Bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và giảng dạy chính trị học
MỞ ĐẦU
Chính trị học là khoa học nghiên cứu đời sống chính trị của xã hội với tư cách là một chỉnh thể nhằm làm sáng tỏ những quy luật và tính quy luật chung nhất của chính trị; nghiên cứu cơ chế tác động và những phương thức, thủ thuật chính trị để hiện thực hoá tính quy luật và những quy luật đó. Đời sống chính trị có thể được phân chia thành ba loại; sự kiện chính trị, hoạt động chính trị và quá trình chính trị. Chủ thể tham gia các loại hình này là con người chính trị. Con người chính trị có thể tồn tại dưới hai dạng: cá nhân (các công dân) và tổ chức chính trị (các nhóm người, giai cấp, dân tộc…); hoặc chủ thể chính trị được nhìn nhận ở góc độ là người cầm quyền (thủ lĩnh chính trị) và người dân. Từ đó, chính trị hình thành các tổ chức khác nhau để tạo ra chế độ chính trị, hệ thống chính trị… nhằm duy trì và củng cố địa vị chính trị của các nhóm chủ thể chính trị. Như vậy, có thể thấy, Chính trị học là khoa học mang tính tổng hợp và liên ngành, có đối tượng nghiên cứu phong phú nên trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy, cần có sự vận dụng và tham gia của các chuyên ngành và các khoa học xã hội khác. Nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học là để hình thành hệ thống tri thức có tính lý luận, có căn cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chế độ chính trị tiến bộ, để tìm kiếm giải pháp, xây dựng chính sách tác động vào thực tiễn đời sống chính trị - xã hội. Những tri thức đó không chỉ giúp con người nhận thức được đời sống chính trị mà còn có thể cải tạo và thay đổi thực tiễn chính trị. Do vậy, Chính trị học là khoa học quan tâm, nhấn mạnh đồng thời cả hai chức năng: nhận thức và cải tạo thực tiễn.
Chính trị học ở Việt Nam có sứ mệnh nhận diện, phân tích đẩy đủ, toàn diện, chính xác, kịp thời thực tiễn phát triển của đất nước; nắm bắt được nhu cầu khách quan và dự báo xu hướng vận động của thực tiễn; khái quát khoa học sự vận động có tính quy luật những vấn đề chính trị của xã hội; từ đó, đề xuất những định hướng đúng đắn, giải pháp phù hợp, có tính khả thi để giải quyết hiệu quả các vấn đề chính trị của thực tiễn. Chính trị học phải có nhiệm vụ mở đường cho những nhận thức, tư duy lý luận mới, cách làm mới. Trên cơ sở đó, xác lập hệ thống tri thức chính trị một cách khoa học, vững chắc, xứng tầm bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng, tư duy lý luận của Đảng trong điều kiện mới.
Bối cảnh hiện nay với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau đang đặt ra cho Chính trị học những yêu cầu và nhiệm vụ mới, đòi hỏi khoa học này cần quan tâm đề xuất giải pháp định hướng kịp thời để bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng của Đảng.
NỘI DUNG
1. Khái quát về bối cảnh hiện nay
Nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh với một số đặc điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng hòa bình vẫn là xu thế chủ đạo. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn” [2, tr.105]. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, hàng loạt vấn đề tác động không nhỏ đến môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế như: tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ và tài nguyên, xung đột tôn giáo, sắc tộc, hoạt động khủng bố, chủ nghĩa dân túy, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng,… Tuy vậy, hòa bình và phát triển vẫn là xu thế vận động của thời đại và là một nội dung cốt lõi trong chiến lược của mọi quốc gia trên thế giới với mong muốn đẩy lùi chiến tranh, thiết lập một thế giới hòa bình, dân chủ và văn minh.
Các nước lớn tiếp tục giữ vai trò chi phối cục diện thế giới, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kiềm chế và ngăn chặn lẫn nhau. Trong bàn cờ chính trị quốc tế, các nước lớn đóng vai trò chính trong việc định hình trật tự, cục diện thế giới, xây dựng luật chơi và cơ chế giải quyết các vấn đề nổi lên ở khu vực, thế giới. Quan hệ giữa các nước lớn tác động đến xu thế hội nhập, bảo vệ độc lập, chủ quyền trên con đường phát triển của các quốc gia - dân tộc. Đảng đã nhận định: “… cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt; cục diện đa cực ngày càng rõ nét” [2, tr.207]. Sự thay đổi cục diện khu vực và thế giới đã tác động sâu sắc tới từng quốc gia - dân tộc, đòi hỏi các quốc gia - dân tộc phải điều chỉnh chiến lược phát triển cho phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ, ngày càng gắn chặt với nhau tạo thành một hợp lực, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất toàn cầu; tác động đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia - dân tộc. Đảng đã nhận định: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.” [2, tr.106].
