Chuyển đổi số trong giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng xu thế toàn cầu hóa hiện nay
Tóm tắt: Chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị đã làm thay đổi môi trường dạy học, phương thức dạy học, thay đổi kỹ thuật, công nghệ dạy học, vị trí và vai trò của thầy và trò. Từ vị trí chủ động, giảng viên trao quyền tự chủ cho sinh viên tự do sáng tạo thông qua các kho dữ liệu số với hạ tầng số hiện đại. Công tác kiểm tra, đánh giá được chú trọng theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất đạo đức của sinh viên; hướng tới xây dựng công dân số có thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng, niềm tin, lý tưởng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
Từ khóa: chuyển đổi số, giáo dục, lý luận chính trị
MỞ ĐẦU
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) tạo ra bước đột phá lớn về mặt khoa học và công nghệ trên thế giới trong ba lĩnh vực chính: công nghệ sinh học, kỹ thuật số, vật lý. Sự ra đời của điện toán đám mây, công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo AI… đã xóa bỏ mọi ranh giới giữa các vật thể, thế giới số hóa, thế giới sinh học. Một trong những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 là IoT không chỉ giúp kết nối con người với con người mà còn cho phép con người giao tiếp với máy, đồ vật giao tiếp với nhau. Điều này đã làm thay đổi mạnh mẽ về sự phân bố các nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt năng suất lao động của các quốc gia nâng cao rõ rệt. Để có thể vận hành được nền sản xuất “thông minh” trên thì không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp tốt. Từ đó, đặt ra cho các cơ sở đào tạo phải có chiến lược cụ thể, sáng tạo trong chương trình giảng dạy, bắt kịp với xu hướng thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Với lí do trên, việc chuyển đổi số trong giảng dạy ở các trường đại học là một xu thế tất yếu. Với các học phần lý luận chính trị thì việc chuyển đổi số chính là làm thay đổi phương pháp dạy và học giữa giảng viên và sinh viên. Từ việc giảng dạy trực tiếp là chính, giảng viên có thể xây dựng các lớp học ảo, kết nối với sinh viên qua các hệ thống phần mềm; khuyến khích người học chủ động tự nghiên cứu, đưa ra các quan điểm, hình thành thế giới quan cách mạng, định hướng lý tưởng đúng đắn.
NỘI DUNG
1. Khái niệm chuyển đổi số
Hiện nay, có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau về chuyển đổi số. Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin Gartner, chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ trong thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt doanh số tốt hơn.
Theo Microsoft, chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo những giá trị mới.
Theo Techopedia, chuyển đổi số là những thay đổi tổng thế và toàn diện liên quan đến công nghệ số và tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau.
Ở nước ta, quan niệm về chuyển đổi số đã được đề cập từ rất sớm nhưng đến Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh thêm vai trò của vấn đề này: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột cần phải phát triển nhanh, bền vững, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” [5, tr.221].
Trong lĩnh vực giáo dục, theo tác giả Tô Hồng Nam, chuyển đổi số “là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng” [7, tr.15 -18]. Cách hiểu này đã nêu được đúng quá trình hoạt động, tuy nhiên chưa làm rõ được bản chất bên trong của dạy học trong chuyển đổi số, bởi quá trình này không chỉ bao hàm dạy học ảo (dạy học trực tuyến). Về nội dung của chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo (GDĐT), ông cho rằng: Chuyển đổi số trong GDĐT tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Trong quản lý giáo dục, bao gồm số hóa thông tin quản lý, tạo ra những hệ thống cơ sở dữ liệu lớn liên thông, triển khai các dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng các công nghệ 4.0 (AI, blockchain, phân tích dữ liệu...) để quản lý, điều hành, dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong GDĐT một cách nhanh chóng, chính xác. Trong dạy học, kiểm tra, đánh giá chuyển đổi số gồm số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường đại học ảo, tạo sự kết nối giữa người dạy và người học qua hệ thống Internet.
Như vậy, trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số được hiểu là một phương thức giáo dục. Chuyển đổi số vừa tạo ra môi trường vận hành giáo dục, vừa thay đổi cách quản trị cơ sở giáo dục. Trong dạy học, chuyển đổi số được hiểu là vừa thay đổi môi trường dạy học, vừa thay đổi phương thức dạy học, vừa thay đổi kỹ thuật, công nghệ dạy học, vị trí và vai trò của thầy và trò có sự thay đổi lớn.
