Dư luận xã hội và định hướng dư luận xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý
Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin, ngoài giá trị cung cấp thông tin kịp thời cho công chúng thì đồng thời, các nền tảng công nghệ số cũng phát sinh những thông tin sai lệch và dễ bị lợi dụng, xuyên tạc dẫn đến sự sai lệch về nhận thức, thái độ và hành vi của công chúng. Bởi vậy, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là yêu cầu tất yếu của các chủ thể lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là các chủ thể có thẩm quyền ban hành các chủ trương, chính sách. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”(1)
Dư luận xã hội và vai trò của dư luận xã hội đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý
Dư luận xã hội
Có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng tựu trung lại, quan niệm về dư luận xã hội được hiểu là ý kiến bình luận, phán xét, đánh giá của các nhóm công chúng về một sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội. Có thể khái quát quá trình hình thành dư luận xã hội gồm các giai đoạn sau:
Giai đoạn hình thành ý thức cá nhân, đây là giai đoạn mà cá nhân tiếp cận các thông tin liên quan tới sự kiện, hiện tượng xuất hiện trong đời sống xã hội. Họ phân tích thông tin để từ đó hình thành nhận thức, thái độ và có sự nhận xét, phán đoán của cá nhân.
Giai đoạn trao đổi thông tin giữa mọi người, đây là quá trình mà nhiều cá nhân trao đổi, chia sẻ, bàn luận với nhau trong nhóm xã hội. Quá trình này có sự tương tác của nhiều cá nhân và dẫn đến sự điều chỉnh nhận thức, thái độ của từng cá nhân. Thông qua quá trình trao đổi, bàn luận mà hình thành nên những quan điểm tương đồng hoặc khác biệt, từ đó hình thành các nhóm xã hội có cách nhìn nhận, đánh giá và có thái độ khác nhau về một hiện tượng, sự kiện. Như vậy là đã có sự chuyển hóa từ ý thức cá nhân sang ý thức xã hội.
Giai đoạn tranh luận, ở giai đoạn này, các nhóm trao đổi thông tin, tranh luận với nhau về việc nhìn nhận, đánh giá và thái độ đối với vấn đề hay sự kiện, hiện tượng. Cơ sở cho quá trình tranh luận này vẫn là lợi ích chung và hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội chung được các nhóm chia sẻ và thừa nhận. Kết quả của giai đoạn này có thể tìm ra những nhận thức chung hoặc xác định sự khác biệt về quan điểm, thái độ trước sự kiện, hiện tượng mà các nhóm quan tâm. Hiện tượng chia rẽ các nhóm có quan điểm khác nhau về một vấn đề chung được gọi là sự hình thành nên các “luồng dư luận” khác nhau, có thể là đối lập nhau.
Giai đoạn đi từ dư luận xã hội đến hành động thực tiễn, từ sự phán xét đánh giá chung, các nhóm và cộng đồng xã hội đi tới hành động thống nhất, nêu lên những kiến nghị, những biện pháp về hoạt động thực tiễn của họ trước thực tế cuộc sống nhất định.
Như vậy, dư luận xã hội là sản phẩm của quá trình giao tiếp xã hội. Không có sự trao đổi, bàn luận thì không thể có ý kiến phán xét, đánh giá chung được đông đảo công chúng chia sẻ, tán thành.
Trong thực tế, không phải trong trường hợp nào dư luận xã hội cũng hình thành qua bốn giai đoạn nêu trên. Thông thường sự tuân thủ cả bốn giai đoạn chỉ diễn ra khi đối tượng của dư luận xã hội là các hiện tượng, sự kiện xã hội mới và phức tạp. Nhiều trường hợp dư luận xã hội hình thành một cách tức thời, nhanh chóng, phổ biến, lan truyền mạnh mẽ trước những biến cố đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh,...
Cơ sở cho việc hình thành dư luận xã hội là sự quan tâm của người dân đối với các vấn đề đang diễn ra trong xã hội. Không phải sự việc, sự kiện nào cũng thu hút được sự quan tâm, chú ý hay gây tranh luận cho tất cả các nhóm xã hội khác nhau. Chỉ có những sự kiện liên quan tới lợi ích hoặc liên quan tới sự quan tâm của công chúng mới có thể thu hút công chúng và hình thành dư luận xã hội.