Thứ ba, bối cảnh quốc tế và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng đã đem lại cho Việt Nam những thời cơ, vận hội, đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều thách thức, nguy cơ đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam đã từng bước khẳng định và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế và trong khu vực, ngày càng có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước trong khu vực và nhiều nước lớn trên thế giới. Vị thế và uy tín của Việt Nam được được tôn trọng hơn trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực, có hiệu quả, đầy trách nhiệm cho cộng đồng quốc tế và khu vực. Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.” [2, tr.25].
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức và nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chủ nghĩa xã hội, như Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (năm 2016) vạch rõ: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…” [1, tr.19]. Trong đó nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn là nguy cơ thường trực. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn tiềm ẩn. Âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” của thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam với những biểu hiện mới, quyết liệt và tinh vi hơn trước. Nguy cơ từ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó có tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn tiếp diễn phức tạp. Thêm vào đó là nguy cơ phai nhạt, đánh mất bản sắc văn hóa, xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mặt khác, bối cảnh hiện nay đang đặt ra thách thức rất lớn đối với sự bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển.
Thứ tư, những năm gần đây, đại dịch Covid-19 hoành hành và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe nền kinh tế toàn cầu và của mỗi người dân, tác động sâu sắc tới tư duy, chính sách phát triển của các quốc gia. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp buộc Việt Nam phải tìm cách ứng phó và thích ứng với trạng thái bình thường sau Covid-19.
Thứ năm, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (2021) thành công tốt đẹp. Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã có một số điểm mới cơ bản, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, định hướng chiến lược của Đảng, đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới. Đánh giá tình hình trong nước, Văn kiện Đại hội XIII nêu những dự báo mới: Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
Chủ đề Đại hội XIII đã bổ sung điểm mới là xây dựng hệ thống chính trị cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nêu khát vọng phát triển đất nước; xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. Bên cạnh điểm mới trong cách tiếp cận vấn đề, tư duy lý luận - thể hiện trong xác định chủ đề Đại hội, điểm mới còn thể hiện trong cách tiếp cận xác định mục tiêu và tầm nhìn phát triển; trong xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới. Về mục tiêu phát triển, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: phấn đấu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại [2, tr.112].
2. Một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, bối cảnh quốc tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề để Khoa học chính trị ở Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và vận dụng để xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh thế giới có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với các thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen như hiện nay, vấn đề bảo vệ lợi ích chiến lược của các quốc gia - dân tộc càng được đặt ra cấp thiết. Để bảo vệ lợi ích chiến lược của đất nước, Chính trị học cần tập trung nghiên cứu và định hướng cho người học tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích chiến lược của đất nước đi đôi với bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ các giá trị chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo toàn diện tình hình và xu thế phát triển trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, đối ngoại, khoa học - công nghệ, quân sự... của quốc tế, khu vực; thực trạng và xu hướng phát triển mối quan hệ giữa các nước lớn, các nước Đông Nam Á, các nước có nhiều lợi ích liên quan đối với Việt Nam. Cần nhận diện kịp thời, đúng đắn, thực chất mối quan hệ, sự mâu thuẫn, thống nhất giữa các nước lớn; với các nước ở khu vực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực liên quan đến chủ quyền, lợi ích của Việt Nam. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa sô-vanh dân tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa dân tộc ly khai và chủ nghĩa dân tộc biệt lập.
