Bàn thêm về văn hóa công sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam hiện nay.
. Nội dung văn hóa công vụ trong quan điểm của Hồ Chí Minh
Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu theo nghĩa rộng, là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do loài người sáng tạo ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sinh tồn. Người chỉ rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1).
Rõ ràng, hoạt động công vụ là mảnh đất để văn hóa nảy mầm và phát triển, các giá trị văn hóa trong công vụ sẽ định hình và tạo nên giá trị cốt lõi của nền công vụ. Văn hóa công vụ nằm trọn trong văn hóa chính trị, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhà nước. Hồ Chí Minh nói đến văn hóa công sở, văn hóa công vụ, đời sống mới ở công sở… trong nhiều bài nói, bài viết khác nhau. Nghiên cứu văn hóa công vụ trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nổi bật lên một số nội dung chính sau:
Một là, trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân
Ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76/SL ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Đây được coi là văn bản đầu tiên có nội dung về văn hóa công vụ. Lời nói đầu của Sắc lệnh đã nêu rõ nguyên tắc: Công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc. Điều 2 cũng quy định: Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đây không chỉ là nguyên tắc bất biến, mà còn là chuẩn mực của văn hóa công vụ. Trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân là điều cốt lõi trong văn hóa công vụ.
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý cán bộ trong hệ thống chính quyền các cấp: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”(2). Trong văn hóa công vụ, người công chức phải ý thức được trách nhiệm vẻ vang của mình là “đày tớ” cho nhân dân, gánh vác sứ mệnh cao cả là phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân”(3). Muốn vậy, hình thành nét văn hóa tận tụy phục vụ nhân dân là trách nhiệm cao cả của người cán bộ.
Hai là, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc
Cán bộ, công chức cần ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với công việc. Đảng, Chính phủ và nhân dân đã tin tưởng giao phó thì phải cố hết sức hoàn thành tốt công việc. Trên báo Nhân dân số 36, ra ngày 13/12/1951, với bút danh C.B, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”(4). Tinh thần trách nhiệm được hiểu “Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công”(5). Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, người cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo, vượt mọi khó khăn, gian khổ để có kết quả cao nhất. Phải ý thức được công việc của mình là phục vụ nhân dân, phục vụ dân là vẻ vang nhất nên cần trách nhiệm. Người làm việc cẩu thả, chậm chạp, làm cho có lệ, chọn việc dễ, bỏ việc khó, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm, có tội với Chính phủ, với nhân dân.
Một điều cần tránh trong văn hóa công vụ, là sự suy bì hơn kém trong công việc. Hồ Chí Minh nhận ra vấn đề này từ rất sớm đối với cán bộ, đảng viên. Trong công vụ, việc tị nạnh, hơn kém là điều dễ xảy ra. “Bệnh suy bì” trái ngược với tinh thần trách nhiệm, “suy bì” là phản văn hóa, là “kẻ thù” của đạo đức cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh phê bình thẳng thắn vấn đề này: “Đầu óc tư tưởng người đảng viên là đưa hết tinh thần, lực lượng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Thế nhưng, một nửa phục vụ nhân dân, một nửa lại suy tỵ, như thế là chưa toàn tâm, toàn lực, là chưa xứng đáng tư cách của người đảng viên”(6).
Ba là, gương mẫu, tự giác nêu gương trong công việc
Một nét văn hóa công vụ đặc sắc mà Hồ Chí Minh nhắc đến là gương mẫu và nêu gương sáng. Khi nói về đời sống mới trong công sở, Người khẳng định: “những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước”(7). Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên nêu cao tấm gương sáng để đồng nghiệp, nhân dân học tập và tự bản thân Người đã nêu một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tinh thần, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(8), người cán bộ, công chức muốn dân tin, dân theo, dân ủng hộ thì phải làm tấm gương cho quần chúng noi theo.
Gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao là bổn phận và trách nhiệm của người cán bộ công chức, là nét đẹp văn hóa trong công sở. Mỗi công chức làm tốt nhiệm vụ của mình, gương mẫu nêu gương sẽ có sức lan tỏa tạo thành chuẩn mực văn hóa công vụ. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(9).
Bốn là, công tâm, khách quan trong công việc, không “tự tư tự lợi”, đề cao “liêm”, “chính” trong công vụ, giữ vững những chuẩn mực đạo đức cách mạng
Một điểm đặc biệt trong văn hóa công vụ mà Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến trong các bài nói, bài viết, đó là người cán bộ phải công tâm, khách quan trong công việc, tránh coi việc nhà to hơn việc nước. Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng sáng tạo những chuẩn mực của Nho giáo làm tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Một nền công vụ mà ở đó, cán bộ công tâm, khách quan, luôn đề cao “liêm”, “chính” sẽ mang đến những hiệu quả tích cực, góp phần phòng ngừa những tiêu cực trong Nhà nước, đồng thời tăng thêm niềm tin của người dân về hệ thống chính quyền. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”(10).
Công tâm, khách quan, không tự tư tự lợi, đề cao “liêm”, “chính” là những chuẩn mực đạo đức của mỗi cán bộ. Trong công vụ, những chuẩn mực đạo đức này là hạt nhân của văn hóa công vụ. Ngược lại, văn hóa công vụ là biểu hiện ra bên ngoài của đạo đức công vụ. Trong các hoạt động thực thi công vụ, văn hóa công vụ phụ thuộc rất lớn vào đạo đức công vụ, được hình thành trên cơ sở đạo đức công vụ. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(11). Bởi vậy, người cán bộ khi thi hành công vụ, phải đặt những chuẩn mực đạo đức lên hàng đầu, đó là “trung với nước, hiếu với dân”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đối với người thực thi công vụ, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(12).
Năm là, thân ái, đoàn kết chặt chẽ với đồng sự, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ
Theo Hồ Chí Minh, đồng sự cần thân ái, đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Trong Thư gửi các nhân viên cơ quan Chính phủ (ngày 16/6/1947), Người nhắn nhủ: “Đối với đồng sự, phải đoàn kết chặt chẽ, khuyên nhau, giúp nhau”(13). Trong nhiều tác phẩm, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ. Rõ ràng, trong mối quan hệ với đồng nghiệp, vì lợi ích chung, vì mục tiêu chung của tập thể mà các cá nhân phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện mình để gắn bó, giúp đỡ nhau. Đó chính là nhằm xây dựng tổ chức, đơn vị vững mạnh, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng. Bởi thế, có thể thấy, “thân ái giúp đỡ”, “đoàn kết chặt chẽ” là phương châm ứng xử của mỗi cá nhân trong quan hệ với đồng sự, là nét đặc sắc trong văn hóa công vụ với tình cảm giai cấp, tình cảm cách mạng và là tình đồng chí thiêng liêng, cao cả.
Cùng thực thi công vụ, đồng sự với nhau cần đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ như tay với chân, thì công việc mới hoàn thành được. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với đồng chí mình phải thế nào? Thân ái với nhau, nhưng không che đậy những điều dở. Học cái hay, sửa chữa cái dở. Không nên tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không nên ghen ghét đố kỵ và khinh kẻ không bằng mình. Bỏ lối hiếu danh, hiếu vị”(14). Cùng làm việc trong một tập thể mà không đoàn kết, luôn tìm cách đối phó, dò xét nhau sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, làm cho tập thể không có sức chiến đấu, tạo nên phản văn hóa trong công sở. Tuy nhiên, thân ái, đoàn kết cũng không phải là bao che khuyết điểm cho đồng nghiệp, mà để giúp đỡ nhau cùng sửa chữa khuyết điểm và cùng tiến bộ.
2. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh xây dựng văn hóa công vụ ở Việt Nam hiện nay
Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định trọng tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030 đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại về “kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm”; “chất lượng đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, thậm chí còn yếu”; “một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức và người dân chưa làm hết trách nhiệm, còn có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực”(15). Trong các nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên, có phần đến từ văn hóa công vụ. Trong một bộ phận cán bộ, công chức, vẫn tồn tại thói quen, lề lối làm việc chậm đổi mới, tạo nên cung cách làm việc chưa phù hợp nơi công sở. Một số yếu tố hạn chế vẫn tiếp tục hiện diện và truyền từ lớp cán bộ trước đến lớp cán bộ sau. Rõ ràng, những mặt chưa tốt của văn hóa công vụ ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả, hiệu lực của nền công vụ nước ta. Có thể kể đến một số hạn chế của nền công vụ nước ta hiện nay như sau:
Thứ nhất, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa công vụ. Tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, làm giảm niềm tin của nhân dân với cơ quan nhà nước, giảm hiệu quả công việc, cản trở sự phát triển của nền công vụ...
Thứ hai, nguy cơ xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động công vụ; cùng với đó là tính trì trệ, bảo thủ trong tiếp thu cái mới; phong cách làm việc còn quan liêu, vẫn giữ những thói quen và truyền thống lạc hậu.
Thứ ba, nhiều điểm yếu trong văn hóa lãnh đạo, quản lý; tính đoàn kết, sự tương thân, tương ái, giúp đỡ, đoàn kết trong công vụ còn yếu; tinh thần tự quản, tự giác, trách nhiệm của một số công chức, viên chức còn thấp, tính ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm trong công tác, thiếu nhiệt tình, nhiệt huyết trong công việc.
Thứ tư, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về phẩm chất và năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức đi làm muộn, trang phục không phù hợp khi đến công sở, tác phong làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức trách nhiệm trong công việc được giao vẫn còn diễn ra ở một số nơi.
Ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Đề án xác định mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14/6/2019 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025, nhằm nâng cao đạo đức công vụ, nói không với tiêu cực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác để gắn bó với nhân dân hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Quan điểm của Hồ Chí Minh về văn hóa công vụ vẫn luôn vẹn nguyên giá trị, là kim chỉ nam soi đường, dẫn lối cho toàn hệ thống chính trị xây dựng một nền công vụ có tính văn hóa, tính nhân văn, thực sự là của dân, do dân, vì dân. Hiện nay, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa công vụ, cần thực hiện đồng bộ, có hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/05/2021 của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bên cạnh đó, nghiêm túc thực hiện, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó chú ý cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Thực hiện sâu, rộng có hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ do Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018. Đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở; nhân rộng các mô hình tiêu biểu và cách làm hay trong thực thi công vụ và xây dựng văn hóa công vụ; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức giao lưu, chia sẻ những giải pháp, cách làm hiệu quả trong triển khai nhiệm vụ.
