Công tác quản lý nhà nước về Phật giáo ở Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay
TS. Nguyễn Văn Trung
TS. Nguyễn Hồng Vinh
Khoa Du lịch và CTXH, Trường KHXH&NV, Trường Đại học Vinh
Tóm tắt:
Trên cơ sở khái quát đặc điểm tình hình Phật giáo và thực trạng công tác quản lý nhà nước về Phật giáo ở Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đề xuất một số định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Phật giáo trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
1. Khái quát đặc điểm, tình hình Phật giáo ở Hà Tĩnh trong giai đoạn hiện nay
Trong những năm qua, Phật giáo ở Hà Tĩnh phát triển nhanh và hoàn thiện về hệ thống tổ chức. Tính đến thời điểm năm 2022 có Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo 13/13 huyện, thành phố, thị xã, có 300 ngôi chùa, trong đó 107 ngôi chùa sinh hoạt Phật giáo[1]. Toàn tỉnh có 45 tăng, ni trụ trì các chùa, trên 20.100 Phật tử đã quy y tam bảo ở 175 xã, phường, thị trấn trong tỉnh[2].
Nhìn chung Phật giáo ở Hà Tĩnh hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật luôn đồng hành với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc góp phần vào sự ổn định chính trị và sự phát triển về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh. Với chủ trương “tùy duyên, tùy lý”, mềm dẻo, linh hoạt, hòa mình vào văn hóa dân tộc, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo ở Hà Tĩnh nói riêng đã vận dụng các nguồn lực xã hội xây dựng cơ sở thờ tự, phát triển chức sắc, chức việc, thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử.
2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về Phật giáo ở Hà Tĩnh trong những năm qua
2.1. Những kết quả đạt được
Thứ nhất, xây dựng văn bản cụ thể hóa chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo; Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Kết luận số 08/KL/TW, ngày 02/8/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng cốt cán trong tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo”; Quyết định số 125/2003/QĐ-TTg, ngày 18/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về công tác tôn giáo; Luật tín ngưỡng tôn giáo 2016 (Luật số: 02/2016/QH14); Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư số 04/2016/TT-BNV ngày 10/6/2016 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số nội dung về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Căn cứ yêu cầu của công tác QLNN về tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trên địa bàn, bao gồm: Chỉ thị số 41-CT/TU, ngày 22/01/2020 về “Nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới”; Kết luận số 41-TB/BCĐ của Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo tỉnh, Ban Chỉ đạo 68 cấp tỉnh; Kế hoạch số 106-KH/TU, ngày 23/2/2018 về “thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của BCH Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới” của Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Kế hoạch số 169-KH/TU, ngày 04/5/2019 về “Tổ chức thực hiện tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình hiện nay” của Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 19/02/2020 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; Hướng dẫn số 01 HD/BDVTU-MTTQ, ngày 16/3/2020 về “Xây dựng cốt cán tôn giáo” của Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh; Công văn số 62/UBND-NC1 ngày 23/3/2018 “về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Bộ chính trị về công tác tôn giáo” của UBND tỉnh; Kết luận số 109-KL/TU, ngày 25/3/2019 về bố trí tổ chức bộ máy và một số chính sách trong công tác tôn giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Kết luận số 110-KL/TU, ngày 01/4/2019 về xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới của Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Quyết định số 249/QĐ-UBND, ngày 19/12/2019 “Quy định chế độ, chính sách đặc thù đối với những người làm công tác tôn giáo và chính sách đối với việc xây dựng cốt cán trong tôn giáo ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh của UBND tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định 261/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019 về ban hành đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình mới” của UBND tỉnh Hà Tĩnh; Biên soạn và ban hành Sổ tay “Công tác tôn giáo” năm 2021 của UBND tỉnh.
Những văn bản trên là đường lối chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh thực hiện công tác quản lý nhà nước (QLNN) về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Thứ hai, quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhằm giúp cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu trong công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo, ở Hà Tĩnh đã thành lập 2 cơ quan trực tiếp QLNN về về tín ngưỡng, tôn giáo là Ban Tôn giáo và Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh. Qua quá trình hoạt động, Ban Tôn giáo và Ban chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đã thực hiện tốt vai trò chức trách của mình.
Ban Tôn giáo tỉnh đã thực hiện công tác tham mưu đề xuất với Giám đốc Sở Nội vụ giúp UBND tỉnh thực hiện công tác QLNN về tôn giáo nói chung theo quy định của pháp luật.
Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến Phật giáo tại cơ sở, không để xảy ra những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh.
Thứ ba, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực hiện quy định về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh đã chấp thuận cho các sinh hoạt Phật giáo, các ngày lễ trọng, đồng thời tạo điều kiện, thăm chúc, động viên tín đồ, nhà tu hành, chức sắc nhân các ngày lễ như: lễ Phật đản, Đại hội Phật giáo các cấp...
Để tăng cường hiệu quả công tác QLNN về đất đai, xây dựng công trình tín ngưỡng, tôn giáo, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 07/5/2012 về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất tôn giáo; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19/3/2015 về việc giải quyết, xứ lý dứt điểm việc đất đai tôn giáo; chỉ đạo Sở Xây dựng ban hành Hướng dẫn số 458/HD-UBND ngày 04/12/2013 về việc cấp giấy phép xây dựng công trình tôn giáo và công trình phụ trợ thuộc cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Căn cứ quy định nêu trên, các cấp, các ngành phối hợp giải quyết nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật cho Phật giáo trong việc cấp đất, thành lập tổ chức, xây dựng công trình sinh hoạt Phật giáo, chấp thuận, bổ nhiệm chức sắc, chức việc, lễ hội Phật giáo; xử lý các vấn đề tồn đọng có liên quan đến Phật giáo... Trong giai đoạn 2010 - 2022, chấp thuận khôi phục, cấp phép xây dựng mới 37 chùa, Tự viện Phật giáo (gồm: 13 Ban Trị sự Phật giáo huyện cấp huyện và 24 chùa)[3]. Đồng thời, chấp thuận Ban trị sự Phật giáo tỉnh bổ nhiệm 40 sư trụ trì (02 Thượng tọa và 38 đại đức về trụ trì các chùa trên địa bàn tỉnh)[4].
Việc giải quyết kịp thời các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng nêu trên đã tạo được niềm tin của đồng bào phật tử đối với Đảng, Nhà nước nói chung và cấp ủy, chính quyền ở địa phương nói riêng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Để công tác QLNN về tôn giáo ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, Ban Tôn giáo đã phối hợp các ngành chức năng của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền cơ sở tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ công tác QLNN về tôn giáo cho cán bộ, công chức các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn. Hàng năm, đã phối hợp Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Tôn giáo huyện, thành phố, thị xã tổ chức và phối hợp tổ chức mở các lớp tuyền truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức hàng chục lớp tập huấn nhằm cập nhật thông tin tình hình tín ngưỡng, tôn giáo thế giới, trong nước và ở tỉnh Hà Tĩnh cho hàng trăm lượt cán bộ từ tỉnh đến cơ sở; phổ biến chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho các chức sắc, chức việc các tôn giáo; Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh phối hợp tổ chức đoàn đại biểu đại diện các tổ chức tôn giáo tham gia hội nghị tập huấn kiến thức quốc phòng - an ninh do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng giáo dục phòng, an ninh trung ương phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức. Chỉ tính trong giai đoạn 2015 - 2021, đã tổ chức tuyên truyền trên 41 cuộc ở cấp tỉnh, huyện, xã[5]. Nội dung tuyên truyền gồm những quy định liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp năm 2013; Luật số: 02/2016/QH14 ngày 18/11/2016 của Quốc hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; các văn bản của Trung ương quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; việc công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nội vụ; công tác tôn giáo trong tình hình mới; quan điểm, chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo trong các văn kiện Đại hội của Đảng các khóa XII, XIII.
Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhà tu hành, tín đồ Phật giáo và quần chúng Nhân dân về pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, tăng cường cơ chế phối hợp, vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của các cấp, các ngành, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Hàng năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện, xã mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng QLNN về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng là cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, huyện; cán bộ, công chức kiêm nhiệm làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 – 2021 đã đào tạo được 31 cán bộ, công chức[6] làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng là việc phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tôn giáo, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và công tác QLNN về tôn giáo nói riêng.
Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Hàng năm, Ban Tôn giáo tỉnh đã thành lập nhiều đoàn thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tiếp một số công dân đến kiến nghị; tiếp nhận và xử lý nhiều đơn thư khiếu nại, phản ánh. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố, thị xã triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều kiến nghị, phản ánh liên quan đến Phật giáo được xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng, đúng pháp luật, tạo lòng tin của Phật tử, tăng ni đối với cơ quan nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
2.2. Tồn tại, hạn chế
Công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh nhất là cấp cơ sở còn hạn chế.
Công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ở một số nơi, một số thời điểm hiệu quả chưa cao, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, xây dựng chùa. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo vẫn còn tồn đọng kéo dài, còn 87 điểm cơ sở Phật giáo chưa được cấp[7].
Công tác tiếp xúc, vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ của tổ chức Phật giáo trong phối hợp thực hiện các nhiệm vụ QLNN về Phật giáo chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai liên quan đến Phật giáo và quản lý tài chính một số chùa chưa triệt để.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Phật giáo giai đoạn hiện nay
Một là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo; Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Triển khai Chương trình hành động của Bộ Nội vụ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; các luật chuyên ngành liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ Phật giáo và người dân trong giai đoạn mới.
Hai là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận; chủ động giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo chính đáng của các tín đồ; kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tôn giáo, quần chúng tôn giáo và có phương hướng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, công nhận tổ chức tôn giáo cho các tổ chức đủ điều kiện. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức tốt các hội nghị thường niên, đại hội nhiệm kỳ; bầu, chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội có đạo hạnh, có trình độ, khả năng lãnh đạo, tinh thần đối thoại, hợp tác và ý thức chấp hành pháp luật; thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các cơ sở Phật giáo. Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, trong đó có quần chúng tín đồ Phật giáo. Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức Phật giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và huy động các nguồn lực của Phật giáo cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về nhà nước về đất đai, xây dựng liên quan đến Phật giáo.
Tiếp tục phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về đất đai, xây dựng, trong đó tập trung tuyên truyền các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng có liên quan đến tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác QLNN về tín ngưỡng, tôn giáo cùng các chức sắc, chức việc và cốt cán trong Phật giáo nhận thức, chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác QLNN về đất đai, xây dựng liên quan đến Phật giáo. Rà soát tổng thể việc sử dụng đất có liên quan đến Phật giáo, tăng cường, chủ động công tác tuyên truyền vận động và hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ Phật giáo kê khai, đăng ký sử dụng đất cho các cơ sở theo Chỉ thị số 09-CT/UBND của UBND tỉnh, nhất là những cơ sở còn tồn đọng. Chỉ đạo công tác quy hoạch tổng thể cần tính đến quỹ đất dành cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (tùy vào từng địa bàn cụ thể); giao rõ trách nhiệm cho các cơ quan chức năng của tỉnh, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhất là địa phương, cơ sở phải chịu trách nhiệm về tất cả các lĩnh vực quản lý trên địa bàn theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; chủ động giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, các vụ việc vi phạm đất đai, cơ sở thờ tự ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài, gây phức tạp tình hình mới đùn đẩy lên cấp trên. Củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu Tổ tham mưu, xử lý, giải quyết đất đai tín ngưỡng, tôn giáo của tỉnh; xây dựng quy chế phối hợp, xây dựng hướng dẫn quy trình thủ tục hồ sơ giao, cấp đất tín ngưỡng, tôn giáo, hồ sơ thủ tục về cấp giấy phép xây dựng về công trình tín ngưỡng, tôn giáo; kiến nghị góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định hướng dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Chỉ đạo tăng cường công tác QLNN về xây dựng liên quan đến Phật giáo; phối hợp tổ chức rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình xây dựng và công tác QLNN về xây dựng liên quan đến Phật giáo để có biện pháp quản lý phù hợp, có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Bốn là, chủ động, tích cực trong công tác tiếp xúc, vận động, tranh thủ chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ của tổ chức Phật giáo.
