Báo chí đối ngoại góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
MỞ ĐẦU
Trong thế giới toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với nhiều biến đổi phức tạp hiện nay, việc nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia ngày càng được các nước chú trọng, coi như chiến lược sức mạnh mềm. Bởi hình ảnh quốc gia không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như năng lực cạnh tranh của đất nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ, cần tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, trong suốt quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, báo chí đối ngoại đã có những đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
NỘI DUNG
1. Tổng quan về Báo chí đối ngoại ở Việt Nam hiện nay
Trong quá trình thực hiện công tác thông tin đối ngoại, báo chí là một lực lượng quan trọng. Đến cuối năm 2020, cả nước có 844 cơ quan báo chí in, với 184 báo, 660 tạp chí, cùng 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập. Năm 2020, số lượng cơ quan báo chí và nhân sự hoạt động là 41 nghìn nhân sự, 779 cơ quan báo chí (trong đó có 142 báo, 612 tạp chí in, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập), 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh truyền hình với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Trong đó, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam có ấn phẩm hoặc chuyên trang xuất bản bằng tiếng nước ngoài. Riêng về báo chí truyền thông đối ngoại, có khoảng 40 báo, tạp chí đối ngoại với trên 700 ấn phẩm, như: Vietnam News, Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law and Legal Forum, Vietnam Economics Times, Saigon Times Daily, Thế giới &Việt Nam, Tạp chí Quê hương, Tạp chí Thông tin đối ngoại, Báo điện tử Tổ quốc, Tạp chí Cửa sổ Văn hóa... [1].
Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã có nhiều đóng góp tích cực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thông tin đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nâng cao uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Nhiều cơ quan báo chí chủ lực đã xây dựng được các kênh thông tin đối ngoại chuyên biệt như: Ban Truyền hình đối ngoại VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam; Hệ Phát thanh đối ngoại quốc gia VOV5, Đài Tiếng nói Việt Nam; Kênh Truyền hình thông tấn, Thông tấn xã Việt Nam; Báo Nhân dân điện tử; Báo Quân đội nhân dân điện tử... Các kênh thông tin đã có nhiều nỗ lực ngày càng nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm thông tin đối ngoại, tăng thời lượng, nâng cao chất lượng các bản tin, chương trình bằng tiếng nước ngoài... Thông tin báo chí bằng tiếng nước ngoài đặc biệt đã hướng tới các địa bàn trọng điểm. Ví dụ, Báo Nhân dân điện tử thông tin bằng các các thứ tiếng Anh, Trung, Pháp, Nga; báo Quân đội nhân dân điện tử thông tin bằng tiếng Anh, Trung, Lào, Khmer; báo Ảnh Việt Nam bằng tiếng Anh, Trung, Lào, Tây Ban Nha, Hàn Quốc; Thời báo Kinh tế Việt Nam với ba ấn phẩm bằng tiếng Anh; VTV4 với các chương trình bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Nhật, Trung; VOV5 thông tin với 13 ngoại ngữ khác nhau... Các cơ quan báo chí trong nước đã thiết lập các kênh hợp tác, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về thông tin đối ngoại với các báo quốc tế có uy tín. Điển hình như Thông tấn xã Việt Nam đã tăng cường hợp tác với tổng số 40 hãng thông tấn, báo chí trong khu vực và trên thế giới. Một số cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình đang tiếp tục mở văn phòng đại diện ở nước ngoài trong thời gian tới. Hiện nay số văn phòng báo chí Việt Nam thường trú tại nước ngoài năm 2018 là 57 văn phòng, số lượng phóng viên Việt Nam thường trú tại nước ngoài năm 2018 là 148 người. Trong những năm qua, báo chí đối ngoại trong quá trình thực hiện vai trò nhiệm vụ của mình đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tuyên truyền, giới thiệu, nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam ra thế giới.
