỗ trợ quá trình phát triển xã hội” (Phòng Thương mại Quốc tế - ICC); “ Kinh tế xanh là nền kinh tế hướng tới việc giảm các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế tới môi trường và xã hội (Ủy ban các vấn đề Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc - UNDESA); “Kinh tế xanh là nền kinh tế mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái” (Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP)[1].
Tất cả các quan điểm về kinh tế xanh trên đây về bản chất có thể thấy đều xoay quanh vấn đề chủ yếu sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt các vấn đề về xã hội. Từ đó, có thể thấy, một trong những nội dung trụ cột của kinh tế xanh đó là, bên cạnh phát triển kinh tế là yêu cầu về chất lượng công tác gìn giữ và bảo vệ môi trường.
Ở nước ta, để khẳng định rõ hơn, Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 10 năm 2021 về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 cũng đã đưa ra định nghĩa về Kinh tế xanh là “nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm.”[2]
Có thể thấy, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã và đang được quan tâm và có sự chuyển biến tích cực hơn trong hoạt động quản lý của Đảng và Nhà nước, thể hiện là chủ đề nóng trong các chương trình nghị sự quốc gia, đặt dưới góc độ hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Tuy nhiên, nội dung công tác bảo vệ môi trường là một chủ đề rộng và liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy, các hoạt động tiêu cực liên quan đến bảo vệ môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường vẫn còn tồn tại trên nhiều hoạt động, đối tượng và với quy mô khác nhau: Vẫn còn tồn tại các hành vi vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, đặc biệt tại các khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông và khu vực vùng ven biển; Tình trạng khai thác tài nguyên trái phép hoặc lạm quyền, trái quy hoạch, không đảm bảo tính bền vững gây thiệt hại về môi trường thiên nhiên; Số vụ phá rừng, kinh doanh, vận chuyển và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn ngày càng tăng với thủ đoạn, động cơ tinh vi và phức tạp hơn.
Trước thực trạng đó, yêu cầu xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.
2. Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh trong kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030
Trên cơ sở Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022, Thủ tướng chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh bao gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể, trong đó bao gồm các chủ đề đáng lưu ý[3]: Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Bình đẳng trong chuyển đổi xanh; Năng lượng; Công nghiệp; Giao thông vận tải và dịch vụ logistics; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quản lý chất thải; Quản lý chất lượng không khí; Quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất đai, đa dạng sinh học, phát triển kinh tế biển xanh; Tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững; Y tế; Du lịch.
Trong 18 nhóm chủ đề đều bao gồm các nhiệm vụ, hoạt động và được phân chia thành các nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Trong đó, có thể thấy chủ đề quan trọng gần như đóng vai trò quyết định trong sự thành công của kế hoạch hành động tăng trưởng xanh sẽ liên quan đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức cũng như công tác truyền thông về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh để đảm bảo việc thực hiện thành công kế hoạch tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021 - 2030.
Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh là một trong những nhiệm vụ đầu tiên và cơ bản để đặt nền tảng cho chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Nhờ có các hoạt động này mới có thể hình thành, phát triển được nhận thức và ý thức của các cá nhân, tổ chức tham gia trong quá trình hành động vì tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. Mục đích của Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về kinh tế xanh là nhằm chuyển tải, chia sẻ thông tin và định hình cho đối tượng tiếp nhận về nội hàm của tăng trưởng xanh, vai trò và ý nghĩa cũng như sự cần thiết của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh trong bối cảnh hiện nay, để từ đó hình thành nhận thức và ý thức cho các đối tượng tiếp nhận nhằm tạo cơ sở để thực hành kinh tế xanh một cách tốt hơn.
Nội dung của chủ đề Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức bao gồm: 2 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 3 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể.