2. Sự cần thiết tiến hành chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị
2.1. Trang bị thế giới quan duy vật, phương pháp luận biện chứng, thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực sáng tạo
Thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị là hướng tới bồi dưỡng thế giới quan duy vật, nhân sinh quan cách mạng; giúp cho sinh viên có niềm tin, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, là nền tảng tinh thần, định hướng đúng đắn trước sự tác động đa chiều của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
Chúng ta đã biết toàn cầu hóa ra đời đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong hoạt động kinh tế của con người, vị trí và tính chất của thị trường trao đổi hàng hóa được mở rộng. Nếu như trước đây thị trường mang tính quốc gia, thì nay thị trường đã mang tính quốc tế, điều này cũng làm tăng giá trị của hàng hóa ngày càng cao. Thị trường tài chính, tiền tệ, dịch vụ mở rộng không ngừng. Tuy nhiên, mặt trái của toàn cầu hóa là các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị dưới rất nhiều lớp vỏ ngụy trang khác nhau không ngừng lợi dụng các diễn đàn truyền thông, mạng xã hội để xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng của nhân dân. Chúng tìm mọi cách lôi kéo số đông, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên hưởng ứng theo. Đứng trước vấn đề trên, các giảng viên chính trị phải tỉnh táo, nhạy bén nhận diện, chủ động đấu tranh, giữ vững tư tưởng, lập trường chính trị; đồng thời truyền bá tư tưởng cùng các nhiệt huyết cho sinh viên để giúp họ “miễn nhiễm” trước thông tin độc hại, trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Việc xây dựng các học liệu, bài giảng điện tử cho các học phần lý luận chính trị trên điện toán đám mây là cách thức để giảng viên và sinh viên kết nối, giảng dạy và học tập gần nhau. Trước đây các học phần này đa số giảng viên là sử dụng cách giảng dạy truyền thống face to face; khi tiến hành chuyển đổi số sẽ khắc phục mọi khoảng cách địa lý, không gian, thời gian; tạo nhiều cơ hội học tập đa dạng. Dưới tác động của đại dịch Covid-19 với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, giảng viên và sinh viên đã tương tác với nhau rất nhanh chóng trên nền tảng số qua hệ thống câu hỏi thảo luận nhóm, bài tập, các dự án nhỏ; các bài thi trực tuyến. Từ đó, có thể sinh viên phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của mình. Dựa trên sự tương tác đó giảng viên sẽ điều chỉnh linh hoạt các mức độ khó - dễ của các gói câu hỏi phù hợp với từng đối tượng học tập.
2.2. Chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị sẽ từng bước giáo dục người học trở thành công dân số trong tương lai
Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749/QĐ-TTg, phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu chính là đưa Việt Nam thành một quốc gia số mà những năm đầu tiên của chương trình này là xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu đến năm 2025: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80% [8, tr.2-3].
Theo chương trình đề ra bất cứ công dân nào cũng phải có kỹ năng số để đáp ứng với mục tiêu trên. Công dân số (Digital Citizen) là người am hiểu, thích nghi với việc sử dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kĩ thuật để gắn kết, kết nối với những người xung quanh. Trên thế giới hiện nay, tiêu chí đánh giá người công dân số thường dựa trên các kỹ năng cơ bản (truy cập số; thương mại số; truyền thông số; kiến thức số; nghi thức số; luật lệ số; quyền và trách nhiệm số; sức khỏe thể chất và tâm lý số; an ninh số). Trong 9 kỹ năng trên thì kỹ năng thứ 6 - Luật lệ số (Digital Law) - chính là nhấn mạnh đến việc người công dân số phải tuân thủ các nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, hướng tới điều chỉnh cách ứng xử của con người trên không gian mạng [3, tr.11-14].
Các học phần lý luận chính trị có đặc thù thông qua các phạm trù, nguyên lý, quy luật có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa cao hướng tới giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho người học; thì nay bằng sự trải nghiệm thực tế “ảo” dưới dạng không gian ba chiều, với kho học liệu trực quan, sinh viên được tận mắt chứng kiến các tình huống sẽ trải qua ngoài đời thực mà không phải đến tận nơi thực tập; làm quen được môi trường làm việc chuyên nghiệp, từ đó hình thành tư duy phản biện trong công việc, khả năng đánh giá, phân tích các hành vi phù hợp trong các tình huống trên; các phẩm chất nghề được hình thành. Sinh viên thấy được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và xã hội. Thông qua các công cụ kết nối số, môi trường văn hóa học đường được định hình rõ nét, sinh viên biết giao tiếp ứng xử theo hướng thân thiện, hợp tác.