2. Báo chí đối ngoại góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam ra thế giới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thứ nhất, báo chí đối ngoại thông tin, tuyên truyền về sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân
Báo cáo chính trị của Đại hội XIII đã xác định: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân” [5; tr.117]. Đây là định hướng có tính đột phá khi hoạt động đối ngoại được cấu thành bởi ba trụ cột nhằm tạo ra sức mạnh mang tính toàn diện, hiện đại. Đồng nghĩa với đó, vai trò của hoạt động thông tin báo chí đối ngoại sẽ dựa vào sức mạnh tổng hợp của ba hoạt động của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân với sự đổi mới hiện đại và toàn diện. Báo chí đối ngoại đã thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền những hoạt động đối ngoại của cả ba hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Cụ thể:
Tuyên truyền hình ảnh Việt Nam qua kênh đối ngoại Đảng được báo chí đối ngoại thực hiện bằng thông tin thành tựu đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua hoạt động đối ngoại Đảng, nhất là của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong những chuyến viếng thăm, tiếp xúc, gặp gỡ song phương (giữa Đảng ta với các đảng) và đa phương (trong các lực lượng cộng sản, công nhân và diễn đàn của các chính đảng không phân biệt khuynh hướng và tư tưởng chính trị).
Báo chí đối ngoại thông tin tuyên truyền về ngoại giao Nhà nước là các hoạt động đa dạng của các cơ quan đối ngoại của Chính phủ, Quốc hội. Đối với Chính phủ, hoạt động thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động tuyên truyền hình ảnh quốc gia nói riêng do Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan liên quan. Do đó, hình thức và phương tiện của hoạt động thông tin đối ngoại của Chính phủ rất đa dạng như: hoạt động đối ngoại của lãnh đạo nhà nước, quan chức chính phủ; thông qua phát ngôn đối ngoại, xuất bản phẩm, các sự kiện tổ chức ở nước ngoài và Việt Nam...
Trong đối ngoại Nhân dân, hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam được báo chí đối ngoại thông tin đầy đủ các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và những tổ chức nhân dân ở Trung ương...
Báo chí đối ngoại đã góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho đối ngoại đa phương, làm cầu nối quan trọng đưa Việt Nam ra thế giới khi thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác, giúp dư luận nước ngoài hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đó có đường lối đối ngoại là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng thế giới. Báo chí đối ngoại quảng bá mạnh mẽ tiềm năng hợp tác, lợi thế của Việt Nam thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đa phương. Song song đó, báo chí đối ngoại đã chuyển tải thông tin về tình hình thế giới đến với người dân trong nước, giúp họ hiểu rõ hơn ý nghĩa, giá trị việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế đa phương, các công việc chung như tổ chức thành công các sự kiện đa phương mang tầm cỡ quốc tế và khu vực..., qua đó góp phần tạo dựng được sự đồng thuận của dư luận đối với chủ trương, chính sách, hoạt động đa phương của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Những kết quả này cũng được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng ở miền Trung nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 6%/năm và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới” [5, tr 263 - 264]. Trong bối cảnh đó, “các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân được triển khai tích cực trong điều kiện tăng cường hội nhập quốc tế, nhất là trong thời gian dịch bệnh COVID-19” [5, tr. 264]. Kết quả này đã làm “nổi bật lên những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội...”, đồng thời là sức mạnh mềm mà chúng ta đã tận dụng hữu hiệu, tạo sức lan tỏa với thế giới về một Việt Nam - điểm đến đầu tư, du lịch hấp dẫn, an toàn; khẳng định những kết quả đạt được thông qua “tổ chức tốt công tác thông tin đối ngoại tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới” [5, tr 117].
Thứ hai báo chí đối ngoại thông tin, tuyên truyền về nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Định hướng thứ tư trong phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII là “...xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đã bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” [5, tr 8]. Trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta xác định: “... Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới” [5, tr 48]. Theo đó, tuyên truyền văn hóa Việt Nam ra thế giới cần đưa ra các thông điệp vừa làm nổi bật được những nét đặc sắc của văn hóa của Việt Nam, trong đó có tính khác biệt với thông điệp của các quốc gia khác, vừa đảm bảo sự “hài hòa” với xu thế chung của nhân loại, đồng thời phải tác động đến tình cảm, đáp ứng được nhu cầu và thuyết phục đối tượng tiếp nhận. Báo chí đối ngoại cũng đã góp phần thông tin, tuyên truyền về nền văn hóa đậm đà bản sắc, hội nhập quốc tế rất hiệu quả. Bao gồm tăng cường giới thiệu, thông tin về nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bao gồm những thành tựu trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật...; giá trị đặc sắc của văn hóa vật thể và phi vật thể, phong tục tập quán truyền thống các địa phương, vùng miền... trên các kênh thông tin báo chí đối ngoại của các loại hình báo chí.
