Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020: thực trạng, vấn đề và giải pháp.
Đề tài "Chuyển dịch cơ cấu lao động ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020: thực trạng, vấn đề và giải pháp" do Viện Xã hội học - Tổ chức chủ trì đề tài, TS. Nghiêm Thị Thủy - Chủ nhiệm.
Mục tiêu nghiên cứu
+ Mục tiêu chính:
Nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng chuyển dịch CCLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, từ đó đưa ra một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCLĐ hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu của quá trình CNH, HĐH đất nước.
+ Mục tiêu cụ thể:
- Phân tích cơ sở lý luận về chuyển dịch CCLĐ;
- Làm rõ thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch CCLĐ ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020;
- Đưa ra giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCLĐ ngày càng nhanh, hiệu quả đáp ứng được yêu cầu của quá trình CNH,HĐH đất nước.
Phương pháp nghiên cứu
+ Phương pháp phân tích tài liệu:
Phương pháp phân tích tài liệu một mặt cho phép nhận ra những khoảng trống về học thuật trong nghiên cứu về tác động của chuyển dịch CCLĐ nhằm thúc đẩy chuyển dịch CCKT nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH và góp phần cân đối lại cung-cầu trên thị trường lao động, mặt khác phương pháp này cũng cho phép nhận diện những thành tựu, hạn chế, xác định những bất cập liên quan đến chính sách chuyển dịch CCLĐ ở Việt Nam. Bên cạnh việc tổng quan các công trình nghiên cứu khoa học về chủ đề này, đề tài tiến hành phân tích báo cáo của các cơ quan, ban ngành ở trung ương và ở các vùng kinh tế trọng điểm liên quan đến chủ đề lao động, việc làm, chuyển dịch CCLĐ. Các kết quả nghiên cứu có được từ phương pháp phân tích tài liệu sẽ góp phần hình thành các luận cứ quan trọng để đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những tác động tích cực, giảm thiểu những vấn đề tiêu cực liên quan đến vấn đề chuyển dịch CCLĐ ở nước ta hiện nay.
+ Phương pháp phân tích số liệu từ một số cuộc điều tra quy mô quốc gia:
Đề tài lựa chọn phân tích bộ số liệu điều tra có sẵn, là số liệu điều tra quốc gia liên quan đến chủ đề lao động, việc làm do Tổng cục thống kê tiến hành. Cụ thể, bài viết phân tích sâu bộ số liệu điều tra lao động việc làm năm 2009, 2016 và 2019. Điều tra lao động việc làm là điều tra trong chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện hàng năm nhằm mục đích thu thập thông tin về tình trạng tham gia thị trường lao động của những người từ 15 tuổi trở lên hiện đang sinh sống tại Việt Nam, được làm cơ sở để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về lao động, việc làm, thất nghiệp và thu nhập của người lao động. Kết quả điều tra giúp các cấp, các ngành đánh giá, dự báo tình hình biến động của thị trường lao động trên phạm vi cả nước, xây dựng và hoạch định chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực, kế hoạch sản xuất – kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường lao động.
Cuộc điều tra quốc gia này có cỡ mẫu khá lớn, đủ đại diện cho dân số mục tiêu cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh/thành phố, để có được bức tranh tổng thể về vấn đề lao động, việc làm và chuyển dịch CCLĐ giai đoạn vừa qua, thông qua đó thấy được sự biến động về các nhóm ngành nghề dưới tác động của chuyển dịch CCLĐ. Những thông tin cụ thể hơn được thu thập trong bảng hỏi điều tra lao động việc làm năm 2009, 2016 và 2019 được trình bày cụ thể dưới đây:
Phạm vi xử lý số liệu trong đề tài này: đề tài tập trung vào tìm hiểu tác động của chuyển dịch CCLĐ đến các nhóm ngành nghề, những nhóm ngành nghề nào có xu hướng giảm tỷ lệ người lao động và những nhóm ngành nghề nào có xu hướng tăng tỷ lệ lao động. Nhóm đối tượng mà đề tài hướng đến là dân số trong độ tuổi lao động từ 15-59 tuổi, có việc làm trong 7 ngày tính từ thời điểm khảo sát.
