Đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo và giảng dạy Chính trị học trong tình hình mới
1. Sự cần thiết đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, giảng dạy Chính trị học
Xuất phát từ vai trò của lý luận chính trị
Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm, bài học từ hoạt động thực tiễn của con người thành những quy luật về tự nhiên, xã hội và tư duy. Lý luận có vai trò “như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”, “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối vừa chậm chạp vừa hay vấp váp” [4, tr.357]. Chính trị là biểu hiện tập trung của hoạt động sáng tạo văn hóa, của tính nhân văn, của sự giải phóng. Theo V.I. Lênin, chính trị có vai trò rất quan trọng “Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế... Chính trị không thể không chiếm vị trí hàng đầu so với kinh tế” [2, tr.349]. Ở Việt Nam, nói tới chính trị thì trước hết là bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hiệu lực quản lý của nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện nay, các vấn đề chính trị quốc tế diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp làm xuất hiện nhiều trào lưu tư tưởng chính trị khác nhau. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá chủ nghĩa Mác- Lênin, chống phá Đảng, Nhà nước ta với nhiều thủ đoạn mới, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm trong xã hội ta... Chỉ nắm vững lý luận và có lập trường chính trị vững nhất mới có thể phân biệt đúng sai, thật giả, lợi hại. Đây là đòi hỏi khách quan đối với mọi quốc gia, mọi tổ chức và mọi người, nhất là cơ sở đào tạo chính trị học Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong ba đột phá chiến lược trong những năm tới là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [1, tr.203].
Thời gian qua, ngành đào tạo Chính trị học thu hút sự quan tâm của các cơ sở đào tạo và người học. Ở Việt Nam, nhiều cơ sở đào tạo thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang đào tạo ngành học này và đã góp phần bổ sung và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Vinh, một cơ sở đào tạo đa ngành có uy tín của cả nước, trong hơn chục năm qua đã đạt nhiều thành tích trong đào tạo Chính trị học. Đây là cơ sở, là yêu cầu mới để trường tiếp tục nâng cấp, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, nghiên cứu và giảng dạy ngành học này trong tình hình mới.
2. Đổi mới chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy Chính trị học
2.1. Về chương trình đào tạo: Trong ngành Chính trị học Việt Nam, Chuyên ngành Chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước Việt Nam nên có một số học phần cơ sở: Lịch sử xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử xây dựng chính quyền nhà nước Việt Nam, Lịch sử xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam; Lịch sử tư tưởng quản lý.
2.2. Căn cứ đổi mới nội dung giảng dạy chính trị học
- Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII có Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”;
- Bộ Chính trị khóa XII có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó khẳng định: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là bước phát triển quan trọng trong nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta.
- Chủ trương của Đại hội XIII: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” [1, tr.181]. “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [1, tr.57].
Sự cần thiết và mục đích học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay. Bộ Chính trị khóa X có Chỉ thị 06-CT/TW (11-2006) về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Bộ Chính trị khóa XI có Chỉ thị số 03-CT/TW (5-2011) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Bộ Chính trị khóa XII có Chỉ thị số 05-CT/TW (5-2016) Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Bộ Chính trị khoá XIII về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đó là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; coi đây là công việc thường xuyên hằng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đó là những văn bản quan trọng định hướng giáo dục lý luận chính trị hiện nay.
2.3. Về nội dung chính trị cấn tập trung nghiên cứu, giảng dạy
Một là: Khẳng định những giá trị bền vững và vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp cách mạng Việt Nam
Chủ nghĩa Mác - Lênin là kết tinh những giá trị đỉnh cao của tri thức nhân loại. Đó là một hệ thống lý luận khoa học hoàn chỉnh mà mọi người. bất kể chính giới nào đều có thể tìm ra được phương pháp nhìn nhận quy luật vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và của tư duy con người. Chủ nghĩa Mác-Lênin là học thuyết duy nhất nêu rõ mục tiêu, con đường, lực lượng, phương thức giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Đây là học thuyết mở, mang tính chất cách mạng, luôn sống động, không ngừng tự phê phán và tự đổi mới, thường xuyên được bổ sung và phát triển trong thực tiễn cách mạng, không chỉ giải thích thế giới mà vấn đề căn bản là cải tạo thế giới phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [3, tr.289]; “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[8]. Bảo vệ, bổ sung, phát triển hoàn thiện chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn cách mạng từng nước, từng lĩnh vực cụ thể là trách nhiệm của các đảng cộng sản và công nhân.
Hai là: Về tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tư tưởng về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân. Tư tưởng về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Tư tưởng về phát triển kinh tế và văn hoá, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tư tưởng về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Tư tưởng về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Tư tưởng về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng: Về vai trò của đạo đức cách mạng. Các tiêu chí đạo đức cách mạng: Trung với Đảng, hiếu với dân; thương yêu con người; Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Con đường rèn luyện đạo đức: Bền bỉ, thường xuyên, tự giác, nêu gương, kết hợp xây dựng đạo đức cách mạng với chống chủ nghĩa cá nhân.