2.1. Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là: Xây dựng hệ thống các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh gắn với các giá trị văn hóa truyền thống
Khái niệm Chuẩn mực, Giá trị
Theo Từ điển tiếng Việt: “Chuẩn mực trước hết là hệ thống các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội, do chính các thành viên của xã hội đặt ra nhằm định hướng cho hành vi của mỗi cá nhân. Chuẩn mực đã thành hệ thống và được đặt ra làm mục tiêu, làm đích hướng tới của các cá nhân sống và làm việc trong đó[4].
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: Giá trị là những đánh giá của con người về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay đó chính là những cái được con người cho là chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và nâng cao bản chất người. Một khi những nhận thức giá trị ấy đã hình thành và định hình thì nó chi phối cách suy nghĩ, niềm tin, hành vi, tình cảm của con người.[5]
Giá trị văn hóa truyền thống là gì?
“Giá trị văn hóa truyền thống chính là kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua các thời đại lịch sử khác nhau của dân tộc để làm nên bản sắc riêng, được truyền lại cho các thế hệ sau và cùng với thời gian, cùng với sự tiến triển của lịch sử sẽ được bổ sung bằng các giá trị mới”[6]
Văn hóa sống xanh, lối sống xanh là gì?
Lối sống xanh được hiểu là sự nỗ lực của con người trong xã hội hiện nay để có thể cân bằng giữa việc bảo tồn và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống và đa dạng sinh học của Trái đất với văn hóa và cộng đồng con người[7].
Những người ủng hộ lối sống bền vững đều hiểu rằng con người không thể sống tách biệt hay không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải nghĩ đến việc xây dựng một lối sống phù hợp với thiên nhiên thay vì tìm cách chống lại mà không thể tránh khỏi những thiệt hại về lâu dài hoặc thậm chí không thể phục hồi được. Vì vậy, điều đó thực sự cần thiết phải có các định hướng cần thiết trong việc xây dựng các chuẩn mực, quy tắc hành vi, ứng xử trong việc thực hiện giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường cả hiện tại và tương lai.
Theo tổ chức Bảo vệ môi trường EPA, “Sống xanh là việc đưa ra những lựa chọn về những gì chúng ta ăn, cách chúng ta đi du lịch, những gì chúng ta mua, và cách chúng ta sử dụng và thải bỏ chúng. Chúng ta có thể thực hiện các hoạt động bền vững tại nơi làm việc và xanh hóa những tòa nhà chúng ta đang sống. Sự lựa chọn hằng ngày của chúng ta có thể giúp tạo ra một lối sống bền vững”[8].
Sống xanh theo truyền thống xưa nay thường liên hệ tới môi trường và tác động của con người đối với hành tinh Trái đất. Đó là một triết lý thừa nhận mối quan hệ của nhân loại với Trái đất. Trái đất là một hệ thống hỗ trợ. Chất lượng thức ăn và nơi trú ẩn của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta đối xử với Trái đất. Sống xanh là duy trì một môi trường sống lành mạnh và khi chúng ta chăm sóc tốt Trái đất là khi chúng ta chăm sóc chính chúng ta.
Chuẩn mực, giá trị văn hóa và con người Việt Nam là vấn đề đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm chú trọng trong định hướng xây dựng và hoàn thiện con người Việt Nam từ trước tới nay. Theo thời gian, quan điểm định hướng chỉ đạo của Đảng cũng đã có sự thay đổi nhất định, từ yêu cầu tại Nghị quyết 22 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (2014) chú trọng vào việc “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”[9]. Tiếp đến, báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”[10]. Mới đây nhất, tại Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021), Báo cáo chính trị khẳng định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[11].
Quan điểm chỉ đạo của Đảng thể hiện nhu cầu xây dựng hệ giá trị vừa đáp ứng yêu cầu gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp vừa bổ sung, tiếp nhận kịp thời những giá trị mới đáp ứng được hơi thở của thời đại, hài hòa vị thế quốc gia và toàn cầu. Ðể xây dựng được hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người, điều quan trọng nhất là cần nghiên cứu để xác định được những giá trị truyền thống nào cần được bảo tồn và phát triển, những giá trị nào đang trong quá trình suy thoái, và những cái gì đang là thói hư tật xấu (phi giá trị) cần phải loại bỏ[12].
