Đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch đòi "phi chính trị hóa" lực lượng vuc trang Việt Nam
Phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang
là một trong những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch với mục đích làm cho lực lượng vũ trang đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng, phai mờ bản chất cách mạng, mất sức chiến đấu, không còn là lực lượng cách mạng vì nhân dân, từ đó không làm tròn nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín, vị thế và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Thời gian qua, các thế lực thù địch ráo riết thực hiện các phương thức/hình thức chống phá để “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, như tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước Việt Nam; xuyên tạc nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gấp rút triển khai chiến lược “diễn biến hòa bình” làm phai mờ truyền thống yêu nước của dân tộc, bản chất cách mạng, luôn hết lòng vì dân của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân Việt Nam; tìm mọi cách làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, “xanh lòng, đỏ vỏ” ở đội ngũ cán bộ chủ chốt trong lực lượng vũ trang, hệ thống chính trị. Sâu xa hơn là chúng tìm cách tuyên truyền, kích động vào thế hệ trẻ xa rời lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để hiện thực hóa kịch bản mà chúng rắp tâm tạo dựng, theo đuổi. Chúng còn câu kết với những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị trong nước để
kích động, châm ngòi gây bạo loạn lật đổ, làm mất ổn định chính trị trong nước, tạo cớ cho các thế lực thù địch phản động bên ngoài thực hiện chiến tranh xâm lược. Vì vậy, cần nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang Việt Nam.
2. Luận cứ và thực tiễn đấu tranh phản bác luận điệu đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch
- Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa”
lực lượng vũ trang
Một là, trong lịch sử, giai cấp nào cầm quyền lãnh đạo xã hội thì có quyền lãnh đạo đối với lực lượng quân đội, công an/cảnh sát để bảo vệ lợi ích của giai cấp, đảng cầm quyền. Sau khi đánh đổ chế độ phong kiến, giai cấp tư sản xây dựng bộ máy nhà nước hùng mạnh để thiết lập thể chế chính trị đa nguyên, đa đảng theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản, giai cấp công nhân thiết lập thể chế chính trị nhất nguyên - một đảng cầm quyền, vận hành theo con đường xã hội chủ nghĩa. Cho dù vận hành theo thể chế chính trị nào thì lực lượng vũ trang của các quốc gia đều đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cầm quyền. Đương nhiên, tùy vào đặc điểm, tính chất và yêu cầu của mỗi nước mà sự lãnh đạo của đảng cầm quyền đối với lực lượng vũ trang có sự khác nhau ở một số tiêu chí.
Hai là, vai trò, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang theo chỉ dẫn của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh. Theo V.I. Lênin, nhiệm vụ lãnh đạo giai cấp vô sản đấu tranh lật đổ giai cấp tư sản để xây dựng xã hội mới là nhiệm vụ nặng nề, cấp bách của những người cách mạng Nga. Vì vậy, nhiệm vụ củng cố quốc phòng nhằm bảo vệ thành quả cách mạng là trách nhiệm của toàn dân. Theo V.I.Lênin, giành chính quyền đã khó nhưng giữ cho được chính quyền lại càng khó hơn. V.I.Lênin yêu cầu: “Chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề
khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”(1). Quân đội và công an là lực lượng nòng cốt, công cụ sắc bén của đảng và nhà nước chuyên chính vô sản, do đó, V.I.Lênin chỉ rõ: nguyên tắc cơ bản nhất là đảng cộng sản phải lãnh đạo sự nghiệp quốc phòng, an ninh và quân đội, công an trong mọi tình huống. Đây là vấn đề “dĩ bất biến” nhằm làm cho lực lượng vũ trang nâng cao bản lĩnh chính trị, coi trọng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đ ể bảo vệ tổ quốc trong mọi tình huống, không để tổ quốc bị động bất ngờ.
