Bức tranh du lịch toàn cầu năm 2023
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số khách du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu trong năm 2022 sẽ đạt 65% mức đã đạt được của năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra; doanh thu xuất khẩu từ du lịch có thể đạt 1,2 đến 1,3 nghìn tỷ USD, tăng 60 - 70% so với năm 2021, tương đương 70 - 80% của mức 1,8 nghìn tỷ USD được ghi nhận vào năm 2019. Một số nghiên cứu khác cho rằng, ngành Du lịch toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng 30% vào năm 2023 nhưng chưa vượt qua được mức đã đạt trước đại dịch và sẽ có một số xu hướng chính chi phối hoạt động du lịch toàn cầu.
900 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022
Số liệu cập nhật của UNWTO cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 700 triệu lượt khách, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 63% so với mức đã đạt được năm 2019. Dự kiến cả năm 2022, số lượng khách du lịch quốc tế trên phạm vi toàn cầu bằng với 65% mức đã đạt được năm 2019, tương đương 900 triệu lượt khách. Theo UNWTO, 3 nguyên nhân quan trọng nhất thúc đẩy sự phục hồi du lịch quốc tế, gồm: nhu cầu đi du lịch bị kìm nén quá lâu, hầu hết các điểm đến đã dỡ bỏ hạn chế và niềm tin đi du lịch đã trở lại với khách du lịch quốc tế. Số liệu tại Phong vũ biểu du lịch của UNWTO phát hành vào cuối tháng 11/2022 cho thấy, khu vực châu Âu tiếp tục dẫn đầu sự phục hồi du lịch toàn cầu với việc đón 477 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng đầu năm 2022, chiếm 68% tổng lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới, đạt 81% so với mức trước đại dịch và cao hơn gấp đôi (126%) so với cùng kỳ năm 2021. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2022, khu vực Trung Đông chứng kiến lượng khách quốc tế tăng 225% so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng khách du lịch quốc tế đến châu Phităng 166% và châu Mỹ tăng 106% so với năm 2021, lần lượt đạt 63% và 66% của năm 2019. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt lượng khách tăng hơn gấp 3 lần (230%), tuy nhiên vẫn thấp hơn 83% so với mức năm 2019. Điểm đáng lưu ý là trong mỗi khu vực lại có một số điểm đến đã đón lượng khách quốc tế vượt mức trước đại dịch, gồm: Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ (tăng 29% so với năm 2019), Albania (18%), Saint Maarten (16 %), Ethiopia và Honduras (15%), Andorra và Puerto Rico (14%), Cộng hòa Dominica (7%), El Salvador (1%), Curaçao (3%), Colombia (2% ). Một số điểm đến đã ghi nhận mức tăng đáng kể về doanh thu du lịch quốc tế như Serbia (76%), Romania (52%), Thổ Nhĩ Kỳ (15%), Latvia (14%), Bồ Đào Nha (13%), Pakistan (12%), Mexico (9%), Maroc (3%) và Pháp (1%). Ngoài ra, công suất phòng khách sạn trên phạm vi toàn cầu đạt trung bình 66%, trong đó khu vực châu Âu dẫn đầu với tỷ lệ 77%, châu Mỹ 66%, Trung Đông 63% và châu Phi 61% trong tháng 9 đầu năm 2022.
UNWTO cho rằng, mặc dù thách thức ngày càng tăngvào những tháng cuối năm 2022 làm cho tốc độ phục hồi du lịch toàn cầu chậm lại nhưng doanh thu xuất khẩu từ du lịch năm 2022 có thể đạt 1,2 đến 1,3 nghìn tỷ USD, tăng 60 - 70% so với năm 2021, tương đương 70 - 80% so với mức 1,8 nghìn tỷ USD được ghi nhận vào năm 2019.
Năm 2023: lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tăng 30%
Theo Báo cáo Du lịch năm 2023 (Tourism outlook 2023) của Economist Intelligence Unit (EIU), lượng khách du lịch toàn cầu sẽ tăng 30% vào năm 2023, sau mức tăng trưởng khoảng 60% vào năm 2022. Tuy vậy, các chuyên gia của EIU khẳng định, kết quả dự báo của năm 2023 sẽ vẫn ở dưới mức đã đạt được vào năm 2019, trước khi dịch bệnh xảy ra. Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, các lệnh trừng phạt đối với Nga và chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc sẽ là những nguyên nhân chính làm chậm quá trình phục hồi du lịch toàn cầu. Giám đốc phân tích Ngành của EIU, Ana Nicholls cho biết, những thách thức mới nảy sinh đã khiến EIU đẩy lùi dự báo về sự phục hồi hoàn toàn lượng khách du lịch quốc tế. Hơn nữa, trong trường hợp xuất hiện biến thể COVID mới hay xung đột Nga – Ucraina tiếp tục leo thang sẽ giáng những “đòn” nặng nề đến sự phục hồi của Du lịch toàn cầu trong năm 2023.