Khảo sát, nghiên cứu về hệ giá trị của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra được 10 “phi giá trị” được cho là có tác hại nghiêm trọng trong việc xây dựng chuẩn mực, giá trị văn hóa, trong đó đáng chú ý là “bệnh thiếu ý thức pháp luật”. Ý thức pháp luật từ lâu được xem là yếu tố cơ bản trong Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Thiếu ý thức pháp luật đồng nghĩa với sự thiếu vắng tư tưởng pháp luật, tâm lý pháp luật dẫn đến hệ quả của một xã hội không tôn trọng và thực hiện tốt pháp luật. Đồng thời nghiên cứu này cũng đã đề xuất mô hình hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm với hai giá trị phổ biến thuộc phạm vi toàn xã hội là “Dân chủ” và “Pháp quyền” [13]. Đây là hai là giá trị có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau trong việc xây dựng giá trị, chuẩn mực văn hóa con người Việt Nam. Những giá trị này giúp khẳng định vai trò của nhân dân trong nhận thức, tham gia và giám sát quá trình tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của Nhà nước, đồng thời kiểm soát được các “phi giá trị” khác đang tồn tại trong hệ giá trị, chuẩn mực con người Việt Nam.
Đây là một phát hiện rất phù hợp nhằm hỗ trợ việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh gắn với các giá trị văn hóa truyền thống dưới góc độ bảo vệ môi trường. Để đảm bảo có được ý thức tuân thủ pháp luật về môi trường, khi xây dựng hệ giá trị cần phải khắc phục loại bỏ được “phi giá trị” là “bệnh thiếu ý thức pháp luật về bảo vệ môi trường” và đặc biệt cần dựa trên cơ sở hai giá trị phổ biến là Dân chủ và Pháp quyền trong thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường.
Có bốn trọng tâm cần chú ý khi xây dựng hệ giá trị có tính phổ quát trong toàn xã hội: lợi ích quốc gia (giàu, mạnh), lợi ích xã hội (kỷ cương), lợi ích gia đình (hạnh phúc) và lợi ích cá nhân (thành đạt)[14]. Nhìn nhận trên phương diện đó, việc xây dựng hệ thống các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh gắn với các giá trị văn hóa truyền thống chính là yêu cầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia - xã hội - gia đình - cá nhân. Sống xanh là lối sống của cá nhân thân thiện với môi trường, hài hòa tốt và giảm thiểu tối đa các thiệt hại đối với môi trường. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho cá nhân không chỉ về phương diện sức khỏe, tinh thần, từ đó mang lại lợi ích cho gia đình hạnh phúc, xây dựng cộng đồng, xã hội kỷ cương và một quốc gia vững mạnh hơn nhờ sự thụ hưởng lợi ích trực tiếp từ lối sống xanh.
Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 khẳng định nhất quán trong việc đề cao vai trò của truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về lối sống xanh. Nhận thức đó bao gồm: khái niệm, ý nghĩa và nội dung của tăng trưởng xanh nói chung, lối sống xanh nói riêng.
Nội dung của truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về lối sống xanh chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể nào theo các chính sách hay quy định của pháp luật trong nước. Tuy nhiên, có thể hiểu, trong một xu thế chung của các quốc gia về quan điểm định hướng thúc đẩy lối sống xanh thì đó là việc truyền thông, giáo dục, phổ biến các thực hành tốt và các hành động thiết thực về lối sống xanh nhằm mục đích hài hòa với thiên nhiên cũng như gắn kết với các giá trị văn hóa truyền thống để hình thành phong cách, ý thức sống xanh trong hệ thống chuẩn mực, giá trị văn hóa của con người Việt Nam, dưới góc độ thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường
Có thể thấy được xu hướng sống xanh hiện nay đang được hình thành bằng việc đề cao các hành động cụ thể thiết thực như: việc lựa chọn sản phẩm - dịch vụ xanh “thân thiện với môi trường”, thực hành trồng cây xanh, tăng cường không gian xanh để bảo vệ và phát triển môi trường, phân loại rác thải và hạn chế chất thải nguy hại cho môi trường.