Trên cơ sở những chỉ dẫn của các nhà kinh điển, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng việc tổ chức ra quân đội công nông “vũ trang cho công nông” và “tổ chức đội tự vệ công nông”. Sự ra đời của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam khởi nguồn từ nhận thức đúng đắn về đặc điểm, tính chất và yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, giành chính quyền phải bằng bạo lực cách mạng, đấu tranh vũ trang là chủ yếu, trong đó quân đội, công an phải là lực lượng nòng cốt. Người chỉ dẫn: “Muốn đánh giặc, phải có quân đội”(2). Từ đây, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc: “Chúng ta phải ra sức bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, cho nên chúng ta phải củng cố quốc phòng”(3). Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trù liệu nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao thì phải kiên trì, có lộ trình, bước đi cụ thể và có sự đồng lòng ủng hộ của toàn dân. Từ đó, Người xác định: “Xây dựng quân đội - Một quân đội nhân dân thật mạnh, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng”(4). Người cũng phê phán một số quan điểm thờ ơ, bằng lòng với kiến thức, phương pháp, kết quả huấn luyện hiện có. Có người nói: “Trước ta chẳng chính quy gì cũng đánh thắng!. Không đúng. Tình thế ngày một tiến. Trước là thời kỳ khác, nay là thời kỳ khác. Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại”(5).
Xuất phát từ vị trí, vai trò, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang Việt Nam nên phải thường xuyên coi trọng huấn luyện để vững vàng về chính trị, tinh thông quân sự, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng vũ trang. Đây là nhân tố đặc biệt quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một minh chứng cho sức mạnh chính trị tinh thần của Quân đội nhân dân với phương tiện vũ khí còn thô sơ, số lượng còn ít, nhưng đã chiến thắng những tên đế quốc sừng sỏ có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Bởi vậy, Người luôn nhấn mạnh: “Phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta”(6).
Những chỉ dẫn của V.I.Lênin và Hồ Chí Minh là cơ sở phương pháp luận để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang trong tình hình mới.
Ba là, thực tiễn của Liên Xô và Việt Nam. Sự đổ vỡ, mất vai trò lãnh đạo của các đảng cộng sản ở Đông Âu giai đoạn 1989 - 1991 có nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân là các đảng cộng sản mất đi vai trò lãnh đạo đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, lực lượng vũ trang. Vì vậy, khi các thế lực thù địch phản động đứng lên tập hợp quần chúng lật đổ chính quyền cách mạng, thì lực lượng vũ trang mất phương hướng chính trị, “không biết bảo vệ ai”, lúng túng, bị động. Đây là bài học sâu sắc để Đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với quốc phòng, an ninh, lực lượng vũ trang. Bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, ở đâu, thì Đảng giữ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội và công an.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định quan điểm có tính nguyên
tắc, xuyên suốt: “Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng - an ninh”(7). Đây là nhân tố bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn trung thành với Đảng, nhân dân và chế độ, là lực lượng nòng cốt đi đầu trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh là nguyên tắc cơ bản được quy định trong Điều lệ Đảng và trong các văn kiện của Đảng qua nhiều nhiệm kỳ. Điều lệ Đảng quy định: “Sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư”(8).
Những năm gần đây, tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp khó lường, hòa bình hợp tác là xu thế chủ yếu, nhưng mâu thuẫn giữa các nước lớn, cạnh tranh chiến lược, chạy đua vũ trang, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo xảy ra ở một số nơi. Thế giới đã xuất hiện loại hình chiến tranh ủy nhiệm, tác chiến điện tử, sử dụng vũ khí công nghệ cao có sức hủy diệt lớn để tấn công vào các mục tiêu theo ý đồ, kế hoạch của chúng. Bối cảnh mới đó đặt ra cho Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động ứng phó, không bị động bất ngờ. Trước yêu cầu mới, Đảng nhấn mạnh: “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không - không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động, kỹ thuật nghiệp vụ, an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao”(9).
- Thực tiễn đấu tranh phản bác luận điệu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/ TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
trong tình hình mới, công tác đấu tranh phản bác các luận điệu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang rất được quan tâm. Các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh phản bác luận điệu đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang được cụ thể, đa dạng.