3. Một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị tại các trường đại học trong thời gian tới
Thứ nhất, giảng viên lý luận chính trị phải cập nhật thường xuyên, kịp thời những thành tựu khoa học công nghệ nói chung, công nghệ thông tin nói riêng để có đủ phương tiện, công cụ dạy và học một cách thông minh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 ra đời kéo theo sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ tạo thành dòng chảy không ngừng trong xu hướng phát triển của thế giới, khám phá những quy luật mới của tự nhiên, xã hội. Con người sống trong môi trường đó luôn phải linh hoạt, vận động không ngừng để phù hợp với xu hướng trên. Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị cần thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong quá trình chuyển đổi số để thường xuyên cập nhật những kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ thuật số, ngôn ngữ giao tiếp với máy tính, bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ. Đây được coi là công cụ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giáo dục, là cánh cửa bước vào hội nhập quốc tế sâu rộng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tự học và nỗ lực học. “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” [6, tr.215]. Học tập lời dạy của Người, mỗi giảng viên phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu không ngừng bởi đó là cách tối ưu làm tăng chất lượng đào tạo, biết tự “thải loại” những kiến thức lạc hậu và không ngừng bổ sung, “làm mới” vốn tri thức, kĩ năng của mình trước sự thay đổi như vũ bão của thế giới.
Thứ hai, giảng viên cần được trao quyền sắp xếp, thiết kế chương trình giảng dạy các học phần lý luận chính trị phù hợp với trình độ nhận thức của sinh viên từng ngành, nghề.
Theo Công văn 3056 ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành “Hướng dẫn thực hiện giáo trình, chương trình” các học phần lý luận chính trị, chuyển từ giảng dạy 3 học phần sang 5 học phần: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh [2]. Sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp nghiên cứu từng môn học, với điều kiện thực tiễn hiện nay.
Tuy nhiên, việc sắp xếp thứ tự các học phần cần có sự điều chỉnh hợp lý nhằm tăng khả năng nhận thức của người học. Theo các nhà mác-xít quá trình nhận thức của con người đi từ “trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn”, học phần Triết học Mác - Lênin là điều kiện tiên quyết để học các học phần tiếp theo; với tính lý luận cao rất khó cho sinh viên năm đầu khi thực tiễn của bản thân còn hạn chế. Theo tác giả, Bộ Giáo dục và đạo tạo nên trao quyền sắp xếp chương trình giảng dạy cho các trường đào tạo theo hướng: các học phần có tính thực tiễn cao, lý luận thấp trước, tăng độ khó qua các năm sau: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Triết học Mác - Lênin.
Để đáp ứng với yêu cầu của chuyển đổi số, việc xây dựng các chương trình giảng dạy các học phần lý luận chính trị cần linh hoạt phù hợp với các khối chuyên ngành. Tùy vào đặc điểm của từng chuyên ngành để tăng hoặc giảm số tiết lý thuyết và thảo luận (hiện nay là 70 lý thuyết, 30 thảo luận), tập trung vào hình thành kỹ năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tế cuộc sống.
Thứ ba, đổi mới công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá các học phần lý luận chính trị
Kiểm tra đánh giá thông qua các kỳ thi thực chất là một cách để giúp cà người dạy và người học xác định được kiến thức, kỹ năng cụ thể để giúp giảng viên có thêm thông tin về kiến thức của sinh viên, từ đó đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp; đồng thời giúp bàn thân người học hiểu rõ về năng lực cùa họ và sau đó “tự điều chỉnh hiệu quả vào quá trình tiếp nhận kiến thức sau này”. Kiểm tra và đánh giá là hai hoạt động tương hỗ, phát triển song song trong đó kiểm tra nhằm mục đích xem xét, ra soát lại công việc; kiểm tra cũng là xem xét tình hình thực tế để cung cấp những dữ kiện, thông tin là cơ sở cho việc đánh giá quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả công việc dựa vào sự phân tích những thông tin thu được [1].