- Phong cách Hồ Chí Minh gồm: phong cách tư duy, phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc, phong cách ứng xử, phong cách diễn đạt, phong cách sống đời thường.
Ba là, Những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng mà Đại hội XIII đã khẳng định
- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước.
- Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
- Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.
- Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là việc thực thi tinh thần “thượng tôn pháp luật”, gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên; tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, nghiên cứu làm rõ ba đột phá chiến lược của cách mạng Việt Nam
- Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.
- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Năm là, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật.
3. Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị
- Giáo viên lý luận chính trị cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các môn lý luận, khuyến khích có sự say mê, yêu thích và nắm vững và nâng cao kiến thức chuyên sâu ngành lý luận chính trị.
- Cần xây dựng chương trình mỗi học phần thành các phân khúc (Module), mỗi Module có các tiết giảng lý thuyết và thực hành thảo luận. Áp dụng phương pháp dạy học tích cực, lấy người học làm trung tâm, tự nghiên cứu trước tài liệu; tăng cường tương tác giữa người dạy và người học .
- Vận dụng công nghệ thông tin vào dạy học lý luận chính trị. Soạn Slide trình chiếu trong Powerpoint, thường sử dụng cỡ chữ 24 pt, màu nền, màu chữ trong các slide có tương phản, không nên quá loạn màu sắc, có thể in đậm, nghiêng, gạch dưới... Nên dùng kiểu chữ dễ đọc (Arial, Tahoma, Times New Roman); mỗi slide không nên quá nhiều chữ, chỉ nên 4 - 6 dấu đầu dòng, giới hạn khoảng 40 từ. Mỗi slide trình bày một chủ đề, xen kẽ là hình ảnh, tư liệu;
- Giảng chính trị có thể đính kèm đoạn video clip phù hợp, minh họa cho bài giảng như các phim thời sự, tài liệu chính trị của VTV1; Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, CD-rom Hồ Chí Minh Toàn tập, Bộ sách điện tử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh- biên niên sử truyền hình. Các hình ảnh, tư liệu, sơ đồ minh họa phải có tính khoa học, có độ tin cậy cao. Sử dụng thành thạo các: Nên chọn các đoạn phim tư liệu ngắn.
- Tăng cường tính thực tiễn trong các bài giảng lý luận chính trị. Cần nhớ, “Lý luận không gắn với thực tiễn là lý luận suông”. Mỗi ngành đào tạo, cần liên hệ các vấn đề lý luận chính trị gắn với lịch sử ngành, lịch sử lĩnh vực. Vì lịch sử không chỉ là mô tả mà là rút ra từ quá khứ kinh nghiệm, bài học cấn thiết như Bác Hồ đã nói “Lịch sử Đảng ta là pho lịch sử bằng vàng”. Tuy vậy giảng lý luận cần tránh sa vào liệt kê sự kiện, hoặc lý luận xuôi chiều. Ví dụ thực tiễn cần được chọn lọc cẩn thận, phù hợp với đối tượng. Không phải tất cả các vấn đề lý luận đều đưa ví dụ và không phải các ví dụ đều liên hệ cho tất cả các đối tượng.
4. Đổi mới công tác quản lý, phục vụ giảng dạy lý luận chính trị
- Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Các Tỉnh ủy cần tạo điều kiện cho giảng viên lý luận chính trị dự các lớp bồi dưỡng, tập huấn về các Nghị quyết mới của Đảng; các chuyên đề tiếp tục "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; về phương pháp dạy lý luận chính trị,...
- Các cơ quan quản lý Bộ Giáo dục, Các phòng khảo thí cần đổi mới công tác quản lý sinh viên, công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo hướng thực chất, hiệu quả hơn; khắc phục tính hình thức trong các khâu thi, kiểm tra, đánh giá tốt nghiệp.
- Các cơ sở đào tạo cần tăng cường trang bị và bảo dưỡng thường xuyên cơ sở vật chất, phương tiện dạy học lý luận chính trị. Cung cấp các phần mềm dạy học phù hợp; trang bị đủ máy tính, máy chiếu, màn hình, âm thanh hội trường,...
- Cần và có thể tổ chức cho người học tham quan điển hình tiên tiến, các bảo tàng cách mạng, các Di tích văn hóa lịch sử, cách mạng ở Trung ương, ở các địa phương.
KẾT LUẬN
Trước yêu cầu khách quan của tình hình thế giới, trong nước, việc đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, giảng dạy lý luận chính trị là rất cần thiết. Bài viết chỉ phác họa những nét cơ bản, một số khuyến nghị chủ yếu về nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo và giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]. V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Tập 42, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva.
[3]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
PGS.TS Phạm Xuân Mỹ
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024