Hai là, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về văn hóa công vụ; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện bộ quy tắc văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong công vụ; nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về tinh thần, trách nhiệm, thái độ trong công việc. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ, công chức, viên chức; đề cao đạo đức công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có uy tín, có chuyên môn giỏi, thông thạo nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn gần dân, biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần hình thành nền nếp tận tâm, tận lực, có ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao. Hiểu rõ vị trí, vai trò của mình trong mối quan hệ đối với nhân dân, xứng đáng là “đày tớ” của dân, vì dân mà phục vụ theo như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Ba là, tăng cường, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng văn hóa công vụ, chú trọng sự gương mẫu của người đứng đầu. Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, người đứng đầu đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, người đứng đầu mà không “chính” thì không đủ sức lãnh đạo. Muốn vậy, cần triển khai thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đề cao vai trò của người đứng đầu trong văn hóa công vụ, bao gồm xây dựng tác phong, lề lối, phong cách làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng và rèn luyện đạo đức công vụ nhằm xây dựng một nền công vụ mang tính văn hóa, nhân văn cao. Điều này cũng góp phần xây dựng Chính phủ kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Bốn là, xây dựng văn hóa công vụ phải chú ý kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là tính nhân văn, trọng dân, thân dân, thương dân lấy dân là gốc; đề cao tinh thần độc lập, tự lực, tự cường; phát huy các truyền thống trọng dụng hiền tài, “Phải có gan cất nhắc cán bộ”(16); thượng tôn pháp luật, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý, khoan dung, độ lượng, vị tha; một nền công vụ xây dựng trên những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Tất cả những giá trị tốt đẹp đó cần được kế thừa hợp thành một nền công vụ nhân đạo, nhân văn, tất cả vì con người. Đồng thời, phải kiên quyết loại bỏ những truyền thống và thói quen lạc hậu, những yếu tố phản văn hóa gây hại đến nền công vụ của ta, như tư tưởng cục bộ, bè phái; các thói hư, tật xấu trong công vụ; những tiêu cực trong nhà nước… Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công luận giải những thứ “bệnh” này, nguồn gốc của nó đều từ chủ nghĩa cá nhân mà ra, “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”(17). Bởi vậy, xây dựng văn hóa công vụ cũng phải đi đôi với chống chủ nghĩa cá nhân và những yếu tố phản văn hóa trong công vụ.
Năm là, nghiên cứu, đề xuất, bổ sung và hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động ở đơn vị cơ sở, tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(18). Mỗi cơ quan, đơn vị cần ban hành các quy định, nội quy, quy chế làm việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng nền văn hóa công vụ và thiết chế những công cụ mạnh mẽ ngăn ngừa vi phạm về văn hóa công vụ. Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về việc thực hiện văn hóa công vụ, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật. Có chính sách khen thưởng, biểu dương những cán bộ, công chức, viên chức có thành tích cao, gương mẫu trong thực hiện văn hóa công vụ.
Trên cơ sở kế thừa những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy tinh hoa văn hóa của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền công vụ Việt Nam nói chung và văn hóa công vụ nói riêng. Học tập và làm theo quan điểm của Người, chúng ta cần hiểu rõ, cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Giá trị cao quý nhất của văn hóa công vụ là khi văn hóa công vụ đó thực sự xuất phát từ nhân dân, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân là cao nhất, tất cả đều vì nhân dân.
-------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.458
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Sđd, tr.64 - 65
(3), (7), (10), (12), (13), (14) và (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Sđd, tr.122, 122, 123, 122, 176, 68 và 321
(4) và (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.7, Sđd, tr.249 và 248
(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.10, Sđd, tr.617
(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1, Sđd, tr.284
(9) và (18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.15, Sđd, tr.672 và 325
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Sđd, tr.16
(15) Theo: Báo cáo số 128/BC-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 - 2030
(17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.11, Sđd, tr.611
TS. Trương Thị Phương Thảo - Ths. Hà Tiến Linh
ĐH Vinh - Học viện ANND
- Chung kết giải bóng đá Kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Luật Trường Đại học Vinh (2009-2024)Khoa Luật học15/11/2024
- Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chínhKhoa Chính trị và Báo chí13/11/2024
- Khoa Chính trị và Báo chí tổ chức và tham dự thao giảng cấp khoa của TS. Nguyễn Thị Lê VinhKhoa Chính trị và Báo chí31/10/2024
- Giải bóng đá nam nữ khoa Chính trị và báo chí năm 2024Khoa Chính trị và Báo chí24/10/2024
- Lễ Phát Động Giải Chạy Dành Cho HSSV S-Race 2024Đoàn thanh niên18/10/2024
- Thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ năm 2024Đào tạo15/10/2024
- Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường KHXH&NV nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên13/10/2024
- Chào mừng Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn nhiệm kỳ 2024 - 2027Đoàn thanh niên10/10/2024