Là khoa học nghiên cứu đời sống chính trị, Chính trị học ở Việt Nam cần tích cực đấu tranh, phê phán các quan điểm sai lầm, phản động trong việc tuyệt đối hóa lợi ích quốc gia - dân tộc mình, xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc khác, lảng tránh những vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng đến sự tồn vong của nhân loại, như dịch bệnh, đói nghèo, ô nhiễm môi trường, chiến tranh... Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới trên bộ, trên biển, đảo; bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ hai, thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra nhiều cơ hội và đặt ra những thách thức mới trong nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội mới, hướng tiêp cận mới cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của nhiều ngành, nhiều bộ môn khoa học, trong đó có Chính trị học. Thông qua việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin, có thể giúp cho Chính trị học có thể trao đổi, tương tác, cập nhật những kiến thức liên ngành như Luật học, Sử học, Xã hội học, Giáo dục học, Kinh tế học… một cách dễ dàng hơn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tác động sâu sắc đến hình thức tổ chức đào tạo, chất lượng đào tạo, nguồn dữ liệu phục vụ đào tạo và các hoạt động xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính trị học đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp dạy học. Hệ thống sách báo, tài liệu trên mạng xã hội khá phong phú; nguồn học liệu mở và học liệu điện tử khá đa dạng - trong đó có nhiều tài liệu chuyên sâu về Chính trị học. Nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng hỗ trợ quá trình dạy học như Google Translate - hỗ trợ dịch thuật; Google Reader - ứng dụng đọc các tài liệu ở các định dạng như PDF; phần mềm Prezi - hỗ trợ trình chiếu slide; Google Drive - dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây; School Manager - phần mềm hỗ trợ quản lý… Bên cạnh đó, có nhiều phần mềm với nhiều tính năng thuận tiện có thể hỗ trợ đắc lực cho việc giảng dạy và quản lý lớp học khác như: Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Google Classroom, Top Hat, Zalo,…
Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, trong đó có hoạt động nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi từ việc vận hành một mô hình truyền thống sang vận hành một mô hình số. Đó là mô hình kết hợp giữa ứng dụng số hóa, công nghệ thông tin với các thành tựu công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phối hợp, bổ trợ cho nhau một cách nhịp nhàng để tạo ra một kết quả tối ưu nhất. Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Áp dụng công nghệ số giúp mở ra một phương thức làm việc, điều hành, quản lý, lãnh đạo... một cách tự động, số hoá, không giấy tờ, để tạo ra các giá trị mới, thay đổi văn hóa công ty, doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị… theo hướng tích cực và hiện đại.
Để đáp ứng đủ nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi Khoa học chính trị cũng phải thay đổi các hoạt động đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Theo đó, các phương thức giảng dạy cũng cần thay đổi phù hợp với nhu cầu của xã hội. Với sự vận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 thì người học ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện của nhà trường để tự học, tự nghiên cứu. Như vậy, không thể chỉ tồn tại mô hình thư viện truyền thống mà các trường phải xây dựng được thư viện điện tử. Những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến không cần lớp học, không cần giáo viên đứng lớp, người học sẽ được hướng dẫn học qua mạng; những lớp học ảo, thiết bị ảo có tính mô phỏng, bài giảng được số hóa và chia sẻ qua những nền tảng như E-learning, Youtube… trở thành xu thế phát triển trong hoạt động đào tạo. Kiến thức không thể bó hẹp và độc quyền bởi một người hay trong một phạm vi tổ chức. Người học có nhiều cơ hội để tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, để trở thành một công dân toàn cầu có khả năng làm việc trong môi trường sáng tạo và có tính cạnh tranh. Như vậy, các cơ sở giáo dục sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo “những gì thị trường cần”, những nội dung của các môn cơ bản sẽ phải được rút ngắn và thay thế vào đó là những nội dung cần thiết để đáp ứng nhu cầu xã hội và đảm bảo để người học thực hiện được phương châm “học tập suốt đời”. Còn các cơ quan nhà nước phải thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn. Do đó, ngành Chính trị học cần quan tâm bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số, có năng lực kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Trong quá trình dạy học Chính trị học, việc sử dụng và kết hợp các công cụ kỹ thuật hỗ trợ, việc kết hợp giữa dạy học trực tiếp lẫn trực tuyến giúp người dạy và người học đa dạng hóa hình thức tương tác, có điều kiện bổ sung, cập nhật những thông tin, kiến thức, phương pháp học mới, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp tư duy trong học tập, nghiên cứu lý luận, mở rộng thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, công nghệ; khả năng chọn lọc, phân tích, đánh giá, phản bác có căn cứ các quan điểm sai trái; ứng phó kịp thời và hiệu quả trước sự “bùng nổ thông tin” hiện nay.
Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học - công nghệ, của không gian mạng (Facebook, Zalo, Youtube, Instagram, LinkedIn, Zingme, Google…) cũng đang tạo ra không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng Internet, mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới để tuyên truyền chống phá một cách có kịch bản, có chiến lược, đánh vào nhận thức, tâm lý đám đông theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”. Chúng tận dụng tối đa hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài, các kênh Facebook, Youtube... để tung thông tin xấu, độc dưới dạng thật - giả lẫn lộn. Chúng dựng lên các video clip, phóng sự có giao diện giống như của một số báo đài chính thống để đưa tin, giật tít để “câu view”, “câu like”. Internet và mạng xã hội đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ trọng yếu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Khoa học chính trị. Đội ngũ giảng viên Chính trị học cần nhận thức đầy đủ những thách thức và yêu cầu của nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh, trách nhiệm và quyết tâm cao, góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng trước tình hình mới.
Một thách thức khác đặt ra trong đổi mới nội dung, phương pháp tiếp cận, cách thức nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy Chính trị học là: với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ hiện nay, lượng tri thức loài người được tạo ra sẽ rất lớn nhưng khả năng ghi nhớ và thời gian dành cho việc nghiên cứu và học tập là có hạn; nhiều lớp học truyền thống sẽ bị thay thế bằng những khóa đào tạo trực tuyến. Mô hình giáo dục mới mang tên “mô hình giáo dục 4.0” sẽ ra đời và Chính trị học sẽ không ngoại lệ. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự “lên ngôi” của trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, rô bốt, công nghệ na nô… cũng đang đặt Chính trị học trước những thách thức mới về vai trò thực sự của con người, trong đó có người thầy. Vai trò của người thầy như thế nào để giúp cho chính họ và sinh viên, học viên điều chỉnh những thay đổi xã hội? Giảng viên cần phải xây dựng kết cấu nội dung môn học và thay đổi phương pháp giảng dạy như thế nào cho phù hợp?
Thứ ba, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, xu hướng liên kết và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo Chính trị học ngày càng gia tăng. Cơ hội hợp tác, giao lưu, nhất là trong tìm kiếm, tiếp thu những thành tựu nghiên cứu của Khoa học chính trị được mở rộng. Nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến Chính trị học trên thế giới, nhất là của các học giả phương Tây được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt. Đây là nguồn tài liệu quan trọng bổ sung, làm phong phú thêm nguồn học liệu cho công tác giảng dạy và nghiên cứu Chính trị học ở Việt Nam.
Bên cạnh việc tham gia các cuộc hội thảo quốc tế liên quan đến Chính trị học, còn có sự giao lưu, liên kết, trao đổi về đào tạo đại học và bậc sau đại học ngành Chính trị học với một số nước trong khu vực. Sự liên kết này đã tạo ra môi trường mở để giao lưu và trao đổi học thuật mạnh mẽ về Chính trị học, giúp các học viện, các trường đại học có cơ hội học hỏi và tiếp cận, cập nhật thực tiễn dạy học Chính trị học ở nhiều nước trên thế giới. Nên dù là một ngành ra đời sau so với thế giới nhưng bù lại, Chính trị học ở Việt Nam được tiếp thu, kế thừa một cách có chọn lọc các chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy của các nước trên thế giới phù hợp với thực tiễn Việt Nam để khoa học này thực sự phục vụ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc.
Thứ tư, những thành tựu đạt được qua hơn 35 năm đổi mới đất nước là thực tiễn phong phú, gợi mở nhiều vấn đề cho Chính trị học tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển.
Những thành tựu to lớn của hơn 35 năm đổi mới là minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng, đồng thời cũng là chất liệu cho Chính trị học ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển, để khơi dậy khát vọng của nhân dân về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mang tính hàn lâm, Chính trị học ở Việt Nam đang phải tiếp tục đi sâu giải đáp những vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, nhất là những vấn đề đương đại. Đó là: làm thế nào để phát triển đất nước trong bối cảnh các nước vừa hội nhập, hợp tác; vừa cạnh tranh và đấu tranh lẫn nhau; làm thế nào vẫn duy trì được quan hệ hòa bình, hữu nghị mà vẫn bảo vệ được lợi ích quốc gia, giữ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ? Hệ giá trị cần hướng tới trong xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam hiện nay? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào và đặt ra vấn đề gì? Làm thế nào để phát huy quyền lực chính trị của nhân dân đồng thời với phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng? Cần nhận diện những rủi ro toàn cầu và một số xu hướng phát triển lớn mà Việt Nam cần nắm bắt để đưa ra những quyết định và hành động thích hợp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước. Làm thế nào để phát huy vai trò định hướng, dẫn dắt của chính trị đối với kinh tế thông qua các cơ chế, chính sách phù hợp. Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị như thế nào trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0,…
Với sự phát triển của kinh tế thị trường của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sôi động hiện nay, các ngành kinh tế và kỹ thuật - công nghệ phát triển và thu hút nhiều nguồn lực. Dường như người ta quan tâm nhiều hơn đến những ngành nghề có khả năng tạo ra giá trị kinh tế, lợi nhuận hơn mà xem nhẹ hoặc ít quan tâm đến các ngành thuộc khoa học xã hội và nhân văn - trong đó có Chính trị học. Bối cảnh này cũng đang đặt Chính trị học trước nhiều khó khăn, thách thức về công tác đào tạo khi mà số lượng sinh viên theo học ngành này đang có xu hướng giảm.
Hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của nhân dân được thay đổi rõ rệt theo hướng đi lên. Trình độ dân trí cũng được nâng lên rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và mạng truyền thông Internet. Tuy nhiên, nhận thức, hiểu biết và sự quan tâm của nhân dân về các vấn đề chính trị chưa thật sâu sắc và đồng đều giữa các lực lượng và khu vực khác nhau. Sự thờ ơ, bàng quan với các vấn đề chính trị, sự ít quan tâm đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… của nhiều người trẻ cũng là một rào cản đối với những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học trong giai đoạn hiện nay.
Thứ năm, Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra yêu cầu mới đối với khoa học lý luận chính trị, trong đó có Chính trị học. Bối cảnh quốc tế và yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi Khoa học chính trị phải có những nghiên cứu mang tính đột phá, vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn, khắc phục tình trạng lạc hậu so với sự vận động của thực tiễn. Cùng với các khoa học xã hội khác, Chính trị học phải khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Đặc biệt, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vai trò của công tác lý luận được nhấn mạnh và định hướng rất cụ thể gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trực tiếp là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, lý luận, với yêu cầu cao: “Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” [3, tr.234 -235]. Do đó, nghiên cứu những vấn đề liên quan đến khoa học chính trị trong bối cảnh mới hiện nay phải mang tính hệ thống, tính tổng hợp rất cao (sự tích hợp của nhiều khoa học, lý thuyết, phương pháp, cách tiếp cận…); vừa đáp ứng những yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng những yêu cầu dài hạn; đồng thời đỏi hỏi phải có tính định hướng - dự báo cao, tính thích ứng nhanh.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học trong bối cảnh hiện nay
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học trong bối cảnh hiện nay, cần lưu ý một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cần phải kiên định và xuất phát từ phương pháp luận Chính trị học Mác - Lênin. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh” [4, tr.120], do đó, “Đảng ta theo chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta không những nhìn vào hiện tại, mà lại nhìn vào tương lai, chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần chúng, của dân tộc” [4, tr.29]. Từ đó “phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng” [5, tr.92]. Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Vì vậy cho nên trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lý luận, đã nhiều lần đồng chí Lênin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng; và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi” [5, tr.95]. Trong bối cảnh hiện nay, một trong những mục tiêu cần hướng đến trong nghiên cứu Chính trị học ở Việt Nam chính là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vậy nên, cần phải xem chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử chính là phương pháp luận quan trọng để phát huy vai trò sức mạnh của khoa học xã hội học đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.
Thứ hai, trong nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học cần quan tâm hơn đến phương pháp phân tích cấu trúc xã hội và tư duy hệ thống. Phương pháp phân tích cấu trúc xã hội được bắt nguồn từ quan điểm của C. Mác, khi ông không nghiên cứu tư bản với tư cách cá nhân mà tách toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa với tư cách là một hệ thống các thể chế, luật lệ xã hội, bảo vệ lợi ích giai cấp thống trị. Hoạt động chính trị, sự tương tác giữa nhà nước và xã hội chỉ có thể được phân tích thấu đáo trong sự thấu hiểu về cấu trúc vĩ mô, trong đó, cá thể không có tác động đáng kể. Tư duy hệ thống và phân tích cấu trúc xã hội là phân tích nhóm xã hội, xác định vị trí, vai trò, vị thế, thái độ chính trị - xã hội của các nhóm xã hội, tìm ra vấn đề chính trị cần giải quyết. Với cách tiếp cận như vậy, các phân tích chính trị vĩ mô sẽ chỉ tập trung vào những nhóm xã hội lớn như: giai cấp, sắc tộc, dân tộc, tầng lớp, nhóm xã hội…; những quá trình lớn như phân tầng xã hội, chiến tranh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa... và các thể chế xã hội với nghĩa là tập hợp cách thức, chuẩn mực điều chỉnh các hành vi chính trị trong xã hội. Vì vậy, trong nghiên cứu Chính trị học cần quan tâm đến đến “yếu tố nhóm”, “tương quan nhóm” trong phân tích, đánh giá để nắm bắt kịp thời, chính xác cũng như tạo ra cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc tham vấn, đề xuất chính sách nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra của từng nhóm xã hội. Từ đó có những biện pháp phù hợp như: tuyên truyền vận động hay thuyết phục họ thực hiện tốt các chủ trương chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước song hành với việc giải quyết kịp thời, đúng đắn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhóm và các giai tầng xã hội.