Tuy nhiên, nhận thức về âm mưu, thủ đoạn đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch chưa đầy đủ, kịp thời. Sự phối hợp của các lực lượng đấu tranh phản bác quan điểm sai trái đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang chưa nhịp nhàng. Số lượng, chất lượng các bài viết, công trình khoa học đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang chưa cao. Một số bài viết nghiêng về hô hào, khẩu hiệu, thiếu cụ thể, thiếu luận cứ đấu tranh phản bác và thiếu tính thuyết phục. Cơ chế phối hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang chưa rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Cơ quan chủ trì phối hợp đấu tranh còn lúng túng trong việc phân công nhiệm vụ để các cơ quan, lực lượng tham gia đấu tranh, phản bác, dẫn tới “mạnh ai nấy làm” nên thiếu chiều sâu, luận cứ đấu tranh thiếu sức thuyết phục. Công tác tổng kết, đánh giá thực tiễn đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang chưa thật đi vào nền nếp, hiệu quả chưa cao; chưa rút ra được những bài học, vấn đề mang tính quy luật có giá trị tham khảo.
Những hạn chế, yếu kém trên có nhiều nguyên nhân. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền các luận điệu chống phá tinh vi, phức tạp, khó nhận diện. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa kịp thời, thiếu sâu sát, còn
chung chung, chưa khu biệt được những nội dung, đối tượng cần đấu tranh, phản bác. Lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang còn mỏng, thiếu những chuyên gia am hiểu về quốc phòng, an ninh, công nghệ thông tin để làm nòng cốt đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Cơ chế đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang chưa đồng bộ, chặt chẽ.
3. Giải pháp tăng cường đấu tranh phản bác luận điệu đòi “phi chính trị hóa” đối với lực lượng vũ trang hiện nay
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” đối với lực lượng vũ trang
Nhận thức đúng là cơ sở để hành động đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”(10). Mỗi chủ thể, cán bộ, đảng viên và người dân cần nhận diện rõ âm mưu thủ đoạn, chiêu trò xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Chủ động nhận diện phân tích, sàng lọc các luận điệu, âm mưu thủ đoạn chống phá của chúng, không tin theo những luận điệu xấu độc. Các cấp ủy đảng phải thường xuyên giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, bản lĩnh, ý thức sẵn sàng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang để trở thành lá chắn thép bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước bối cảnh mới, các cơ quan dự báo chiến lược của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cần đi sâu phân tích, nhận diện thủ đoạn, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch, phản động, để từ đó đưa ra những dự báo chính xác nhằm giúp Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang chủ động chuẩn bị ứng phó, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống. Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị
trước”(11). Đó là cơ sở để bảo đảm nền quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường hòa bình luôn được giữ vững, bảo đảm.
Thứ hai, xây dựng lực lượng chuyên trách gắn với thiết lập các website để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang
Trước bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa,… Kiên quyết, kiên trì đấu tranh vững chắc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(12). Để cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ để thiết lập các website tạo môi trường, điều kiện cho các nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân nắm được thông tin một cách chính xác. Điều này góp phần đấu tranh phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Coi trọng đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác, như thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống báo chí của Đảng, mạng internet (qua các website, blog, kênh youtube), gắn với phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, cùng các tạp chí trong và ngoài lực lượng vũ trang,… nhằm tạo sự cộng hưởng phản bác mạnh mẽ. Đồng thời, đa dạng hóa tuyến bài đấu tranh phản bác từ những bình luận phê phán, phản bác đến những bài viết chính luận, hội thảo, đề tài khoa học với hệ thống luận cứ khoa học xác đáng, có độ tin cậy, lập luận sắc bén để phản bác những luận điệu hàm hồ, cổ xúy cho những quan điểm sai trái, không có cơ sở khoa học của các thế lực thù địch, phản động. Các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học không phải trong lực lượng vũ
trang phải làm nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, lý luận tích cực tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá các nội dung, lực lượng của nền quốc phòng toàn dân, nhất là đòi “phi chính trị hóa”lực lượng vũ trang, xuyên tạc hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Công an nhân dân.