Hiện nay báo in, có khoảng 40 báo, tạp chí đối ngoại với trên 700 ấn phẩm như: Vietnam News, Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law and Legal Forum, Vietnam Economics Times, Saigon Times Daily, Thế giới &Việt Nam, Tạp chí Quê hương, Tạp chí Thông tin đối ngoại, Báo điện tử Tổ quốc, Tạp chí Cửa sổ Văn hóa...Hay đối với báo điện tử đối ngoại có lượng lớn truy cập từ nước ngoài VietnamPlus.vn của thông tấn xã Việt Nam đều có các chuyên mục chuyên biệt riêng như văn hóa, xã hội, du lịch để đăng tải các thông tin hình ảnh, video quảng bá, giới thiệu về thiên nhiên, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Không chỉ ở trên báo in, tạp chí, báo điện tử mà ở loại hình báo phát thanh, truyền hình cũng có rất nhiều cơ quan báo chí có những chương trình, chuyên mục quảng bá về văn hóa Việt Nam trên các kênh đối ngoại ví dụ như: Chương trình S - VietNam - một chương trình giới thiệu về du lịch vẻ đẹp đất nước, văn hóa con người Việt Nam trên kênh VTV4. Chương trình với đa dạng chủ đề như ẩm thực, lễ hội, khám phá lịch sử, sắc màu dân tộc, văn minh dân gian, biển hát...với mục đích giới thiệu vẻ đẹp của thiên nhiên, con người, văn hóa Việt Nam trên khắp dải đất hình chữ S. Với nội dung hấp dẫn sáng tạo chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất nhiều khán giả, trong đó có các khán giả là người nước ngoài quan tâm, tham gia trở thành nhân vật trải nghiệm. Chương trình cũng nhận được sự tương tác cao với hơn 250 nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội qua Fanpage “S - VietNam”. Năm 2022 kênh ra mắt chương trình mới “Hãy nói tiếng nói của người Việt trên thế giới”. Chương trình đã góp phần nâng cao năng lực tiếng Việt cho thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, sự năng động, nhạy bén trong công nghệ của các bạn trẻ sẽ góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra với bạn bè thế giới.
Đài tiếng nói Việt Nam- Đài phát thanh quốc gia ngoài kênh phát thanh đối ngoại VOV5 phát sóng 13 thứ tiếng thì còn có kênh truyền hình đối ngoại VTC10 với 26 mũ chương trình trong đó cũng một chương trình chuyên biệt phát sóng mang tên “Văn hóa Việt” truyền tải các thông tin, sự kiện, vấn đề về các nội dung như việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, cập nhật các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và bạn bè thế giới, phản ánh xu hướng hội nhập của Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa...Cũng trên kênh này, nhằm kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, gìn giữ, phát huy lan tỏa văn hóa truyền thống, nhà đài đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Việt Nam như cuộc thi “ Kiều bào thi hát dân ca” năm 2021. Năm 2022 lần đầu tiên VOV5 đã đưa âm nhạc Pháp vào phần thi phát sóng trực tiếp trên đa nền tảng, đây là chương trình sáng tạo sử dụng âm nhạc để chuyển tải, chia sẻ giao lưu ngôn ngữ, văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Pháp nhưng cũng nhận được sự quan tâm theo dõi của các thính giả quốc tế khác. Qua đó có thể khẳng định báo chí đối ngoại là nhịp cầu nối văn hóa Việt Nam và bạn bè quốc tế và ngược lại.
Thứ ba, báo chí đối ngoại đấu tranh chống xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, định hướng dư luận xã hội theo đúng hướng.
“Đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị” là một trong những nội dung trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng ta xác định trong Văn kiện Đại hội XIII. Văn kiện Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại… Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục” [5, tr 48].