Thứ ba, nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học không thể không nhấn mạnh vai trò, sức mạnh tư duy chính trị. Trong giai đoạn hiện nay, khi các vấn đề chính trị đang thâm nhập ngày càng sâu vào mọi mặt đời sống xã hội, thì nhận thức chính trị, ý thức chính trị có vai trò chi phối cực kỳ to lớn. Nhận thức chính trị của chủ thể cầm quyền có tác động sâu sắc tới sự vận động, phát triển của mọi lĩnh vực khác trong xã hội. Ở Việt Nam, sự phát triển của xã hội từ khi có Đảng đến nay đã hình thành tính tất yếu lịch sử về vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư duy chính trị của Đảng in đậm nét lên lịch sử phát triển đất nước hơn 90 năm qua, nhất là trong giai đoạn đất nước đổi mới. Tư duy của Chính trị học có đặc điểm cốt lõi là luôn coi trọng việc đồng thời các góc cạnh tích cực và hạn chế của đời sống chính trị cả lịch đại và đồng đại, cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Do đó có thể khẳng định, để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển Chính trị học cần phải thường xuyên đổi mới tư duy gắn với sự vận động ngày càng đa chiều và phức tạp của thực tiễn chính trị của xã hội.
Thứ tư, thay đổi tư duy về quá trình dạy học. Đây là một trong những yếu tố then chốt để tiến tới đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nói chung và đổi mới theo hướng giáo dục 4.0 nói riêng. Đối với quá trình dạy ngành Chính trị học, cần chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và phát triển năng lực người học. Cần chuyển phát triển đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng cả số lượng, chất lượng và hiệu quả; chuyển từ chú trọng giảng dạy nặng về lý thuyết sang kết hợp lý thuyết với thực hành, từ chú trọng kiến thức sang kết hợp với phát huy tốt nhất tiềm năng cá nhân; chuyển từ quan niệm cứ có kiến thức là có năng lực sang quan niệm kiến thức chỉ là yếu tố quan trọng của năng lực. Cần đổi mới mô hình, chương trình và phương thức đào tạo, từ khâu tuyển sinh đến khâu đánh giá, kiểm định chất lượng.
Thứ năm, cần tăng cường hình thức dạy học dự án trong giảng dạy Chính trị học. Dạy học dự án một phương pháp dạy học hiện đại trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, thực hành. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập. Dạy học theo dự án là hoạt động học tập tạo cơ hội cho người học tổng hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực áp dụng một cách sáng tạo vào cuộc sống, hình thành năng lực vận dụng, thích nghi, giải quyết vấn đề, rèn luyện tư duy độc lập. Khác với phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên đóng vai trò trung tâm, là chuyên gia và nhiệm vụ chính là truyền đạt kiến thức, trong dạy học dự án, giảng viên là chỉ là người hướng dẫn và tham vấn chứ không phải là “cầm tay chỉ việc”. Theo đó, giảng viên không dạy nội dung cần học theo cách truyền thống mà từ nội dung nhìn ra sự liên quan của nó tới các vấn đề của cuộc sống, hình thành ý tưởng về một dự án liên quan đến nội dung học, tạo vai trò cho người học trong dự án, làm cho vai trò của người học gắn với nội dung cần học. Áp dụng phương pháp này sẽ giảm bớt kiến thức hàn lâm, tăng thời lượng ứng dụng, thực hành.