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng) cần phối hợp chặt chẽ với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ Thông tin và Truyền thông để kiểm duyệt các tuyến bài, video có nội dung xuyên tạc, xấu độc đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang,… để gỡ bỏ và xây dựng kế hoạch đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cần cung cấp những thông tin chính thống, các bài viết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nền quốc phòng toàn dân, gương người tốt, việc tốt trong lực lượng vũ trang; khẳng định truyền thống cách mạng tốt đẹp của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Đồng thời, cần lồng ghép thời lượng phát sóng chương trình của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trên truyền hình gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc lực lượng vũ trang,… tạo sự hấp dẫn, lan tỏa trong nhân dân và có tính hiệu quả cao.
Thứ ba, coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao
Ngay từ khi Đảng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã coi trọng xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Xuất phát từ vai trò của lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết: “Một quân đội văn hay võ giỏi, là một quân đội vô địch”(13). Muốn thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị cho bộ đội. Tư tưởng “người trước súng sau” của Người là sợi chỉ đỏ để huấn luyện, bồi dưỡng ý chí, bản lĩnh, giác ngộ lý tưởng cho cán bộ,
chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.
Trước tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định lộ trình, bước đi xây dựng lực lượng vũ trang “Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(14). Bởi, theo Hồ Chí Minh, quân đội và công an giống như hai tay của một con người. “Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là quân đội, để đánh giặc ngoại xâm, để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là công an, để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”(15).
Trước bối cảnh mới, lực lượng vũ trang nhân dân ngoài việc nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng, cần coi trọng huấn luyện, diễn tập để nắm vững kỹ chiến thuật, phương án tác chiến, sử dụng thành thạo các loại vũ khí để chủ động ứng phó các tình huống về quốc phòng, an ninh khi xảy ra. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn bộ đội: “Các chú phải học tập cho tốt, giữ gìn kỷ luật cho nghiêm, lúc không có địch cũng coi như có địch, lúc có địch cũng coi như không có địch”( 16).
Để bảo đảm an ninh chính trị, cần xây dựng lực lượng Công an nhân dân tinh, gọn, mạnh, với phương châm: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Đây là phương châm, giải pháp nhằm hóa giải kịp thời những điểm nóng chính trị, bảo đảm ổn định chính trị ở từng địa bàn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ công an rằng: “Nó phá hoại được vì ta sơ hở,
chủ quan”(17). Cùng với đó, cần phải coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững chắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, đơn vị thực hiện công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang còn thể hiện ở chức năng kiểm tra, giám sát. Đây là cơ sở bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn trong sạch vững mạnh, thật sự là Quân đội, Công an của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Có làm tốt công tác kiểm tra, giám sát mới đánh giá chính xác chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phản bác của các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, tôn vinh biểu dương những tập thể, cá nhân có nội dung, phương thức đấu tranh phản bác phù hợp, sắc bén, sát với thực tiễn, hệ luận cứ xác đáng, rõ ràng.
Ngoài việc phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, ủy ban kiểm tra trong lực lượng vũ trang cần phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người đứng đầu (thủ trưởng các đơn vị), cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW. Tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy địa phương đối với bộ chỉ huy quân sự tỉnh; ban chỉ huy quân sự quận, huyện trong việc triển khai thực hiện công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước nói chung, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nói riêngq
- V.I.Lênin, Toàn tập, t.35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.480-481
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2011, tr.5
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.9, Sđd, tr.226 và (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, Sđd, tr.265 và 552
- (5), (15), (17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Sđd, tr.588, 258 và 259
-
(6) và (10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Sđd, tr.37 và 114 (7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.83
- Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.43
- Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.150-151
- và (14) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Sđd, tr.156-157 và 158
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.470
-
(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.14, Sđd, tr.685-686
-
PGS, TS, Nguyễn Thế Tư
-
Học viện Chính trị khu vực III, Học viện
-
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- Biện chứng giữa kinh tế và chính trị ở Việt Nam hiện nay.Khoa Chính trị và Báo chí28/11/2024
- Công tác chuẩn bị cho Hội thảo cấp khoa về "Chuyển đổi số Báo chí: Định hình tương lai truyền thông"Khoa Chính trị và Báo chí28/11/2024
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024