Với cách dạy và học truyền thống trước đây, đa phần các học phần lý luận chính trị sẽ được tổ chức kiểm tra đánh giá dưới dạng tự luận, học gì thi nấy. Một số trường đại học đã triển khai cách thức thi trắc nghiệm trên máy. Mỗi một hình thức thi, kiểm tra đánh giá có ưu, nhược điểm riêng. Thi tự luận giúp sinh viên biết cách tư duy, đánh giá các vấn đề được học, vận dụng vào thực tiễn ngoài xã hội, tuy nhiên tính lặp lại cao, khá tẻ nhạt, cồng kềnh, mất nhiều thời gian, công sức đối với giảng viên; tạo áp lực lớn, nhiều trường hợp học vẹt, học tủ. Thi trắc nghiệm đòi hỏi người học phải nắm khối lượng kiến thức rộng, phản xạ nhanh; nhưng kỹ năng trình bày kém. Vì vậy, để đánh giá toàn diện kiến thức, hình thành kỹ năng người học đáp ứng với sự phát triển của chuyển đổi số cần xây dựng cách thức thi trực tuyến, kiểm tra phù hợp. Có thể kết hợp trắc nghiệm 60%, tự luận 40% với hệ thống phần mềm với các ứng dụng công nghệ thông tin: ứng dụng Zoom kết hợp với LMS, hoặc Zoom kết hợp với Bookwidgets, Google classroom.v.v.
Thứ ba, xây dựng hạ tầng số đáp ứng tốt công tác dạy và học.
Chất lượng giáo dục không chỉ quyết định bởi lực lượng giảng viên, sinh viên mà còn phụ thuộc vào nền tảng hạ tầng số - một yếu tố tiên quyết trong quá trình chuyển đổi số. Trước hết các trường đại học cần trang bị hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại (wifi, internet, thiết bị phần cứng, camera, cảm biến v.v.) có khả năng kết nối vạn vật, phục vụ tốt cho việc dạy và học online, kiểm tra đánh giá và hội thảo trực tuyến. Việc kết nối các thiết bị thông minh cũng có thể tự động kích hoạt bật hoặc tắt hệ thống điều hoà, máy chiếu; phần mềm điểm danh tự động giúp cho giảng viên nhanh chóng bao quát được số lượng sinh viên trong lớp.
Xây dựng hệ thống sách điện tử (sách giáo khoa, sách tham khảo) của các học phần lý luận chính trị, kho dữ liệu số với các bài giảng E-learning, video, clip phong phú, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu khai thác dữ liệu của sinh viên ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, cần tranh thủ sức mạnh của mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram v.v. là công cụ tuyên truyền tạo sự lan tỏa những nội dung giáo dục rất hiệu quả.
KẾT LUẬN
Có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số trong giảng dạy các học phần lý luận chính trị là hoàn toàn phù hợp với xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Để chuyển đổi số trong lĩnh vực này thành công đòi hỏi các trường đại học phải bám sát sự phát triển của khoa học công nghệ, ứng dụng hiệu quả làm thay đổi tư duy của các chủ thể giáo dục, không ngừng mở rộng kho dữ liệu số các học phần lý luận chính trị; lồng ghép với công tác giáo dục đạo đức, ý thức chính trị cho học sinh, sinh viên.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hồ Sỹ Anh (2011), “Đề xuất giải pháp đánh giá chất lượng học sinh phổ thông Việt Nam”, Kỉ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục cùa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập 1, Hải Phòng.
[2]. Bộ Giáo dục và đào tạo (2019), Công văn 3056 ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành “Hướng dẫn thực hiện giáo trình, chương trình các môn lý luận chính trị”, Hà Nội.
[3]. Phạm Tất Dong (2021), Công dân số trên không gian mạng, Tạp chí Dạy và Học ngày nay, số kì 1, tháng 4/2021, tr.11-14.
[4]. Ngô Thị Thu Dung (2021), Cơ sở lí luận về chuyển đổi số trong dạy học đại học, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Hòa Bình, số 1, tháng 9/2021, tr.58-65.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6]. Hồ Chí Minh (1996), Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[7]. Tô Hồng Nam (2020), Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, số 2 tháng 4/2020, Hà Nội, tr.15-18.
[8]. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học trong bối cảnh hiện nay" (Đại học Vinh)
Tác giả: TS Nguyễn Thu Thủy
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024