2.2. Nhóm nhiệm vụ thứ hai là: Truyền thông về các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh trong ngành giáo dục, cộng đồng dân cư và các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp.
Sau khi đã xây dựng được các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh, thì nhiệm vụ thứ hai không kém phần quan trọng đó là hoạt động truyền thông nhằm hình thành và nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, kinh tế xanh. Các bên liên quan này có thể bao gồm nhưng không giới hạn: cơ quan quản lý nhà nước, cá nhân có thẩm quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân. Để nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế xanh nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng , cần tăng cường quán triệt, tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để hình thành sớm những ý tưởng, đề xuất hoàn thiện công tác bảo vệ môi trường gắn liền với kinh tế xanh, hướng tới các đối tượng phổ quát diện rộng trong các ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau - nhưng đặc biệt ưu tiên đối với ngành giáo dục, và đối với các đối tượng khác nhau như người dân, cộng đồng dân cư, cũng như các đơn vị cơ quan, doanh nghiệp.
Đối với nhiệm vụ này, cần tiến hành ba hoạt động cụ thể:
Thứ nhất: Xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông cấp Quốc gia về tăng trưởng xanh.
Mục đích của hoạt động truyền thông là để thúc đẩy Kinh tế xanh nói chung và sống xanh, lối sống xanh nói riêng. Vì vậy, hoạt động truyền thông này cần được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương, nhằm khẳng định rõ vai trò và sự nhìn nhận của Đảng và Nhà nước ta đối với các chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, lối sống xanh.
Các hoạt động truyền thông đó có thể được xây dựng triển khai dưới mô hình: “chiến dịch sống xanh”, “Tuần lễ Xanh” theo chủ đề hàng năm và các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức có liên quan như: phát động thi đua, thực hành lối sống xanh; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo kinh tế xanh, tăng trưởng xanh …
Nội dung của chiến dịch truyền thông có thể bao gồm nhưng không giới hạn đối với: Chương trình truyền thông về các khía cạnh của tăng trưởng xanh như kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, lối sống và tiêu dùng xanh (ủng hộ sản phẩm dán nhãn xanh /sinh thái/năng lượng/ các-bon...; thay đổi hành vi cụ thể như tăng cường tái chế, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu chất thải, rác thải nhựa...); chống chịu với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, hoạt động đánh giá hiệu quả và tác động đến nhận thức và thực hành về tăng trưởng xanh của các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân cũng là một nội dung trọng tâm trong xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông cấp Quốc gia về tăng trưởng xanh. Hoạt động này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh (được thành lập theo Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 5/9/2022[15]) trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến dịch truyền thông cấp Quốc gia về tăng trưởng xanh, cũng như vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, cần có sự tham gia vào cuộc của Bộ kế hoạch và Đầu tư trong hoạt động đánh giá hiệu quả và tác động đến nhận thức và thực hành về tăng trưởng xanh của các đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân. Các tổ chức khác có liên quan tham gia vào hoạt động này bao gồm: cơ quan truyền thông trung ương và địa phương; Mặt trận tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Nông dân, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Các Hiệp hội Doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết 36 Chính Phủ[16] ban hành yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, thực hiện quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Tiếp tục nội dung này, yêu cầu đặt ra đó là nhu cầu tăng cường thực hành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dưới góc độ bảo vệ môi trường.
Thứ hai: Tích hợp truyền thông về vai trò, ý nghĩa tăng trưởng xanh; phổ biến những quy định, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh và trách nhiệm của xã hội; khuyến khích những hành động thiết thực về lối sống, tiêu dùng xanh hài hòa với thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa truyền thống, chống chịu với biến đổi khí hậu và thiên tai trong các chương trình mục tiêu quốc gia cùng các kênh truyền thông của các cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương.