Hoạt động tuyên truyền hình ảnh Việt Nam ra thế giới không thể tách rời với việc đấu tranh phản bác, chống các luận điểm xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam. Đây cũng chính là một trong những lĩnh vực quan trọng của công tác tư tưởng nói chung và công tác báo chí đối ngoại nói riêng. Có thể lấy một số ví dụ: Ngày càng có nhiều các chuyên mục, chuyên trang với những bài viết, chương trình phát sóng mang nội dung chuyên biệt phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, được các cơ quan báo chí tổ chức. Trong đó trên các kênh đối ngoại của báo chí có các chuyên mục chuyên mục đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của báo chí cả nước có hàng nghìn tác phẩm được đăng tải, phát sóng. Nội dung đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đưa thông tin đầy đủ trong chương trình thời sự quốc gia bao gồm cả VTV4 - Kênh truyền hình đối ngoại, kênh phát thanh VOV5 có phạm vi phủ sóng toàn thế giới. Ngoài ra trên báo đối ngoại như Vietnam News, báo điện tử của Chính Phủ cũng liên tục cập nhật minh bạch, chính xác những thông tin bài viết trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới. Gần đây nhất trên trang thông tin chính thức của Chính phủ có đăng tải toàn văn phát biểu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì phiên họp thứ 22 để kiểm điểm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022 vào ngày 17/8/2022 trong đó có đoạn như sau: “...Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả. Có thể nói chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua. Nhất là việc xử lý khẩn trương nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ dứt điểm giữa kỉ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với 2 trường hợp Ủy viên Trung ương là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng trong vụ Việt Á gần đây đã thể hiện nhất quán quan điểm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai” [3]. Việc đăng tải công khai minh bạch những nội dung như vậy trên các kênh báo chí đối ngoại góp phần khẳng định quan điểm nhất quán, đường lối chỉ đạo đúng đắn đi đôi với hành động của Đảng, Nhà nước, bảo vệ và nâng cao uy tín và hình ảnh của đất nước trên các diễn đàn đa phương. Đồng thời phản bác các luận điệu xuyên tạc thù địch về tình hình Việt Nam.
Hoặc như báo điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam- một trong những kênh thông tin đối ngoại quốc gia quan trọng cũng có rất nhiều tác phẩm, chuyên mục hay như chuyên mục RapNewsPlus, chuyên mục có tác phẩm đoạt giải nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại cho Bản tin nhạc rap Biển Đông với 12 ngôn ngữ (tiếng Việt, Anh, Trung, Nhật, Arab, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, Hàn, Bahasa-Malaysia và tiếng Nga). Đây là sản phẩm truyền thông độc đáo, mang tính chính trị, tính chuyên môn, tính định hướng đi cùng tính giải trí; tạo sức mạnh lan tỏa trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chuyên mục RapNewsPlus này của Vietnamplus đã được nhiều cơ quan báo chí trong nước và quốc tế chú ý, giới thiệu, như BBC, Guardian (Anh), VOA (Hoa Kỳ), Deustche Welle (Đức), Canal+ (Pháp), NHK (Nhật Bản)…
Trong bối cảnh dịch bệnh hay bình thường mới sau dịch Covid-19 Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch. Trong quá trình đó báo chí truyền thông nói chung và báo chí đối ngoại Việt Nam nói riêng đã làm rất tốt từ nội dung đến hình thức, phương thức thể hiện độc đáo để góp phần đưa hình ảnh về một Việt Nam nỗ lực kiên cường, đoàn kết, một lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trong nước. Kết quả của cuộc khảo sát do tổ chức Dalia Research, có trụ sở tại Berlin (Đức), tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, cho biết: Việt Nam có tỉ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới [2]. Uy tín của Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19 trong dịch, sau dịch và những thành tựu về kinh tế - xã hội hiện nay cũng là một minh chứng hùng hồn phản bác những luận điệu xuyên tạc, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, về mục tiêu, con đường mà Việt Nam đã lựa chọn. Đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Qua các ví dụ trên cho thấy việc đăng tải phủ sóng rộng rãi những thông tin cả trong nước và cộng đồng quốc tế của báo chí đối ngoại đã góp phần đáng kể vào cuộc đấu tranh ngăn chặn sự phá hoại tư tưởng nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, định hướng dư luận xã hội theo đúng hướng đối với Đảng, Chính Phủ, nhân dân Việt Nam.
3. Một số đề xuất khuyến nghị
Để tăng cường, phát huy tối đa nhiệm vụ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, các cơ quan báo chí thực hiện thông tin đối ngoại cần quan tâm đến những nội dung sau:
Thứ nhất, về nội dung: tiếp tục tích cực, chủ động kịp thời thông tin tuyên truyền về thành tựu của công cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam; các bài viết, chuyên mục có sức thuyết phục về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề môi trường phát triển bền vững... Ngoài ra có thể khuyến khích đầu tư, tổ chức các cuộc thi cho các sáng kiến, dự án nâng cao hiệu quả nội dung chương trình trong thông tin đối ngoại.