Các biến số sử dụng trong đề tài: trong nghiên cứu này, nhóm tài giả sử dụng một số biến số như sau:
+ Biến số về đặc điểm cá nhân của người tham gia lao động: tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân và trình độ học vấn.
+ Biến số đặc điểm gia đình: quy mô hộ, số lao động trong hộ, mức sống hộ gia đình.
+ Biến số về yếu tố cộng đồng: tình trạng di cư, địa bàn cư trú (tỉnh, vùng miền, nông thôn-đô thị).
+ Biến số về lao động làm việc: trong 7 ngày qua, làm công việc từ 1 giờ có nhận lương; trong 7 ngày qua, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thu nhập; trong 7 ngày qua, giúp các thành viên trong gia đình trong công việc họ được nhận tiền công tiền lương.
Phương pháp phân tích: trước hết, các phương pháp phân tích mô tả được nhóm nghiên cứu sử dụng để đánh giá mối liên hệ giữa từng chỉ báo nhân khẩu học với CCLĐ theo nhóm nghành, nhóm nghề của dân số 15-59 tuổi, đồng thời các mối liên hệ đó cũng được so sánh qua các giữa 3 lần khảo sát (2009, 2016, 2019). Sau đó, những tác động này sẽ được ước lượng và đánh giá qua mô hình hồi quy thích hợp.
Mô hình hồi quy được nhóm nghiên cứu sử dụng trong đề tài là mô hình hồi quy logistic đa thức mà trong đó đơn vị phân tích là cá nhân trong độ tuổi lao động với biến phụ thuộc là “nhóm ngành” phân làm 4 nhóm: 1) nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, 2) công nghiệp xây dựng, 3) dịch vụ, 4) chính trị, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng. Trong phân tích này nhóm “nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản” được sử dụng làm nhóm đối chứng. Như vậy, mô hình hồi quy này chính là việc ước lượng tỷ lệ xác suất người lao động làm việc ở 3 nhóm còn lại so với xác suất người lao động thuộc nhóm đối chứng dựa trên hệ biến độc lập. Các biến số độc lập bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm, nông thôn- đô thị, giới tính, tuổi, hôn nhân, học vấn, thu nhập và tình trạng di cư. Mô hình hồi quy cho 3 cuộc điều tra sẽ được ước lượng riêng nhưng sử dụng hệ biến số, chỉ báo và thang đo gần như nhau để so sánh. Riêng đối với mô hình hồi quy logistic đa thức năm 2009, do mục đích nghiên cứu tập trung vào khu vực, không có biến tỉnh, học vấn và tình trạng di cư của dân số trong độ tuổi lao động, chính vì vậy, mô hình hồi quy logistic năm 2009 không cho phép kết nối 3 yếu tố trên với năm 2016 và 2019.
Tóm tắt kết quả/phát hiện chính của đề tài:
Trong giai đoạn 2009-2019, quá trình chuyển dịch vẫn đang theo xu hướng giảm tỷ lệ lao động làm trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và tăng lao động làm trong nhóm ngành phi nông nghiệp, trong đó nhóm ngành công nghiệp xây dựng có xu hướng thu hút lao động chiếm tỷ lệ cao nhất. Lao động làm trong nhóm ngành này tăng từ 34,9% năm 2009 lên 45,8% năm 2019. Tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành chính trị, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn này, tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019 lao động làm việc trong nhóm ngành này có xu hướng giảm nhẹ.
Nhóm tuổi 15-35 tuổi vẫn là nhóm tuổi có xu hướng chuyển dịch CCLĐ mạnh ở hai nhóm ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ, chính trị quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, và giảm mạnh ở nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ lao động 15-35 tuổi làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 13 điểm phần trăm.