Hoạt động này đòi hỏi phải cơ quan chủ trì chính là: các bộ, ngành theo thẩm quyền; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các cơ quan nhà nước có liên quan khác. Ngoài ra cần có sự phối hợp của: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương.
Để tiến hành hoạt động này cần xây dựng Kế hoạch truyền thông của các ngành, các lĩnh vực, tích hợp vào chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Dưới góc nhìn về thực trạng thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, đặc biệt khi đặt dưới bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc doanh nghiệp ưu tiên thực hành kinh tế xanh nói chung chưa đạt được như mong muốn. Do đó, nhu cầu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cộng đồng và dân cư về ý nghĩa về tác động tích cực của Kinh tế xanh để giúp doanh nghiệp có ý thức thực hiện chiến lược kinh doanh có trách nhiệm, người tiêu dùng có ý thức tiêu dùng có trách nhiệm và cộng đồng, quốc gia sẽ vì thế mà được hưởng lợi từ kinh tế xanh.
Thứ ba: Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng mềm, hình thành phong cách, ý thức sống xanh, văn minh, cống hiến và sáng tạo.
Khi các nội dung về kinh tế xanh, sống xanh và lối sống xanh đã được hình thành trên thực tế thông qua hoạt động xây dựng các hệ chuẩn mực, giá trị văn hóa sống xanh, thì nhiệm vụ tiếp theo là tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng mềm, hình thành phong cách, ý thức sống xanh. Điều này cần được nhìn nhận bao quát và xác định rõ thông qua các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục phổ quát, cụ thể và có lộ trình trong chương trình đào tạo của các bậc học khác nhau. Để tiến hành hoạt động này cần xây dựng Đề án truyền thông và nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh trong ngành giáo dục. Hoạt động này đòi hỏi phải cơ quan chủ trì chính là: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra cần có sự phối hợp của: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Cho đến nay, việc tuyên truyền, giáo dục về lối sống xanh hay kinh tế xanh chưa được xây dựng một kế hoạch hành động nào cụ thể. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dưới góc độ giáo dục về bảo vệ môi trường nói riêng hay phát triển bền vững nói chung thì đã bước đầu được đề cập đến, đặc biệt là dưới góc độ tích hợp vào hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia. Cụ thể tại Quyết định số 432/QĐ-TTg đã ghi nhận: “Cập nhật và đưa các nội dung giáo dục về phát triển bền vững vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục và đào tạo”[17]. Thống nhất với nội dung này, tại điều 5 và điều 6 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH12[18] đã quy định chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và những hoạt động được khuyến khích, bao gồm công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực Bảo vệ môi trường. Trên thực tế, việc cập nhật, tích hợp nội dung bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đang từng bước được lồng ghép trong các chương trình đào tạo các cấp, bậc hiện nay. Đặc biệt, giáo dục về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thậm chí đã xuất hiện ở góc độ đào tạo chuyên sâu, chuyên ngành và có mặt ở cả các cấp đào tạo sau đại học.
Lối sống xanh, hay kinh tế xanh là những khái niệm ra đời sau so với phát triển bền vững, tuy nhiên, về bản chất đều hướng tới mục đích tăng tưởng kinh tế đi liền với kinh doanh có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Vì vậy, đó cũng là một yêu cầu cần thiết để từng bước lồng ghép, tích hợp nội dung của sống xanh, kinh tế xanh hay tăng trưởng xanh vào hệ thống giáo dục và đào tạo.
3. Kết luận
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh đó là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Để thực hiện được Chiến lược và Kế hoạch này, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các lực lượng bao gồm nhưng không hạn chế như: cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các cá nhân, cơ quan tổ chức có liên quan, doanh nghiệp, cộng đồng và toàn bộ các lực lượng xã hội khác. Do đó, nhu cầu cấp thiết đặt ra trước mắt đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý, tăng cường các nguồn lực và đẩy mạnh hợp tác, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các quốc gia mô hình đi trước. Tuy nhiên, để đạt được kết quả, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trước mắt vẫn là tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi lực lượng xã hội đối với kinh tế xanh nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng.