Mặt khác, biến đổi khí hậu sẽ có tác động trực tiếp đến các điểm đến trong năm 2023. Nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết sẽ xảy ra tình trạng thiếu tuyết, khu nghỉ dưỡng mùa hè bị ảnh hưởng bởi hạn hán và cháy rừng, nhiệt độ trung bình tăng cao, thời tiết trở nên cực đoan, thiên tai xảy ra khốc liệt hơn… buộc các điểm đến phải có những hành động thích ứng rõ ràng hơn. Biến đổi khí hậu cũng có những tác động trực tiếp đến kế hoạch đi du lịch của du khách quốc tế, nhưng đồng thời cũng giúp làm gia tăng ý thức bảo vệ môi trường của du khách. Theo khảo sát của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (European Investment Bank - EIB), 37% người Trung Quốc, 22% người châu Âu và 22% người Mỹ cho rằng, họ sẽ hạn chế di chuyển bằng máy bay khi đi du lịch vì lo ngại gia làm tăng lượng khí thải carbon; có một lượng lớn khách du lịch sẵn sàng chi trả cao hơn cho các lựa chọn thân thiện với môi trường hoặc cho các nỗ lực bù đắp carbon của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại điểm đến…
Dự đoán kinh doanh du lịch toàn cầu 2023 (The 2023 Global Business Travel Forecast) do nền tảng quản lý du lịch CWT phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp du lịch toàn cầu (GBTA) phát hành nhấn mạnh, chi phí cho du lịch sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 do nhu cầu đi công tác và hội họp kết hợp du lịch đang tăng trở lại. Báo cáo cho biết, giá khách sạn tăng 18,5% vào năm 2022 và sẽ đạt mức tăng 8,2% vào năm 2023; chi phí vé hàng không tăng 48,5% vào năm 2022 và tăng tiếp 8,4% vào năm 2023; chi phí cho một người tham dự cuộc họp hoặc sự kiện vào năm 2022 dự kiến sẽ cao hơn khoảng 25% so với năm 2019 và được dự báo sẽ tăng thêm 7% vào năm 2023…
Những xu hướng du lịch chính trong năm 2023
Booking.com đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu với hơn 24.000 khách du lịch ở 32 quốc gia để dự đoán những xu hướng du lịch mới. Theo nghiên cứu này, nếu như năm 2022 là năm trở lại của du lịch quốc tế, thì năm 2023 sẽ là năm của những cách thức du lịch mới với 72% người dân có nhu cầu đi du lịch bất chấp bối cảnh suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Một số xu hướng du lịch chính của năm 2023, theo Booking.com dự đoán gồm:
Tìm về với tự nhiên: có 44% khách du lịch mong muốn đi du lịch theo cách thoát khỏi cuộc sống thực tại hay tạm thời ngắt kết nối với đời sống hiện đại để tìm về với tự nhiên. 58% du khách muốn sử dụng chuyến du lịch của họ để học các kỹ năng sinh tồn như tìm nước sạch, nhóm lửa, cách kiếm thức ăn trong tự nhiên và thậm chí có 39% khách du lịch muốn trang bị kỹ năng chuẩn bị cho ngày tận thế. Các thức du lịch này gần như là một khóa học sinh tồn trong tự nhiên với những điều kiện thiết yếu nhất, phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của con người đối với việc tự bảo vệ mình trong điều kiện khó khăn và cũng phản ánh một sự lo lắng nhất định về tương lai. Ngoài ra, sẽ có nhiều hơn loại hình du lịch sinh thái để đáp ứng nhu cầu của cư dân thành phố, những người thiếu sự kết nối với thiên nhiên.
Du lịch thực tế ảo tiếp tục bùng nổ: Hơn 40% du khách trên thế giới cho biết sẽ trải nghiệm du lịch thực tế ảo hay thực tế tăng cường trước khi chọn kỳ nghỉ của mình trong năm 2023. Khách du lịch sẽ không còn bị giới hạn bởi vật lý và sẽ có những trải nghiệm khác nhau trong không gian ảo. Và vì thế, khách du lịch sẽ mạo hiểm hơn trong các lựa chọn du lịch trong đời thực với 46% sẽ đi tới các điểm đến mà trước đây họ chưa từng cân nhắc sau khi trải nghiệm du lịch thực tế ảo.
Tìm kiếm những điều khác biệt: Ngày càng có nhiều du khách muốn trải nghiệm và hòa mình vào một nền văn hóa mới trong suốt thời gian đi du lịch. 50% khách du lịch muốn đến một nơi có trải nghiệm văn hóa và ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt hay khám phá những thành phố ít được biết đến. 47% khách du lịch đang tìm kiếm những món ăn kỳ lạ như loại ớt cay nhất, trong khi 38% muốn sử dụng kỳ nghỉ để thực hiện chuyến du lịch khám phá người ngoài hành tinh.
Du lịch hoài cổ: Trong bối cảnh bất ổn, nhiều khách du lịch muốn có những trải nghiệm hoài cổ, gợi lại những ký ức về một thời đã qua như tham quan các địa điểm trong các bộ phim cổ điển, tới các điểm đến đã từng nổi tiếng trong thập niên 80 và 90 hạn như Budva (Montenegro), St Tropez (Pháp) hay Bolzano (Ý) nơi có các phiên chợ Giáng sinh cổ điển.
Du lịch chăm sóc sức khỏe: Năm 2023, du lịch chăm sóc sức khỏe với các khóa thiền định, khóa tu, yoga, sử dụng các loại thảo dược… tại những nơi yên bình nhằm nâng cao thể chất và tinh thần sẽ trở lên phổ biến hơn.
Du lịch công tác: Nhu cầu kết hợp công tác với giải trí ngày càng tăng bởi việc khám phá những địa điểm mới khi đi công tác sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn và mang lại lợi ích cho cả nhân viên và doanh nghiệp.
Chi tiêu tiết kiệm hơn: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, khách du lịch sẽ lập kế hoạch ngân sách của họ chặt chẽ hơn bằng cách tận dụng các chương trình ưu đãi, đi du lịch trái mùa hoặc lựa chọn một kỳ nghỉ dài hơn thay vì vài kỳ nghỉ ngắn. Tuy nhiên cũng có một số lượng lớn khách du lịch sẽ chi tiêu thoải mái hơn để bù đắp cho việc thiếu du lịch trong hai năm qua và để có được những trải nghiệm đáng giá.
LÊ HẢI
Nguồn: Tạp chí Du lịch điện tử
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024