Có sự chuyển dịch về giới tính của nhóm dân số trong độ tuổi lao động theo hướng nam giới tham gia thị trường lao động nhiều hơn nữ giới. Cùng với đó, cơ cấu ở nhóm tuổi tham gia lực lượng lao động cũng có sự biến đổi. Mặc dù xu hướng chung vẫn là tuổi càng cao thì tỷ lệ lao động tham gia làm việc trong các nhóm ngành càng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, xem xét mối quan hệ về giới tính và độ tuổi trong nhóm dân số lao động cho thấy, từ 40 tuổi trở lên, nam giới có xu hướng tham gia lao động nhiều hơn so với nhóm nữ.
Xem xét sự chuyển dịch CCLĐ nông thôn- đô thị cho thấy, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm mạnh, trong khi đó nhóm ngành công nghiệp xây dựng lại có xu hướng tăng mạnh trong giai đoạn này. Tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng tăng 31,3% và nhóm ngành dịch vụ tăng 6,9%. Trong khi đó, ở khu vực thành thị, sự chuyển dịch CCLĐ của hai nhóm ngành này có xu hướng tăng, tuy nhiên, tỷ lệ lao động tăng dần qua các thời kỳ. Trong giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng ở thành thị tăng 6,7%, nhóm ngành dịch vụ tăng 1,3%. Không có sự khác biệt về sự chuyển dịch CCLĐ trong nhóm ngành chính trị, quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng ở hai khu vực nông thôn và đô thị. Tỷ lệ lao động làm việc ở nhóm ngành này tại 2 khu vực tăng khá đồng đều (khu vực nông thôn: 2,2% và khu vực đô thị: 2%). Lao động nam làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng nhẹ ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, trong khi đó tỷ lệ nữ làm việc trong hai khu vực này lại có xu hướng giảm nhẹ. Ở nông thôn, tỷ lệ nam làm việc trong nhóm ngành này tăng từ 49,5% lên 51,8% và ở thành thị là 53,5% lên 57,5%. Tỷ lệ lao động nam và nữ làm việc trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng có xu hướng cân bằng, tăng giảm khoảng 1% ở cả hai khu vực.
Tại các vùng kinh tế trọng điểm, tỷ lệ lao động làm việc tập trung đông nhất ở hai vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, thấp dần ở vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù sự chuyển dịch CCLĐ chung của cả nước vẫn đang theo hướng giảm lao động làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng lao động trong nhóm ngành phi nông nghiệp. Tuy nhiên, ở mỗi vùng kinh tế trọng điểm sự phát triển lao động trong các nhóm ngành phi nông nghiệp lại có sự khác biệt. Tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ có xu hướng không thay đổi. Tại vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp xây dựng và dịch vụ có xu hướng giảm. Tại vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ có xu hướng tăng. Trong 4 vùng kinh tế trong điểm, tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ở vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ có xu hướng tăng, trong khi đó, ở cả 3 vùng kinh tế trọng điểm còn lại đều có xu hướng giảm.
Về chuyển dịch CCLĐ theo nhóm nghề, trong 10 nhóm nghề tiến hành khảo sát thì có đến 8 nhóm nghề có sự chuyển dịch tăng CCLĐ làm việc trong giai đoạn này, cụ thể là: nhóm lãnh đạo, nhóm chuyên môn bậc cao, nhóm chuyên môn bậc trung, nhóm nhân viên sơ cấp, nhóm nhân viên bán hàng, nhóm thợ thủ công có kỹ thuật và nhóm quân đội. Tỷ lệ lao động làm việc tập trung nhiều nhất ở nghề như nhân viên dịch vụ bán hàng, thợ thủ công có kỹ thuật, thợ lắp ráp vận hành máy và nhóm nghề lao động giản đơn. Đối với nhóm lao động trẻ từ 15-35, tỷ lệ lao động chuyển đổi giữa các ngành có xu hướng năng động và mạnh hơn so với chuyển dịch lao động chung của cả nước. Nhóm lao động có chuyên môn bậc cao tăng từ 6,1% năm 2009 lên 11,6% năm 2019. Nhóm thợ lắp ráp vận hành máy móc tăng từ 9,3% năm 2009 lên 19,7% năm 2019.