Tài liệu tham khảo
1. Ðảng Cộng Sản Việt Nam (2016), Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H., Văn phòng Trung ương Ðảng;
2. Ðảng Cộng Sản Việt Nam (2021), Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H., Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1;
3. GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam”, truy cập tại: https://nhandan.vn/, truy cập ngày 8/10/2022;
4. “Green living - Sustainability”, truy cập tại: https://www.smsu.edu/campuslife/civicengagement/green-living-sustainability.html, truy cập ngày 8/10/2022;
5. Loiseau, E., Saikku, L., Antikainen, R., Droste, N., Hansjürgens, B., Pitkänen, K., & Thomsen, M. (2016). “Green economy and related concepts: An overview”. Journal of cleaner production;
6. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH12 ngày 17/11/2020 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
7. Nghị quyết số 33/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ngày 9/6/2014;
8. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
9. Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
10. Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/07/2022 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030;
11. Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 10 năm 2021 về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050;
12. Quyết định số 1044/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/9/2022 về thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh;
13. Trần Quốc Dân, “Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay”, truy cập tại: http://tapchimattran.vn/van-hoa-xa-hoi, truy cập ngày 7/10/2022;
14. Từ điển tiếng Việt (2010), Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản từ điển Bách khoa.
15. “The definittion of green living”, truy cập tại: https://www.sustainablebabysteps.com/definition-of-green-living, truy cập ngày 8/10/2022;
[1] Xem thêm: Loiseau, E., Saikku, L., Antikainen, R., Droste, N., Hansjürgens, B., Pitkänen, K., & Thomsen, M. (2016). Green economy and related concepts: An overview. Journal of cleaner production, 139, 361-371.
[2] Xem thêm: Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 10 năm 2021 về phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
[3] Quyết định số 882/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.
[4] Theo Từ điển tiếng Việt (2010), Viện Ngôn ngữ học, Nhà xuất bản từ điển Bách khoa;
[5] GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam”, truy cập tại: https://nhandan.vn/, truy cập ngày 8/10/2022;
[6] Xem thêm: Trần Quốc Dân, “Kế thừa giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay”, truy cập tại: http://tapchimattran.vn/van-hoa-xa-hoi, truy cập ngày 7/10/2022;
[7] Xem thêm: “The definittion of green living”, truy cập tại: https://www.sustainablebabysteps.com/definition-of-green-living, truy cập ngày 8/10/2022;
[8] Xem thêm: “Green living - Sustainability”, truy cập tại: https://www.smsu.edu/campuslife/civicengagement/green-living-sustainability.html, truy cập ngày 8/10/2022.
[9] Nghị quyết số 33/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ngày 9/6/2014;
[10] Ðảng Cộng Sản Việt Nam (2016). Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H., Văn phòng Trung ương Ðảng, tr. 126, 127.
[11] Ðảng Cộng Sản Việt Nam (2021). Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H., Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, tr.143;
[12] Xem thêm: GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam”, truy cập tại: https://nhandan.vn/, truy cập ngày 8/10/2022;
[13] Xem thêm: GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam”, truy cập tại: https://nhandan.vn/, truy cập ngày 8/10/2022;
[14] Xem thêm: GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, “Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam”, truy cập tại: https://nhandan.vn/, truy cập ngày 8/10/2022.
[15] Xem thêm: Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 5/9/2022 về thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh;
[16] Xem thêm: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[17] Xem thêm: Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 -2020;
[18] Xem thêm: Điều 5, Điều 6 của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH12 ngày 17/11/2020 của Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bài viết tham gia Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường, khuyến nghị chính sách và chia sẻ kinh nghiệm phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường" do Trung tâm tư vấn pháp luật Đại học Vinh tổ chức ngày 22/10/2022 - Tác giả: TS. Phạm Thị Huyền Sang - Trưởng khoa Luật Kinh tế - Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn - Trường Đại học Vinh.
Ảnh đại diện: Nguồn internet
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024