Dư luận xã hội có những thuộc tính cơ bản sau:
Một là, tính xã hội. Đây là thuộc tính hàng đầu của dư luận xã hội, thể hiện từ nguồn gốc của dư luận xã hội là các sự kiện, hiện tượng xuất hiện trong đời sống xã hội. Tính xã hội thể hiện thông qua quá trình hình thành của dư luận xã hội - đó là quá trình “xã hội hóa” những thông tin, quan điểm, thái độ của các nhóm xã hội trước một sự kiện, hiện tượng xã hội. Một sự kiện, một hiện tượng xuất hiện sẽ hình thành các nhóm công chúng gần nhau về nhận thức và thái độ. Sự tương tác diễn ra nhanh chóng trong từng nhóm và giữa các nhóm cuốn theo sự quan tâm của xã hội, trong đó có những người ban đầu hoàn toàn thờ ơ với sự kiện, hiện tượng đã xảy ra. Tính xã hội của dư luận xã hội còn thể hiện qua vai trò tác động của dư luận xã hội đối với hiện thực đời sống, nó có thể thúc đẩy sự kiện, hiện tượng vận động biến đổi theo những xu hướng nhất định và có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực trong đời sống xã hội.
Hai là, tính lan truyền. Dư luận xã hội là một hiện tượng tâm lý xã hội thu hút nhiều người, nhiều nhóm công chúng quan tâm. Trong quá trình hình thành, dư luận xã hội tạo ra tương tác xã hội lôi kéo nhiều thành viên tham gia trao đổi, bình luận, bày tỏ thái độ. Chính sự mở rộng đối tượng quan tâm, tham gia vào các nhóm cùng quan điểm tạo nên tính hấp dẫn và sự lan truyền trong đời sống xã hội. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, dư luận xã hội phát triển theo chiều hướng gia tăng sự quan tâm và tham gia của các cá nhân trong xã hội.
Ba là, tính xu hướng. Tính xu hướng (hay khuynh hướng) của dư luận xã hội là sự phân chia ra các xu hướng khác biệt về nhận thức, thái độ, tình cảm của các nhóm xã hội đối với một sự kiện, hiện tượng. Thông thường, các khuynh hướng được hình thành từ những sự kiện, hiện tượng phức tạp trong đời sống xã hội (những sự kiện, hiện tượng giản đơn thì không hình thành xu hướng khác nhau. Ví dụ như hành vi bạo lực đối với trẻ em sẽ gây ra dư luận xã hội thống nhất là sự phẫn nộ, lên án. Trường hợp này, không hình thành các nhóm khác nhau).
Vai trò của dư luận xã hội đối với hoạt động lãnh đạo, quản lý
Dư luận xã hội cung cấp thông tin cho các nhà lãnh đạo, quản lý về nhận thức, thái độ của các nhóm công chúng, (trong đó có đối tượng lãnh đạo, quản lý) trước những vấn đề mà họ quan tâm. Đây là một trong những yếu tố cần xem xét để các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định (hoặc điều chỉnh quyết định) phù hợp. Chính vì vai trò này mà các nhà hoạch định chính sách khi dự kiến ban hành quyết sách thường thăm dò dư luận, nhóm công chúng chịu sự tác động điều chỉnh của chính sách. Nhiều trường hợp, khi chính sách đã ban hành gặp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận công chúng (có thể dẫn đến hành động phản đối như biểu tình, bãi công…) thì chủ thể có trách nhiệm phải xem xét và điều chỉnh chính sách.
Định hướng dư luận xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý
Dư luận xã hội có vai trò to lớn đối với xã hội, với các nhà lãnh đạo, quản lý và công chúng nên việc nắm bắt, phân tích, đánh giá đúng về dư luận xã hội là việc rất cần thiết đối với mọi chủ thể lãnh đạo, quản lý. Do thuộc tính lan truyền và sự phân chia khuynh hướng của dư luận, nên tất yếu sẽ dẫn đến những khung hướng “lệch chuẩn”, nhất là khi xuất hiện những hiện tượng xã hội mới, phức tạp. Cùng một hiện thực khách quan, có thể có cách nhìn nhận khác nhau, đôi khi là đối lập nhau tất yếu sẽ có đúng hoặc sai về quan điểm, nhận thức, ứng xử và hành động. Cũng vì vai trò to lớn của dư luận xã hội mà các thế lực thù địch lợi dụng dư luận xã hội để chống lại Đảng, chống lại chế độ bằng các thủ đoạn như tạo ra thông tin xuyên tạc sự thật, lôi kéo, kích động công chúng… Trong thời đại phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và nhu cầu sử dụng các nền tảng công nghệ của công chúng hiện nay, mỗi sự kiện, hiện tượng xã hội đều có thể trở thành đối tượng của dư luận xã hội với nhiều nhận thức, quan điểm khác nhau khiến số đông công chúng bị nhiễu loạn thông tin, khó tìm ra những thông tin đảm bảo tính xác thực. Bởi vậy, việc giúp công chúng nhận diện chân thực về bản chất sự kiện hiện tượng, có thái độ và hành vi đúng đắn trước các sự kiện, hiện tượng là yêu cầu cần thiết đối với mọi chủ thể lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là đối với Đảng và Nhà nước. Việc làm này là sự định hướng dư luận xã hội.