Chủ động vận động, đoàn kết đồng bào Phật giáo thông qua việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật ở địa phương. Thường xuyên gặp gỡ các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người có uy tín trong Phật giáo, tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách và giáo dục tín đồ chấp hành pháp luật. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong tôn giáo tạo nguồn lực cần thiết khi xử lý các vấn đề phức tạp trong tôn giáo. Phát triển đảng viên là người có đạo và phân công nhiệm vụ cho đảng viên có đạo trong việc nắm tình hình và thực hiện tốt công tác dân vận với quần chúng, tín đồ.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và huyện, xã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và xử lý, giải quyết kịp thời theo thẩm quyền các vụ việc liên quan; tập trung tháo gỡ những vướng mắc, “điểm nóng” ngay từ cơ sở, không để phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp. Thực hiện cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cơ chế “một cửa” về tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của các tổ chức, cá nhân của tổ chức Phật giáo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý, giải quyết dứt điểm, kịp thời các trường hợp kiến nghị, phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo kết hợp công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại các tỉnh, thành phố. Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, kịp thời tham mưu, xử lý những vi phạm của tổ chức, cá nhân tôn giáo.
Kết luận
Công tác QLNN đối với các hoạt động Phật giáo thực chất là nhằm đảm bảo một cách đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. QLNN về Phật giáo là hướng các hoạt động tôn giáo theo đúng chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước “đồng hành cùng dân tộc và vì lợi ích của dân tộc” và phát huy tốt phương châm của Phật giáo: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Trong những năm qua, hoạt động của Phật giáo ở Hà Tĩnh theo hướng tuân thủ pháp luật, tuy nhiên bên cạnh đó, còn một số hạn chế cần khắc phục nhất là việc chấp hành quy định về sử dụng đất đai, quản lý công đức tại một số chùa… Những hạn chế này đều được các cấp ủy, chính quyền các cấp nhất là cơ quan tham mưu trong công tác QLNN về tôn giáo nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu thực hiện đúng quy định. Nhờ vậy, đã góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự ổn định về chính trị, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về tôn giáo của chính quyền các cấp.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, công nghệ số phát triển đang từng bước xóa nhòa ranh giới văn hóa giữa các cộng đồng, quốc gia và vùng lãnh thổ. Để Phật giáo Hà Tĩnh nối tiếp truyền thống hộ quốc an dân, góp phần giải quyết một số vấn nạn mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt thông qua triết lý nhập thế tích cực của Phật giáo với những nguyên tắc đạo đức căn bản. Đồng thời, để kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, đồng hành cùng cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết với phương châm phụng đạo, yêu nước. Trong thời gian tới các cơ quan QLNN về tôn giáo ở Hà Tĩnh cần tăng cường tuyên truyền cho đồng bào có đạo nói chung, Phật giáo nói riêng nâng cao cảnh giác, đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, sử dụng vấn đề tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây mất ổn định tình hình.
Tài liệu tham khảo
[1]. Học viện Hành chính (2010), Giáo trình quản lý nhà nước về dân tộc và tôn giáo, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
[2]. Chu Thanh Hoài (2019), Hà Tĩnh triển khai đề án nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo trong tình hình mới, truy cập 2019, tại: https://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/Ha_Tinh_trien_khai_de_an_nang_cao_hieu_qua_cong_tac_tin_nguong__ton_giao_trong_tinh_hinh_moi-postrpY8jD4z.html
[3]. Nguyễn Văn Trung (2022), Số liệu khảo sát QLNN về Phật giáo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2022.
[4]. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (2014), Quản lý nhà nước về tôn giáo từ thực tiễn tỉnh Bắc Giang, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5]. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2019), Đề án về nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình mới ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019, Hà Tĩnh.
[1] https://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/Ha_Tinh_trien_khai_de_an_nang_cao_hieu_qua_cong_tac_tin_nguong__ton_giao_trong_tinh_hinh_moi-postrpY8jD4z.html
[2] UBND tỉnh Hà Tĩnh (2019), Đề án về nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình mới ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019, Hà Tĩnh, trang 9.
[3] UBND tỉnh Hà Tĩnh (2019), Đề án về nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình mới ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019, Hà Tĩnh, trang 16.
[4] UBND tỉnh Hà Tĩnh (2019), Đề án về nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình mới ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019, Hà Tĩnh, trang 16-17.
[5] Nguyễn Văn Trung (2022), Số liệu khảo sát về QLNN về Phật giáo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2022.
[6] Nguyễn Văn Trung (2022), Số liệu khảo sát về QLNN về Phật giáo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 – 2022.
[7]UBND tỉnh Hà Tĩnh (2019), Đề án về nâng cao hiệu quả công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở Hà Tĩnh trong tình hình mới ban hành kèm theo Quyết định số 261/QĐ-UBND, ngày 30/12/2019, Hà Tĩnh, trang 18.
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024