Đối với giảng dạy bậc sau đại học ngành Chính trị học, việc áp dụng phương pháp dạy học dự án là cần thiết. Vì người học đã được trang bị lý luận từ bậc đại học và hầu hết đã trải nghiệm thực tiễn nên khi áp dụng phương pháp dự án, giảng viên trở thành người hướng dẫn, giúp đỡ về mặt phương pháp luận, tạo môi trường thuận lợi nhất cho người học trên con đường thực hiện dự án. Muốn vậy, giảng viên cũng cần tăng cường tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế ở các địa phương, trong các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở để nắm bắt tốt thực tiễn. Mặt khác, cần chú trọng mở các hội thảo chuyên ngành để giúp các giảng viên nghiên cứu, giao lưu về mặt học thuật và học hỏi, mở rộng sự hiểu biết tri thức chính trị; tăng cường nghiên cứu, trao đổi, thảo luận trong nhóm chuyên môn và vận dụng giải quyết các vấn đề chính trị trong thực tiễn.
Thứ sáu, cần quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy Chính tri học. Khoa học chính trị tự nó không thể đi vào cuộc sống, không thể cải biến thực tiễn nếu không được thẩm thấu vào đường lối chính trị của đảng cầm quyền, vào hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước. Nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sâu sắc chính là làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn mà mỗi cán bộ, giảng viên cần đầu tư công phu, nghiêm túc, nghiên cứu sâu sắc, toàn diện ngay từ đầu để từ đó tự mình quán triệt và tổ chức thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ. Cần đầu tư nghiên cứu có tính hệ thống để cập nhật, bổ sung những quan điểm mới vào các giáo trình, tài liệu dạy học, có như vậy, nội dung giảng dạy mới có tính cập nhật, có hơi thở từ thực tiễn và toàn diện trên các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nghiên cứu, giảng dạy Chính trị học ở Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên” [3, tr.236]. Đội ngũ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Chính trị học ở Việt Nam phải không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đứng vững trên lập trường, quan điểm và sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp luận mác xít trong nghiên cứu chính trị, trong xây dựng giáo trình, thiết kế kế hoạch bài dạy và khi trực tiếp giảng dạy Chính trị học. Sử dụng hợp lý các phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu của Chính trị học hiện đại vào nghiên cứu và giảng dạy. Chủ động nghiên cứu và theo dõi kịp thời các nghiên cứu có tính lý thuyết, học thuật về Chính trị học; bám sát đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Tài liệu, giáo trình chương trình Chính trị học cần thường xuyên bám sát và cập nhật tình hình thực tế. Các sự kiện thực tế phải mang tính thời sự, được nhiều người quan tâm, đồng thời phải tường minh, rõ ràng. Phải phân tích kỹ lưỡng để người học nhận thức đúng cơ sở lý luận và thực tiễn, từ đó rút kinh nghiệm, vận dụng vào thực tế. Bản thân mỗi người học là nguồn thực tế sống động mà người dạy phải quan tâm, tương tác để bổ sung cho bài giảng. Bên cạnh đó, giảng viên cần nâng cao trình độ công nghệ thông tin để khai thác, cập nhật các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các phương tiện thông tin đại chúng chính là thực tiễn đa chiều, sinh động của cuộc sống mà người giảng viên cần khai thác. Đặt biệt, một trong những yêu cầu quan trọng đối với những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học ở Việt Nam là phải kiên định tính Đảng, tính khoa học, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn chống phá, xuyên tạc của các thế lực phản động.
KẾT LUẬN
Bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay đang đặt ra cho ngành Chính trị học - một ngành khoa học còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhiều thời cơ, vận hội và những khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó cũng đang đặt ra những yêu cầu, nội dung rất mới, rất cao về nguồn lực con người, với những giá trị xã hội, tiêu chí mới về phẩm chất và năng lực của mỗi con người và cả cộng đồng. Đồng thời, nó cũng đang đặt ra cho Chính trị học Việt Nam những yêu cầu mới về nhận thức, về xác định quan điểm, mục tiêu, cơ chế phát triển; về nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của đất nước. Trong đó, vấn đề cấp bách đặt ra trong nghiên cứu và giảng dạy Chính trị học hiện nay là cần làm sáng tỏ được những vấn đề lý luận và thực tiễn đời sống chính trị để tranh thủ được những thuận lợi, hạn chế nguy cơ nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập và phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
[5]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
TS. Vũ Thị Phương Lê
Trường Đại học Vinh
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024