Để định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, không chỉ cần có sự hiểu biết về quá trình hình thành dư luận xã hội mà cần nắm vững các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành dư luận xã hội. Sự hình thành dư luận xã hội phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố khác nhau, cả chủ quan và khách quan về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trình độ nhận thức… Các yếu tố chính tác động đến sự hình thành dư luận xã hội có thể kể đến, gồm:
Tính chất của các sự việc, sự kiện, hiện tượng xã hội. Dư luận xã hội là hiện tượng tâm lý phản ánh tồn tại xã hội. Sự phản ánh đó phụ thuộc vào quy mô, cường độ và tính chất của sự việc, hiện tượng xã hội; đồng thời phụ thuộc vào ý nghĩa của chúng đối với các nhu cầu lợi ích về vật chất hay tinh thần của cộng đồng người mang dư luận.
Trình độ học vấn, kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm thực tế xã hội của công chúng. Đây là yếu tố chủ quan quy định sự nhận thức, thái độ và hành vi của cá nhân và nhóm công chúng trước hiện thực khách quan là các sự kiện, hiện tượng xã hội. Người có trình độ học vấn, có kiến thức, có kinh nghiệm sẽ nhìn nhận vấn đề từ hiện thực khách quan một cách toàn diện và khoa học hơn. Họ dễ có thái độ độc lập trong tư duy và có bản lĩnh trong sự lựa chọn thái độ, niềm tin đối với hiện thực.
Thông tin đại chúng. Hệ thống thông tin đại chúng là phương tiện cơ bản truyền tải thông tin về sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội. Do động cơ, mục đích và trình độ, phương tiện… khác nhau mà cùng một sự kiện, hiện tượng xã hội mới xuất hiện sẽ có nội dung, hình thức thông tin khác nhau. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây nhiễu loạn thông tin và gây trở ngại cho công chúng khi lựa chọn.
Mức độ dân chủ hóa đời sống xã hội, khả năng và sự tham gia thực tế của người dân vào các sinh hoạt chính trị - xã hội. Trong điều kiện xã hội có dân chủ rộng rãi, thông tin đa dạng, phong phú thì mọi người dân sẵn sàng thẳng thắn, cởi mở, bộc lộ các ý kiến, quan điểm của mình, tham gia, bàn bạc các vấn đề chung, do vậy dư luận xã hội có điều kiện hình thành thuận lợi. Ngược lại, trong điều kiện xã hội thiếu dân chủ, thông tin nghèo nàn, thậm chí bị cắt xén, xuyên tạc thì dư luận xã hội thường hình thành khó khăn và chậm chạp.
Hệ thống các giá trị, chuẩn mực xã hội đang hiện hành trong xã hội. Các phong tục tập quán, các giá trị, chuẩn mực xã hội hiện hành tạo ra những khuôn mẫu tư duy, khuôn mẫu hành động làm cơ sở cho việc phán xét, đánh giá của dư luận xã hội về các sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội đang diễn ra trong xã hội. Ngay trong cùng xã hội, các nhóm xã hội có thể đưa ra các phán xét, đánh giá khác nhau về cùng vấn đề.
Việc định hướng dư luận xã hội cần hướng tới các mục tiêu: giúp cho công chúng hình thành nhận thức đúng về bản chất sự kiện, hiện tượng, quá trình xã hội; hình thành thái độ phù hợp với sự kiện, hiện tượng và có hành vi phù hợp với sự kiện, hiện tượng theo những chuẩn mực pháp lý, đạo đức xã hội. Mục tiêu của định hướng dư luận xã hội trong hoạt động lãnh đạo, quản lý không chỉ nhằm giáo dục nhận thức, thái độ của đối tượng mà còn hướng tới việc khích lệ đấu tranh với các xu hướng lệch lạc, phản động trong nhận thức, thái độ, hành vi hình thành từ các luồng dư luận “lệch chuẩn” xuất phát từ nhận thức sai, hoặc từ âm mưu xấu, độc.
Trong phạm vi quốc gia, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội không chỉ là trách nhiệm của cơ quan và đội ngũ cán bộ tuyên giáo, dân vận mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Việc bồi dưỡng, trang bị cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo, dân vận những kiến thức khoa học về dư luận xã hội và những kỹ năng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý cần phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp hiện nay./.
---------------------
Ghi chú:
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.181.
TS Nguyễn Thọ Ánh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024