Thứ hai, về phương thức: báo chí đối ngoại cần tăng cường đa dạng hóa hình thức, phương tiện thông tin, tranh thủ tối đa các lực lượng truyền thông, ứng dụng truyền thông mới trên nền tảng internet trong đó có mạng xã hội, các hình thức thông tin đa phương tiện có tính tương tác cao. Ngoài ra, cần liên kết hiệu quả các mối quan hệ với các tập đoàn truyền thông, tập đoàn công nghệ trên thế giới để đưa nội dung lên các nền tảng mới như các ứng dụng mạng xã hội để tăng sự tiếp cận, tương tác, nhất là khán giả là người nước ngoài. Ví dụ như các kênh Postcad, App mobile, youtube, facebook, tiktok...
Thứ ba, về nguồn nhân lực: hiện nay lực lượng báo chí đối ngoại còn khiêm tốn. Bởi phóng viên đối ngoại ngoài yêu cầu nghiệp vụ phải có ngoại ngữ, đào tạo một phóng viên đối ngoại luôn cần sự đầu tư. Chính vì vậy các cơ quan báo chí cần tận dụng nội lực, kêu gọi ngoại lực để xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ, các phóng viên đối ngoại, đặc biệt là các chuyên gia viết bài đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch. Ngoài ra, để giữ được chất xám trong báo chí đối ngoại các cơ quan báo chí nói riêng và nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, thiết thực cùng với cơ sở vật chất tác nghiệp phù hợp. Công tác bổ sung, mở rộng phạm vi phóng viên, biên tập viên thường trú các khu vực trên thế giới cũng là vấn đề cần lưu ý khi mà lực lượng phóng viên thường trú Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang được đánh giá là khá mỏng.
Thứ tư, về hợp tác quốc tế: các cơ quan báo chí cần tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai các hoạt động báo chí đối ngoại như: mời phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin, viết bài, thuê khoán cộng tác viên nước ngoài làm phóng viên và biên tập tin phù hợp với các đối tượng; hợp tác với các cơ quan báo chí nước ngoài để xây dựng các bài viết, phóng sự quảng bá hình ảnh Việt Nam, bên cạnh đó chủ động tạo điều kiện tiếp xúc, giao lưu, hợp tác quốc tế, phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động báo chí đối ngoại.
Thứ năm, về tài chính: kêu gọi đầu tư, đổi mới và hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật cho cơ quan báo chí đối ngoại. Các cơ quan báo chí thông tin đối ngoại có thể đề xuất xin miễn thuế, giảm thuế đối với nguồn thu ngoài ngân sách để tái đầu tư cho nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thông tin đối ngoại.
KẾT LUẬN
Trong một thế giới đầy biến động với những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức đan xen, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định cho quá trình phát triển, Việt Nam đang có những bước chuyển tích cực trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Hình ảnh, vị thế và uy tín quốc gia của Việt Nam ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế. Niềm tin của cộng đồng quốc tế vào thể chế chính trị, năng lực quản trị quốc gia Việt Nam ngày càng vững chắc. Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với 224 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và khu vực, có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ [4]. Trên cơ sở đó, hình ảnh về một Việt Nam ổn định, đầy tiềm năng phát triển, tham gia kiến tạo hòa bình chung cùng thế giới càng cần được tiếp tục lan tỏa, quảng bá rộng rãi, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng. Cùng với sự lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác thông tin đối ngoại nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng cần nắm vững, bám sát đường lối chính sách của Đảng, trong đó tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại, xây dựng, nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam và giới thiệu rộng rãi ra thế giới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thông tin Đối ngoại (2020), Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và triển khai chương trình công tác năm 2021, Hà Nội.
[2]. Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế (2020), Nếu thực hiện đúng, nghiêm các chỉ đạo, chắc chắn chúng ta sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, truy cập ngày 18/8/2022 tại: https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/neu-thuc-hien-ung-nghiem-cac-chi-ao-chac-chan-chung-ta-se-kiem-soat-tot-dich-benh
[3]. Cổng thông tin điện tử Chính phủ (2022), Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới, truy cập ngày 17/08/2022 tại https://baochinhphu.vn/tiep-tuc-day-manh-cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-dap-ung-yeu-cau-ngay-cang-cao-cua-cach-mang-trong-giai-doan-moi-102220817174512713.htm.
[4]. Cổng thông tin điện tử Chính phủ (2021), Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, truy cập ngày 14/8/2022 tại: https://baochinhphu.vn/xay-dung-nen-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai-102305458.htm.
[5]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Ths. Nguyễn Thị Thanh Hải
Khoa Chính trị và Báo chi, ĐH Vinh
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024
- Kỹ năng khai thác tài liệu trong quá trình tự học của sinh viênKhoa Chính trị và Báo chí05/10/2024