Xem xét sự chuyển dịch lao động ở từng nhóm tuổi cho thấy, đối với nhóm lao động trẻ từ 15-29 tuổi, tỷ lệ lao động làm việc trong các nhóm nghề giảm đều ở tất cả các nhóm nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động trong nhóm tuổi này giảm mạnh nhất ở nhóm lao động giản đơn giảm 14,6%. Nhóm lao động trong độ tuổi từ 30-49, tỷ lệ lao động làm việc trong các nhóm nghề hầu như đều tăng. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn bậc cao tăng mạnh nhất trong giai đoạn này. Tỷ lệ lao động làm việc trong nhóm nghề nghiệp này tăng từ 57,4% năm 2009 lên 66,8% năm 2019. Nhóm lao động trong độ tuổi 50-59, đây là nhóm có số lao động trong các nhóm nghề chiếm tỷ lệ thấp nhất trong 3 nhóm tuổi. Nhóm lao động này làm việc nhiều nhất trong các nhóm nghề như lao động giản đơn, nhân viên nông nghiệp có kỹ thuật, nhân viên dịch vụ, bán hàng.
Ở khu vực thành thị, tỷ lệ lao động làm việc nhiều trong các nhóm nghề như nhóm lãnh đạo, quân đội, nhóm chuyên môn bậc cao, nhóm chuyên môn bậc trung, nhóm nhân viên sơ cấp và nhóm nhân viên dịch vụ bán hàng. Trong khi đó, ở khu vực nông thôn tỷ lệ lao động làm việc tập trung nhiều ở các nhóm nghề nghiệp như lao động giản đơn, thợ lắp ráp vận hành máy móc, thợ thủ công có kỹ thuật, lao động nông nghiệp có kỹ thuật.
Mặc dù chuyển dịch CCLĐ từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch còn rất chậm so với yêu cầu của bối cảnh CNH, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Để Việt Nam có thể chuyển dịch CCLĐ nhanh và bền vững hơn trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần đưa ra những định hướng mang tính đột phá hơn, bao gồm (1) Xem xét chuyển dịch CCLĐ theo vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm; (2) Xác định lĩnh vực công nghiệp, xây dựng là lĩnh vực ưu tiên đầu tư hàng đầu và có những chính sách đầu tư và phát triển lĩnh vực này ở các vùng còn chậm phát triển về công nghiệp, xây dựng; (3) Tiếp tục có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư tại vùng; (4) tập trung chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ đối với lao động trẻ mà còn cả lao động trung niên gắn với thực tế yêu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp; (5) Tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển lao động trí thức, thu hút, trọng dụng nhân tài, bao gồm cả thu hút lao động trí thức từ các khu vực tư nhân sang khu vực công; (6) Thúc đẩy một số nghề như chuyên môn bậc cao, chuyên môn bậc trung, dịch vụ, lãnh đạo nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới; (7) Ứng dụng khoa học công nghệ mới hơn và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm và ngư nghiệp; (8) Hướng đến đảm bảo nguồn số liệu quốc gia về lao động, việc làm chính xác, kịp thời nhằm dự báo xu hướng chuyển dịch CCLĐ và việc làm chính xác hơn với bối cảnh mới hiện nay.
Khuyến nghị :
Cùng với những định hướng trên, một số giải pháp cũng được đặt ra nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch CCLĐ nhanh nhanh và bền vững hơn. Giải pháp quan trọng hàng đầu trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi ở Việt Nam hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, trong đó Nhà nước cần xác định rõ hơn đối tượng ưu tiên trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với cơ sở việc làm (doanh nghiệp). Giải pháp tiếp theo là hướng đến tạo việc làm cho người lao động, trong đó phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa hết sức quan trọng cho giải pháp này; Cùng với đó, Nhà nước cần ưu tiên thúc đẩy và đầu tư trọng tâm hơn vào phát triển các ngành công nghiệp, xây dựng ở các vùng còn chậm nhằm thu hút lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đồng thời, giải quyết được bài toán di cư – thu hút người di cư trở về địa phương và phục vụ địa phương.
Nguồn: Viện xã hội học.
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024